CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN

Tiệc cưới đã sẵn sàng, mọi người đều được mời vào dự tiệc

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 25:6-10a;  Pl 4:12-14, 19-20;  Mt 22:1-14)

        Hình ảnh vườn nho trong Phụng vụ Lời Chúa tuần trước đã nói lên ý định của Thiên Chúa muốn thiết lập “Nước Thiên Chúa” để thay thế cho “nhà Ít-ra-en”.  Hôm nay, Lời Chúa sử dụng một hình ảnh khác là ông vua làm Tiệc cưới cho hoàng tử, để tiếp tục quảng diễn đề tài Nước Thiên Chúa.  Tiệc cưới là hình ảnh Nước Thiên Chúa đã được tiên báo qua lời Chúa hứa trong sách ngôn sứ I-sai-a (bài đọc 1).  Tiệc cưới trong dụ ngôn của Chúa Giê-su nhấn mạnh đến thái độ đáp trả của khách được mời, nhất là những kẻ đã đối xử tàn ác với các đầy tớ được vua sai đi.  Dụ ngôn cũng đề cao lòng quảng đại của vua khi ông bảo đầy tớ:  “Các anh hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới” để nói lên tính phổ quát của Nước Thiên Chúa (bài Tin Mừng).  Còn thánh Phao-lô thì để lại cho chúng ta bài học về tình yêu quảng đại của Đức Ki-tô, Đấng thiết lập Nước Thiên Chúa, khi ngài tin “có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho ngài” (bài đọc 2).

        1.  Thiên Chúa hứa thết đãi mọi dân tộc một bữa tiệc thịnh soạn.  Trong kế hoạch cứu độ, Thiên Chúa muốn đãi nhân loại một bữa tiệc.  Đây là cách trình bày ý định cứu độ của Thiên Chúa.  Bữa tiệc là nơi quy tụ mọi người để ăn uống và biểu lộ tình liên đới của họ với người đãi tiệc và giữa họ với nhau.  Thiên Chúa dùng hình ảnh bữa tiệc để diễn tả một tương lai sáng lạn khi Người thi hành ý định của Người.  Vậy trước khi mở tiệc Nước Thiên Chúa, tình trạng của nhân loại như thế nào?  Tình trạng ấy không thể tồn tại khi Vua muôn loài mở tiệc.  Làm sao Thiên Chúa mở tiệc cưới đang khi “khăn tang bao trùm muôn dân và tấm khăn liệm trải trên mọi nước”?  Vì thế, những việc Thiên Chúa sẽ làm trước, đó là tiêu diệt sự chết đến muôn đời và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, vì sự chết đã đeo khăn tang và phủ vải liệm lên mọi người!  Đúng vậy, Chúa Giê-su đã lấy cái chết và phục sinh của Người để tiêu diệt tội lỗi và sự chết đến muôn đời.  Người đã hồi phục cho chúng ta chức phận làm con Thiên Chúa, hoặc nói theo hình ảnh dụ ngôn Tiệc cưới Người kể trong bài Tin Mừng, là cho chúng ta được mặc y phục lễ cưới để vào dự Tiệc Nước Thiên Chúa của Người.  Tóm lại, kế hoạch cứu độ quả thực là một tiệc cưới dành cho hết thảy những ai đáp lại tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.

        2.  Nước Thiên Chúa là Tiệc cưới Vua trên trời tổ chức cho Hoàng tử là Chúa Giê-su.  Chúng ta có cảm tưởng Chúa Giê-su rất thích nói về Nước Thiên Chúa được Người thiết lập khi xuống trần gian.  Bài Tin Mừng tuần trước đã cho chúng ta dụ ngôn về các Tá điền vườn nho để diễn tả ý định của Thiên Chúa muốn thay thế vườn nho nhà Ít-ra-en bằng Nước Thiên Chúa.  Bài Tin Mừng hôm nay trình bày Nước Thiên Chúa dưới hình ảnh một tiệc cưới được Thiên Chúa chuẩn bị để khoản đãi tất cả chúng ta là khách mời của Người.  Có một điểm chung giữa hai đề tài, đó là Chúa Giê-su kể dụ ngôn cho các thượng tế và kỳ mục trong dân.  Chúa kể cho họ nghe vì họ là các người lãnh đạo dân chúng và có bổn phận phải giúp dân chúng đón nhận kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.  Nhưng họ lại chính là các tá điền xấu và những khách mời sát nhân khinh thường lời mời của Vua.  Cho nên các tá điền và những khách mời này đều bị Thiên Chúa tru diệt và thay thế bằng những người tốt.  Vậy Thiên Chúa thay thế những kẻ được mời nhưng không xứng đáng như thế nào?  Người bảo các đầy tớ ra các ngả đường, gặp bất cứ ai cũng mời vào dự tiệc!  Thực là một hình ảnh đẹp, không những diễn tả tấm lòng của Thiên Chúa ban ơn cứu độ, mà còn nói lên bổn phận của tất cả chúng ta là cộng tác vào sứ mệnh rao giảng Tin Mừng để đem người ta vào dự Tiệc cưới Nước Trời.

        Để dược vào dự Tiệc cưới, điều kiện rất đơn giản là được mời và được phát cho y phục lễ cưới.  Thiên Chúa đã thực hiện điều này qua Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng kêu gọi ta tin vào Người và vào tình yêu Thiên Chúa.  Lời mời của Thiên Chúa được gửi đến mọi người không trừ ai, vì ơn cứu độ là phổ quát.  Áo cưới chính là căn tính mới làm con Thiên Chúa do Chúa Ki-tô đem lại cho ta.  Nhưng khách mời “không mặc y phục lễ cưới” là ai?  Rõ ràng người này cố ý không muốn mặc y phục ấy, vì anh ta khinh thường Vua hay vì y phục lễ cưới anh ta nhận được đã rách hoặc nhơ bẩn nên không thể mặc nữa.  Cũng vậy, ta có y phục lễ cưới là áo trắng lãnh nhận khi được rửa tội.  Nhưng nếu ta không sống cho xứng đáng thì tấm áo trắng ấy sẽ dính đầy vết nhơ tội lỗi!

Sống sứ điệp Lời Chúa

        3.  Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi.  Đó là chia sẻ của thánh Phao-lô, tông đồ dân ngoại và người đầy tớ được Vua sai đi mời người ta vào dự tiệc Nước Trời.  Qua những năm tháng ngược xuôi khắp nơi, trải bao hiểm nguy để rao giảng Chúa Ki-tô chịu đóng đinh và sứ điệp Tin Mừng, Phao-lô chắc chắn thấy thấm mệt và có thể đã có những lúc bị cám dỗ bỏ cuộc.  Nhưng ngài vẫn trung thành đến cùng, vì ngài xác tín rằng mình có thể làm được mọi sự trong Đức Ki-tô, Đấng luôn ban sức mạnh cho ngài.  Tin vào Chúa Giê-su là chìa khóa giúp chúng ta mở mọi cánh cửa khó khăn.  Trong sứ mệnh truyền giáo, ít nhất bằng cuộc sống hằng ngày của một Ki-tô hữu chân chính, chúng ta có thể gặp nhiều thử thách và muốn rút lui.  Nhưng ta hãy theo gương thánh Phao-lô để giúp cho Tiệc Cưới được đông người!

    Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A