GIÁNG SINH – LỄ NỬA ĐÊM

Thoát khỏi bóng đêm để đón nhận ánh sáng

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 9:1-6;  Tt 2:11-14;  Lc 2:1-14)

          Chúng ta có thể suy niệm ý nghĩa lễ Giáng Sinh dưới nhiều khía cạnh của kế hoạch Thiên Chúa cứu độ nhân loại.  Tuy nhiên xét theo cấu trúc phụng vụ của ba Thánh lễ mừng Giáng Sinh, lễ Ban đêm, lễ Rạng đông và lễ Ban ngày, chúng ta cảm nhận được ba Thánh lễ diễn tả một hành trình sống động đưa chúng ta từ bóng đêm qua rạng đông để tới ban ngày.  Ở mỗi thời điểm, Phụng vụ Lời Chúa đều trình bày ý nghĩa cứu độ bằng những hình ảnh độc đáo.  Trong bài suy niệm này, chúng ta bắt đầu với Thánh lễ Ban đêm.  Bài trích sách I-sai-a mô tả cảnh tượng đoàn dân “đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng”.  Đoạn thư thánh Phao-lô gửi Ti-tô khẳng định rằng Chúa Giê-su, Đấng Cứu Độ, chính là “ân sủng của Thiên Chúa đã biểu lộ cho mọi người”.  Sau cùng là đoạn Tin Mừng Lu-ca tường thuật biến cố Giáng Sinh như một “tin mừng trọng đại, cũng sẽ là niềm vui cho toàn dân”.

          Ý nghĩa đầu tiên của biến cố Con Chúa giáng trần là ánh sáng huy hoàng.  Ánh sáng là yếu tố quan trọng không thể thiếu cho sự sống.  Chúng ta cứ tưởng tượng nếu không có ánh sáng, thế giới này sẽ ra sao.  Ta không thể nhận ra bất cứ vẻ đẹp nào.  Ta khó thấy được hành vi nào là tốt hay là xấu.  Ta không biết được đâu là giả đâu là thật.  Vì thế ngôn sứ I-sai-a không ngại nói rằng nhân loại chúng ta là “đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm”.  Đúng vậy, từ sau khi nguyên tổ loài người phạm tội không vâng phục Thiên Chúa, tội lỗi tựa bóng đêm bao trùm thế giới và nhân loại.  Người ta đã đánh mất hình ảnh nguyên thủy của mình là hình ảnh Thiên Chúa, theo đó họ đã được dựng nên.  Hậu quả là vất vả, đau khổ và sự chết là tiền công cuối cùng trả cho tội lỗi.  Tuy nhiên Thiên Chúa vẫn yêu thương loài người, không muốn để họ mất đi do tội lỗi.  Cho nên Người đã hứa cứu họ:  Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó" (St 3:15).  Ngày Con Thiên Chúa ra đời là ngày Tin Mừng nguyên thủy này được thể hiện:  “Một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta” (Is 9:5).  Việc chào đời này đã thay đổi cục diện thế giới và nhân loại.  Ngôn sứ đã lấy hình ảnh Ít-ra-en bị xâm lăng và bị lưu đày để ám chỉ nhân loại bị tội lỗi đàn áp và bắt làm nô lệ.  Nhưng tựa ánh sáng phá tan bóng tối, Chúa Giê-su đã đến để “bẻ gãy” cái ách, cái gậy và ngọn roi của tội lỗi hành hạ nhân loại.  Làm sao một trẻ thơ hoặc một người con lại có thể thực hiện những việc kinh thiên động địa như vậy?  Vì trẻ thơ ấy là “Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở và Thủ Lãnh hòa bình”.  Với tất cả những danh hiệu này, Chúa Giê-su chính là “ánh sáng bừng lên chiếu rọi” cho chúng ta, những kẻ đang sống trong vùng bóng tối.

          Ý nghĩa thứ hai là suy tư thần học của thánh Phao-lô về sự xuất hiện của Chúa Ki-tô giữa nhân loại.  Ngài gọi Chúa Ki-tô là “Ân Sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người”.  Ở đây, chúng ta nên viết là Ân Sủng thay vì ân sủng, để ám chỉ Chúa Ki-tô là Ân Sủng phát sinh mọi ân sủng khác.  Thánh Gio-an Tông đồ cũng có cùng một suy nghĩ khi ngài diễn tả Ngôi Lời như sau:  “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1:16).  Thánh Phao-lô còn giải thích thêm rằng ngày Chúa Ki-tô giáng trần là “ngày hồng phúc chúng ta vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang”.  Tóm lại, cả hai vị đều mô tả mục đích Chúa Giê-su giáng trần là để thực hiện lời hứa cứu độ nhân loại khi Thiên Chúa luận tội con rắn cám dỗ bà E-và.

          Những hình ảnh và ý nghĩa phong phú về biến cố Giáng Sinh đã được tiên báo và suy niệm qua bài đọc 1 và 2.  Giờ đây chúng ta cùng chiêm ngưỡng khung cảnh Chúa Giê-su sinh ra theo tường thuật của thánh sử Lu-ca.  Trước tiên ngài không quên ghi lại bối cảnh thời gian và không gian:  thời gian là thời hoàng đế Augustô và việc kiểm ta dân số;  không gian là Na-da-rét miền Ga-li-lê và Bê-lem miền Giu-đê;  các nhân vật là ông Giu-se, bà Ma-ri-a và nhân vật chính là “con trai đầu lòng” được bọc trong tã và đặt nằm trong máng cỏ.  Mặc dù việc Chúa ra đời được ghi lại trong một hai dòng thôi, nhưng quan trọng hơn cả, đó là ý nghĩa của sự kiện ra đời ấy đã được sứ thần Chúa loan báo cho các người chăn chiên sống ngoài đồng.  "Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân:  Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô, là Đức Chúa.  Để nói lên tầm quan trọng của tin mừng trọng đại này, có cả một “đạo binh thiên quốc đông đảo hợp với sứ thần cất tiếng ca tụng Thiên Chúa rằng:  Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Để đáp lại Ân Sủng cứu độ Thiên Chúa ban cho chúng ta, ngoài việc suy gẫm về ý nghĩa Chúa Giê-su là Ánh Sáng đến phá tan bóng đêm tội lỗi, ta có thể thực hành lời khuyên chí lý và thực tế của thánh Phao-lô rằng:  “Ân Sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này”!  Món quà thật ý nghĩa dâng Chúa Hài Đồng!

        Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A