CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN A
Mi 1,14b-2,2b.8-10 ; 1 Tx 2,7b-9.13 ; Mt 23,1-12
TRÁNH THÓI ĐẠO ĐỨC GIẢ HÌNH VÀ KIÊU NGẠO
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 23,1-12
(1) Bấy giờ,
Đức Giê-su nói với đám đông và các môn đệ Nguời rằng: (2) “Các kinh
sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy. (3)
Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ, nhưng đừng theo
hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. (4) Họ bó những
gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn
động ngón tay vào. (5) Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy.
Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.
(6) Họ ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội
đường, (7) ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được
thiên hạ gọi là “ráp-bi”. (8) Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình
là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là
anh em với nhau. (9) Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của
anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. (10) Anh em cũng
đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị
lãnh đạo, là Đức Ki-tô. (11) Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải
làm người phục vụ anh em. (12) Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; Còn
ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
2. Ý CHÍNH:
Tin Mừng hôm nay đề cập đến
thái độ các môn đệ phải có đối với Thiên Chúa và tha nhân. Phải
tránh thói đạo đức giả của các đầu mục Do thái vì “nói mà không
làm”, “chỉ biết bó nặng chất lên vai người khác” và “làm mọi việc
để tìm tiếng khen” nơi người đời. Các môn đệ phải tránh thói kiêu
ngạo khi muốn làm thầy, làm cha và làm người chỉ đạo, đang khi chỉ
có một vị Thầy tối cao là Đức Giê-su, một Cha chung trên trời là Thiên
Chúa và một Mục Tử duy nhất là Đức Ki-tô.
3. CHÚ THÍCH:
- C 1-2: + Các
kinh sư: Kinh sư hay
luật sĩ, là những thầy dạy về Luật pháp của Mô-sê. Đa số kinh sư là
thành viên của phái Pha-ri-sêu và có ảnh hưởng lớn trong đời sống tôn
giáo và chính trị của dân Do thái. Tại Giê-ru-sa-lem, các kinh sư
chiếm 1/3 số ghế trong Thượng Hội Đồng Do Thái. Tại các địa phương
như thị trấn, làng xã, họ rất có uy tín đối với dân chúng và
thường được mời làm quan tòa xét xử các vụ tranh chấp. +
Các người Pha-ri-sêu: Pha-ri-sêu hay Biệt phái là một phái tôn
giáo mà thành viên là những người Do thái nhiệt thành và đạo đức.
Họ tách biệt khỏi dân chúng do cách ăn mặc và xử sự. Họ rất tôn
trọng Thánh Kinh và các truyền thống của cha ông. Có khi coi trọng
truyền thống hơn cả Thánh Kinh như đòi dân chúng phải tuân giữ các
tục lệ của cha ông về ngày hưu lễ Sa-bát rất chi li. Nhiều người
trong phái Pha-ri-sêu có học vị kinh sư hay luật sĩ. Người Pha-ri-sêu
thường mắc phải các thói như giả hình, kiêu căng, ganh tị… đã bị Đức
Giê-su nặng lời quở trách (x Mt 23,1-22), nên họ rất căm hận và tìm
cách giết hại Người. + Ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy:
Toà của Mô-sê ngày xưa được đặt ở núi Sinai, nơi ông tuyên bố luật pháp và ký
kết giao ước giữa Thiên Chúa và dân Do Thái. Còn thời Chúa Giê-su, tòa Mô-sê
tức là bục giảng được kê trong hội đường. Các kinh sư thường ngồi
trên bục mà giảng dạy Luật Mô-sê vào ngày Sa-bát.
- C 3-4: + Những
gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ: Đức Giê-su dạy dân chúng phải
vâng nghe và tuân giữ những lời giảng dạy của các kinh sư và
Pha-ri-sêu, vì họ đang nắm giữ quyền hành phát xuất từ Thiên Chúa (x
Ga 19,11). Tuy nhiên dân chúng không được nghe theo những suy nghĩ hẹp
hòi (x. Mt 9,3-4) những kiểu giải thích Luật sai lạc vụ lợi (x. Mt
15,1-20), nhất là phải tránh thứ men gian tà đạo đức giả của các
kinh sư và Pha-ri-sêu (x. Mt 16, 6). + Nhưng đừng theo hành động của họ:
Đừng bắt chước các gương xấu của các Biệt phái và kinh sư. Vì lời
nói của họ thường không đi đôi với việc làm. Họ thường “nói mà không
làm” hay “nói một đàng làm một nẻo !”. + họ bó những gánh nặng mà
chất lên vai người ta: “Bó nặng” hay cái “ách”, thường được
Đức Giê-su và các Tông đồ dùng để ám chỉ 613 điều khoản trong Luật
và những lề thói truyền thống mà dân Do Thái phải tuân giữ giống như
Lề Luật (x. Cv 15,10). Điều này gợi lên hình ảnh một người nô lệ
phải vác những gánh nặng trên vai (x. Gl 5,1), trái với “gánh nhẹ
nhàng” mà Đức Giê-su hứa ban cho các môn đệ (x. Mt 11,30). Ở đây “gánh
nặng” ám chỉ lối giải thích Luật của các kinh sư Do Thái vừa chi
tiết vụn vặt, lại vừa nghiêm khắc và khó giữ được trọn vẹn. Điều
này đè nặng trên lương tâm của dân Do Thái, giống như cái “ách nặng”
được chủ buộc vào cổ trâu bò để bắt chúng cày bừa kéo xe. +
Nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào: Đức Giê-su tố
cáo sự ích kỷ và thiếu lòng thương xót của các kinh sư khi buộc dân
chúng tuân giữ Luật trong từng chi tiết, đang khi chính họ lại không
thực hành.
- C 5-7: + Họ làm
mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy: Đây là thói háo danh của các
kinh sư và người Pha-ri-sêu. + Đeo những hộp kinh thật lớn:
Hộp kinh chứa thẻ kinh. Thẻ kinh là mảnh da mỏng trên đó viết 4 đoạn
Kinh Thánh quan trọng là Đnl 6,4-9; 11,13-21; Xh 13, 3-10; 13,11-16. Thẻ
kinh này được chứa trong hộp bằng gỗ nhỏ xíu mà người Do Thái
thường cột vào tay và trán mỗi khi đọc kinh cầu nguyện, để nhắc họ
nhớ và tuân giữ (x. Xh 13,9). + Mang những tua áo thật dài:
Các kinh sư và người Pha-ri-sêu thường may áo có tua dài nhằm phô
trương. Thói háo danh khiến họ muốn được biệt đãi ở mọi nơi. + Ưa
ngồi chỗ nhất trong đám tiệc và chiếm hàng ghế đầu trong hội đường:
Người Do thái thường xếp chỗ ngồi trong các đám tiệc hay trong hội
đường theo tuổi tác, chức vụ và tài năng. Tuổi tác và chức vụ là
điều dễ dàng nhận ra, còn tài trí khôn ngoan thì khó mà nhận biết.
Các kinh sư và Pha-ri-sêu thường tỏ ra có tài trí hơn người và tranh
dành nhau ngồi chỗ nhất trong đám tiệc và hội đường. + Ưa
được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng: Họ tự coi mình
là bề trên nên muốn được người khác cúi chào ở nơi công cộng. + Ưa
được người ta gọi mình là “ráp-bi”: “ráp-bi” là tước hiệu dân
chúng thường dùng khi thưa chuyện với các tiến sĩ Luật. Các môn đệ
cũng thường gọi Đức Giê-su như thế (x. Mt 26,25.49; Ga 20,16).
- C 8-10: + Đừng
để ai gọi mình là “ráp bi”: Đức Giê-su không đả phá các chức vụ xã hội hay
phẩm trật trong Hội Thánh. Nhưng Người muốn các môn đệ đừng tự cao
khi đòi người khác phải gọi mình là “ráp bi” nghĩa là “Thầy”. Do đó
câu này có thể dịch như sau: “Anh em đừng ham làm thầy thiên hạ” (x. Gc
3,1). + Vì anh em chỉ có một Thầy: Người duy nhất xứng đáng
làm “Thầy” không ai khác hơn là Đức Giê-su (x. Ga 13,13-14). Còn tất cả
mọi người đều là môn đệ và anh em với nhau. + Đừng gọi ai dưới đất là
cha: Đức Giê-su không đả phá cách xưng hô cha con trong gia đình,
vì chính Người đã từng dạy người ta phải hiếu kính cha mẹ (x. Mt
15,4-6; 19,19). Người cũng không chống lại thói quen trong Thánh Kinh:
đồ đệ nhận sư phụ làm cha tinh thần như ngôn sứ Ê-li-sa gọi ngôn sứ
Ê-li-a là “Cha ơi !” (x. 2 V 2,12). Thánh Phao-lô cũng ví mình như người
cha trong Đức Ki-tô mà nhờ Tin Mừng ngài đã sinh ra các tín hữu (x. 1
Cr 4,14-17; Gl 4,19; Plm 10), và đã cư xử với họ như cha với con (x. 1 Tx
2,11). + Chỉ có một Cha là Cha trên trời: Cha trên trời ám chỉ
Thiên Chúa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha theo bản tính. Do đó, khi ai
được người khác gọi là cha thì phải ý thức mình là cha theo nghĩa được tham
phần vào tước hiệu của Thiên Chúa Cha. + Đừng để ai gọi mình là
người lãnh đạo: người lãnh đạo được hiểu là mục tử và thủ
lãnh cộng đoàn. Chỉ mình Đức Giê-su mới là Mục Tử duy nhất vì
Người đã hy sinh mạng sống cho đoàn chiên (x. Ga 10, 11). Còn các mục
tử khác như linh mục, mục sư… chỉ được tham phần vào chức vụ lãnh
đạo tối cao của Đức Giê-su mà thôi.
- C 11-12: + Người
làm lớn hơn phải là người phục vụ: Đức Giê-su nhắn nhủ các môn đệ
phải có lòng khiêm nhường, tự hạ và tôn trọng kẻ khác. Họ không được
tranh giành nhau địa vị (x. Mt 20,21-28), nhưng phải phục vụ nhau (x. Mt
20,28; Ga 13,14). + Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống: Đức Giê-su không cấm
các môn đệ chu tòan bổn phận dạy bảo các tín hữu (x Mt 28,20). Nhưng
Người đòi các ông thi hành quyền lãnh đạo trong tinh thần khiêm hạ
phục vụ (x. 1 Pr 4,10-11). + Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên:
Ai càng phục vụ thì càng có địa vị cao trong cộng đoàn (x. Mt
25,34-36), xứng đáng được “sự sống muôn đời” (x. Mt 25,46).
4. CÂU HỎI:
1) Các kinh sư
và người Pha-ri-sêu là những ai ? 2) Ngồi trên tòa ông Mô-sê nghĩa là
gì ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu
ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy những gì họ nói thì anh em
hãy làm hãy giữ. Nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ
nói mà không làm” (Mt 23,2-3).
2. CÂU CHUYỆN:
1. BÀI HỌC NHỚ ĐỜI :
Trong một làng kia, có một ông
thầy đồ. Ông nghĩ mình là người hay chữ nên hay khinh thường dân làng.
Một hôm, thầy đồ leo lên một chiếc đò để qua bên kia sông ăn giỗ. Hôm
ấy đang mùa nước lũ, nên dòng sông chảy xiết. Khi bác lái đò chèo
thuyền ra tới giữa dòng, thì thầy lên tiếng hỏi: “Này ông lái đò, ông
có biết chữ “nhất một, nhị hai” không ? Bác lái đò đáp: “Thưa không”.
Thầy đồ nói: “Thế là ông đã đi đứt phân nửa cuộc đời rồi đó !” Bấy
giờ thuyền gặp chỗ nước chảy mạnh, một khúc cây đụng phải thuyền
làm nó chao đảo mạnh rồi lật úp, hất cả hai người xuống sông. Cũng
may, bác lái đò đã kịp thời nắm được cánh tay ông thầy đồ, trước
khi ông bị nước cuốn đi. Bác lái đò vừa bơi vừa hỏi thầy đồ: “Thưa
thầy, thầy không biết bơi sao ?” Thầy hổn hển đáp lại: “Không, không”.
Bác lái đò liền nói: “Thế là thầy đã đi đứt cả cuộc đời rồi đó
!”. Nói xong, bác ta tiếp tục dìu thầy vào bờ. Hôm ấy thầy đồ bị
một phen hú vía và uống no thứ nước sông nhơ bẩn. Từ ngày ấy, thầy đồ
ít nói hẳn và không bao giờ còn dám tỏ ra khinh thường những người
ít học nữa.
2. MỘT VỊ ĐẠO SĨ GIẢ HIỆU:
Đêm kia tại một làng đánh cá bên Ấn
Độ, một ngư phủ nghèo lẻn vào trong hồ cá của một người nhà giàu để thả lưới
bắt cá. Nhưng chưa kịp kéo lưới lên thì đã bị người giàu phát hiện phải chạy
trốn. Người này cho gia nhân bao vây hồ rộng mênh mông để bắt cho bằng được tên
trộm.
Đám gia nhân đốt đuốc đi tìm khắp
nơi nhưng vẫn không tìm thấy bóng dáng của tên trộm đâu cả. Trong khi đó thì
anh ngư phủ nghèo đã lấy tro rắc lên đầy mình và đến ngồi dưới một gốc cây gần
đó y như một nhà đạo sĩ.
Sau nhiều giờ tìm kiếm, đám gia nhân
không thấy kẻ trộm mà chỉ thấy một đạo sĩ ngồi dưới gốc cây đang đắm mình trong
suy tư và cầu nguyện. Ngày hôm sau, tiếng đồn về một vị đạo sĩ đang ngồi tu
luyện dưới gốc cây bên bờ hồ của nhà phú hộ đang vang đi khắp vùng. Thế là
thiện nam tín nữ từ các ngã đường đổ xô đến gốc cây cạnh hồ để chiêm ngưỡng vị
tu hành. Người thì mang hoa quả, kẻ thì mang tiền bạc. Chẳng mấy chốc mà đồ
cúng được đổ tràn lan quanh nhà tu hành bất đắc dĩ. Bấy giờ nhà tu hành liền tự
nhủ: « Thà ta cứ đánh lừa bà con để sống thoải mái, còn hơn phải đi đánh
cá vất vả mà chẳng bắt được gì ». Nghĩ thế rồi, ông tiếp tục đóng vai nhà
tu đắc đạo: ngày đêm ông tụng niệm và cũng nhận được các đồ ăn dân làng mang
tới dâng cúng.
3. GƯƠNG KHIÊM HẠ NGHÈO KHÓ CỦA MỘT GIÁM MỤC:
Đức Cha BER-NARD TO-PEL (1903-1986) Giám Mục giáo phận
Spo-ka-ne, Wa. Hoa Kỳ, đã viết trên báo của Giáo phận: “Trong thời kỳ họp Công
Đồng, các Giám Mục thường hay nói về Giáo Hội như Giáo Hội của người nghèo, tôi
nghe mà sinh bối rối, vì tôi chưa thấy chúng ta là Giáo Hội của người nghèo
chút nào cả!” Từ cái bối rối này, Đức Cha Topel đã thực thi quyết nghị của Công
Đồng giống như Thánh Phan-xi-cô As-si-si thực thi Lời Chúa: Đức Cha đã bán Tòa
Giám Mục, nhẫn vàng, thánh giá, giây đeo và gậy cẩn ngọc thạch để lấy tiền giúp
cho người nghèo. Với bốn ngàn đô, Ngài mua một căn nhà ở ngõ cụt để làm tư
dinh. Sau giờ làm việc, Ngài về làm vườn, trồng rau, xin đầu cá người ta vứt bỏ
để nấu ăn. Nhiều người không tán đồng hành động của vị giám mục. Họ nói: “Vua
thì phải sống cho ra Vua, Chúa thì phải sống cho ra Chúa, Giám mục thì phải
sống cho ra Giám mục”. Nguyên là một thạc sĩ toán học, Đức Cha trả lời: “Không
phải là kết toán làm thành bài toán. Bài toán chúng ta làm là phải trừ, chia và
nhân: phải trừ bớt tiêu xài xa hoa, để chia sẻ với những người nghèo khó và
nhân thêm niềm hy vọng để sống sao cho xứng đáng với họ”.
4. LỐI SỐNG BÁC
ÁI CÓ GIÁ TRỊ THUYẾT PHỤC HƠN VẠN BÀI GIẢNG:
Một hôm thánh Phan-xi-cô gọi một tu sĩ cùng đi ra ngoài
tu viện như sau: “Chiều nay thầy trò mình sẽ cùng đi ra ngoài giảng đạo nhé”. Sau
một buổi chiều đi rảo chung quanh các phố xá, khu xóm, làng mạc, hai thầy trò
quay về tu viện. Khi về tới nhà, thánh nhân liền ngồi xuống ghế và nói: “Tạ ơn
Chúa”, rồi tiếp tục giữ im lặng. Tu sĩ đi theo ngài thấy vậy liền hỏi: “Thưa thầy,
thầy nói hai thầy trò mình đi ra ngoài giảng đạo, mà con đâu có thấy thầy giảng
gì cho bất cứ ai đâu ?” Thánh nhân mìm cười trả lời: “Chính cách đi đứng tử tế,
nói năng chào hỏi những người gặp ngoài đường, cách cư xử bác ái chân thành và
ân cần giúp đỡ tha nhân của thầy trò chúng ta, đã là một bài giảng hùng hồn, và
có sức lay động lòng người rồi đó con”.
Việt Nam có câu: Lời nói hương bay, gương bày lôi kéo”. Nghĩa
là rao giảng bằng lời nói mới chỉ giống như hương thơm thoảng qua, còn gương
sáng bác ái mới làm cho người ta phục và tin vào lời chúng ta rao giảng.
5. KHÔNG ĐƯỢC
BÁNG BỔ CHÚA QUA ĐỜI SỐNG BẤT TOÀN CỦA MÌNH
Có một bà vợ thường xuyên càu nhàu về tình trạng khô khan
nguội lạnh của ông chồng. Hơn thế nữa, bà còn khinh ghét tất cả những hình ảnh mà
ông đã cho xâm trên thân mình.
Ngày kia, trong một cố gắng muốn cải thiện quan hệ với
vợ, ông đã quyết định xâm hình Chúa Giê-su thật to trên tấm lưng trần của mình.
Trở về nhà, ông hãnh diện giơ lưng ra cho vợ xem và hỏi: “Bà có biết ai đây
không?”. Rồi không đợi cho bà vợ trả lời, ông liền nói: “Chúa đấy”.
Thế nhưng, khi nhìn thấy hình xăm trên lưng của chồng, bà
vợ liền đùng đùng nổi giận và quát lớn:
“Thật là báng bổ. Chúa nào mà lại ở trên cái lưng trần bẩn
thỉu nhớp nhúa của ông !”
Nói rồi, bà vơ lấy cái chổi và cứ thế quất vào tấm lưng
của ông khiến ông phải chạy trốn ra ngoài. Sau trận đòn ấy, ông đến ngồi dưới
một gốc cây và tấm tức khóc. Ông khóc không phải vì trân đòn đau của bà vợ, mà vì
đã nhận ra mình thật tội lỗi, bất xứng với đức tin của mình.
3. SUY NIỆM:
1) PHÂN BIỆT
HOA THẬT VỚI HOA GIẢ BẰNG CÁCH NÀO ? :
Chuyện kể rằng: Ngày kia, nữ hoàng Sha-ba nghe biết về sự
khôn ngoan của vua Sa-lô-mon, bà muốn thử xem sự khôn ngoan ấy thực hư ra sao,
liền gửi tặng nhà vua hai bó hoa giống y như nhau: một bó gồm những bông hoa thật
và một bó gồm toàn hoa giả, để yêu cầu nhà vua phân biệt đâu là hoa thật đâu là
hoa giả. Bấy giờ vua Sa-lô-mon liền truyền cho lính gác mở cửa sổ, để cho hàng
đàn ong bướm quanh vùng có thể bay vào trong phòng. Các chú ong và các nàng
bướm kia liền bay đến đậu vào những bông hoa thật để hút nhụy. Còn các bông hoa
giả tuy có sắc đẹp, nhưng lại không có mùi hương, có hình ảnh nhiều màu sắc, nhưng
lại không sự sống.
Cũng vậy, những kẻ đạo đức giả tuy nói nhiều mà làm chẳng
được bao nhiêu, hoặc như lời Chúa dạy: “Họ chỉ nói mà không làm”. Họ tỏ thái độ
mền yếu với bản thân nhưng lại nghiêm khắc với tha nhân.
2) PHẢI TRÁNH
LỐI SỐNG ĐẠO ĐỨC GIẢ:
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã quở trách lối
sống giả hình của các Kinh sư và Pha-ri-siêu như sau:
- Họ nói mà không làm
- Họ bó những gánh nặng lên vai người khác, còn chính họ
không động ngón tay vào.
- Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ trông thấy và khen
ngợi.
- Họ ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong
hội đường, ưa được bái chào nơi công cộng, và được người ta xưng hô là Thầy (Rápbi).
Có lẽ khi nghe Đức Giê-su quỏ trách như trên, ai trong
chúng ta cũng ít nhiều cảm thấy tự thẹn vì xem ra Chúa cũng đang nói về các
thói hư của mình: Nếu không háo danh thì cũng thích khoa trương; Nếu không hay
kể công thì cũng đòi được người khác khen ngợi; Nếu không ích kỷ thì cũng nói
nhiều mà làm ít…
3) PHẢI TRÁNH
THÓI TỰ CAO TỰ ĐẠI:
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức
Giê-su cũng dạy chúng ta phải tránh thói xấu
thích làm thầy làm cha thiên hạ của những người Pha-ri-sêu: “Đừng để ai gọi mình là thầy,
là người lãnh đạo, vì chỉ có một Thầy, một người lãnh đạo tối cao là chính Người.
Người cũng dạy chúng ta đừng gọi ai dưới đất
này là cha, vì chỉ có một Cha Chung trên trời là Thiên Chúa mà thôi”. Thế mà ở trường, các học
sinh đều gọi người dạy mình là thầy cô giáo, các tín hữu gọi các tu
sĩ là thầy tu hay sư huynh. Rồi trong gia đình, chúng ta cũng gọi đấng
sinh thành ra mình là cha mẹ, tín hữu gọi các linh mục đã tái sinh mình làm
con Thiên Chúa qua bí tích rửa tội là cha, gọi giám mục là đức cha, đức giáo
hoàng là đức thánh cha, và gọi nhiều vị khác là Giáo phụ, Thượng
phụ, Viện phụ… vậy phải chăng các tín hữu chúng ta đã làm sai lời Chúa
dạy ?
Thực ra, chắc một điều là Đức
Giê-su không phá bỏ cơ cấu của Hội Thánh. Người cũng không muốn loại
bỏ các phẩm trật và quyền hành… là điều kiện để duy trì sự hiệp nhất
trong cộng đoàn. Do đó, ngay từ thời sơ khai, Hội thánh đã không hiểu
câu Lời Chúa nói trên theo nghĩa đen, thánh Phao-lô luôn ý thức mình là
cha của các tín hữu và gọi họ là con (x. 1 Cr 4,14-17; Gl 4,19). Trong Hội
Thánh cũng có những chức vụ như thầy dạy (x. Cv 13,1), lãnh đạo (x.
Cv 15,22).
Như vậy, qua câu này, Đức Giê-su
muốn dạy chúng ta: hãy nhớ rằng mọi quyền bính đều bắt nguồn từ
Thiên Chúa và phải quy về cho vinh quang Thiên Chúa. Nếu có ai đang làm
thầy dạy người khác, làm người lãnh đạo cộng đoàn, là do họ đã
được Đức Giê-su chia sẻ quyền làm Thầy và làm lãnh đạo của Người. Nếu
cha mẹ được con cái gọi là cha mẹ, là do họ đã được tham phần vào
quyền làm Cha của Thiên Chúa. Nên dù chúng ta đang giữ bất cứ vai trò
lãnh đạo nào trong Hội Thánh, chúng ta cũng cần có tinh thần khiêm hạ như
lời Chúa hôm nay: “Còn tất cả đều là anh em với nhau, là con một Cha trên
trời” (Mt 23,8).
4) ĐỂ NÊN MÔN ĐỆ THỰC SỰ CỦA CHÚA GIÊ-SU, CHÚNG TA CẦN LÀM
GÌ?
Qua Tin mừng hôm nay, Chúa
muốn dạy các tín hữu chúng ta hãy học tập nơi Người mấy điều như sau:
+ Một là lời nói phải đi đôi với việc làm: Đức Giê-su không cấm các kinh sư
giảng dạy Lời Chúa, cũng không cấm người Pha-ri-sêu giữ Luật Mô-sê. Vì
nếu họ không giảng dạy thì dân chúng làm sao có thể nghe, hiểu và yêu
mến Lời Chúa, như người đời thường nói: “Vô tri bất mộ”. Nếu họ không
tuân giữ Luật Mô-sê thì họ đâu có giữ đạo của Thiên Chúa. Điều Đức
Giê-su muốn các mục tử phải tránh thói xấu: “nói mà không làm”, “đốc
thúc người ta làm còn mình lại khoanh tay đứng nhìn”. Cần thực hành lời nhắn
nhủ các tân chức của vị Giám Mục chủ lễ như sau: “Con hãy TIN điều con
đọc. DẠY điều con tin và THI HÀNH điều con dạy”.
+ Tránh thói đạo đức giả hình bề ngoài: Đức Giê-su đã nêu rõ các thói
xấu của các kinh sư và người Pha-ri-sêu mà các môn đệ cần phải tránh là:
“Làm mọi việc cố ý cho người ta thấy”. Chúng ta nên nhớ rằng: “Hữu
xạ tự nhiên hương !”: nếu ta thật sự đạo đức thì tha nhân tự nhiên sẽ
biết, không cần ta phải nói ra, phải phô trương công đức trước mặt người
đời. Chỉ những ai không có nhân đức trong lòng, mới tìm cách phô trương
như người ta thường nói: “Thùng rỗng kêu to” và “Dốt hay nói chữ”.
+ Tránh thói tự cao tự mãn: Đức Giê-su cũng kêu gọi các tín
hữu phải tránh thái độ của các kinh sư và các người Pha-ri-sêu như sau: “Họ ưa
ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa
được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi
là “ráp-bi”. Chúng ta cũng cần tránh thái độ khinh dể những ai thua kém mình.
Hãy học nơi Đức Giê-su sự “hiền lành và khiêm nhường” trong lòng như lời Chúa phán:
“Hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm
nhường” (Mt 11,29). Cũng cần tránh thái độ tự cao khinh dể tha nhân. Vì: “Cao
nhân tất hữu cao nhân trị”.
4. THẢO LUẬN:
1) Tại sao các
tín hữu lại gọi tu sĩ là thầy, gọi linh mục là cha…? 2) Trong một bữa
tiệc, người có địa vị cao được chủ tiệc mời ngồi vào bàn danh dự, có
nên đến ngồi vào bàn cuối để chứng tỏ mình khiêm nhường hay không ? Tại
sao ?
5. NGUYỆN
CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Nhiều lần
chúng con đã có thái độ tranh giành địa vị với người khác. Chúng con
bực tức khi thấy ai đó nhiều ưu điểm hơn chúng con, tài giỏi và thành
công hơn chúng con. Chúng con hay dèm pha và nói hành kẻ vắng mặt mà
chúng con không ưa, nhằm hạ uy tín của họ. Chúng con thường phóng đại
những thành tích của chúng con để tìm tiếng khen của người khác. Hôm nay,
xin giúp chúng con biết noi gương Chúa: luôn ăn ở khiêm hạ và vị tha bác
ái. Xin đừng để chúng con giống như các kinh sư và người Pha-ri-sêu, bị
Chúa khiển trách là: giả hình, ích kỷ và kiêu căng. Xin cho chúng con
luôn quan tâm phục vụ tha nhân noi gương Chúa và Mẹ Ma-ri-a khi xưa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN
CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM