Thái Độ Mong Chờ Chúa Đến
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG - A
(Mt 24, 37-44)
Kính thưa cộng
đoàn,
Chúng ta bước
vào Mùa Vọng, hay còn gọi là mùa Ad. Mùa Vọng, nguyên nghĩa tiếng Latin là Adventus, (có nghĩa là đến,
quang lâm). Thời thánh Giáo hoàng Grêgôriô I, thời gian
chuẩn bị đón chờ Chúa đến trước lễ Giáng
Sinh kéo dài bốn tuần được gọi là Mùa Vọng.
Hỏi : Chúa đã đến chưa ? Chúng ta phải khẳng định với nhau rằng :
Chúa đã đến rồi. Vậy chúng ta còn mong chờ Chúa nào nữa?
Mùa Vọng Giáo hội
đang sống là sống với hai chiều kích : một là tưởng niệm biến cố Nhập thể
làm người của Đức Giêsu Con Thiên Chúa khi Ngài sinh bởi Ðức Trinh Mữ
Maria ; hai là chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống
và người chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Đó là lý do chữ “chờ
đợi” được người ta nhắc nhiều đến trong Mùa Vọng. Các lễ nghi cử hành Phụng vụ
trong Mùa Vọng, từ màu sắc, các bài đọc, các bài thánh ca đều diễn tả niềm hy vọng
với lời cầu xin tha thiết : « Maranatha –
Ngài ơi hãy đến, Ngài đến mau đi », và hơn thế nữa dân Do Thái kêu van
: « Xin Ngài xé tầng trời mà ngự xuống ».
Vì sống cả hai
chiều kích, nên người kitô hữu phải mang tâm tình của dân Cựu Ước và của chính
mình ngày hôm nay.
Mùa Vọng trong Kinh Thánh
Các bài đọc
Thánh lễ trong Mùa Vọng làm chúng ta nhớ đến sự mong chờ Đấng Cứu Thế đến của
Dân Do Thái, Đấng mà ngôn sứ đã loan báo :
“Từ gốc tổ Giêsê, sẽ đâm
ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ
mọc lên một mầm non. Thần khí Ðức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn
ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết
và kính sợ Ðức Chúa. Lòng kính sợ Ðức Chúa làm cho Người hứng thú, Người
sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán
quyết theo lời kẻ khác nói, nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ
bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở...” (Is 11,
1-10).
Phụng vụ Lời
Chúa trong Mùa Vọng cũng nhắc lại việc Đức Maria cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu
Thế : thiên thần Gabriel hiện ra với Đức Maria và báo cho Mẹ biết rằng : “Và này đây bà sẽ
thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ
được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng
vua Ðavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại
của Người sẽ vô cùng vô tận (...) Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền
năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh,
và được gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc 1, 26-38)
Gioan Tẩy Giả,
con trai của Êlisabét và là anh em họ với Chúa Giêsu, xuất hiện trước để loan
báo việc Con Thiên Chúa đến, kêu gọi mọi người hoán cải và rao giảng rằng : “Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi,
tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi đã làm phép rửa cho anh em
nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần” (Mc
1, 1.8 và Ga 1, 19.28)
Như thế, Mùa Vọng
kêu gọi người kitô hữu cải hóa nội tâm. Những việc cử hành thánh thường xuyên
nhắc nhở chúng ta canh tân niềm tin, vững tin vào tương lai và trở lên men giữa
lòng thế giới.
Mùa Vọng
Trong lịch phụng vụ Công Giáo, Mùa Vọng
kéo dài bốn tuần và mỗi Chúa nhật với tên gọi truyền thống đặc thù của nó gồm những lời đầu
tiên của bài thánh ca mở đầu :
- Chúa nhật I Mùa Vọng : Ad Te levavi... (= Con nâng tâm hồn con lên tới Chúa, lạy
Chúa… )
- Chúa nhật II Mùa Vọng : Populus Sion ... (Này hỡi Dân Sion…)
- Chúa nhật III Mùa Vọng : Gaudete ... (= Anh em hãy vui lên trong niềm vui của Chúa…)
- Chủ nhật IV Mùa Vọng : Rorate ...
(= Trời cao, hãy đổ sương xuống, và làm mưa Đấng Công Chính...)
Đức Giêsu dạy chúng ta sống Mùa Vọng
Đức Giêsu đã đến
rồi, nên chiều kích thứ nhất của Mùa Vọng nhắc lại cho chúng ta việc Con Chúa đến
lần thứ nhất. Trong Tin Mừng hôm nay, chính Đức Giêsu nhắc bảo chúng ta hãy tỉnh
thức để sẵn sàng cho lần đến cuối cùng của Ngài (Mt 24, 37-44).
Ðức Giêsu nói về ngày Ngài đến sẽ giống như thời ông
Nôe: “Thình lình đại hồng thủy đến và cuốn
đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy” (Mt 24, 37). Những điều Chúa loan báo trên đây thật quá bất
ngờ, vì bất ngờ nên “phải tỉnh thức”
là thượng sách.
Chẳng
nói đâu xa, năm 2012 người ta đang dự kiến ngày tận thế là ngày 23 tháng 12
tính theo lịch của dân Maya, nhiều người trên thế giới
đã lo lắng vì lời đồn đoán ấy, họ đi
mua nến, mua dầu, mua mì tôm... Người ta sợ phải lìa bỏ cái thế giới
thân yêu này, cho dù nó vẫn còn nhiều khổ não. Trong thời đại của chúng ta
không thiếu các thiên tai, chiến tranh, bạo lực. Phải chăng đó là dấu hiệu của
ngày tận thế?
Chúa
Giêsu xác nhận sẽ có ngày tận thế, nhưng không phải để tan biến thành hư vô. Sẽ có những
dấu hiệu làm nhiều người hoang mang sợ hãi, nhưng đối với các tín hữu, đó là dấu
hiệu vui mừng vì mình sắp được cứu độ. Chúa mời gọi
chúng ta : “ Các con cũng phải
sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến” (Mt 24, 44).
Chuẩn bị lễ Giáng Sinh, mỗi người chúng
ta tự hỏi: về phần tôi, tôi đang chờ đợi điều gì? Trong lúc này của đời tôi,
con tim tôi đang hướng về điều gì? Lòng tôi có bị vướng vào những hành vi ám muội…
ăn uống say sưa, chơi bời dâm đãng, tranh chấp ganh tị… thỏa mãn xác không? (x. Rm 13, 11-14) Trái tim tôi
có bị nặng nề bởi những lo âu trần thế không? Những nỗi lo toan về cuộc sống
vật chất vắt kiệt sức ta, khiến ta không còn khả năng mở lòng mình ra với Chúa
và tha nhân? Trái tim nặng nề nên nhiều người mắc bệnh tim. Trái tim bị kéo xuống
cái thực dụng tầm thường ở trên mặt đất, nên con người bị còng xuống, không ngước
lên được điều trên cao. Thánh Phaolô bảo chúng ta: “Anh em biết rằng thời này là lúc chúng ta phải thức dậy” (Rm 13,
11).
Chúa
Giêsu dạy chúng ta “hãy tỉnh thức”.
Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “phải thức
dậy” (Rm 13, 11). Vậy mỗi người
chúng ta đây hãy thức tỉnh và cầu nguyện, để khi Con Người là Đức Giêsu ngự đến
trên mây trời, Ngài thấy chúng ta đang ở tư thế sẵn sàng, đứng thẳng, không phải
xấu hổ cúi đầu, không bị ràng buộc bởi đam mê, nhưng vui sướng vì mình đã không
uổng công chờ đợi.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ
“đầy ân sủng”, Mẹ đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong lòng, xin giúp
chúng con cởi mở tâm hồn đón nhận Chúa Giêsu Con Mẹ.
Lạy Ðấng Cứu Thế
là Vua Hòa Bình xin ngự đến. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Tỉnh Thức Và Chờ Đợi
CHÚA NHẬT I
MÙA VỌNG - A
(Mt 24, 37-44)
Hôm
nay, toàn thể Giáo hội bước vào Chúa nhật I Mùa Vọng, Năm Mới Phụng Vụ được bắt
đầu, đặc biệt chúng ta chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh của Con Một Chúa và bắt đầu
lại cuộc lữ hành thiêng liêng hướng về Ðấng Thiên Sai muôn dân mong đợi.
Thiên
Chúa là "Ðấng đang ngự đến"; Ngài đã đến giữa chúng ta nơi con người
Chúa Giêsu Kitô; Ngài sẽ đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Mùa
Vọng mới bắt đầu, dân Chúa lại được Đức Giêsu Kitô hướng dẫn trong cuộc hành
trình mới. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đặt vấn đề : "Hành trình về đâu? Có
một đích chung nào không? Ðích ấy là gì? Thiên Chúa đã trả lời thông qua ngôn
sứ Isaia: " Trong tương lai, núi Nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh
các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới,
Nước nước dập dìu kéo nhau đi. Rằng: "Ðến đây, ta cùng lên núi Ðức Chúa,
lên Nhà Thiên Chúa của Gia-cóp, để Người dạy ta biết lối của Người, và để ta
bước theo đường Người chỉ vẽ." (Is 2,2-3)
Ðó là
một cuộc hành hương của cả vũ trụ hướng về một cùng đích chung, chính là
Giêrusalem của Cựu Ước, nơi có Ðền Thờ Ðức Chúa, vì từ đó, dung nhan của Thiên
Chúa và giới luật của Người sẽ được ban truyền, và "đền thờ của Thiên
Chúa" là chính Người, Ngôi Lời đã làm người: Người hướng dẫn và đặt đích
đến cho cuộc hành hương của Dân Chúa; và là ánh sáng chiếu rọi dân Người để họ
có thể tiến tới một Vương Quốc của công chính và bình an. Tiên Tri Isaia nói:
"Người sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân
tộc. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái.
Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề
chinh chiến." (Is 2,4)
Như
vậy, hành trình mới nhân loại được Chúa Giêsu hướng dẫn qua dòng lịch sử hướng
về sự kiện toàn trong Vương Quốc của Thiên Chúa. Mùa Vọng được ghi dấu đặc biệt
bởi sự tỉnh thức và đợi chờ. Tỉnh thức để tích cực làm việc tốt, chờ đợi trong
tình yêu thương và hy vọng. Vì thế, chúng ta có thể dùng thời gian này như một
lời mời gọi đổi mới một vài khía cạnh cần thiết trong cuộc sống.
Thứ
nhất, cần phải tỉnh thức, vì ý nghĩa cuộc sống trên trái đất này là để chuẩn bị
cho cuộc sống mai hậu, mà thời gian chuẩn bị là món quà và ân sủng của Thiên
Chúa. Ngài không muốn áp đặt tình yêu của mình trên chúng ta, cũng không phải
trên Trời: Ngài muốn chúng ta được tự do (vì đây là cách duy nhất của tình
yêu). Chúng ta không biết khi nào việc chuẩn bị sẽ kết thúc: "Chúng ta loan báo Chúa Kitô đến và không chỉ
có đến mà còn hoàn tất thế giới này" (Thánh Cyrillô thành Giêrusalem).
Nỗ lực duy trì một thái độ mới với niềm hy vọng là điều chúng ta phải có.
Thứ
hai, chúng ta cần phải tỉnh thức vì thói quen và thoải mái không thích hợp với
tình yêu. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta rằng, cũng như "trong thời Noe"
người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng (x.Mt 24,37-38) không có nghi ngờ gì khi mà lụt đại hông thủy đến. Tương tự như
thời ông Noe, Đấng xét xử sẽ đến đem người này đi và bỏ người kia lại, thật bất
ngờ.
Phải
tỉnh thức, Đức Bênêđictô XVI nói : "chỉ có người tỉnh thức mới không
cảm thấy bất ngờ". Chúng ta phải chuẩn bị với một tình yêu rực cháy trong
tim, như các trinh nữ khôn ngoan cầm đèn đi đón chàng rể. "Kìa chàng rể đến" (Mt 25,6), Chúa
Giêsu Kitô sẽ đến vào lúc người ta không ngờ.
Ngày
giờ Chúa đến là niềm vui không cùng cho những ai cầm đền cháy sáng trong tay.
Người đến như một người cha trong gia đình sống ở phương xa viết thư thăm
nhà : Cả nhà cứ đợi, bố sẽ về. Từ từ hôm đó, niềm vui tràn ngập trong gia
đình đến: Bố về! Các thánh là những mẫu
gương cho chúng ta, vì các ngài đã sống "trong sự chờ đợi Chúa".
Mùa
Vọng giúp chúng ta chờ đợi Chúa đến trong yêu thương và an bình. Thánh Augustinô
cho chúng ta một bài học về sự đợi chờ : "Sống sao chết vậy".
Nếu chúng ta chờ đợi với tình yêu, Chúa đến, Người sẽ lấp đầy trái tim ta niềm
vui chờ đợi Chúa.
"Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các
con không ngờ, Con Người sẽ đến" (x.Mt 24,42). Đức Thánh Cha Bênêđictô
XVI giải thích: "Tỉnh thức có nghĩa là theo Chúa, lựa chọn những gì Chúa
Kitô đã chọn, yêu thương những gì Chúa đã yêu, để có một cuộc sống phù hợp với
mình. Khi Con Người đến ...Chúa Cha sẽ chào đón chúng ta trong vòng tay yêu
thương của Chúa, vì chúng ta giống Con của Ngài".
Noi
gương Mẹ Maria, mẫu gương đẹp nhất trong Mùa Vọng về sự chờ đợi và đón nhận Con
Thiên Chúa làm Người. Nguyện xin Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria giúp chúng ta mở rộng
tâm hồn cho Chúa Kitô ngự đến. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ