CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN
Thiên Chúa dùng Lời Người để thực hiện cuộc tạo dựng mới
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Is 55:10-11; Rm 8:18-23;
Mt 13:1-23)
Sau khi nguyên tổ loài người làm hỏng
công trình tạo dựng,Thiên Chúa Cha đã có một kế hoạch là thực hiện cuộc tạo dựng
mới. Từ khởi nguyên, Thiên Chúa đã dùng
Lời phán dạy để dựng nên vũ trụ vạn vật và nhân loại. Khi thực hiện kế hoạch cứu độ, Thiên Chúa cũng
dùng Lời để tái tạo mọi sự , nhưng là Lời nhập thể, Chúa Giê-su Ki-tô. Ý định thực hiện cuộc tạo dựng mới là điều chắc
chắn khi Thiên Chúa phán rằng giống như mưa và tuyết từ trời xuống làm cho đất
phì nhiêu và đâm chồi nảy lộc thế nào, thì Ngôi Lời được sai xuống trần gian
cũng sẽ chu toàn sứ mạng cứu độ như vậy (bài đọc 1). Trong dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giê-su
so sánh việc Thiên Chúa thực hiện kế hoạch cứu độ tựa như việc gieo hạt giống
và kết quả của kế hoạch ấy rất tích cực và chắc chắn (bài Tin Mừng). Sau hết, suy tư của thánh Phao-lô nói lên tâm
trạng khắc khoải của mọi người đợi chờ được hoàn toàn cứu độ đang khi họ cố gắng
sống đạo làm con Chúa (bài đọc 2).
1.
Thiên Chúa quyết tâm thực hiện cuộc
tạo dựng mới. Sách Sáng Thế cho thấy
Lời của Thiên Chúa là tác nhân thực hiện cuộc tạo dựng vũ trụ và con người. Mọi sự được dựng nên do lời Thiên Chúa. “Thiên Chúa phán” là cụm từ mở đầu cho mỗi lần
Thiên Chúa dựng nên trời đất, con người, súc vật và cỏ cây. Lời Thiên Chúa là nguyên lý cho sự hiện hữu của
muôn vật và con người chúng ta. Nhưng không
may, cuộc tạo dựng nhân loại bằng Lời Thiên Chúa lại bị hủy hoại do lời cám dỗ
đường mật của ma quỷ! Thiên Chúa tương kế
tựu kế: ma quỷ đã dùng lời để quyến rũ
loài người bất tuân lệnh Chúa, thì trong công cuộc cứu độ, nghĩa là tái tạo một
nhân loại mới, Thiên Chúa cũng sai Lời của Người là Ngôi Hai Nhập Thể xuống trần
gian để “chu toàn sứ mạng” cứu độ. Thiên
Chúa đã quyết tâm phác họa kế hoạch khi Người ban bố Tin Mừng nguyên thủy: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi (con rắn) và người
đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy” (St 3:15). Lời hứa cứu độ ấy đã trải qua bao thời đại để
chờ “thời gian tới hồi viên mãn”. Trong
khoảng thời gian đợi chờ, nhiều ngôn sứ đã lập lại và nhắc cho người ta nhớ. I-sai-a là vị ngôn sứ nói nhiều về lời hứa cứu
độ. Bài đọc 1 hôm nay cho thấy Thiên
Chúa đã dùng một hình ảnh rất quen thuộc với đời sống nông gia để nói lên ý định
trung thành của Người, là Lời mà Người sai xuống từ trời sẽ “thực hiện ý muốn
và chu toàn sứ mạng Người giao phó”. Giống
như mưa, tuyết, sương từ trời sa xuống làm cho đất phì nhiêu và cây cỏ tốt
tươi, Lời Thiên Chúa là Đức Giê-su Ki-tô cũng đến từ trời để biến đổi thế giới
khô cằn và nhân loại sa đọa thành vườn địa đàng mới và nhân loại mới. Như thế, Lời Thiên Chúa đầy quyền năng khi dựng
nên vũ trụ và loài người cũng sẽ biến đổi nhân loại này thành những con cái của
Thiên Chúa.
2. Dụ ngôn Người gieo giống trình bày những
cách đáp trả khác nhau đối với Tin Mừng cứu độ. Thiên Chúa đã nhiều lần nhiều cách phán dạy
chúng ta, nhưng vào thời sau hết này, Người đã nói bằng chính Con Một là Đức
Giê-su để loan báo Tin Mừng cứu độ (Dt 1:1).
Dụ ngôn người gieo giống trong ba sách Tin Mừng Nhất lãm đồng loạt nhấn
mạnh đến thái độ của những người “nghe lời giảng Nước Trời”. Chúa giải thích: hạt giống là Lời Chúa. Những kẻ đón nhận lời giảng được ví như những
hạt giống được gieo xuống. Họ đón nhận
Tin Mừng cách khác nhau. Hạng đầu tiên
là hạt giống rơi bên vệ đường: họ là kẻ
nghe lời rao giảng mà “không hiểu” hoặc cố tình không muốn hiểu. Họ để cho cám dỗ của ma quỷ cướp hạt giống đi. Riêng thánh Lu-ca còn bồi thêm: “Quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin
mà được cứu độ”! Hạng thứ hai là hạt
gieo trên đất nhiều sỏi đá: đó là kẻ đón nhận Lời cứu độ cách “nông nổi nhất thời”. Họ không thực sự sống Lời Chúa, nên “khi gặp
gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, họ vấp ngã ngay”! Hạng thứ ba là hạt giống được gieo vào bụi
gai bị bóp nghẹt và không thể phát triển:
đây là kẻ tuy đón nhận Lời, nhưng lại để cho “những nỗi lo lắng sự đời
và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt Lời”; họ
đặt giá trị của Tin Mừng sau tiền bạc danh vọng! Cuối cùng là những hạt được gieo vào đất màu
mỡ. Hạng người này đã “nghe Lời và hiểu”,
không chỉ hiểu bằng trí óc, mà hiểu bằng trái tim, hăng say sống Lời Chúa bằng
hành động và để Lời Chúa biến đổi lối sống của mình. Chúa Giê-su rất lạc quan khi nói về “kết quả”
của cách họ đón nhận Người vào đời sống:
“Kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục”. Con số khác nhau ở đây không biểu hiện sự
chênh lệch, nhưng là sự tràn đầy và trọn vẹn của mỗi người, tựa như những ly nước
tuy to nhỏ khác nhau, nhưng ly nào cũng đầy nước cả.
Sống sứ điệp Lời Chúa
3.
Ki-tô hữu hãy để Lời Chúa tiếp tục
biến đổi mình hầu mai sau được hưởng vinh quang muôn đời. Đó là lời thánh Phao-lô kêu gọi chúng
ta. Ngài cho ta thấy lộ trình thiêng
liêng cộng tác với ơn Chúa khi ta lãnh nhận ơn cứu độ. Mở đầu, chúng ta lãnh nhận “ân huệ Thần Khí”
cho ta có khả năng làm con Chúa và gọi Người là Cha. Tiếp đến, ta sống nhưng luôn “trông đợi Thiên
Chúa ban cho trọn quyền làm con”, nghĩa là ta được cứu chuộc không chỉ phần hồn
mà cả thân xác nữa. Điều quan trọng là
hãy xét mình xem ta thuộc hạng người nào khi tiếp nhận Lời Chúa và sống Lời
Chúa để sinh hoa trái?
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi