CHÚA NHẬT 26
THƯỜNG NIÊN
Ki-tô Hữu Cần
Phải Thay Đổi Não Trạng
Lắng nghe sứ điệp
Lời Chúa (Ed 18:25-28; Pl 2:1-11;
Mt 21:28-32)
Chúa muốn
chúng ta nhận ra sự khác biệt giữa đường lối của chúng ta với đường lối của Người. Nhận ra là để thay đổi lối sống và cách suy
nghĩ sao cho phù hợp với đường lối và tử tưởng của Chúa. Sau Công Đồng Vatican II, ngày 17 tháng 2
năm1966, Đức Thánh Cha Phaolô VI ban hành Tông hiến Paenitemini để thay đổi luật lệ khắt khe về việc ăn chay. Thay vào đó, ngài nhấn mạnh đến việc sám hối
như cuộc thay đổi não trạng (metanoia),
từ não trạng thế gian sang não trạng của Thiên Chúa, để có thể sống theo đường
lối của Thiên Chúa. Phụng vụ Lời Chúa
hôm nay trình bày sự thay đổi ấy.
Qua
ngôn sứ Ê-dê-ki-en, Thiên Chúa đã thẳng thắn cho Ít-ra-en dân Người biết rằng họ
đang đi theo con đường bất chính. Hậu quả
sẽ là ngay kẻ công chính mà bỏ đường công chính cũng sẽ phải chết. Trái lại, kẻ bất chính biết bỏ đường gian ác
của mình để trở về với Chúa thì sẽ được sống.
Dĩ nhiên sống và chết ở đây là sống và chết đời đời. Lời cảnh báo rõ ràng này chắc đã đánh động
tâm hồn nhiều người Ít-ra-en, khiến họ phải nhìn lại đời sống của mình, để xem
những suy nghĩ, hành động và cách đối xử với anh chị em có phù hợp với những điều
răn Chúa đã ban cho họ không. Ê-dê-ki-en
còn đưa ra những đề nghị cụ thể giúp dân chúng trở về con đường công chính của
Thiên Chúa. Ngài bảo họ: “Hãy tạo cho mình một trái tim
mới và một thần khí mới” (18:31). Trái tim và thần
khí là biểu tượng của sự sống mới Thiên Chúa ban cho chúng ta, nếu chúng ta chấp
nhận thay tim đổi óc. Mang lấy trái tim
của Thiên Chúa để yêu thương như Chúa yêu thương và đón nhận não trạng của Chúa
Giê-su để sống và phục vụ như con yêu dấu của Thiên Chúa. “Hãy trở lại và hãy sống”, đó là sứ điệp
Ê-dê-ki-en chuyển tải cho Ít-ra-en và cho chúng ta nữa.
Nhưng
đâu là bản mẫu để chúng ta căn cứ vào đó mà thay đổi não trạng? Trong đoạn thư gửi tín hữu Phi-líp-phê, thánh
Phao-lô giới thiệu với chúng ta một bản mẫu (blueprint) là Chúa Giê-su, để
chúng ta theo đó mà “trở nên đồng hình đồng dạng với Người”. Thánh Phao-lô mô tả một cuộc thay đổi kỳ lạ của
Chúa Giê-su: từ ngôi vị Thiên Chúa xuống
thân phận nô lệ chết tủi nhục trên thập giá.
Diễn trình “trút bỏ vinh quang” của Chúa Giê-su cốt để nói lên đức khiêm
nhường thẳm sâu của Người. Chúa xuống đến
tận cùng như vậy cốt để đánh bại kẻ thù tội lỗi của nhân loại là sự kiêu căng, tức
não trạng của con người, rồi thay thế bằng não trạng mới là đức khiêm nhường. Nhờ hành vi khiêm nhường khi Người “được
giương cao” trên thập giá, Người sẽ đem chúng ta lên với Thiên Chúa Cha!
(Gio-an 12:32). Chúng ta đừng nghĩ việc
thay đổi để nên giống với Chúa Ki-tô sẽ xảy ra trong một sáng một chiều. Không đâu! Chính Phao-lô sau cuộc trở lại trên đường đi
Đa-mát, cũng đã mất hết cả cuộc đời mình để cố gắng trở nên đồng hình đồng dạng
với Chúa Ki-tô.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Sám hối
là thay đổi não trạng, là mang lấy những tâm tình của Chúa Giê-su, là quay lưng
lại với tội lỗi và hướng mặt về Chúa.
Câu chuyện dụ ngôn Chúa kể trong bài Tin Mừng là điển hình cho việc sám
hối. Trong hai người con được cha sai đi
làm vườn nho, người con thứ nhất từ chối lúc đầu, nhưng sau đó đã hối hận nên đổi
ý và đi làm theo ý cha. Trái lại, người
con thứ hai vâng vâng dạ dạ, nhưng rồi anh không đi làm vườn nho theo ý
cha. Chúa không ngần ngại áp dụng câu
chuyện vào ngay trường hợp của các thượng tế và kỳ mục. Người nặng lời với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào
Nước Thiên Chúa trước các ông”. Tại
sao? Vì họ đã thay đổi lối sống và não
trạng khi nghe ông Gio-an Tẩy Giả rao giảng đường lối Thiên Chúa và kêu gọi họ
hãy sám hối. Còn các thượng tế và kỳ mục
thì vỗ ngực coi mình là thánh thiện, không cần sám hối, nên họ không tin lời giảng
của ông Gio-an.
Đời sống
Ki-tô hữu là một cuộc sám hối liên tục và kéo dài đến hơi thở cuối cùng. Để thay đổi một nết xấu và tập một nhân đức,
chúng ta phải kiên trì và kiểm thảo thường xuyên, nếu không nói là mỗi tối trước
khi đi ngủ. Mỗi ngày chúng ta hãy soi
mình trong chiếc gương lương tâm để nhận ra mình đã nên giống Chúa Ki-tô như thế
nào.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi