CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG
Mục đích Chúa Giê-su giáng sinh là để cứu độ chúng ta
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Is 2:1-5;
Rm 13:11-14a; Mt 24:37-44)
Chúng ta bước vào mùa Vọng, thời gian
chuẩn bị tâm hồn đón Chúa giáng trần. Hiểu
rõ mục đích Chúa đến trần gian, chúng ta mới có thể mừng lễ theo đúng ý nghĩa
và đón nhận được những ân sủng Chúa ban qua việc cử hành của chúng ta. Vậy trong bài đọc 1, ngôn sứ I-sai-a trình
bày viễn ảnh về Nước Thiên Chúa là triều đại của bình an vĩnh cửu được mô tả bằng
những hình ảnh cụ thể chấm dứt chiến tranh và chung sống hòa bình. Tiếp đến, Phụng vụ Lời Chúa trích bài giảng của
Chúa Giê-su về thời cánh chung, để nhắc nhở chúng ta hãy canh thức và luôn sẵn
sàng chờ ngày Chúa đến đem chúng ta vào thiên đàng. Dựa theo lời Chúa Giê-su, thánh Phao-lô đã
đưa ra những phương thức cụ thể giúp chúng ta có được thái độ sẵn sàng ấy.
Vậy trước hết, chúng ta hãy nhìn lại
viễn ảnh ngôn sứ I-sai nói về việc Thiên Chúa quy tụ muôn dân cho họ được hưởng
hòa bình vĩnh cửu trong Nước của Người như thế nào. Hình ảnh biểu tượng cho Nước Thiên Chúa là
Núi Xi-on và thành thánh Giê-ru-sa-lem.
Thiên Chúa sẽ quy tụ muôn dân lại ở nơi đây, vì đây là Núi và Nhà Đức
Chúa. Đáp lời mời gọi của Thiên Chúa,
“dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi”. Tất cả tụ về đây là để lắng nghe Chúa dạy họ
lối của Người và để biết theo đường Người chỉ vẽ. Lời tiên tri này đã ứng nghiệm, như các sách
Tin Mừng thuật lại sứ vụ rao giảng của Chúa Giê-su: “Từ miền Ga-li-lê, vùng Thập Tỉnh,
thành Giê-ru-sa-lem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan, dân chúng lũ lượt
kéo đến đi theo Người” (Mt 4:25; Mc 3:8; Lc 6:17-19). Cũng như “từ
Xi-on, thánh luật ban xuống”, thì nay từ trên núi, Chúa Giê-su ban truyền bài
giảng về Các Mối phúc là căn bản cho luật Tin Mừng. Giáo lý của Chúa Giê-su trở thành dụng cụ biến
đổi bộ mặt trần gian như I-sai-a tiên báo.
Đúng vậy, Tin Mừng sẽ giúp nhân loại “đúc gươm đao thành cuốc thành cày,
rèn giáo mác nên liềm nên hái”. Nếu thực
sự sống Tin Mừng, chúng ta sẽ biến đổi “gươm đao” và “giáo mác” trong tâm hồn
mình thành cuốc, cày, liềm, hái để xây dựng hòa bình ngay tại trần gian
này. Nếu ta thực hành lời Chúa Giê-su dạy
yêu thương nhau, chắc chắn chúng ta “sẽ không còn vung kiếm đánh nhau” và không
cần phải “học nghề chinh chiến” nữa. Như
cuốc, cày, liềm, hái… là những dụng cụ giúp nhà nông đem lại cho ta đời sống no
ấm, thì các mối phúc cũng là những kim chỉ nam giúp ta xây dựng một đời sống
thiêng liêng và đạo đức.
Sau khi đã thiết lập Nước Thiên Chúa ở
trần gian, Chúa Giê-su về trời và Người sẽ trở lại trong Ngày quang lâm để xét
xử trần gian, hoàn tất công trình cứu độ nhân loại. Trả lời những thắc mắc người ta hỏi Chúa khi
nào là Ngày quang lâm, Chúa đã dùng câu chuyện ông Nô-ê chuẩn bị đối phó với nạn
hồng thủy, để dạy bài học về thái độ sẵn sàng.
Bên cạnh một xã hội sinh hoạt nhộn nhíp và bận rộn như ăn uống, cưới vợ
lấy chồng, có một người là ông Nô-ê đã dành thời giờ để chuẩn bị cho một biến cố
sẽ bất ngờ xảy đến. Phải, ông Nô-ê đã
không để cho mình bị chi phối do những sinh hoạt ấy mà quên đi việc chính là
đóng tàu để được cứu thoát khi cơn hồng thủy ập tới. Ông không quan tâm đến thời giờ chính xác biến
cố sẽ xảy ra, ông chỉ cần tâm niệm rằng biến cố hồng thủy chắc chắn sẽ đến. Nếu đã là biến cố phải đến thì sẽ đến, tốt nhất
là ta hãy sẵn sàng trước khi nó đến. Ở
đây, Chúa Giê-su không chỉ nói về việc Người sẽ đến để phán xét trong ngày sau
hết của thế giới, mà Người còn ám chỉ luôn ngày Người đến trong giờ chết của cá
nhân chúng ta để phán xét chúng ta nữa!
Thật đáng sợ nếu chúng ta không sẵn sàng. Ngoài ra, Chúa Giê-su còn cho chúng ta biết một
chuyện đáng sợ khác, đó là không phải hết mọi người đều được cứu độ. Chắc chắn một số người sẽ không được cứu độ,
vì họ từ chối hoặc không sẵn sàng đón nhận ơn cứu độ. Những kẻ thời ông Nô-ê bị hồng thủy giết hại
là những người “không hay biết gì”.
Không hay biết gì là cụm từ diễn tả thái độ thờ ơ, bất cần đời, chọn lựa
những giá trị tạm bợ thay vì những gì là
vĩnh cửu. Những kẻ “không hay biết gì”
chẳng phải là số ít, nhưng nhiều lắm, ít ra là một nửa số: “Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng,
thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại…” Lạy Chúa, xin cho con đừng ở trong số những kẻ
bị bỏ lại!
Sống sứ điệp Lời Chúa
Chúa Giê-su đã cho chúng ta một lời
khuyên rất thực tế để giúp chúng ta chuẩn bị sẵn sàng: “Nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến,
hẳn ông phải canh thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu”. Chúa nhấn mạnh đến điều ông chủ nhà phải
làm: đó là hành vi canh thức. Tại sao phải canh thức? Là vì ông biết chắc chắn kẻ trộm sẽ đến. Chúa bảo chúng ta hãy làm giống như ông chủ
nhà đã làm, vậy thôi! Nhưng canh thức
như thế nào? Đây là cách thánh Phao-lô
mách bảo: “Chúng ta hãy loại bỏ những việc
làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu”. Ngài kể ra một số việc làm đen tối, như chè
chén say sưa, chơi bời dâm đãng và cãi cọ ghen tương. Trái lại, ngài khuyên ta hãy cầm lấy vũ khí của
sự sáng, có nghĩa là “mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô” để sống theo gương mẫu của Người,
chứ không “chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng”. Mong đây cũng là cách chúng ta chuẩn bị tâm hồn
trong mùa Vọng này!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi