CHÚA NHẬT 27
THƯỜNG NIÊN A
Is 5,1-7; Pl
4,6-9; Mt 21,33-43
PHÁT SINH HOA LỢI
CHO CHÚA - ĐIỀU KIỆN ĐỂ VÀO NƯỚC TRỜI
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 21,33-43
(33) Các ông
hãy nghe một dụ ngôn khác: “Có gia chủ kia trồng được một vườn nho.
Chung quanh vườn, ông rào dậu, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp
canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. (34) Gần đến mùa hái
nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. (35) Bọn tá
điền bắt các đầy tớ ông. Chúng đánh người này, giết người kia, ném
đá người nọ. (36) Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước.
Nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. (37) Sau cùng, ông sai
chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: “Chúng sẽ nể con
ta”. (38) Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: “Đứa
thừa tự đây rồi ! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó
!”. (39) Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và
giết đi. (40) Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì
bọn tá điền kia ?”. (41) Họ đáp: “Ác giả ác báo ! Ông sẽ tru diệt
bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng
mùa, họ nộp hoa lợi cho ông”. (42) Đức Giê-su bảo họ: “Các ông chưa bao
giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao ?: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ
lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa,
công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta”. (43) Bởi đó, tôi nói cho các
ông hay: “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa,
mà ban cho một dân tộc biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.
2. Ý CHÍNH: DỤ NGÔN NHỮNG TÁ ĐIỀN SÁT NHÂN
Đức Giê-su đã dùng du ngôn
“Những tá điền sát nhân” này để cảnh cáo các đầu mục Do Thái. Câu
chuyện kể về bọn tá điền gian ác, đã được chủ vườn ưu ái trao quyền
canh tác vườn nho, nhưng lại rắp tâm chiếm đọat khi không chịu nộp
phần hoa lợi như đã thỏa thuận. Ho đã bách hại các đầy tờ do chủ
sai đến và còn giết chết chính cậu con trai ông chủ. Số phận của
bọn tá điền gian ác là sẽ bị tru diệt và vườn nho sẽ được trao do
người khác biết chu tòan thỏa thuận đã ký kết.
3. CHÚ THÍCH:
- C 33: + Các ông: Ở đây ám chỉ các thượng tế
và kỳ mục Do Thái ở Giê-ru-sa-lem. + Gia chủ và vườn nho: Trong
sách ngôn sứ I-sai-a, vườn nho ám chỉ dân Ít-ra-en và chủ vườn nho là
Thiên Chúa (x. Is 5,1-4). Còn trong dụ ngôn này, vườn nho lại ám chỉ
Nước Thiên Chúa do Đức Giê-su thiết lập. + Rào giậu chung quanh, khoét
bồn đạp nho và xây một tháp canh: Khi liệt kê các việc ông chủ
đã làm cho vườn nho, Đức Giê-su nhấn mạnh sự quan tâm và quyền sở
hữu tuyệt đối của chủ vườn nho: rào giậu là cách bảo vệ khỏi bị
người khác lấn chiếm; bồn đạp nho hay hầm ép rượu là một cái hố
được đục khoét sâu vào tảng đá lớn, nho được đạp dập cho chảy ra
nước cốt. Nước cốt này chảy qua máng vào một thùng lớn và được ủ
trở thành rượu. Tháp canh là vọng gác luôn có người canh để đề
phòng kẻ trộm. + Cho tá điền canh tác: Tá điền ám chỉ các đầu mục
dân Do thái đã được Thiên Chúa trao phó trách nhiệm chăn dắt dân
Ít-ra-en. Nhưng họ đã đưa dân này vào con đường thất tín và bất trung
với Giao ước đã ký kết với Thiên Chúa.
- C 34: + Gần đến
mùa hái nho: Gần đến nhắc ta nghĩ đến lời giảng “Nước Trời đã đến gần” của
Gio-an Tẩy Giả và của Đức Giê-su (x. Mt 3,2; 4,17). Mùa hái nho là
thời gian Thiên Chúa sẽ đến tính sổ với dân Ngài. + Ông sai đầy tớ đến gặp tá
điền để thu hoa lợi: Đầy tớ ám chỉ các ngôn sứ Cựu Ước đã
được Thiên Chúa sai đến kêu gọi dân Ít-ra-en sám hối để làm con dân
của Thiên Chúa.
- C 35-36: + Bọn tá điền bắt
các đầy tớ ông: Dân Ít-ra-en đã bắt bớ giết hại các ngôn sứ
do Thiên Chúa sai đến kêu gọi họ giữ Giao ước. + Chúng đánh người này, giết
người kia, ném đá người nọ: Các hình khổ của bọn tá điền
làm đối với những gia nhân do chủ sai đến theo thứ tự từ nhẹ đến
nặng: Đánh, giết, ném đá. Ném đá cũng là một cách giết chết, nhưng
kèm thêm sự nhục nhã và đau đớn hơn nhiều. Điều này cho thấy sự
chống đối của dân Ít-ra-en đối với các ngôn sứ ngày một gia tăng. Đó
là thứ tội bất trung và xúc phạm nặng nề đến Thiên Chúa. + Ông
lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước. Nhưng bọn tá điền cũng
xử với họ y như vậy: Qua câu này ta thấy có hai loại ngôn sứ
là ngôn sứ tiền và ngôn sứ hậu. Việc gửi các ngôn sứ sau đông hơn
ngôn sứ trước cho thấy lòng khoan dung kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với
dân Ít-ra-en. Dù bị họ phản bội bất trung, nhưng Thiên Chúa vẫn không
bỏ rơi, mà vẫn tiếp tục sai các ngôn sứ khác đến giúp họ hồi tâm
sám hối. Nhưng họ vẫn cố chấp tiếp tục giết hại các ngài.
- C 37-39: + Sau
cùng: Đây là cơ may
cuối cùng để bọn tá điền hồi tâm sám hối. + Ông sai chính con trai mình
đến: Con trai ông chủ ám chỉ Đức Giê-su, vì nhiều lần Người
đã xưng mình là Con Thiên Chúa (x. Mt 14,32; 16,16). + Đứa con thừa tự đây rồi:
Khi thấy con ông chủ đến, bọn tá điền lập tức nhận ra kẻ thừa tự.
Họ đã hành động với đầy đủ ý thức và tự do nên tội của họ rất
nặng. Còn về các đầu mục dân Ít-ra-en tuy không tin Đức Giê-su là Con
Thiên Chúa vì lầm chẳng biết (x Lc 23,34), nên tội của họ có thể
được nhẹ đi phần nào. + Nào ta giết quách nó đi và đoạt lấy
gia tài nó: Lỗi nặng nhất của các tá điền là không bhững
không tiếp nhận mà còn giết hại các đầy tớ và chính người con thừa
tự do chủ vườn sai đến với họ. Tội đó phát xuất từ ý muốn chiếm
đoạt vườn nho. Đây cũng là lời cảnh báo chúng ta: Mỗi lần ta biến
các việc thuộc về Chúa trở thành việc riêng của mình để trục lợi,
là ta đã chiếm đoạt vườn nho của Chúa làm của riêng ta, như bọn tá
điền trong Tin Mừng hôm nay. + Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra
bên ngoài vườn nho, và giết đi: cái chết của người con trai ông
chủ do bọn tá điền làm, ám chỉ cái chết của Đức Giê-su ngoài thành
Giê-ru-sa-lem lúc cuối đời Người.
- C 40-41: + Khi
ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia ?: Đặt câu hỏi này, Đức Giê-su
muốn cho các đầu mục dân Do Thái nhận định điều gì phải quấy. + Họ
đáp: “Ác giả ác báo !: Họ cũng trả lời đúng với ý của ông
chủ là phải trừng phạt bọn tá điền gian ác kia. + Cho các tá điền khác canh
tác vườn nho: Tá điền khác ám chỉ dân Ít-ra-en Mới là Hội
Thánh. Hội Thánh sẽ thay thế dân riêng Ít-ra-en để thừa hưởng lời
hứa cứu độ của Thiên Chúa.
- C 42-43: + Các
ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao ?: Đây là câu trích trong sách
Thánh vịnh (x. Tv 118,22-23), gần giống với lời tuyên sấm của ngôn sứ
I-sai-a (x Is 28,16). Sau này thánh Phê-rô đã ám chỉ câu này về mầu
nhiệm Đức Giê-su Phục sinh, Đấng sẽ thiết lập dân mới của Thiên Chúa
(x. Cv 4,11; 1 Pr 2,4-8). + Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ…:
Tảng đá bị thợ xây loại bỏ ám chỉ Đức Giê-su bị bọn đầu mục Do
thái sát hại, đã được Thiên Chúa nâng lên địa vị làm “Chúa” muôn
loài sau cuộc tử nạn và phục sinh của Người (x. Pl 2,8-11). + Mà
ban cho một dân tộc: không nhất thiết là dân ngoại, nhưng một
dân mới là Hội Thánh, gồm các dân tộc tin thờ Thiên Chúa và tin vào
Đức Giê-su (x. Rm 9,25; 1 Pr 2,10). Chính dân mới này sẽ thay chỗ của
dân Ít-ra-en bất trung. + Biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi:
Hoa lợi là phần rỗi đời đời. Tóm lại: Giao ước mới (Tân ước) sắp
được ký kết giữa Thiên Chúa với loài người trong Máu Con Chiên Thiên
Chúa là Đức Giê-su, sẽ thay thế Giao ước cũ (Cựu ước) được ký kết
giữa Thiên Chúa với dân Ít-ra-en trong máu chiên bò thời Mô-sê.
4. CÂU HỎI:
1) Ý nghĩa
của vườn nho trong sách ngôn sứ I-sai-a và vườn nho trong Tin mừng
Mat-thêu khác nhau thế nào ? 2) Trong dụ ngôn, ông chủ vườn nho đã biểu
lộ lòng yêu mến dành cho vườn nho của mình qua những hành động nào ?
3) Bọn tá điền trong dụ ngôn ám chỉ những ai và họ đã thi hành nhiệm
vụ ra sao ? 4) Đầy tớ được chủ sai đến để thu hoa lợi vườn nho ám chỉ
những ai ? 5) Bọn tá điền đã đối xử thế nào đối với các đầy tớ do
chủ vườn sai đến ? 6) Sự khoan dung nhẫn nhịn của chủ vườn nho thể
hiện qua hành động nào ? 7) Sau cùng chủ vườn nho đã sai ai đến và
đến để làm gì ? 8) Tại sao bọn tá điền lại hè nhau giết hại con trai ông
chủ ? Cái chết của con trai ông chủ vườn có liên quan đến cái chết của
Đức Giê-su sau này không ? 9) Câu “Ác giả ác báo” ám chỉ về ai trong dụ
ngôn ? 10) Tảng đá bị bọn thợ xây lọai bỏ ám chỉ ai và điều gì sẽ
xảy ra ? Dân tộc khác trong dụ ngôn ám chỉ dân nào ? Làm phát sinh hoa
lợi nghĩa là làm gì ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Tôi nói cho các ông hay: “Nước Thiên
Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân
biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (Mt 21,43).
2. CÂU CHUYỆN:
1) CẬU ĐÃ LÀM LỢI GÌ CHO CHÚA GIÊ-SU CHƯA?
Một buổi tối nọ, viên sĩ quan trẻ
tuổi người Pháp tên SÁC-LƠ ĐƠ PHU-CÔN (Charles de foucauld) say mê kể
cho gia đình nghe những cuộc thám hiểm ở Marốc (Phi châu). Mọi
người chăm chú theo dõi câu chuyện của anh, nhất là cô cháu bé chưa tròn 10
tuổi. Khi anh vừa chấm dứt câu chuyện thì cô bé bất thần hỏi anh một câu
: “Thưa cậu, cháu đã thấy cậu làm được nhiều việc vĩ đại cho tổ quốc… thế
cậu đã làm được gì cho Chúa Giê-su chưa ?"
Câu hỏi như một luồng điện giật
khiến ảnh trở nên bất động. Từ bao lâu nay chưa có ai khiến anh phải suy nghĩ
nhiều như thế ! “Mình đã làm gì cho Chúa Giê-su chưa ?” Sác-lơ lục
soát trong lương tâm của mình nhưng chỉ thấy một lỗ hổng không đáy. Anh đã phí phạm
tất cả thời giờ sức lực cho những cuộc ăn chơi truỵ lạc và những danh vọng phù
phiếm. Anh nhận thấy con người khốn khổ nghèo hèn của mình.
Hôm sau, anh tìm đến xưng tội với
một vị linh mục, rồi từ bỏ mọi sự vào dòng khổ tu, rồi tình nguyện đến vùng sa
mạc Sahara để truyền giáo và sống trọn vẹn những năm tháng còn lại cho Chúa Giê-su.
2) KẺ CHỐI BỎ THIÊN CHÚA SẼ ĐỐI XỬ TÀN BẠO VỚI ĐỒNG LOẠI:
Theo bản thống kê thì trong thời Đệ
Nhị Thế Chiến, Đức Quốc Xã đã thiết lập 200 trại tập trung để giam giữ tù binh
và các chính trị phạm. Đặc biệt, người ta nhắc đến hai trại tập trung khủng
khiếp nhất là Dachau ở Đức và Auschwitz ở Ba lan. Đã có khoảng 9 triệu người
thuộc 23 quốc tịch khác nhau bị giết chết trong 2 trại tập trung này, mà riêng
người Do thái bị giết đã là 6 triệu.
Khi quân đồng minh đến giải
phóng một trong các trại tập trung nọ, họ thấy ngoài cổng có dòng chữ như sau:
"Ở đây không có chỗ cho Thiên Chúa". Thấy cảnh tượng ghê tởm ấy, đạo
quân chiến thắng đã cho đắp một núi nhân tạo, trên đó dựng một cây Thánh Giá
lớn để nói lên rằng: Khi con người chối bỏ Thiên Chúa thì cũng đối xử với nhau
tàn bạo hơn cả dã thú.
3) KẺ CHỐI BỎ THIÊN CHÚA THẬT KHÔNG ĐÁNG TIN:
Một thượng nghị sĩ có thế giá ở miền
Nam nước Pháp đến Paris. Ông thuê một phòng trong một khách sạn nổi tiếng và trả
tiền phòng trước số tiền thuê một tháng. Viên quản lý khách sạn hỏi:
- Ông có muốn được ghi biên nhận không?
Thượng nghị sĩ đáp:
- Không cần thiết đâu, vì có Thiên
Chúa chứng giám mà.
Viên quản lý tỏ vẻ ngạc nhiên :
- Cái gì ! Thời đại này mà ông còn
tin có Thiên Chúa ư?
- Ô, tôi tin chứ. Vậy ông không tin có
Chúa hay sao?
- Tôi không tin, thưa ngài. Viên quản lý đáp.
- Nếu thế thì tốt hơn là ông hãy ghi biên nhận cho tôi
đi.
4) MỘT HÀNH
ĐỘNG VÔ ƠN TỘT CÙNG
Một bản tin trên báo đã gây xôn xao dư luận như sau: Một
thiếu niên tội phạm kia được trả tự do trước thời hạn nhờ có hạnh kiểm tốt
trong thời gian tạm giam. Vì không còn cha mẹ và người thân, nên em đã được một
người giàu lòng nhân ái trong vùng nhận làm con nuôi. Trong gia đình này em đã được
đối xử giống như năm người con khác. Cha mẹ nuôi cũng như các anh chị em nuôi
đều muốn cho em cảm nhận được tình thương yêu chân thành của mọi thành viên gia
đình.
Một hôm, em xin cha mẹ nuôi đi tham dự tiệc bữa sinh nhật
của người bạn thân trong nhóm bạn tù được tha. Trước khi đi, em được mẹ nuôi nhắn
nhủ “hãy về nhà trước 11 giờ khuya”. Nhưng sau đó 11 giờ, rồi 12 giờ và 1 giờ
sáng mà em vẫn chưa về. Mọi người đều đi ngủ trừ cha mẹ nuôi thức đợi em về trong
nỗi bồn chồn lo lắng. Rồi cuối cùng đến 2 giờ sáng thì em đã về với thái độ lầm
lì và không một lời giải thích hay xin lỗi cha mẹ. Thấy con vào nhà, bà mẹ chỉ
trách nhẹ: “Này con, lần sau nếu có đi chơi khuya thì con phải về đúng giờ, để
cha mẹ khỏi lo lắng chờ cửa nhé”.
Sáng hôm sau, khi mọi người trong gia đình đã đi làm đi
học, chỉ còn lại mình bà mẹ nuôi ở nhà. Một án mạng đã xảy ra: Đứa con nuôi đã
dùng một cây sắt bất ngờ từ phía sau đập vào đầu mẹ nuôi khiến bà bị chết vì
chấn thương sọ não. Trước quan toà, tên giết người này vẫn ngoan cố không chút hối
hận. Còn người cha nuôi khi được tòa cho phát biểu, trong cơn đau khổ tột cùng ông
đã nói với quan tòa: “Nó đã giết chết người mẹ đã nhận nuôi nấng bao bọc nó.
Đây là hành động của một kẻ vô ơn tột cùng”.
5) HẬU QUẢ TỆ
HẠI CỦA THÁI ĐỘ THÁCH THỨC THIÊN CHÚA:
Khi con tàu khổng lồ mang tên TITANIC vừa được xuất xưởng
và hạ thủy, người ta đọc thấy dọc theo sườn con tầu những câu rất mực kiêu căng
chống lại Thiên Chúa như sau:
No God, No Pope! Nghĩa là « Không có Chúa, cũng
chẳng có Giáo Hoàng! ».
Theo chủ tàu này thì ngay cả Đức Ki-tô cũng không thể
đánh đắm nó. Cả đất trời cũng không thể làm gì chúng ta!
Bấy giờ, một trong các công nhân đóng tàu, vốn là một
người Công Giáo ở Dublin đã ghi vào trong nhật ký một lời mang tính tiên tri
như sau: “Vì những tội xúc phạm ghê gớm đó, tôi tin con tàu Titanic sẽ không
bao giờ có thể tới được New York”.
Và quả thật : vào lúc 0 giờ 5 phút ngày 14.4.1912,
nhằm Chúa Nhật Quasimodo sau lễ Phục Sinh, tàu Titanic đã bị va mạnh vào một tảng
băng ngầm giữa đại dương thủng một lỗ to khiến nó bị nước tràn vào khoang và bị
gãy ra làm đôi. Người ta chỉ vớt được 705 người sống sót, còn lại 1.502 người
đã bị chết chìm theo với con tàu kiêu hãnh...
Bất cứ sự chối bỏ Thiên Chúa nào cũng hàm chứa sự chối bỏ
con người; và ngược lại, bất cứ sự chối bỏ và chà đạp nào đối với con người
cũng thể hiện sự chối bỏ niềm tin vào Thiên Chúa.
6) SỐ PHẬN BI
ĐÁT CỦA NHỮNG KẺ DÁM ĐỐI NGHỊCH VỚI THIÊN CHÚA:
Một triết gia vô thần là VÔN-TE (Voltaire) người Pháp chủ
trương phải hạ bệ Thiên Chúa và tiêu diệt Giáo hội. Vào năm 1753, Vôn-te đã tuyên
bố như sau: “Đã đến lúc Thiên Chúa phải về hưu vì hết thời rồi !”. Đúng hai
mươi năm sau, vào năm 1773, Voltaire đã chết thê thảm: Khi sắp chết ông tru trếu
như một con chó dại, đến nỗi bà giúp việc đã phải thốt lên: “Nếu quỉ có thể
chết được, thì cũng không chết dữ hơn Voltaire”.
Thiên Chúa vẫn trường tồn đang khi những kẻ chống đối
Ngài đều bị chết hết, đúng như lời Chúa phán với Sau-lô: “Giơ chân đạp mũi nhọn
thì khốn cho ngươi !” (Cv 9,5).
3. SUY NIỆM:
Để cảnh cáo âm mưu của các đầu mục dân Do Thái
đang tìm cách giết hại mình, Đức Giê-su đã kể dụ ngôn về các tá điền
tham lam và gian ác. Vậy dụ ngôn ấy có ý nghĩa ra sao và chúng ta có thể
rút ra bài học gì áp dụng trong cuộc sống hôm nay:
1) DỤ NGÔN VỀ
LỊCH SỬ ƠN CỨU ĐỘ :
Dụ ngôn về bọn tá điền hung ác chính là bản tóm lược lịch
sử ơn cứu độ, trong đó mỗi chi tiết đều mang một ý nghĩa riêng: Ông
chủ vườn nho là Thiên Chúa, vườn nho là dân Ít-ra-en được Thiên Chúa
chọn làm dân riêng: Thiên Chúa đã thiết lập Giao ước Xi-nai gọi là
Cựu ước với dân này qua trung gian ông Mô-sê, để hứa sẽ bảo vệ và chăm
sóc họ, giống như ông chủ vườn nho đã làm với vườn nho là rào giậu, làm
bồn đạp nho và vọng gác. Bọn tá điền sát nhân ám chỉ các mục tử dân
Do thái đã dẫn đưa dân này vào con đường bội nghĩa bất trung. Các đầy
tớ của chủ vườn là các ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến đã bị các đầu
mục đối xử tàn tệ. Cuối cùng khi Thiên Chúa sai Con Một là Đức Giê-su đến
thì cũng bị họ hè nhau giết chết bằng cách đóng đinh Người trên núi Sọ
rồi chôn ngoài thành Giê-ru-sa-lem. Các đầu mục Do Thái tưởng rằng sau khi
giết được Đức Giê-su, thì họ sẽ có trọn quyền lãnh đạo dân Do thái. Nhưng
trái lại, họ đã bị Thiên Chúa truất quyền và dân Do thái cũng bị vạ
lây khi thành Giê-ru-sa-lem bị vây hãm và sụp đổ vào năm 70 sau Công Nguyên.
Còn Nước Thiên Chúa đã được giao cho một dân mới biết làm phát sinh hoa
lợi là Hội Thánh Công giáo sau này. Hội Thánh được ký giao ước mới
với Thiên Chúa, nhờ máu con chiên Thiên Chúa là Đức Giê-su trên bàn thờ thập
giá: “Tảng đá bọn thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc
tường”. Người là Con Thiên Chúa, là Tảng đá đã bị dân Do Thái là bọn
thợ xây loại bỏ giết hại. Nhưng đến ngày thứ ba Người đã từ cõi chết
sống lại. Người được “Thiên Chúa siêu tôn và tặng ban Danh hiệu trổi
vượt trên muôn vàn danh hiệu. Để khi nghe Danh thánh Giê-su, cả trên
trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ. Và để tôn
vinh Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng “Đức Giê-su Ki-tô
là Chúa” (Pl 2,10-11).
2) CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ? :
- PHẢI TRÁNH THÓI THAM LAM: Sự
tham lam là thói thường của con người: “Lòng tham vô đáy”. Lòng tham
được biểu hiện qua thái độ: “Được voi đòi tiên”, “Theo đạo lấy gạo
mà ăn”, hoặc “Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi”, “Cúi đầu lạy
Chúa Ba Ngôi, cho tôi được vợ tôi thôi nhà thờ”…
Tội lỗi của những người tá điền
không phải là không làm cho vườn nho sinh hoa kết trái mà là họ tham lam khi
muốn chiếm đoạt vườn nho của ông chủ làm của riêng mình. Thiên Chúa đã lần lượt
sử dụng các phương thế để cứu độ loài người. Cuối cùng Người đã hy sinh chính
Con Một của Người để thức tỉnh con người. Nhưng con người luôn muốn loại trừ Thiên
Chúa ra khỏi đời mình để có thể sử dụng cuộc đời, để định đoạt mọi sự theo ý
mình muốn.
- “ÁC GIẢ ÁC BÁO”: là lời
cảnh cáo các tín hữu tham lam, lợi dụng tôn giáo để mưu cầu ích lợi
cho bản thân mình. Thiên Chúa luôn tỏ ra kiên nhẫn trước những sự bất
trung của con người. Nhưng sẽ đến ngày sự kiên nhẫn ấy nhường chỗ cho
sự xét xử công minh. Đó là giờ chết của mỗi người hay là ngày tận
thế chung của toàn nhân loại. Vậy ngay từ bây giờ chúng ta phải làm
gì ?
- PHẢI CHIẾU ÁNH SÁNG BẰNG MỘT LỐI
SỐNG TỐT LÀNH: Thánh Phao-lô khuyên các tín hữu Phi-líp-phê cũng là
khuyên chúng ta về cách ăn nết ở như sau: “Anh em hãy làm mọi việc mà
đừng kêu ca hay phản kháng. Như thế anh em sẽ trở nên trong sạch, không
ai chê trách được điều gì, và sẽ trở nên những con người vẹn toàn
của Thiên Chúa, giữa một thế hệ gian tà sa đọa. Giữa thế hệ đó, anh
em phải chiếu sáng như những vì sao
trên vòm trời” (PI 2,14-15).
- PHẢI LÀM PHÁT SINH HOA LỢI CHO
CHÚA: Thiên Chúa là chủ vườn nho, đã ban cho loài người chúng ta biết
bao hồng ân như thánh Phao-lô đã viết: “Bạn có gì mà bạn đã không
nhận lãnh ?” (1 Cr 4,7). Chúa trao cho mỗi người chúng ta mỗi người một số
nén vàng và chúng ta có bổn phận phải làm lợi ra gấp năm gấp mười.
Ngài trao cho chúng ta làm chủ vườn nho là mạng sống, sức khoẻ, tài
năng, phương tiện sinh sống, thời giờ và cả gia đình con cái hay những
người mà chúng ta phải chăm sóc… Sau này chúng ta sẽ phải trả lẽ về
những việc lành là hoa lợi phải nộp lại cho Ngài. Vậy chúng ta có thể
nộp cho Chúa những kết quả nào trước tòa phán xét sau này ?
- LÀM LỢI CHO CHÚA BẰNG CÁCH NÀO ? :
Ai trong chúng ta cũng đều được Chúa
trao cho nhiệm vụ quản lý vườn nho là gia đình, học đường, đoàn hội... và chúng
ta có nhiệm vụ làm phát sinh hoa lợi như sau:
+ Cha mẹ biết hy sinh dành nhiều
thời gian để chăm sóc, giáo dục con cái. Con cái biết kính trọng, vâng lời, và
thảo hiếu với cha mẹ...
+ Vợ chồng sống hòa thuận, yêu
thương, kiên nhẫn, tha thứ, giúp đỡ nhau, trung tín với lời thề hứa chung thuỷ
với nhau trọn đời.
+ Mỗi người phải: "Ăn ở trong
sạch, khôn khéo, nhẫn nhục, nhân hậu, bằng một tinh thần thánh thiện, một tình
thương không giả dối" (2 Cor. 6:6); "Ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và
nhẫn nại... lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau... duy trì sự hiệp nhất... cư
xử thuận hoà và gắn bó với nhau" (Eph. 4:2-3); "chừng mực, nhã nhặn,
hiếu khách, có khả năng giảng dạy, không nghiện rượu, không hiếu chiến, nhưng
hiền hòa, không hay gây sự, không ham tiền, biết điều khiển tốt gia đình mình,
biết dạy con cái phục tùng cách rất nghiêm chỉnh" (x. 1 Tm 3,2-4)…
Nếu chúng ta sẵn sàng làm phát sinh
nhiều hoa lợi cho Chúa thì chúng ta sẽ được Ngài ban thưởng hạnh phúc Nước Trời
như lời Chúa phán với những người thực thi đức ái trong ngày phán xét như sau:
"Khá lắm! hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành!... Hãy vào mà hưởng
niềm vui của chủ anh!" (Mt 25,21.23).
4. THẢO LUẬN:
Ngày nay người
ta sẽ trở thành bọn tá điền gian ác qua các hành động nào đối với
Thiên Chúa và tha nhân?
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA CHA TỪ ÁI. Mỗi người
chúng con đều là những tá điền được Cha trao sứ vụ canh tác vườn nho
của Cha. Vườn nho đó chính là những người thân yêu trong gia đình ruột
thịt của chúng con, là bà con chòm xóm, là đất nước và Hội Thánh mà
chúng con được mời gọi phục vụ. Xin cho chúng con biết luôn chiếu ánh sáng
đức tin như những vì sao trên trời. Xin cho đức tin nơi chúng con luôn kèm
theo đức cậy là lời cầu nguyện phó thác, kèm theo đức ái là thái độ khiêm
nhường phục vụ tha nhân, nhất là chia sẻ bác ái với những người nghèo đói
bệnh tật và bị bỏ rơi... Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ được hạnh phúc trong
Nước Cha muôn đời.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN
CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM