CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN, NĂM A
CỐT LÕI CỦA LUẬT LÀ LÒNG MẾN
(Xh 22,21- 27; 1Tx
1,5c- 10; Mt 22,34- 40)
Khi nói về tình yêu, hẳn
đã có quá nhiều người biết và định nghĩa về chúng. Tuy nhiên, khi sống căn tính
về tình yêu, thì có lẽ không mấy người đạt được! Đôi khi còn hiểu sai hay hành
động lệch lạc hoặc phiến diện. Vì thế, sự cao quý của nó đôi khi bị mất ý
nghĩa...!
Tin Mừng hôm nay được
Đức Giêsu nói đến một thứ tình yêu hoàn hảo và phong phú. Hoàn hảo là vì khi
yêu mến Chúa trên hết mọi sự, thì chúng ta sẽ được kín múc nguồn lực để yêu mến
tất cả mọi người không trừ ai. Phong phú vì: “Giới hạn của tình yêu là không có giới hạn nào” (thánh
Augustinô). Thật thế, mến Chúa và yêu người là hai mặt nhưng chỉ có một
tình yêu. Vì thế, nó không thể tách rời nhau, mà là hòa quyện lại với nhau để
làm nên điều thiện hảo.
Những người Biệt Phái
vốn đã có sẵn sự hiềm khích với Đức Giêsu. Có lẽ, với người Biệt Phái, họ không
mong muốn gì hơn là việc loại bỏ Đức Giêsu càng sớm càng tốt cho đỡ ngang tai
trái mắt, bởi vì Đức Giêsu chẳng khác gì cái đó ngáng chỗ của họ. Vì Ngài, mà những
người này đã phải mất ăn mất ngủ để tìm ra những mưu kế nhằm gài bẫy Đức Giêsu.
Hôm nay, vẫn nằm trong
ý định đó, nên họ đã nhất trí với nhau là đề cử một người đại diện để đứng lên
hỏi Đức Giêsu về điều răn nào là trọng nhất trong Sách Luật. Đây là câu hỏi
khó, không dễ trả lời!
Tại sao họ lại hỏi câu
nói đó? Thưa vì trong Sách Luật Môsê có tới 613 điều luật, được chia thành 248
điều phải làm và 365 điều phải tránh. Tuy nhiên, ngay trong các nhóm của
họ cũng bất đồng với nhau: mỗi nhóm thích giữ một điều luật và cho điều luật ấy
là quan trọng hơn cả. Như vậy, nếu Đức Giêsu nói điều này hơn điều kia, thì hẳn
Ngài sẽ làm phật lòng các nhóm còn lại, và như thế, không có lợi gì cho Ngài.
Tuy nhiên, lại một lần
nữa, Đức Giêsu đã làm cho mục đích của họ bại lộ và phải câm miệng như nhóm Sađốc.
Ngài nói: "Ngươi phải yêu mến Ðức
Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn
ngươi. Ðó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ
hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính
mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy".
(Mt 22,37-40).
Khi nói "Điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy",
Đức Giêsu muốn dạy cho họ một chân lý rằng: mến Chúa thì phải yêu thương anh chị
em mình. Hai điều răn này luôn gắn liền với nhau. Kẻ nào mến Chúa mà không yêu
người thì mâu thuẫn, hay yêu người mà không mến Chúa cũng chẳng khác gì “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Thánh Gioan cũng nói trong
thư của ngài như sau: "Nếu ai nói:
‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai
không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên
Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4, 20).
Qua câu trả lời của Đức
Giêsu, chúng ta thấy có sự mới mẻ và phổ quát, không hàm hồ mà thực tế. Bởi lẽ,
câu trả lời này đều được rút ra từ chính trong sách Luật Môsê và nó có sự liên
đới với nhau mật thiết đến độ không thể bỏ một lấy một hay coi trọng điều này
mà giảm khinh điều kia.
Thật vậy, tình yêu thương là
quan trọng. Thiếu đi tình yêu thương, chúng ta đánh mất đi cốt lõi của luật. Vì
thế, thánh Phaolô cũng quả quyết: “Hiện
nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức
mến” (1 Cr 13, 13).
Như vậy, chúng ta đã
nhận ra điều quan trọng trong toàn bộ Lề Luật, đó là lòng mến. Lòng mến này được
thể hiện qua đức ái. Nếu không có đức ái, thì tình yêu của chúng ta sẽ chẳng
khác gì một sự lừa bịp. Hay như trò “khua
chiêng gõ mõ”.
Khi nói về vấn đề này,
thánh Phaolô đã giải thích như sau: "Dầu
tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ [...] Dầu tôi được ơn nói
tiên tri, cùng biết đủ các sự mầu nhiệm, và mọi sự hay biết; dầu tôi có cả đức
tin đến nỗi dời núi được,[...] Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo
khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều
đó chẳng ích chi cho tôi" (x. 1 Cr 13,1-3).
Như vậy, đối với chúng ta,
những người Công Giáo, dấu chỉ để nhận biết chúng ta có yêu Chúa thật lòng hay
không lại phụ thuộc vào tình yêu của chúng ta dành cho tha nhân. Và để nhận
biết được tình yêu đó lớn hay nhỏ lại phụ thuộc vào đức ái được đặt để trong
tình yêu. Thật vậy: “Ðức mến tha thứ tất
cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,7).
Khi yêu thương anh chị em
mình cách chân thành, đấy là dấu chỉ chúng ta đang thuộc về Chúa, vì: "Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong
tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy" (1
Ga 4,16), còn nếu: "Ai không
yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu" (1
Ga 4,8).
Nói cách khác, chúng
ta biết yêu và có động lực để yêu là vì chúng ta được Thiên Chúa yêu thương trước:
"Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người
vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta" (Rm
5,5).
Như vậy, ta
cũng có thể hiểu tình yêu được khơi nguồn từ chính Thiên Chúa, và ai
có được tình yêu với tha nhân thì đã hội ngộ cùng Thiên Chúa và đã ở
trong Ngài.
Cả cuộc đời của Đức
Giêsu là hiện thân của một cuộc tình giữa Thiên Chúa và loài người. Cuộc tình
đó, Đức Giêsu là người đi bước trước để đến với loài người. Tình yêu của Ngài
là một tình yêu hướng tha.
Khi khai mở một cuộc tình như
thế, Đức Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta hãy đi trên lộ trình của cuộc tình
như Ngài là chấp nhận hy sinh, phục vụ và hiến thân vì người mình yêu. Bởi vì: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương
của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15,13).
Ngày nay, có rất nhiều
người lầm tưởng và nghĩ rằng: muốn nên thánh thì phải làm được những chuyện lớn
lao, vĩ đại, siêu quần bạt chúng; hay phải là một người đạo đức trổi vượt, ăn
chay quanh năm suốt tháng, sáng lễ, chiều kinh, tối chầu; rồi luôn tham gia hết
hội đoàn này đến hội đoàn kia; hoặc ở đâu có hành hương là đầu tư tiền bạc để
đi cho kỳ được... Những việc làm này thật đáng ca ngợi, bởi vì một cách nào đó
thể hiện sự anh hùng, trung thành, tin tưởng... Tuy nhiên, đây không phải là cốt
lõi của Đạo, và đây cũng chưa hẳn là bản chất của sự thánh thiện...!
Thật vậy, sự thánh thiện
không hệ tại ở việc tuân giữ Giới Luật của Chúa bề ngoài. Bề ngoài thực sự chỉ
có giá trị khi nó được thúc đẩy bởi lòng mến mà thôi. Nếu có lòng yêu mến Chúa
và yêu thương anh chị em thực sự thì những việc ta làm ở trên mới có giá trị, bằng
không nó sẽ vô nghĩa nếu không muốn nói là sẽ nguy hại cho linh hồn, vì: chúng
ta sẽ dễ rơi vào tình trạng như những người Biệt Phái, Luật Sĩ sống hình thức,
giả hình bên ngoài.
Thiên Chúa sẽ không
căn cứ vào chuyện ta làm được nhiều hay ít; đọc nhiều kinh; cầu nguyện lâu giờ
cũng như đi hết nơi này nơi kia..., nhưng, Chúa sẽ dựa trên tình yêu ta đặt vào
đó nhiều hay ít mà trọng thưởng chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin
cho chúng con hiểu được rằng: mọi sự sẽ vô nghĩa nếu không có tình yêu. Xin
Chúa ban cho chúng con luôn luôn lấy tình yêu làm căn cốt, để chúng con được ở
trong tình yêu của Thiên Chúa. Amen.