CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN
Chúa luôn hiện diện với ta giữa mọi gian nan khốn khó
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (1 V 19:9a, 11-13a; Rm 9:1-5;
Mt 14:22-33)
Kinh nghiệm cho thấy những lúc gặp khó
khăn, chúng ta dễ dàng đến với Chúa để cầu xin Người giúp đỡ; qua cơn khốn khó rồi, ta lại thường quên
Chúa. Tuy nhiên câu chuyện ngôn sứ
Ê-li-a gặp Thiên Chúa và câu chuyện Chúa Giê-su đi trên mặt biển mà đến với các
môn đệ ở trên thuyền lại dạy chúng ta rằng sau khi trải qua sóng gió hiểm nguy,
chúng ta hãy nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa và tin vào Người. Khi suy niệm về sự hiện diện của Thiên Chúa,
thánh Phao-lô trình bày rất độc đáo tư tưởng về sự hiện diện này: ngài ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa qua Đức
Ki-tô là Ngôi Lời Nhập Thể và là sự hiện diện theo huyết thống.
1.
Thiên Chúa luôn ở với ngôn sứ
Ê-li-a trong mọi hoàn cảnh. Cuộc chiến
thắng và tru diệt các ngôn sứ của thần Ba-an đã làm cho hoàng hậu I-de-ven tức
giận, nên bà tìm giết ngôn sứ Ê-li-a khiến ông phải chạy trốn. Ông đã làm cuộc hành trình bốn mươi đêm ngày
qua sa mạc để lên núi Khô-rếp gặp gỡ Chúa.
Tại đây, trong lúc mệt mỏi thể xác lẫn tinh thần, ngôn sứ đã chờ đợi
Thiên Chúa đến. Bài đọc 1 hôm nay thuật
lại cuộc gặp gỡ này. Đang khi Ê-li-a nghỉ
đêm trong một hang núi, Thiên Chúa dạy ông hãy ra ngoài, vì Người đang đi qua
trước mặt ông. Ông cố gắng nhận ra sự hiện
diện của Chúa giữa những biến cố thiên nhiên vĩ đại, như gió bão, động đất, núi
lửa. Trái với những điều ông nghĩ, Thiên
Chúa lại đi qua trong “tiếng gió hiu hiu” để đến với ông. Ông đứng trước cửa hang và tiếp nhận những mệnh
lệnh của Người trước khi ông chấm dứt sứ vụ ngôn sứ và chuyển giao sứ vụ cho
ông Ê-li-sa. Mặc dù Ê-li-a đã trung
thành thực thi sứ vụ dưới sự hướng dẫn và che chở của Chúa, nhưng cuộc gặp gỡ
này còn mang một ý nghĩa cá nhân riêng tư, là nói lên lòng yêu mến Thiên Chúa của
Ê-li-a. Có những chi tiết ý nghĩa nói
lên tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa và vị ngôn sứ. Thứ nhất là việc Chúa đến trong làn gió nhẹ
hiu hiu. Thiên Chúa muốn tỏ mình ra cho
ông Ê-li-a trong bối cảnh yêu thương nhẹ nhàng nhưng sâu đậm, trong bầu khí
riêng tư thân thiết như gió thoảng chứ không phải bằng sấm sét lửa khói như những
cuộc thần hiện đầy sợ hãi ở Xi-nai. Thứ
hai là lời Chúa hỏi: “Ê-li-a, ngươi làm
gì ở đây?” Thiên Chúa hỏi như vậy không
phải vì Người không biết ông Ê-li-a làm gì, nhưng Chúa muốn ông nhìn lại và
khám phá ra chính tâm hồn ông, để nhận ra rằng chỉ có lòng yêu mến Thiên Chúa mới
là quan trọng.
2.
Chúa Giê-su, Thiên Chúa làm người
phàm, đến với các môn đệ giữa cơn sóng gió.
Khác với việc Thiên Chúa đến gặp gỡ ngôn sứ Ê-li-a trong cơn gió hiu
hiu, Chúa Giê-su đã đi trên mặt nước để đến với các môn đệ đang ở trên thuyền
“bị sóng đánh vì ngược gió”. Trong khi
ngôn sứ Ê-li-a đón tiếp Thiên Chúa trong tâm tình yêu mến, thì các môn đệ Chúa
Giê-su lại hoảng hốt la hét: “Ma đấy!” Tuy nhiên mục đích Chúa đến với chúng ta đâu
phải để chúng ta sợ hãi, nhưng để dẹp yên sóng gió bên ngoài cũng như trong tâm
hồn chúng ta. Chúa Giê-su không hỏi các
môn đệ “làm gì ở đây”, vì Người đã biết họ phải chống chọi với sóng gió. Nhưng Người muốn các ông đặt hết lòng tin vào
Người. Do đó, Người đã cho phép Phê-rô
“đi trên mặt nước mà đến với Người”, rồi cứu ông khi ông bắt đầu chìm, để ông
và các bạn tin vào Người. Trong cuộc gặp
gỡ Ê-li-a, Thiên Chúa hỏi ngôn sứ “Ngươi làm gì ở đây?” là để ông xác nhận lại
lòng yêu mến của ông. Còn trong câu chuyện
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su hỏi Phê-rô:
“Sao lại hoài nghi?” là để ông xét lại đức tin của ông. Rất mừng là cuối
cùng, “những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: ‘Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!’”
3.
Thiên Chúa hiện diện bằng xương bằng
thịt giữa chúng ta qua Đức Giê-su Ki-tô.
Đây là niềm tin quan trọng nhất của chúng ta và cũng là cốt lõi giáo lý
thần học của thánh Phao-lô. Trong đoạn
thư đề cập tới đặc ân Thiên Chúa dành cho Ít-ra-en, thánh Phao-lô đã không ngại
nói lên niềm hãnh diện vì được chung một huyết thống với dân tộc Ít-ra-en nên
ngài cũng được thừa hưởng đặc ân ấy.
Nhưng đặc ân ấy là gì? Đó là dân
Ít-ra-en đã “được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban
tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa”. Nói tóm lại, Thiên Chúa đã dành cho Ít-ra-en
những gì mà các dân tộc khác không có được.
Tuy nhiên, đối với Phao-lô, đặc ân của Thiên Chúa còn cao trọng hơn thế
nữa! Cao trọng là vì “chính Đức Ki-tô,
xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ”. Đúng thế, Đức Ki-tô đã đem lại cho chúng ta một
thân phận mới, được chia sẻ chức vị con Thiên Chúa với Người. Một người làm quan, cả họ được nhờ! Nhờ Đức Ki-tô mà chúng ta được tất cả. Nếu diễn tả bằng thần học, chúng ta sẽ nói
theo thánh Gio-an rằng “Em-ma-nu-en”, Thiên Chúa từ trời đến ở với chúng ta, là
“thần học từ trên trời”; còn theo
Phao-lô, Thiên Chúa ở với chúng ta qua Đức Ki-tô, Thiên Chúa làm người, là “thần
học từ dưới đất”!
Sống sứ điệp Lời Chúa
Dù đến với nhân loại bất cứ cách nào,
Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện giữa chúng ta với tất cả lòng yêu thương và trong
mọi hoàn cảnh. Còn chúng ta hiện diện với
Chúa như thế nào đây? Cùng ngôn sứ
Ê-li-a, ta hãy hiện diện với Chúa trong cầu nguyện và yêu mến. Cùng Chúa Giê-su, ta hãy sống như con cái
đích thực của Thiên Chúa. Cùng thánh
Phao-lô, ta hãy chúc tụng Chúa đến muôn đời!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi