CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN

Cùng chết với Đức Kitô để được cùng sống với Người

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (2 V 4:8-11, 14-16a;  Rm 6:3-4, 8-11;  Mt 10:37-42)

        Cuộc sống trần gian của Ki-tô hữu là hành trình đức tin, một hành trình luôn đòi hỏi chúng ta phải cùng chết với Đức Ki-tô để sẽ được cùng sống với Người.  Chắc chắn chúng ta không coi cái chết “với Đức Ki-tô” là cái chết phần xác, nhưng là cái chết của linh hồn ta do tội nguyên tổ và tội lỗi đem lại.  Cái chết này đã bị tiêu diệt nhờ sự chết và sống lại của Chúa Giê-su để Người ban cho chúng ta sự sống mới.  Lời Chúa hôm nay cho ta thấy Thiên Chúa là nguồn sự sống phần xác cũng như phần hồn.  Câu chuyện ngôn sứ Ê-li-sa và mẹ con người phụ nữ Su-nêm (bài đọc 1) đã khẳng định rằng sự sống và cái chết của con người đều nằm trong tay Thiên Chúa. Còn thánh Phao-lô thì nghĩ về lẽ sống chết theo cái nhìn thần học, coi bí tích thánh tẩy là mốc điểm khi ta “được dìm vào trong cái chết của Đức Ki-tô, thì chúng ta được sống một đời sống mới” (bài đọc 2).  Cuối cùng, chính Chúa Giê-su đã khẳng định hành trình làm môn đệ Người phải là “liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (bài Tin Mừng).

        1.  Thiên Chúa ban cho ta sự sống cả phần xác lẫn phần hồn.  Đang khi thi hành sứ vụ, ngôn sứ Ê-li-sa là môn đệ ngôn sứ Ê-li-a, đã làm nhiều dấu lạ.  Tại miền Su-nêm, có một phụ nữ giàu sang nhưng lại hiếm hoi đã có lòng tốt và ân cần đón tiếp Ê-li-sa, người của Thiên Chúa.  Để thưởng công cho người đàn bà đau khổ vì không có con, Ê-li-sa đã cầu xin Chúa ban cho bà một mống con trai để nối dòng.  “Vào độ này sang năm, bà sẽ có cháu trai để bồng!”  Đó là tin vui vị ngôn sứ báo cho bà.  Quả thực điều này đã xảy ra.  Tuy nhiên, vừa lớn lên được dăm bảy tuổi, đứa bé bị bạo bệnh mà chết.  Một lần nữa, bà mẹ lại kêu cứu ngôn sứ Ê-li-sa và ngài đã đến dù đứa bé chết rồi.  Ngôn sứ đã phải vất vả làm mọi cách (kể cả “phương pháp cấp cứu CPR”!) mới giúp cho đứa bé sống lại nhờ quyền năng Thiên Chúa (2 Vua 4:8-37).  Chúng ta cũng nên lưu ý là Chúa Giê-su thì khác, Người chỉ cần phán một lời với kẻ đã chết, hoặc nói từ xa cũng đủ làm cho kẻ chết sống lại rồi (Mc 9:35-42; Mt 8:5-13).  Câu chuyện ngôn sứ Ê-li-sa và mẹ con người phụ nữ Su-nêm muốn trình bày một chân lý rõ ràng:  Thiên Chúa là Đấng ban sự sống và Người có toàn quyền trên sự sống cũng như cái chết của con người.

        2.  Cái chết và sự sống mới theo suy tư thần học của thánh Phao-lô.  Suy niệm về ý nghĩa bí tích thánh tẩy, thánh Phao-lô đã diễn tả như sau:  “Vì được dìm vào trong cái chết của Đức Ki-tô, chúng ta đã cùng được mai táng với Người.  Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới”.  Vậy thế nào là được dìm vào trong cái chết của Đức Ki-tô và cùng được mai táng với Người?  Đó là con người tội lỗi chúng ta (tội nguyên tổ cũng như tội lỗi riêng) đã chết đi trong cái chết của Chúa Giê-su, được “mai táng” với Người, để được “phục sinh” với Người.  Nói khác đi, căn tính tội lỗi của ta được thay đổi nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su, để chúng ta từ thân phận tội lỗi được trở nên con cái Thiên Chúa!  Để nhấn mạnh tầm quan trọng của chân lý này, thánh Phao-lô dạy rằng:  “Đó là niềm tin của chúng ta”.  Nếu ta không tin như thế, thì cả cuộc đời Ki-tô của ta chẳng còn ý nghĩa gì nữa.  Sự sống mới này chính là khởi điểm hành trình dẫn ta đến sự sống đời đời vậy.

        3.  Ai tìm giữ mạng sống mình, thì sẽ mất;  còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”.  Điểm cốt yếu Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh ở đây, đó là ý nghĩa việc “tìm giữ mạng sống mình” và “liều mất mạng sống mình”.  Thoạt nghe nghịch lý này, chúng ta đừng vội cho rằng Chúa thật là mâu thuẫn.  Không đâu.  Trái lại, đây là chân lý, chân lý đã trở thành một thứ “thập giá” mà bất cứ ai muốn làm môn đệ Chúa cũng phải vác.  Vậy đâu là ý nghĩa của nghịch lý tìm giữ mạng sống và liều mất mạng sống?  Dĩ nhiên Chúa Giê-su không hoàn toàn chỉ đề cập đến mạng sống thể xác của chúng ta, nhưng Người muốn nhấn mạnh hơn đến tầm quan trọng của mạng sống phần hồn chúng ta.  Chúa muốn nói rằng nếu chúng ta muốn bảo toàn mạng sống phần hồn thì ta phải chấp nhận mọi hy sinh.  Nói khác đi, nếu muốn giữ mạng sống phần xác được sung sướng mà bán rẻ cuộc sống luân lý đạo đức thì ta sẽ không tránh khỏi sự phán xét của “Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (Mt 10:28).  Tìm giữ mạng sống thân xác là khuynh hướng tự nhiên của chúng ta.  Ai mà chẳng muốn sống đầy đủ và tiện nghi.  Nhưng ước muốn ấy cũng có thể trở nên động lực thúc đẩy ta làm những việc trái luân lý và mất lòng Chúa.  Cho nên đừng “tìm giữ” nhưng hãy “liều mất” để bảo tồn sự sống phần hồn luôn được bình an trước mặt Chúa và người đời.  Chung quanh ta, không thiếu những kẻ “tìm giữ mạng sống”, khi họ chỉ vì đồng tiền mà sẵn sàng làm thương tổn hoặc cướp đi sự sống của người khác!  Trái lại, chúng ta vác thập giá có nghĩa là ta chấp nhận mọi thiệt thòi khi sống đời Ki-tô hữu gương mẫu.

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Lời Chúa hôm nay quá rõ ràng.  Không có sự thỏa hiệp lập lờ trong lối sống nửa nạc nửa mỡ cho người Ki-tô hữu chân chính.  Nếu thực sự muốn làm môn đệ Chúa Giê-su, chúng ta chỉ có một con đường là vác thập giá, hoặc phải coi trọng mạng sống phần hồn hơn mạng sống phần xác!

 

        Lm. Đa-minh Trần đình Nhi      


Suy Niệm Lời Chúa Năm A