CHÚA NHẬT II
MÙA VỌNG
Chúa Giê-su
Ki-tô Đến Để Thực Hiện Kế Hoạch Cứu Độ
Lắng nghe sứ điệp
Lời Chúa (Is 11:1-10;
Rm 15:4-9; Mt 3:1-12)
Như
chúng ta đã nghe trong Chúa Nhật trước, ngôn sứ I-sai-a loan báo rằng Thiên
Chúa đặt kế hoạch quy tụ mọi người trong vương quốc của Đức Giê-su Ki-tô, để
cho họ hưởng bình an vĩnh cửu. Vậy Đức
Giê-su Ki-tô là ai? Người sẽ làm gì để
thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa? Bài
trích sách I-sai-a cho chúng ta biết những điều Thiên Chúa sẽ thực hiện qua Đức
Ki-tô. Đặc biệt thánh Phao-lô còn khẳng
định rằng kế hoạch của Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho dân Do-thái, mà cho
hết mọi dân tộc. Đến lúc thời gian viên
mãn, trước khi Chúa Giê-su thi hành sứ vụ rao giảng Nước Thiên Chúa, ông Gio-an
Tẩy Giả đã được Thiên Chúa sai đến để giúp người ta chuẩn bị tâm hồn đón nhận
Chúa Giê-su và vương quốc của Người.
Chúa Giê-su, Đấng sẽ giáng trần để thực hiện kế hoạch cứu độ chính là đề
tài Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.
Muốn biết
Chúa Giê-su là ai, chúng ta cần tìm đến gốc tổ của Người. Ngôn sứ I-sai-a chỉ cho chúng ta thấy: “Ngày ấy, từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một
nhánh nhỏ…, sẽ mọc lên một mầm non”.
Ngôn sứ gọi Đấng cứu độ là nhánh nhỏ hoặc mầm non. Nhưng ngài không quên nói lên sức mạnh của
nhánh nhỏ và mầm non ấy, vì mọi “thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này”. Chính những thần khí này đã tạo dựng vũ trụ,
thì giờ đây cũng sẽ bắt đầu thực hiện một “cuộc tạo dựng mới”. Chúng ta hãy xem thần khí Đức Chúa hành động
trong Chúa Giê-su như thế nào.
Thần
khí “khôn ngoan và minh mẫn” được biểu lộ qua việc xét xử công minh và phán quyết
vô tư. Chúa Giê-su đã dùng mọi lời lẽ
khôn ngoan và sáng suốt để truyền đạt những điều Thiên Chúa muốn nói với nhân
loại. Thần khí mưu lược và dũng mãnh hoạt
động trong sứ vụ rao giảng của Chúa Giê-su, vì “lời Người nói là cây roi đánh
vào xứ sở” và “hơi miệng Người thở ra giết chết kẻ gian tà”. Thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa đã
giúp Chúa Giê-su luôn trung thành với sứ mệnh và vâng phục thánh ý Chúa Cha. Luôn hành động dưới sự hướng dẫn của Thần khí
Thiên Chúa, Chúa Giê-su đã thiết lập một vương quốc bình an. Mọi mối thù nghịch, chia rẽ… như đã từng có
trước đây giờ không còn nữa. Những
hình ảnh bình an được mô tả như “sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ…,
bé thơ chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ thọc tay vào ổ rắn hổ mang”. Tại sao? Vì “sẽ không còn ai tác hại và tàn phá” nữa.
Tuy
nhiên, điều đặc biệt nhất Chúa Ki-tô thực hiện trong kế hoạch của Thiên Chúa đã
được thánh Phao-lô nói lên như sau: “Đức
Ki-tô có đến phục vụ những người được cắt bì [tức là người Do-thái], để thực hiện
những gì Thiên Chúa đã hứa với tổ tiên họ… Còn các dân ngoại có được tôn vinh
Thiên Chúa, thì đó là do lòng thương xót của Người”. Đúng vậy, Chúa Giê-su thi hành kế hoạch cứu độ
là để thể hiện sự trung thành của Thiên Chúa đã giữ lời hứa với dân Ít-ra-en và
để biểu lộ lòng thương xót Thiên Chúa dành cho dân ngoại. Như thế, lòng trung thành và lòng thương xót
của Thiên Chúa là động lực để Người cứu độ chúng ta nhờ Chúa Giê-su Ki-tô.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Sứ mệnh
của Chúa Giê-su đã được trình bày qua hai bài đọc I-sai-a và thư thánh
Phao-lô. Tuy nhiên bài Tin Mừng cũng
quan trọng không kém, vì ông Gio-an Tẩy Giả cho chúng ta biết phải chuẩn bị thế
nào để tiếp đón Chúa Giê-su và ơn cứu độ của Người. Ông Gio-an không nói nhỏ nhẹ đâu! Cũng như ngôn sứ Ê-li-a ngày xưa “nóng như lửa”,
thì ông Gio-an Tẩy Giả, tức “Ê-li-a Mới” (Mt 11:14), cũng muốn “hô lên” thật lớn
để “ai có tai thì nghe”. Như ngôn sứ
Ê-li-a, ông thẳng tay quở trách “nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và Xa-đốc”
và gọi họ là “nòi rắn độc”. Ông cảnh báo
họ phải “sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối”. Nhưng ông cũng đủ bình tĩnh để chỉ cho họ thấy
địa vị quan trọng của Chúa Giê-su, Đấng “sẽ làm phép rửa cho các anh bằng Thánh
Thần và bằng lửa”. Tiếng hô và lời quở
trách thẳng thắn của ông Gio-an Tẩy Giả phải vang lên trong tâm hồn chúng ta,
những người đang chuẩn bị đón mừng Chúa giáng sinh. Chúng ta hãy nhận biết Đấng đến sau Gio-an là
ai và sứ mệnh của Người là gì. Chúng ta
cũng không quên hình ảnh “Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong
sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn
thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”. Vậy chúng ta là thóc mẩy hay thóc lép
đây? Chúng ta hãy trả lời Chúa trong mùa
Vọng này.
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi