Vạn Tuế Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM 2020
Khởi đi từ Chúa nhật ngày
19/6/1988, ngày thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nâng 117 vị chân phước tử
đạo Việt Nam lên hàng hiển thánh. Giáo Hội đã chọn ngày 24/11 để cả hoàn vũ
cùng mừng kính các ngài.
Hàng năm cứ đến ngày này là
người công giáo Việt Nam trong nước cũng như hải ngoại ở khắp Năm Châu đều
hướng về các thánh với sự hãnh diện, tự hào và dâng trào lòng tri ân cảm tạ,
quyết tâm sống Đạo. Đúng như lời giảng của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tại
quảng trường thánh Phêrô, ngày 19/6/1988 như sau : “Tôi biết rằng anh em đang
ôm nặng ước nguyện tôn vinh các vị Tử Đạo đồng hương, nhưng trong thâm tâm còn
tự cảm thấy nhu cầu đứng chung quanh các thánh, để xe kết tình huynh đệ kết
nghĩa mến thương hiện đang phập phồng trong đáy lòng vì nghĩ đến giang sơn gấm
vóc ở xa. Hướng về quê hương này các con hoài cảm, luyến ái, nhớ nhung, là vì
giữa thời gian phiêu bạt các con cố tìm ra một giây phút cảm thông với nhau và
cùng chung sống niềm hy vọng”.
Làm sao kể lại cho hết ? Tất cả
là 117 vị Tử Đạo hiển thánh và 1 vị Á thánh, trong đó 8 vị Giám Mục, 50 Linh
Mục, 59 Giáo dân, trong số đó một phụ nữ là Thánh Anê Lê Thị Thành mẹ của sáu
người con.
Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt
Nam, khởi đi từ những bước chân thừa sai của các nhà truyền giáo. Sách Khâm
Định Việt Sử ghi lại sự đặt chân của giáo sĩ Inikhu vào năm 1533 trên đất
Việt, làng Ninh Cường và Trà Lũ. Tiếp theo là Gaspar da Cruz, Alexandre de
Rhodes, Pedro Marques v.v. với dòng thời gian, hạt giống Tin Mừng được gieo vào
lòng đất Việt đã âm thầm mọc lên và sinh hoa kết trái. Năm 1659, Tòa Thánh đã
thiết lập hai Địa phận Tông Tòa Đàng Trong và Đàng Ngoài. Rồi đến năm 1960,
thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, nay tròn 60
năm.
Ba trăm năm loan báo Tin Mừng,
một trang sử truyền giáo hào hùng, nhưng cũng đầy đau thương và đẫm nước mắt.
Từng ngàn giáo dân tử đạo, từng trăm số người đã chết lưu lạc trên núi, trong
rừng sâu nước độc! Tuy nhiên, một trang sử mới đã mở ra nhờ sự hy sinh tuyệt
vời của các thừa sai, cũng như hàng hàng lớp lớp người tử vì Đạo đã nằm xuống
với muôn cực hình cay đắng, khốn khổ. Dòng máu của các ngài đã đổ ra, tuôn
trào, tưới gội Hội Thánh Việt Nam, từ các tỉnh phía Bắc đến tận miền sáu tỉnh
phía Nam, từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX làm cho Hội Thánh lớn lên và phát
triển, không ngừng sinh hoa kết quả tươi tốt, đúng như lời Tertullien đã
viết: “Máu tử đạo là hạt giống trổ sinh người tín hữu”.
Đúng, máu các thánh Tử đạo đã đổ
chan hòa mặt đất. Những dòng máu thuộc đủ thành phần xã hội: từ người làm nông
đến chài lưới, từ thương lái đến lương y; từ học sinh đến thầy đồ; từ lý
trưởng, cai tổng, binh lính đến quan văn, quan võ; từ giáo dân, ông trùm, ông
quản đến chủng sinh, linh mục, giám mục; từ người ngoại quốc đến người bản địa…
Tất cả đều mang trong mình một niềm tin son sắt, một tình yêu nồng cháy, một
tinh thần can đảm quật cường, sẵn sàng chịu muôn ngàn thử thách vì danh thánh
Chúa Kitô. Dù ngục tù, gươm đao, dù bị róc xương xẻ thịt, các ngài vẫn một lòng
trung thành với Đạo Chúa. Dù bị tra tấn, hành hình man rợ, các ngài vẫn một
lòng yêu mến Chúa. Các ngài đã yêu đến cùng, yêu đến thí mạng, sẵn sàng tha thứ
cho những kẻ đã bách hại mình.
Hôm nay đây, chúng ta hướng tâm
hồn lên một cách đặc biệt để mừng kính các ngài, trong hân hoan và hãnh diện.
Chúng ta tôn vinh, tri ân các ngài và cùng nhau hô vang : Vạn vạn tuế Các Thánh
Tử Đạo Việt Nam, vạn vạn tuế Các Thánh Tử Đạo anh hùng.
Lời Chúa trích sách Khôn Ngoan :
“Linh hồn những người công chính ở trong tay Thiên Chúa và đau khổ sự chết
không làm gì được các ngài” ( Kn 3, 1 ). Quả quyết như trên có vẻ là không
chính xác với thực tế lịch sử: thực ra đau khổ đã va chạm thân xác các ngài đến
ghê sợ như : tùng xẻo, lăng trì, chặt đầu. Tuy nhiên, tác giả Kinh Thánh tiếp
tục quảng diễn tư tưởng: “Đối với mắt người không hiểu biết, thì hình như các
ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt.
Nhưng thực ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài
có chịu khổ hình, lòng cậy trông của các nài cũng không chết” ( Kn 3, 2 –
4).
Đúng là : “Ai khôn mới biết hiến
mình cho chân lý, để chiếm hữu phần gia nghiệp muôn đời » (Thánh Phêrô Truật) ;
« Thân xác tôi ở trong tay quan… nhưng linh hồn tôi là của Chúa, không có gì
khiến tôi hy sinh nó được” (Thánh Phaolô Tịnh)
Các ngài là chứng nhân cho Chúa
Kitô đã toàn thắng sự chết. Thay vì hình khổ ngắn ngủi, các ngài được nhiều ơn
vĩ đại, “vì Thiên Chúa đã luyện lọc các ngài và thấy các ngài xứng đáng, Chúa
đã thử thách các ngài như thử vàng trên lửa và đã chấp nhận các ngài như của lễ
toàn thiêu” (Kn 3, 5- 6). Trong Chúa Kitô các ngài được Thiên Chúa cứu rỗi.
Chúng ta, dòng giống các vị tử
Đạo. Hôm nay, hãy nghe hết lời sách Khôn Ngoan: “Trong ngày phán xét, người
công chính sẽ chói sáng và chiếu tỏ ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau”. (Kn 3,
7) Những tia sáng, những ánh đèn phản chiếu nguồn quang minh rữc rỡ. Và đây là
câu sau cùng trong sách Khôn Ngoan: “Các ngài sẽ xét sử các dân tộc, sẽ thống
trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài đến muôn đời”(Kn 3,
17).
Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam,
xin giúp chúng con trung thành với Đức tin đã lãnh nhận, yêu mến Chúa, và Giáo
hội bằng tinh thần cộng tác, hiệp thông và đồng trách nhiệm trong sứ mạng loan
báo Tin Mừng trên quê hương đất nước chúng con. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ