Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay thực
sự là điểm quy chiếu cần thiết cho đời sống mỗi ngày trong một thời đại mà con
người hầu như đã bị lạc lõng giữa muôn vàn giá trị. Chúng ta thử mường tượng
khi lần đầu tiên bước vào một siêu thị, một hình ảnh của thế giới hiện đại,
chúng ta thực sự bị hoa mắt, và bối rối biết bao ?
Cuộc sống hôm nay với nền kinh tế thị
trường, người ta quen dần với những khái niệm hàng hiệu, hàng nhái, hàng chất
lượng cao... nhưng tất cả còn tùy thuộc khả năng tiếp thị : từ những thông tin,
từ mẫu mã bao bì, từ cách tiếp cận. Nhưng vấn đề lớn hơn vẫn là sức mạnh của
đồng tiền đã mở thông mọi cánh cửa cho cuộc sống, để rồi nó chế ngự mọi cách
suy nghĩ, thậm chí còn là thước đo khả năng một con người, một tập thể. Nếu như
còn một nhân tố đối trọng nào khác, có khả năng chi phối đồng tiền và sức mạnh
của nó, thì có lẽ trong thực tế chỉ còn là bộ máy cơ cấu tổ chức xã hội. Ðó là
tất cả lối sống và làm việc của con người hôm nay. Trong cuộc sống này, ai ai
cũng có thể thấy rằng thị trường và bộ máy cơ cấu thực ra mãi mãi là một biến
động không ngừng, và nhiều khi đi từ thái cực này qua thái cực khác. Chính vì
vậy, con người luôn bị giao động bất an. Càng làm lớn, càng phải lo sợ nhiều.
"Anh em đừng sợ" Chúa Giêsu nói với các Kitô hữu như thế. Lời
mời gọi kèm theo một cách nhìn khác về cuộc sống : "những kẻ giết
được thân xác mà không giết được linh hồn". Theo đó "kinh tế thị trường" có
thể "giết được thân xác" với những quy luật phi nhân của nó. Và
"kinh tế thị trường" tuy "không giết được linh hồn", nhưng
trong thực tế của con người sau tội nguyên tổ, thì nó có thể giam hãm con người
trong vòng tội lụy. Thánh Phaolô đã đặc biệt có những suy nghĩ về vấn đề này
trong đoạn thư Roma hôm nay "Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm
nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết..." Chúng ta có thể thấy muôn vàn hệ lụy
trong xã hội hôm nay : với thời mở cửa, thì cũng là lúc những tệ nạn xã hội :
tham nhũng, hối lộ, đầu cơ trục lợi, lũng đoạn thị trường với những sản phẩm
nhằm khích động bạo lực, dâm ô, xì ke, ma túy...làm tan nát nền móng đạo đức xã
hội là gia đình. Người ta thừa nhận là hợp pháp việc "ly dị",
"hôn nhân thử", "phá thai", "ngừa thai"... Hậu
qủa là xã hội bất ổn, con người càng ngày càng sống trong lo sợ hãi hùng, và
nhất là giới thiếu nhi, bị khuôn đúc thành "sản phẩm phục vụ lợi
ích kinh tế", không còn cơ hội
đạt tới mức tự do tâm linh vốn là giá trị cao cả tối thượng của một con người.
Ðứng trước tình trạng ấy, sự khủng hoảng như một định kỳ không thể tránh, đã
xảy ra trong mọi xã hội, cách riêng ở những xã hội phát triển cao, gây nên
những đổ vỡ không lường.
Ðức Giêsu không dừng lại ở mức độ một
lời mời gọi, Ngài thúc bách môn đệ "Ðiều Thầy nói với anh
em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì
hãy lên mái nhà rao giảng".
Ðó là phương thuốc duy nhất có thể tái lập lại trật tự cho xã hội, cho nhân
loại. Thánh Phaolô đã đón nhận lệnh truyền này một cách đặc biệt, mà theo Ngài
thì tất cả những gì môn đệ đã nghe biết tựu trung chính là Con Người Ðức Giêsu
Kitô vì "nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân
sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Ðức Giêsu Kitô, còn dồi dào
hơn biết mấy cho muôn người."
Chính vì thế "tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ" chính là nhiệm vụ và vinh dự của người môn
đệ.
Có nhiều cách để tham gia vào sứ vụ
loan báo Ðức Kitô, nhưng cách thế căn bản nhất cho hết mọi người vẫn là một
cuộc sống thể hiện niềm tin vào sự quan phòng yêu thương của Chúa Cha như chính
Ðức Giêsu. Nếp sống ấy đã được các tiên tri đặc biệt rao giảng, nhiều khi bằng
chính đời sống của các Ngài, như trường hợp của tiên tri Giêrêmia làm chứng. Và
cũng vì thế truyền thống vẫn nhìn nhận Giêrêmia như là hình ảnh loan báo Ðức
Kitô.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên