LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ

Mình Máu Thánh Chúa Kitô là lương thực cho một hành trình

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Đnl 8:2-3, 14b-16a;  1 Cr 10:16-17;  Ga 6:51-58)

          Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi đã mặc khải và thực hiện kế hoạch cứu độ nhân loại, để biến đổi thân phận tội lỗi chúng ta và mở ra con đường dẫn ta về nhà Thiên Chúa.  Tuy nhiên con đường cứu độ đòi hỏi sự cố gắng và cộng tác của ta với ơn Chúa, nhất là phải có sức mạnh thiêng liêng để chống trả cám dỗ và kiên trì sống theo sự dẫn dắt của Thánh Thần.  Vậy ta tìm đâu được sức mạnh thiêng liêng ấy?  Đó chính là Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô, lương thực thần linh cần thiết cho hành trình của ta trên đường dương thế.  Hành trình này có những nét hệt như cuộc xuất hành của dân Chúa dưới sự lãnh đạo của ông Mô-sê (bài đọc 1).  Như man-na là lương thực không thể thiếu dành cho dân Ít-ra-en giữa sa mạc khô cằn, Thánh Thể Chúa Ki-tô cũng là thần lương dưỡng nuôi linh hồn ta đang khi ta bước đi trong khó khăn thử thách (bài Tin Mừng).  Để giúp chúng ta cử hành và lãnh nhận Thánh Thể, thánh Phao-lô nhắc nhở ta về ý nghĩa của việc cử hành ấy (bài đọc 2).

          1.  Hành trình của dân Ít-ra-en và hành trình của Ki-tô hữu.  Hành trình là quãng đường đi từ một khởi điểm tiến tới đích điểm.  Hành trình của dân Ít-ra-en khởi đầu từ Ai-cập tiến về Đất Hứa, rũ bỏ ách nô lệ để đón nhận tự do.  Nhờ Thiên Chúa can thiệp, dân Ít-ra-en được giải thoát khỏi thân phận làm tôi mọi cho Ai-cập và họ lên đường tiến về miền đất Thiên Chúa đã hứa ban cho tổ tiên họ.  Con đường tìm về tự do quả thực là gian khổ:  tương lai vô định, con đường dài và khó khăn muôn mặt về lương thực, nơi tạm dừng chân, nhu cầu cá nhân, những thử thách tâm lý như chán nản, kêu trách, muốn trở về nếp sống cũ dù là làm thân nô lệ… Một biến cố nói lên thử thách lớn lao nhất, đó là tìm đâu ra lương thực giữa sa mạc cho cả cộng đồng dân Chúa.  Như ta biết, kết quả cuộc kiểm tra dân số “tại sa mạc Xi-nai ngày mồng một tháng hai năm thứ hai kể từ khi con cái Ít-ra-en ra khỏi đất Ai-cập” cho biết “tổng số người được kiểm tra là 603.550” (Dân số 1:1, 46).  Vậy tìm đâu ra lương thực cho bấy nhiêu người?  Chúa can thiệp bằng cách ban man-na từ trời xuống cho họ!  Ông Mô-sê nhắc nhở dân chúng “phải nhớ lại tất cả con đường Thiên Chúa đã dẫn họ đi” để cảm tạ Chúa.  Đây là biểu tượng rất cảm động nói lên hành trình sống đức tin của Ki-tô hữu.  Sau khi được biến đổi thân phận tội lỗi nhờ Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta cũng bắt đầu một hành trình cam go để sống đời sống mới trong Thánh Thần.  Rồi Chúa Giê-su cũng nhắc nhở ta giống như ông Mô-sê nhắc nhở dân Ít-ra-en:  “Anh em hãy làm việc này để nhớ đến Thầy”.  Nhớ đến Chúa Giê-su để cảm tạ Thiên Chúa và cử hành Thánh Thể chính là để tạ ơn Thiên Chúa.

          2.  Thánh Thể là lương thực cần thiết cho hành trình đức tin.  Một hành trình cần có lương thực.  Không ăn lấy sức đâu mà đi!  Dĩ nhiên khi ban “thịt và máu” cho ta, Chúa Giê-su đã nhắm mục đích rõ ràng:  để ta được sống và sống muôn đời.  Chúa giải thích rõ từng bước:  bước đầu tiên là phải ăn và uống để “có sự sống nơi mình”;  bước thứ hai là được “ở lại” trong Chúa và Chúa ở lại trong ta, nói khác đi là được kết hiệp với Chúa;  bước thứ ba là “sẽ được sống muôn đời”.  Chúng ta cũng cần hiểu một số “thuật ngữ” thánh Gio-an sử dụng ở đây.  Trước hết là lời tuyên bố của Chúa Giê-su mở đầu bằng “Tôi là”.  Đây là từ được ám chỉ về một mình Thiên Chúa mà thôi.  Ngoài ra động từ “thật là” được đặt ở thì hiện tại để diễn tả một thực tại, chứ không phải một biểu tượng hoặc so sánh, cộng thêm lời nhấn mạnh “Thật, tôi bảo thật các ông”.  Một điều ta không tưởng tượng nổi, đó là Chúa Giê-su khẳng định sự sống do Thánh Thể là sự sống bắt nguồn từ Chúa Cha, lưu chuyển sang Chúa Con và tràn xuống chúng ta nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần.  Hiểu như thế, ta mới thấy lời Chúa Giê-su hứa cho ta được sống và sống muôn đời thực là lời hứa vô cùng yêu thương và quảng đại!

Sống sứ điệp Lời Chúa

          3.  Chỉ có một tấm Bánh, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.  Có lẽ bây giờ chúng ta mới hiểu được tại sao thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã chọn biến cố Chúa Giê-su lập Bí tích Thánh Thể làm mầu nhiệm Sự Sáng cuối cùng như mầu nhiệm tột đỉnh trong sứ vụ của Chúa Giê-su.  Thánh Thể là điểm sáng tột đỉnh của tình yêu Thiên Chúa muốn biểu lộ cho nhân loại.  Vậy mà chúng ta không mấy quan tâm hoặc không biết!  Cả những Ki-tô hữu tại Cô-rin-tô cũng không biết nữa.  Cho nên thánh Phao-lô đã dạy họ rằng khi cử hành và lãnh nhận Thánh Thể, họ cần phải “nhớ” điều gì là quan trọng nhất?  Thưa, họ phải nhớ mình “dự phần vào Máu Đức Ki-tô” và “dự phần vào Thân Thể Người”.  Mục đích khi lãnh nhận Mình và Máu Chúa là để được “dự phần” với Chúa và anh chị em, giống như ta đi dự tiệc.  Vậy nếu chúng ta đến tham dự Thánh lễ mà không “dự phần” thì chúng ta chỉ là kẻ bàng quan, là người ngoài, là kẻ “xem lễ” chứ không phải là dự phần.  Lời thánh Phao-lô nhắc nhở không chỉ dành cho tín hữu Cô-rin-tô đâu, mà cho cả chúng ta là Ki-tô hữu hôm nay nữa.  Thánh lễ là cơ hội để ta sống sự kết hợp với Chúa và sự liên đới với anh chị em.  Rồi sau khi tham dự Thánh lễ, ta còn được sai đi để loan báo Tin Mừng nữa, chứ không chỉ là “ra về bình an”.  Lời chào kết thúc nguyên ngữ La-tinh là “Ite, missa est”, nghĩa là hãy đi để thi hành sứ mệnh.  Nếu ta đã được “nếm cho biết Chúa dịu ngọt và tốt lành” thì hãy đi chia sẻ cảm nếm ấy với anh chị em ta gặp gỡ!

  Lm. Đa-minh Trần đình Nhi     


Suy Niệm Lời Chúa Năm A