CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA
Thánh Gia làm gương cho chúng ta thế nào?
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Hc 3:2-6, 12-14; Cl 3:12-21;
Mt 2:13-15, 19-23)
Chúa Giê-su xuống thế làm người và cư
ngụ giữa chúng ta. Khi kể lại gốc tích
Chúa Giê-su, thánh sử Mát-thêu đã trình bày rõ ràng Người xuất thân từ một gia
đình, với người cha theo luật pháp là thánh Giu-se thuộc dòng tộc vua Đa-vít và
mẹ là bà Ma-ri-a đã thụ thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa Cha muốn cho Con của Người có một
gia đình nhân loại, hẳn Người đã có chủ ý.
Nếu gia đình đầu tiên là A-dong và E-và đã để lại một hậu quả không tốt
cho toàn thể nhân loại, thì chắc chắn Thánh Gia của Chúa Giê-su phải là một mẫu
gương để mọi gia đình theo đó mà sống trong cuộc tạo dựng mới của Thiên
Chúa. Vì thế, các bài đọc hôm nay trình
bày những nét chính của gia đình gương mẫu mà Thánh Gia đã sống để làm gương
cho ta.
Bài đọc 1 trích sách Huấn ca nói về nghĩa
vụ của con cái: hiếu thảo đối với cha mẹ. Lòng hiếu thảo trước hết là hoa trái của sự
giáo dục gia đình. Được cha mẹ dạy dỗ
đàng hoàng, con cái mới có được lòng kính trọng và yêu mến đối với cha mẹ. Động lực giúp con cái thảo kính cha mẹ không
phải vì sợ bị trừng phạt hoặc mong chiếm được lợi lộc gia tài vật chất, nhưng
là vì “Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy
quyền đối với các con”. Đúng vậy, sự hiếu
thảo của con cái là cách Chúa dùng để đề cao sự cao quý của cha mẹ. Thử hỏi có cha mẹ nào được thực sự “vẻ vang”
và “uy quyền” chỉ vì con cái giầu có, chức cao quyền trọng không? Dĩ nhiên là có phần nào, nhưng đó chỉ là cáo
mượn oai hùm thôi, chứ đâu phải là vẻ vang và uy quyền đích thực. Nhưng sự hiếu thảo của con cái đem lại ơn ích
cho cha mẹ thì ít, mà cho chính con cái thì nhiều vô cùng. Những dòng tiếp theo của đoạn sách thánh toàn
nói về những điều tốt con cái lãnh nhận được khi chúng hiếu thảo với cha mẹ. Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, kính mẹ thì
tích trữ kho báu; thờ cha thì được vui
vì con cái, được Chúa nhậm lời khi họ cầu nguyện và được trường thọ… Điều đặc
biệt ở đây là chính Chúa sẽ căn cứ vào lòng hiếu thảo của con cái mà thưởng phạt
chúng và sống hiếu thảo là mệnh lệnh Chúa truyền cho họ. Nói khác đi, đoạn sách Huấn ca này quảng diễn
Điều răn thứ bốn: Thảo kính cha mẹ. Vậy chúng ta hãy nghĩ đến Chúa Giê-su đã sống
hiếu thảo như thế nào tại Thánh Gia của Người nhé.
Nói về gia đình hạnh phúc, đoạn thư gửi
tín hữu Cô-lô-xê thật là súc tích: muốn
có hạnh phúc, mọi người trong gia đình phải sống
theo tinh thần của Chúa. Vậy tinh thần
của Chúa là tinh thần nào? Thánh Phao-lô
trả lời: Đó là có lòng thương cảm, nhân
hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Nhờ
tinh thần này, chúng ta mới có thể chịu đựng và tha thứ cho nhau. Nhưng ngài còn nêu lên điều căn bản và quan
trọng nhất: “Trên hết mọi đức tính, anh
em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo”. Lòng bác ái đích thực biến gia đình thành một
môi trường hiệp nhất, trong đó lời Chúa Ki-tô là lẽ sống, mọi người đều có tâm
tình biết ơn Chúa và biểu lộ lòng biết ơn Chúa qua việc ngợi khen Người. Một khi mọi người trong gia đình sống theo
tinh thần của Chúa thì các mối tương quan giữa vợ chồng, con cái và cha mẹ sẽ đầy
tràn yêu thương, hiểu nhau và giúp đỡ lẫn nhau.
Những tương quan này mang một ý nghĩa mới: vợ phục tùng chồng và chồng yêu thương vợ, cả
hai với tư cách là “người thuộc về Chúa” chứ không theo thói thế gian chồng
chúa vợ tôi; con cái sống vâng lời cha mẹ
và cha mẹ luôn nâng đỡ con cái trên đường trưởng thành.
Gương mẫu đời sống gia đình của Thánh
Gia được biểu lộ cụ thể qua một sự kiện bất hạnh xảy đến cho các Ngài, đó là biến
cố trốn sang Ai-cập để tránh bị vua Hê-rô-đê tìm giết Hài Nhi. Trong câu chuyện này, vai trò của thánh
Giu-se, người gánh vác gia đình, đã nổi bật qua cách hành xử theo sự dẫn dắt của
Chúa. Đã có lần chúng tôi được diễm phúc
đi theo con đường Thánh Gia trốn sang Ai-cập, nhưng chúng tôi đi bằng xe hơi mà
cũng mất mười mấy tiếng đồng hồ. Nghĩ tới
thánh Giu-se ngày ngày đi bộ, dắt lừa và có Mẹ Ma-ri-a cùng Hài Nhi ngồi trên
lưng lừa, trên con đường dài cả mấy ngàn cây số, chúng tôi không hiểu làm sao
các Ngài có thể thực hiện chuyến đi như vậy được. Chắc chắn các Ngài phải có đức tin rất mạnh
vào Thiên Chúa và lòng hy sinh vô cùng lớn lao vì sự an toàn của Hài Nhi, nên
các Ngài mới vượt qua được bao nhiêu là khó khăn sợ hãi trong hành trình kinh
khủng ấy. Dân Ít-ra-en phải mất bốn mươi
năm mới hoàn tất hành trình ấy. Còn
Thánh Gia tuy hành trình không mất thời gian dài như vậy, nhưng cũng ngoài sức
chịu đựng của con người. Điều giúp cho cả
hai cuộc hành trình được thực hiện trọn vẹn chính là sự hiện diện của Thiên Chúa.
Chúa hiện diện với dân Ít-ra-en qua cột lửa và cột mây, còn Người hiện
diện với Thánh Gia qua Hài Nhi Giê-su, sự hiện diện bằng xương bằng thịt dù chỉ
là một em nhỏ yếu đuối và dễ bị tổn thương.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Sách Huấn ca đề cập tới bổn phận con
cái đối với cha mẹ. Thánh Phao-lô trình
bày thế nào là một gia đình hạnh phúc.
Bài Tin Mừng Mát-thêu cho thấy Thánh Gia luôn có sự hiện diện của Thiên
Chúa trong gia đình, nhất là khi gặp khó khăn.
Vậy gia đình riêng của ta thì sao?
Con cái có hiếu thảo, vợ chồng con cái có sống theo tinh thần của Thiên
Chúa và với sự hiện diện của Thiên Chúa không?
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi