CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN

Chúa trao cho ta mỗi người một sứ mệnh

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Gr 20:7-9;  Rm 12:1-2;  Mt 16:21-27)

          Thiên Chúa Cha đã mặc khải cho ông Phê-rô biết Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.  Nhưng Chúa Giê-su ngăn cấm các tông đồ không được nói cho ai biết danh hiệu ấy cho đến khi Người hoàn tất sứ mệnh.  Vậy sứ mệnh của Đấng Ki-tô là gì?  Bài đọc 1 và bài Tin Mừng hôm nay soi sáng cho chúng ta hiểu rõ sứ mệnh ấy.  Đồng thời thánh Phao-lô khuyên nhủ chúng ta hãy noi gương Chúa Giê-su mà hiến dâng thân mình để thi hành ý Thiên Chúa, tức là làm trọn sứ mệnh Chúa trao cho mỗi người chúng ta.

          Trước hết chúng ta tìm hiểu một chút về sứ mệnh của ngôn sứ Giê-rê-mi-a, một tiền ảnh của sứ mệnh Chúa Giê-su.  Một thế kỷ sau khi ngôn sứ I-sai-a chết thì xuất hiện một vị đại ngôn sứ khác là Giê-rê-mi-a.  Khi ấy vương quốc miền bắc Ít-ra-en đã tiêu vong, chỉ còn lại vương quốc Giu-đa miền nam đang suy đồi về mọi phương diện.  Nhiều trường hợp, đức tin không còn, luân lý xuống dốc, việc thờ phượng chịu ảnh hưởng ngoại giáo nên ít nhiều mang tính ma thuật.  Trong bối cảnh ấy, ngôn sứ Giê-rê-mi-a không tin rằng Dân Thiên Chúa có thể trở lại và họ sẽ phải trải qua một cuộc khủng hoảng khủng khiếp.  Vì chống lại chủ trương phải thờ phượng ở nơi này nơi kia và vì tiên báo đền thánh Giê-ru-sa-lem sẽ bị tàn phá, nên Giê-rê-mi-a bị các tư tế và đồng nghiệp bách hại.  Ngài còn bị kết án vì chúc dữ cho dân, thậm chí còn bị lên án là đồng lõa với kẻ thù.  Làm sao Giê-rê-mi-a có thể trải qua được những thử thách ghê gớm ấy?  Đó là vì ngôn sứ đã trung thành và luôn giữ lời Thiên Chúa trong tâm hồn “như ngọn lửa bừng cháy trong tim”.  Ngài tâm nguyện:  Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục.

          Trường hợp của Chúa Giê-su cũng không sáng sủa hơn ngôn sứ Giê-rê-mi-a.  Sứ mệnh Đấng Ki-tô không phải là một địa vị cao sang trần thế và con đường sứ mệnh của Người không trải thảm đỏ mà là đường thập giá.  Như Người đã “bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết”, Người sẽ phải chịu cuộc Thương khó và bị giết chết do giới lãnh đạo Do-thái giáo và đại diện đế quốc Rô-ma.  Đây là điều không thể xảy ra theo cách hiểu thông thường:  đối với các môn đệ nó đi ngược lại ước vọng của các ông; còn đối với Chúa Giê-su, Người là Đấng giảng dạy với uy quyền và có thể làm bất cứ thứ phép lạ nào, nên Người không để mình chịu chết ô nhục một cách thụ động như vậy được.  Vì thế, theo lối suy nghĩ của loài người, ông Phê-rô lên tiếng tha thiết can gián Chúa Giê-su:  “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”  Chúa phản ứng mãnh liệt.  Phê-rô không ngờ “ý tốt” của mình làm Thầy giận dữ như vậy.  Ông Phê-rô ơi, ý tốt là một chuyện, còn vô tình hay hữu ý trở thành một loại cám dỗ cho Chúa Giê-su lại là chuyện khác!  Cám dỗ nó tinh vi như vậy đấy!  Cho nên Thầy có nặng lời quở trách ông cũng không oan uổng đâu.  Sứ mệnh của Chúa không thể thay đổi do lời đường mật của Xa-tan rót vào tai Người qua lời can gián “đạo đức” của ông.  Người đã cương quyết trung thành với sứ mệnh, thà chết chứ không phản bội thánh ý của Cha Người.  Gương của Chúa và lời quở trách chắc chắn đã nhắc nhở Phê-rô sau này phải trung thành với sứ mệnh Tảng Đá Chúa mới trao ban cho ông.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Giê-rê-mi-a được Thiên Chúa trao cho sứ mệnh ngôn sứ.  Chúa Giê-su được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian với sứ mệnh rao giảng Tin Mừng, chết và sống lại để cứu độ nhân loại.  Mỗi người chúng ta cũng được trao một sứ mệnh:  sứ mệnh giáo dân, sứ mệnh linh mục tu sĩ, sứ mệnh làm vợ chồng, cha mẹ, con cái… Để giúp chúng ta chu toàn sứ mệnh, thánh Phao-lô đề nghị với chúng ta vài điều.  Thứ nhất, “anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa”, nghĩa là chúng ta phải hoàn toàn quảng đại với Chúa và anh chị em.  Trở nên “của lễ” là trở nên giống Chúa Ki-tô, Đấng dâng mình cho Thiên Chúa làm hiến lễ đền tội nhân loại và là chấp nhận mọi hy sinh để phục vụ Chúa và anh chị em.  Thứ hai, “hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa:  cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo”.        Thánh ý Chúa thật rõ ràng:  chúng ta hãy làm bất cứ điều gì là tốt, hoàn hảo và đẹp lòng Người.  Do đó, khi thi hành sứ mệnh trong bậc sống của mình, chúng ta cứ làm những điều đó là đủ rồi!

            Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A