CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN, NĂM A
LỄ KỶ NIỆM CUNG HIẾN ĐỀN THỜ LATÊRANÔ
TRỞ NÊN ĐỀN THỜ SỐNG ĐỘNG CHO THIÊN CHÚA NGỰ
(Ed 47, 1-2. 8-9. 12; 1 Cr 3, 9-11. 16-17; Ga 2, 13-22)
Hôm nay, cùng với Giáo
Hội Hội hoàn vũ mừng kính lễ Cung Hiến Đền Thờ Latêranô. Thánh lễ này được thiết
lập để tạ ơn Chúa vì những ơn lành Người đã ban cho Giáo Hội. Qua việc cung hiến
này, ngoài việc hiến dâng cho Thiên Chúa, Giáo Hội còn muốn đánh dấu thời điểm
mà những cuộc bách hại đạo tàn ác do hoàng đế gây ra cho các tín hữu dân thành
Rôma đã kết thúc. Đồng thời cũng khai mở một thời đại mới, thời đại của tự do,
tình thương, tha thứ và liên đới.
Giờ đây, chúng ta cùng
nhau tìm hiểu thêm về ý nghĩa cũng như sứ điệp của ngày lễ này trong tâm tình của
Giáo Hội.
1.
Lịch sử của ngày lễ
Ngay từ thời Giáo Hội
sơ khai, các Tông đồ đã mượn nhà dân làm nơi quy tụ dân chúng để tôn thờ Thiên
Chúa và cử hành nghi thức Bẻ Bánh. Dần dần sang những thế kỷ sau, đền đài được
xây cất làm nơi quy tụ dân chúng cho thuận tiện hơn để phục vụ các buổi cầu
nguyện, học hỏi giáo lý, lãnh nhận các Bí tích, nhất là tham dự vào hiến lễ cứu
chuộc của Đức Kitô. Tuy nhiên, đây cũng là những mục tiêu nhắm đến của những
người không có thiện cảm với đạo Công Giáo. Vì thế, các giám mục không thể cử
hành cung hiến một cách long trọng công khai để dành cho việc thờ phượng Chúa.
Mãi đến thế kỷ thứ IV,
dưới triều vua Contantinô, vị hoàng đế này đã cởi mở đối với Đạo Công Giáo,
không những thế, sau khi theo đạo Công Giáo, hoàng đế làm một nghĩa cử đẹp đầy
tính nhân văn, đó là: hiến tặng lại cung điện đồi Latran cho Đức Giáo Hoàng làm
nơi cư ngụ.
Khi nhận cung điện
này, Đức Giáo Hoàng đã công khai chính thức cung hiến nó vào năm 324.
Thánh đường này được gọi
là Mẹ các nhà thờ trên toàn thế giới, bởi lẽ nó là nhà thờ đầu tiên trong Giáo
Hội được thánh hiến cách hợp pháp, đồng thời nó trở thành nhà thờ chính tòa của
Giáo phận Rôma, nơi có ngai Giáo Hoàng.
Vào thế kỷ thứ XVIII,
dưới thời Đức Giáo Hoàng Bênêditô XIII, ngài đã thánh hiến lại đến thờ sau những
tái thiết lớn vào ngày 28-04-1726. Chính ngài cũng đã quyết định công bố thiết
lập ngày lễ mừng kính vào ngày 9-ll như hiện nay.
2. Sứ điệp ngày lễ
Mỗi khi mừng kính lễ
cung hiến đến thờ Latêranô, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhớ đến thừa tác vụ Phêrô
nơi Đức Giáo Hoàng. Chính ngài là người thay mặt Chúa để lãnh đạo dân của Người
trong toàn Giáo Hội. Đồng thời, thấy được vị đại diện Chúa chính là nguyên lý của
sự hiệp nhất tín hữu khắp nơi trên trần gian này.
Từ đó, Giáo Hội hướng
chúng ta về việc tôn phục trong lòng mến đối với Đức Giáo Hoàng là mục tử tối
cao của Giáo Hội, đồng thời cũng trải rộng tâm tình ấy với Đức Giám Mục Giáo Phận
và các linh mục là những người được cắt đặt để hướng dẫn, dạy dỗ chúng ta trong
đời sống đức tin.
Ngoài tinh thần siêu
nhiên, Giáo Hội cũng mời gọi con cái của mình hãy để tâm chăm sóc nhà thờ là nơi
dành riêng để tôn thờ Thiên Chúa. Là nơi Dân Chúa tụ họp mỗi khi dâng thánh lễ
và cử hành các Bí tích Kitô giáo. Đây cũng là nơi để mọi người có thể đến đó mà
cầu nguyện với Thiên Chúa trong tâm tình con thảo…
Nhưng thiết nghĩa, vấn
đề quan trọng hơn cả, đó là: mỗi khi mừng kính kỷ niệm cung hiến đến thờ
Latêranô, hơn bao giờ hết, Phụng vụ Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng về chính
mình để ý thức rằng: mỗi người chúng ta chính là những viên đá sống động để xây
nên đền thờ Thiên Chúa. Mỗi người cũng chính là đền thờ cho Thiên Chúa ngự.
Ngày chúng ta lãnh nhận
Bí tích Rửa Tội, linh hồn và thân xác của chúng ta được thánh hiến để trở nên
nơi dành riêng cho Thiên Chúa. Vì thế: “… Thiên Chúa không chỉ ngự trong những
đền thờ do tay con người làm ra, cũng không chỉ ngự trong những ngôi đền bằng gỗ
bằng đá, nhưng đặc biệt, Người ngự trong linh hồn đã được dựng nên giống hình ảnh
Người và do chính tay Người xây nên”. Vì thế Thánh Phaolô Tông đồ đã nói: “Đền
thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh em”.
Vậy, làm sao để trở
thành đền thờ sống động của Thiên Chúa?
Có lẽ, câu nói: điều
làm cho Thiên Chúa được tôn vinh chính là con người được hạnh phúc thật sự rất
thâm thúy và ý nghĩa đối với những ai muốn trở nên đền thờ sống động của Thiên
Chúa.
Tuy nhiên, chúng ta cần
tìm hiểu xem hạnh phúc ở đây là gì và đâu là con đường đưa tới hạnh phúc đích
thực cho mình và tha nhân để Thiên Chúa được tôn vinh?
Trước tiên, hạnh phúc
chỉ có thể đến được với những con người sẵn sàng mở rộng đền thờ tâm hồn đón
Chúa như Maria đã ngồi dưới chân Chúa mà lắng nghe Lời Ngài. Như Giakêu sẵn
sàng mở rộng tâm hồn để chia sẻ cơm bánh cho người nghèo…
Thứ đến, hạnh phúc
cũng chỉ đến với những ai thực sự khiêm nhường, bao dung, độ lượng và thứ tha…
Chúng ta làm tất cả những
điều đó trong lòng mến, ấy là chúng ta đang tôn vinh Thiên Chúa trong chính tâm
hồn mình. Hơn nữa, khi thi hành những điều đó với cả tâm hồn, chúng ta đang làm
cho Thiên Chúa được tôn vinh ngang qua hình ảnh sống động của chúng ta.
Như vậy, mọi người sẽ
nhận ra chúng ta là môn đệ của Chúa, đó là chúng ta có lòng yêu thương nhau.
Khi ấy, chúng ta sẽ là những viên đá sống động để xây lên đền thờ Thiên Chúa và
trở thành nơi xứng đáng cho Thiên Chúa tình yêu ngự trị.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết vâng phục, yêu mến những đấng thay mặt Chúa lãnh đạo chúng con. Đồng thời, xin cũng cho chúng con biết cùng nhau xây dựng tòa nhà Giáo Hội luôn được hiệp nhất, yêu thương. Xin cũng ban cho mỗi người chúng con trở thành những viên đã sống động qua những nghĩa cử yêu thương, để xứng đáng trở thành đền thờ dâng lên Thiên Chúa và được Chúa thương ngự trị. Amen.