CHÚA NHẬT V PHỤC SINH
Giáo Hội là cộng đồng đức tin bước theo Đức Ki-tô
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Cv 6:1-7;
1 Pr 2:4-9; Ga 14:1-12)
Sau khi trình bày sự phát triển Hội
Thánh của Chúa Ki-tô Phục Sinh, Phụng vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta suy niệm về
sinh hoạt của cộng đồng này một cách sâu xa hơn. Song song với những sinh hoạt phụng vụ, Hội
Thánh đã trở thành một cộng đồng phục vụ, vì đức tin không chỉ là lời tuyên
xưng bề ngoài, nhưng phải được thể hiện qua những hành động cụ thể giúp đỡ tha
nhân. Dù vậy, Hội Thánh vẫn không quên mục
đích tối hậu của mình là khích lệ mọi tín hữu cùng đồng hành tiến về quê hương
đích thực, theo sát lối sống của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng là con đường, là sự thật
và là sự sống.
1.
Giáo Hội là một cộng đồng phục vụ. Hội thánh Giê-ru-sa-lem đã từng là một cộng
đoàn bác ái gương mẫu. Nhưng lý tưởng ấy
không kéo dài được bao lâu và đã có những khuyết điểm trong đời sống của cộng
đoàn. Đoạn sách Công vụ hôm nay thuật lại
một sự kiện nói lên sự thiếu sót ấy, đó là việc các bà góa trong nhóm tín hữu gốc
Hy-lạp đã không được đối xử bình đẳng như các bà góa của nhóm tín hữu gốc
Do-thái trong việc phân phát lương thực hằng ngày. Do đó, Hội thánh Giê-ru-sa-lem cần phải sửa
sai tình huống, bằng cách tăng thêm nhân sự để lo phân phát lương thực đồng đều
cho các bà góa, không phân biệt gốc Do-thái hay Hy-lạp. Bảy người được các tông đồ lựa chọn để thi
hành sứ vụ này và họ là những phó tế tiên khởi của Giáo Hội. Để giúp Giáo Hội phát triển mọi phương diện,
cần phải mỗi người một việc: các tông đồ
thì lo việc rao giảng Lời Thiên Chúa, các phó tế thì lo những công tác xã hội,
nhất là quan tâm giúp đỡ những người nghèo khổ và cô thế trong cộng đồng. Nhờ vậy, “Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn và tại
Giê-ru-sa-lem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, thậm chí cũng có một đám rất
đông các tư tế đón nhận đức tin”.
2.
Giáo Hội là một cộng đồng tư tế. Gần hai ngàn năm sau khi Giáo Hội Đức Ki-tô
được thiết lập, chúng ta vẫn không ngừng suy nghĩ về một chức năng quan trọng của
Giáo Hội là chức tư tế cộng đồng. Trong
Hiến chế Tín lý về Giáo Hội (Lumen gentium), chương 2 đặc biệt bàn về chức tư tế
cộng đồng và nhắc nhở tín hữu nghiêm túc thi hành chức phận của mình bên cạnh
hàng giáo phẩm. Ý nghĩa Giáo Hội là Dân
Thiên Chúa đã từng được thánh Phê-rô nói đến như ta thấy trong bài đọc 2 hôm
nay. Ngài khẳng định rằng: “Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển
chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan
truyền những kỳ công của Người”. Không
những Thiên Chúa tuyển chọn chúng ta làm dân thánh Người, Người còn trao cho
chúng ta sứ mệnh xây dựng Giáo Hội khi Người “dùng chúng ta như những viên đá sống
động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng… và đặt ta làm hàng tư tế thánh, dâng
những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người nhờ Đức Giê-su Ki-tô”. Đặc biệt, công đồng Vaticanô II nhấn mạnh đến
tầm quan trọng của chức tư tế cộng đồng nơi các tín hữu: “Chức tư tế cộng đồng của các tín hữu và chức
tư tế thừa tác hay phẩm trật, dù khác nhau về yếu tính chứ không phải chỉ về cấp
bậc, nhưng cả hai đều được đặt định tương quan với nhau; thật vậy, theo cách thức riêng của mình, mỗi
bên đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Ki-tô” (LG 10).
3.
Bước theo Đức Ki-tô là con đường,
là sự thật và là sự sống. Vì Giáo Hội
là một tổ chức do Chúa Giê-su thiết lập vừa mang bản chất trần thế lẫn siêu
nhiên, nên Giáo Hội cũng có một mục đích và một đường lối để tiến tới mục đích ấy. Mục đích và con đường đã được Chúa Giê-su mặc
khải cho các môn đệ như ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Trong cuộc chuyện trò với môn đệ trước khi chịu
cuộc Thương khó, Chúa Giê-su tâm sự rất nhiều.
Chúa nói đến cuộc trở về nhà Cha của Người. Với Người, đây là tiếp tục đoạn cuối cùng của
hành trình cứu độ. Người đã được Cha sai
đến để thi hành sứ mệnh. Bây giờ sứ mệnh
đã gần kết thúc và Người lên đường trở về “nhà” và đem chúng ta cùng về. Các môn đệ không biết Chúa sẽ đi và đem họ về
đâu, nên ông Tô-ma thắc mắc: “Thưa Thầy,
chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” Chúa trả lời ngay: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự
sống”. Thật ngắn gọn, nhưng ý nghĩa sâu
xa vô cùng! Để dẫn ta đi theo Người mà về
với Chúa Cha, Chúa Giê-su là con đường, có nghĩa Người là lối sống để ta theo
đó mà sống và cư xử với anh chị em. Sở
dĩ chúng ta sống theo Chúa là vì ta luôn gặp nơi Người một sự thật; sự thật ấy là vì yêu thương ta nên Thiên Chúa
cứu độ ta; nói khác đi, ơn cứu độ chỉ gặp
được nơi Chúa Giê-su là một chân lý chắc chắn.
Cuối cùng, Chúa Giê-su là sự sống của ta, không những sự sống hiện tại đời
này, mà còn là sự sống vĩnh cửu đời sau nữa.
Như vậy mục tiêu Chúa Giê-su dẫn ta đến là Chúa Cha, không chỉ là Chúa
Cha vô hình nhưng cũng là Chúa Cha hữu hình trong Đức Ki-tô.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Chúng ta cảm tạ Chúa đã thiết lập Giáo
Hội và cho ta được làm những viên đá sống động để xây dựng Giáo Hội ấy. Cùng tất cả các tín hữu trong Giáo Hội, chúng
ta hãy “vừa cầu nguyện vừa hoạt động để toàn thế giới trở thành Dân Thiên Chúa…
và trong Đức Ki-tô là thủ lãnh muôn loài, mọi danh dự và vinh quang được dâng
lên Đấng Tạo Hóa cũng là Cha của toàn thể vũ trụ” (LG 17).
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi