CHÚA NHẬT I
MÙA VỌNG
Sẵn sàng đón
chờ ngày cứu độ trong Nước Thiên Chúa
Sứ điệp Lời Chúa (Is 2:1-5;
Rm 13:11-14a; Mt 24:37-44)
Đón nhận
ơn cứu độ là ý nghĩa cuộc sống của chúng ta trên trần gian. Khác với những người không có đức tin, chúng
ta tin vào tình yêu Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ của Người. Tự đời đời, Thiên Chúa đã tiền định một kế hoạch
được phác họa do động lực tình yêu, đó là đem nhân loại trở về với Người sau
khi chúng đã bị tội lỗi và ma quỷ cướp đi trong công cuộc tạo dựng của Người
(Ê-phê-xô 1:3-10). Như chúng ta biết, tất
cả niên lịch Phụng vụ là để khai triển kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, giúp
chúng ta hiểu, đón nhận và cộng tác với kế hoạch ấy. Trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, b ài đọc 1
giới thiệu kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.
Bài đọc Tân Ước cho chúng ta biết “hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng
ta đã gần hơn”. Vì thế, Chúa Giê-su mới
kêu gọi chúng ta: “Anh em hãy canh thức…,
anh em hãy sẵn sàng”.
Tự ngàn
xưa, Xi-on hay Giê-ru-sa-lem vẫn được gọi là núi Đức Chúa và Đền Thờ là Nhà Đức
Chúa. Nhưng trong viễn tượng của ngôn sứ
I-sai-a, hình ảnh núi và nhà Đức Chúa lại mang một ý nghĩa mới mẻ. Từ nơi này, Thiên Chúa sẽ thực hiện một kế hoạch
đem lại lợi ích cho toàn thể nhân loại.
Mô tả kế hoạch này, ngôn sứ I-sai-a đã vẽ lên một hình ảnh vô cùng ngoạn
mục. Trước hết là mọi dân mọi nước kéo
nhau tới để “lên núi Đức Chúa, lên nhà Đức Chúa”. Người người đều biết mục đích họ lên núi lên
nhà Đức Chúa, là để nhận lãnh đường lối và thánh luật của Người. Đường lối và thánh luật ấy là gì nếu không phải
là giới luật yêu thương mà Chúa Giê-su sẽ rao giảng trong suốt sứ vụ của Người? Khi sống giới luật ấy, người ta sẽ xây dựng
Nước Thiên Chúa ngay tại trần gian này.
Viễn ảnh sống hòa bình và yêu thương không phải là giấc mơ không thể thực
hiện. Nhờ sống tình yêu đích thực, nhân
loại sẽ hòa giải với Chúa và với nhau.
Yêu thương sẽ “đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm
nên hái”. Nền hòa bình không chiến tranh
này chính là tiền ảnh của sự bình an vĩnh cửu, “bình an của Thầy” mà Chúa
Giê-su đã hứa. Qua lời ngôn sứ I-sai-a,
Thiên Chúa cho thấy ý định của Người là muốn quy tụ toàn thể nhân loại thành một
nhà của Người để cho họ hưởng hòa bình vĩnh cửu trong Nước của Người.
Mặc dù
đang ở trong một kế hoạch tuyệt vời của Thiên Chúa, chúng ta vẫn sống như là
không có kế hoạch ấy vậy. Như lời thánh
Phao-lô, chúng ta vẫn “ngủ mê”, làm như không biết “ngày Thiên Chúa cứu độ
chúng ta đã gần hơn trước kia”! Chúng ta
vẫn có những “việc làm đen tối”, không ý thức là “đêm sắp tàn, ngày gần đến”. Ngày ám chỉ thời gian cứu độ của Chúa khi
Chúa Giê-su đến lần thứ hai và đêm ám chỉ thời gian tung hoành của ma quỷ tội lỗi. Ngày mà đến thì đêm dĩ nhiên phải ra đi. Nhưng điều quan trọng đối với chúng ta là chúng
ta có ở lại để đón Chúa Ki-tô, hay chúng ta sống buông thả để đi theo Xa-tan. Ý thức điều này chính là điều thánh Phao-lô
mong mỏi nơi các tín hữu Rô-ma nói riêng và nơi tất cả chúng ta nói chung. Ngài muốn nhắc nhở chúng ta hãy lắng nghe lời
kêu gọi của chính Chúa Giê-su. Chúa
Giê-su dạy rằng ngày Con Người quang lâm sẽ đến bất ngờ, tựa như cơn lụt hồng
thủy thời Nô-ê đã đến mà không ai hay.
Cho nên “anh em hãy canh thức…, hãy sẵn sàng”. Chúa còn nói rõ thêm về ý nghĩa của canh thức
và sẵn sảng. Phải canh thức, “vì anh em
không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến”, và phải sẵn sàng, “vì chính giờ
phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”.
Đức Giê-su là “Chúa” và là “Con Người” sẽ đến, đó là lý do tuyệt đối và
duy nhất để hết thảy chúng ta phải chọn lựa một lối sống canh thức và sẵn
sàng! Người đến để quy tụ chúng ta trong
Nước Thiên Chúa, cho chúng ta hưởng bình an vĩnh cửu với Người bên cạnh Thiên
Chúa Cha.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Thánh
Phao-lô luôn thực tế. Để giúp ta canh thức
và sẵn sàng, ngài không đưa ra những lý thuyết suông, nhưng những thực hành cụ
thể, là “chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự
sáng để chiến đấu”. Ngài không quên kể
ra một số việc làm đen tối, như chè chén say sưa, chơi bời dâm đãng, cãi cọ
ghen tương. Diễn tả ý nghĩa cầm lấy vũ
khí của sự sáng, ngài khuyên chúng ta “hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô”, tức là hãy
sống những tâm tình của Chúa Giê-su, mẫu mực của “trưởng tử” nhân loại mới vậy.
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi