LỄ CHÚA KI-TÔ, VUA VŨ TRỤ

Chúa Giê-su Ki-tô Vua với công cuộc cứu độ

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Ed 34:11-12, 15-17;  1 Cr 15:20-26, 28;  Mt 25:31-46)

        Năm Phụng vụ trình bày hành trình cứu độ của Chúa Giê-su:  Người được Chúa Cha sai xuống trần gian để thực hiện kế hoạch cứu độ (khởi đầu năm Phụng vụ với mùa Vọng và Giáng Sinh);  sau khi hoàn tất sứ mệnh, với danh nghĩa Vua vũ trụ, Người trở về với Chúa Cha và đem theo mọi thành quả cứu độ về cho Chúa Cha (lễ Chúa Ki-tô Vua).  Theo ý tưởng này, chúng ta dễ dàng hiểu ý nghĩa danh hiệu Vua của Chúa Giê-su qua các bài đọc.  Chúa Ki-tô là Vua dưới hình ảnh Vị Mục Tử Nhân Lành chăn dắt đoàn chiên của Người, như ngôn sứ Ê-dê-ki-en mô tả trong bài đọc 1.  Đoạn thư 1 Cô-rin-tô trình bày chiến thắng sau hết của Vua Ki-tô là tiêu diệt sự chết, thù địch cuối cùng, và Người trao lại vương quyền cho Thiên Chúa Cha.  Đặc biệt là bài Tin Mừng nói về quang cảnh Vua Ki-tô trong ngày quang lâm phán xét mọi người, tách biệt kẻ dữ người lành, để đưa những người công chính về thiên quốc.

        1.  Vua Ki-tô cũng là Vị Mục Tử Nhân Lành.  Dưới lăng kính kế hoạch cứu độ, Chúa Giê-su được sai đến với nhân loại đã bị tội lỗi làm hư hỏng.  Đó là đàn chiên bị tổn thương và tản mác bởi tội lỗi và sự chết do lỗi phạm của nguyên tổ.  Đàn chiên nhân loại ấy cần được một Đấng trực tiếp chăm sóc dạy dỗ, mặc dù trước đây Thiên Chúa đã sai nhiều vị ngôn sứ đến để thay mặt Người nhắc nhở họ.  Vì thế, Người quyết định thi hành kế hoạch cứu độ:  “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm”.  Kiểm điểm là hành vi biểu lộ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.  Người “kiểm điểm” chiên bằng cách kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, đi tìm con nào bị mất, đưa về con nào đi lạc, băng bó con nào bị thương, chữa lành con nào bệnh tật, canh chừng con nào khỏe mạnh.  Tất cả những hành vi của vị Mục Tử này đều gặp thấy nơi Đức Giê-su Ki-tô.  Được sai đến trần gian để thiết lập Nước Thiên Chúa, Người đã thi hành việc “kiểm điểm” này.  Chúa Giê-su đã đi rao giảng Tin Mừng để đem về những kẻ bị tản mác do lối sống của thế gian.  Người đã đi tìm và đưa về những con chiên tội lỗi, như Người đã đến để kêu gọi những kẻ tội lỗi chứ không phải những người công chính (Mt 9:13).  Không những Người chữa lành bệnh tật thể xác, mà Người còn chữa lành tâm hồn của bao người nữa.  Nói tóm lại, Chúa Giê-su đã đem tình yêu Thiên Chúa để “kiểm điểm” mỗi người chúng ta, giúp ta sống đích thực là con cái Thiên Chúa và là công dân chân chính của vương quốc Người.

        2.  Vua Ki-tô đã chiến thắng kẻ thù là tội lỗi và sự chết.  Đoạn sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en ở trên đã mô tả những công việc của Vua Ki-tô khi Người thi hành sứ mệnh chăn dắt đàn chiên nhân loại.  Còn thánh Phao-lô thì nhấn mạnh đến thời điểm kết thúc sứ mệnh trên trần gian của Chúa Giê-su, tức là khi Người đã chiến thắng tội lỗi cùng sự chết và trao vương quyền lại cho Thiên Chúa Cha.  Vậy thánh Phao-lô đã diễn tả chiến thắng ấy như thế nào?  So sánh Đức Ki-tô với ông A-đam, ngài cho chúng ta thấy rõ sự tương phản giữa hai việc làm của Chúa Giê-su và A-đam.  A-đam, người đứng đầu đã đưa nhân loại vào một lịch sử của sự hủy hoại do tội lỗi và sự chết, trong khi Chúa Giê-su, Trưởng Tử của nhân loại mới, sẽ dẫn đưa ta về làm con Thiên Chúa và tiếp tục hành trình với chúng ta đến cõi sống muôn đời.  A-đam là người đưa ta đến thất bại dưới quyền lực của tội lỗi và sự chết, còn Vua Giê-su thì chiến thắng nhờ cái chết trên thập giá và sự phục sinh để mang lại cho ta sự sống và cuộc sống vĩnh cửu.  Thánh Phao-lô diễn tả sứ mệnh cứu độ của Chúa Giê-su qua hình ảnh:  “Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người”.  Đúng vậy, thù địch cuối cùng bị đặt dưới chân Vua Ki-tô chính là sự chết mà Người đã chiến thắng nhờ sự Phục Sinh của Người.  Đến đây, sứ mệnh “quy phục muôn loài” của Đức Ki-tô chấm dứt khi Người quy phục Chúa Cha và trao lại vương quyền cho Chúa Cha, Đấng “có toàn quyền trên muôn loài”.

        3.  Vua Ki-tô sẽ phán xét muôn loài trong ngày Người quang lâm.  Trong bài giảng về ngày thế mạt, Chúa Giê-su nói đến hành động ý nghĩa của vị Thẩm phán Tối Cao vào ngày tận thế.  Đó là “Con Người đến trong vinh quang của Người… và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê”.  Trong nghề chăn nuôi của Do-thái ngày xưa, người ta thường để chiên và dê ở cùng đàn với nhau.  Đây cũng là hình ảnh nói lên một thế giới lẫn lộn người tốt và người xấu.  Cuộc phán xét trong ngày tận thế là cuộc tách biệt người lành khỏi kẻ dữ.  Đấng chủ trì cuộc phán xét này chính là Con Người, Đức Ki-tô Vua vũ trụ.  Tiêu chuẩn để Vua phán xét là:  “Mỗi lần   các ngươi làm (hoặc không làm) như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm (hoặc đã không làm) cho chính Ta vậy”.  Cuộc phán xét lương tâm dựa trên bằng chứng là cách đối xử của ta với người khác và là cuộc phán xét không cần luật sư hay tranh cãi.

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Những hình ảnh về Chúa Giê-su, Vua vũ trụ, đã được trình bày qua Phụng vụ Lời Chúa hôm nay có thể đem lại an ủi cho chúng ta, hoặc có thể khiến ta kinh hãi.  Tuy nhiên, chúng ta đừng thất vọng, vì mục đích Vua Ki-tô đến là để đưa chúng ta về vương quốc vĩnh cửu của Người trên trời!

 

                Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A