CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN
Sự hối cải là phương thức trở nên giống Chúa Ki-tô
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Ed 18:25-28; Pl 2:1-11;
Mt 21:28-32)
Hôm nay Phụng vụ Lời Chúa tiếp tục khai
triển đề tài tuần trước: hối cải để trở
nên giống Chúa Ki-tô. Thánh Phao-lô đã
đưa ra lý tưởng “với tôi, sống là Đức Ki-tô” cho mọi Ki-tô hữu làm nguyên lý để
sống đời thánh thiện. Muốn thực hiện lý
tưởng ấy, chúng ta phải trải qua diễn trình hối cải liên tục. Trước hết qua ngôn sứ Êdê-ki-en, Chúa kêu gọi
Ít-ra-en và mỗi người chúng ta hãy “từ bỏ điều dữ và thi hành điều chính trực
công minh” (bài đọc 1). Thánh Phao-lô
thì mời gọi chúng ta hối cải bằng cách “hãy có những tâm tình như chính Đức
Ki-tô Giê-su” (bài đọc 2). Sau hết,
trong bài Tin Mừng, Chúa Giê-su kể dụ ngôn về hai người con trai nhà kia được
người cha bảo đi làm vườn nho. Người con
thứ nhất ban đầu phản đối không chịu đi, sau đó anh hối hận và làm theo ý
cha. Người con thứ hai lúc đầu nói sẵn
sàng đi, nhưng sau đó anh ta lại đổi ý không chịu đi làm. Dựa vào thái độ hối hận của người con thứ nhất,
Chúa Giê-su nói về những kẻ tội lỗi ăn năn sám hối: những người thu thuế và các gái điếm vào nước
Thiên Chúa trước các thượng tế và kỳ mục!
1.
Hối cải là gì? Theo nguyên ngữ
La-tinh, từ conversion (hối cải) gồm hai từ con
và versu, nghĩa là quay lưng lại với
ai hoặc điều gì, để hướng mặt về ai hoặc điều gì. Vậy theo nghĩa tu đức, hối cải là quay lưng lại
phía tội lỗi hoặc lối sống xấu xa, để hướng mặt về Thiên Chúa. Như thế, hối cải là một chuyển động đồng thời
và hai chiều, hễ quay lưng lại tội lỗi thì đồng thời hướng mặt về Chúa. Qua ngôn sứ Ê-dê-ki-en, Thiên Chúa kêu gọi
dân Ít-ra-en hối cải. Tại sao họ phải hối
cải? Vì họ nói “Đường lối của Chúa không
chính trực”, nên họ đã đi theo đường lối của riêng họ, tức đường lối thờ các thần
ngoại và sống ngược lại các giới răn của Chúa.
Hậu quả là mỗi ngày họ một rời xa Chúa để theo lối sống vô đạo đức. Thiên Chúa không ngại nói thẳng cho họ hiểu rằng
đường lối không chính trực và tội lỗi của họ chắc chắn sẽ đưa họ tới cái chết,
chết muôn đời. Trái lại, nếu họ đổi ngược
chiều, quay lưng lại với đường lối gian ác để hướng mặt về với Chúa, thì họ sẽ
được sống, vì Chúa là sự sống và là Thiên Chúa các tổ phụ của họ. Giáo Hội thấm nhuần ý nghĩa hối cải này, nên
sẵn sàng dành cả một thời gian dài mùa Chay với bốn mươi ngày để mỗi ngày kêu gọi
Ki-tô hữu thực hành sự hối cải. Hiểu như
vậy, hy vọng chúng ta sẽ tận dụng mùa Chay để giúp thăng tiến đời sống thiêng
liêng của ta.
2.
Câu chuyện hối cải trong bài Tin Mừng
hôm nay. Có lẽ trước khi tìm hiểu dụ
ngôn, chúng ta hãy xem Chúa Giê-su đã kể câu chuyện trong bối cảnh nào. Chúa đã kể dụ ngôn cho “các thượng tế và các
kỳ lão trong dân” nghe. Họ cần phải nghe
dụ ngôn, vì “đứa con thứ hai” trong câu chuyện ám chỉ chính họ, những kẻ cứng đầu
và tâm hồn chai đá không muốn chấp nhận Chúa và Tin Mừng Người rao giảng. Sứ điệp của Chúa Giê-su là “Hãy hối cải và
tin vào Tin Mừng”. Thế mà họ lại từ chối
không đón nhận vì cho mình là những kẻ công chính không cần hối cải. Trái lại, thật trớ trêu, những kẻ đón nhận và
thực thi sứ điệp ấy lại là “những người thu thuế và gái điếm” là những kẻ thực
hành hối cải nên sẽ vào Nước Thiên Chúa trước những người tự cho mình là công
chính. Câu chuyện là về hai người con được
cha sai vào làm vườn nho cho ông. Vườn
nho là hình ảnh Nước Thiên Chúa. Người
con thứ nhất khi được cha yêu cầu thì phản đối thẳng thừng: Con không đi.
Nhưng sau đó, anh ta suy nghĩ lại, đổi ý và đi làm. Nói cách khác, anh ta đã hối cải. Người con thứ hai cũng được cha sai đi, anh
ta mau mắn thưa: Thưa cha, vâng, con đi. Nói thật hay, nhưng anh ta không đi làm. Do đó, nếu nhìn lại bối cảnh Chúa Giê-su kể dụ
ngôn này, rõ ràng người con thứ hai ám chỉ đám thượng tế, Pha-ri-sêu và các kỳ
lão trong dân Ít-ra-en. Điều thú vị là
người con thứ nhất ám chỉ những người chúng ta không ngờ, đó là đám người tội lỗi
công khai, các người thu thuế và gái điếm!
Như Chúa đã khẳng định qua ngôn sứ Ê-dê-ki-en rằng kẻ tội lỗi từ bỏ đường
lối gian ác sẽ được sống, thì đám người tội lỗi bị người ta khinh bỉ này sẽ được
vào Nước Trời, giống như người con thứ nhất trong dụ ngôn được vào “vườn nho” của
cha vậy.
Sống sứ điệp Lời Chúa
3.
Hối cải là “hãy có những tâm tình
như chính Đức Ki-tô Giê-su”. Khi nói
với Ki-tô hữu giáo đoàn Phi-líp-phê những lời trên, thánh Phao-lô đã kêu gọi họ
hối cải, bỏ đi những hiềm khích chia rẽ, những mưu đồ ganh tị và tìm hư danh, để
xây dựng một đời sống cộng đoàn bác ái yêu thương đúng nghĩa theo tinh thần
Phúc âm. Để thực hiện được lý tưởng trên, điều cần thiết là phải “lấy lòng
khiêm nhường mà coi người khác hơn mình”.
Vì thế, thánh tông đồ đã nêu lên tấm gương khiêm nhường của Chúa Giê-su,
Đấng “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang” Thiên Chúa để sống kiếp phàm nhân và chịu
chết ô nhục trên thập giá hầu cứu chuộc chúng ta. Vậy Chúa Giê-su có những tâm tình nào để
chúng ta mang lấy? Làm sao kể hết được! Chúng ta chỉ còn cách duy nhất là hãy chiêm
ngắm mọi việc Chúa làm và suy niệm mọi lời Chúa dạy. Mỗi chữ, mỗi câu, mỗi lời giảng, mỗi câu chuyện,
mỗi dụ ngôn đều diễn tả những tâm tình của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đã trở nên “bản mẫu” Thiên Chúa
ban cho chúng ta để ta rập theo khuôn mẫu ấy mà thay đổi đời sống sao cho giống
với Người. Nói khác đi, chúng ta phải
nhìn vào bản mẫu Giê-su để hối cải mỗi ngày!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi