CHÚA NHẬT III PHỤC SINH
Đức Ki-tô Phục Sinh là đường dẫn ta về cõi sống
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Cv 2:14, 22b-33; 1 Pr 1:17-21; Lc 24:13-25)
Theo dõi sinh hoạt của Hội Thánh sơ
khai tại Giê-ru-sa-lem, chúng ta thấy tông đồ Phê-rô đã giữ một vai trò quan trọng. Qua lời giảng mộc mạc mạnh dạn nhưng đầy xác
tín của ngài và nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh đã mau chóng phát
triển. Chủ đề của các bài giảng đều xoay
quanh sứ mạng của Chúa Giê-su mà đỉnh điểm là đề cao sự chết và sống lại của Chúa
là “đường về cõi sống đời đời” (bài đọc 1).
Sau đó, trong thư thứ nhất, thánh Phê-rô đã nhắc nhở tín hữu rằng ta được
cứu chuộc khỏi tội lỗi là nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn là Đức Ki-tô
(bài đọc 2). Tuy nhiên, sứ mệnh của Chúa
Ki-tô còn được Người đích thân dùng Kinh Thánh Cựu Ước mà giải thích và minh chứng
khi Người đồng hành với hai môn đệ trên đường họ trở về làng Em-mau (bài Tin Mừng). Sứ mạng của Chúa Ki-tô được kiện toàn qua biến
cố Phục Sinh, để từ nay Người trở thành con đường dẫn ta về hưởng vinh phúc quê
trời.
1.
Bài giảng của Phê-rô về sứ mạng Đức
Ki-tô. Ngay sau khi lãnh nhận sức mạnh
Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phê-rô cùng các anh em tông
đồ đã thi hành sứ vụ rao giảng. Phê-rô
không rao giảng một mình, nhưng ông “đứng chung với Nhóm Mười Một” và thay mặt
anh em mà giảng. Vì nói với cư dân
Giê-ru-sa-lem, ngài đã dựa trên Kinh Thánh để minh chứng việc Chúa Giê-su sống
lại là điều đã được Kinh Thánh và nhất là Thánh Vịnh chứng thực. Những lời chứng của Thánh Vịnh là chắc chắn,
bởi vì vua Đa-vít, tác giả Thánh Vịnh, là vị ngôn sứ đã được Thiên Chúa “cho thấy
trước và loan báo sự phục sinh của Đức Ki-tô”.
Ngoài ra, Phê-rô còn dựa vào biến cố vừa xảy ra là Chúa Thánh Thần hiện
xuống, để khẳng định việc phục sinh của Chúa Giê-su là đích thực. Thánh Thần chân lý không hề lừa dối ai. Các nhân chứng là các tông đồ đã nhận lãnh
Thánh Thần và dân chúng Giê-ru-sa-lem cũng quy tụ lại sau khi họ nghe “từ trời
phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi các ông tụ
họp”. Do đó, khi chứng kiến hoạt động của
Thánh Thần và nghe Phê-rô giảng, họ phải nhìn nhận chứng từ của các tông đồ về
sứ mạng của Đức Ki-tô là xác thực. Bài
giảng của Phê-rô đem lại những kết quả vô cùng tích cực. Sách Công vụ kể: “Nghe thế, họ đau đớn trong
lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác: ‘Thưa
các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?’
" Ông Phê-rô đáp: "Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa
nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ
là Thánh Thần” (Cv 2:37-38).
2. Chúa Giê-su giải thích sứ mệnh của Người dựa
trên Kinh Thánh. Trên đường về
Em-mau, hai môn đệ Chúa tâm sự với nhau về biến cố vừa xảy ra: Chúa Giê-su đã chịu chết và tin nói Người đã
sống lại. Họ đã tin Chúa Giê-su là “một
ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn
dân”. Nhưng hiện thời niềm tin ấy lung
lay vì họ chứng kiến Chúa đã chết trên thập giá, rồi họ hoang mang khi nghe tin
Chúa đã sống lại. Nghe họ kể lể, Chúa
Giê-su nhận định một cách khá khôi hài:
“Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng
trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!” Rồi Chúa dạy họ một bài học Kinh Thánh, dựa
vào Lề Luật và các ngôn sứ, “Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến
Người trong tất cả Sách Thánh”. Người giải
thích để dẫn họ tới niềm tin cốt lõi, là “Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình như thế,
rồi mới vào trong vinh quang của Người”.
Quả thực là một bài học Kinh Thánh quý giá và đầy đủ ý nghĩa. Tuy nhiên với đầu óc u mê và lòng chậm tin, họ
phải chờ tới lúc Chúa “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ”,
thì họ mới “mở mắt và nhận ra” Chúa Phục Sinh!
Khi ấy, Chúa biến đi, để họ tiếp tục suy nghĩ và lên đường quay lại Giê-ru-sa-lem
mà loan báo Tin Mừng Chúa sống lại. Tin
vui Chúa sống lại dồn dập, từ các tông đồ và các bạn hữu đang tụ họp tại
Giê-ru-sa-lem kể lại cho đến câu chuyện hai môn đệ được Chúa dạy Kinh Thánh!
Sống sứ điệp Lời Chúa
3.
Cùng với bài giảng trong ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, sau này thánh
Phê-rô không ngừng nhắc nhở tín hữu về sứ mạng của Chúa Giê-su là đã đổ máu để
cứu chuộc ta. Ngài khẳng định với chúng ta
rằng “Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ
tích, là Đức Ki-tô”. Tuy nhiên việc cứu
chuộc không đơn phương về phần Thiên Chúa, mà đòi sự đáp trả và cộng tác của chúng
ta, vì “Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà
xét xử”. Chúa Giê-su cứu chuộc ta khỏi tội
lỗi, đó là bước đầu để giúp ta “đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa”. Còn chúng ta, bổn phận của ta là “hãy đem
lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này”.
Đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách nghĩa là gì nếu không phải là
hãy sống đích thực như con cái của Đấng mà chúng ta gọi là Cha? Đức Ki-tô đã dạy ta cách “gọi Thiên Chúa là
Cha” khi Người đã hoàn tất vai trò làm Con Chiên vẹn toàn để cứu chuộc nhân loại. Vậy thì chúng ta cũng phải học cách ấy, không
chỉ “gọi” bằng miệng lưỡi, nhưng bằng chính cuộc sống của một Ki-tô hữu tin vào
tình yêu cứu độ của Thiên Chúa và tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh là Đường đưa ta
về nhà Cha, để hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cùng Ba Ngôi Thiên Chúa.
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi