Chúa Nhật Thứ 16 Thường
Niên
(21-7-2002)
· Kn 12,13.16-19: (17) Khi không có ai tin rằng Chúa nắm trọn
quyền năng, thì Ngài tỏ sức mạnh; còn ai đã biết mà vẫn to gan, thì Ngài trị
tội. (18) Nhưng Chúa xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh. Ngài lấy
lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con, nhưng có thể sử dụng quyền năng bất
cứ khi nào Ngài muốn.
· Rm 8,26-27: (26) Chúng ta là những kẻ yếu hèn, không biết
cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng
ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.
· TIN MỪNG: Mt
13,24-30.36-43
Dụ ngôn cỏ lùng
(24) Khi ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn
khác: «Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. (25)
Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa,
rồi đi mất. (26) Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. (27)
Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: «Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt
trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?» (28) Ông đáp: «Kẻ thù đã
làm đó!» Đầy tớ nói: «Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?» (29) Ông
đáp: «Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. (30) Cứ để cả
hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ
lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi».
Giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng
(36) Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần
Người và thưa rằng: «Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng
con nghe». (37) Người đáp: «Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. (38) Ruộng là
thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần.
(39) Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các
thiên thần. (40) Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì
đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. (41) Con Người sẽ sai các thiên thần
của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác,
mà tống ra khỏi Nước của Người, (42) rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ
phải khóc lóc nghiến răng. (43) Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt
trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.
Câu hỏi gợi
ý:
1. Bạn nhận thấy sự ác có mặt ở những nơi nào? trong bản thân bạn?
trong xã hội? trong Giáo Hội? Có nơi nào hoàn toàn vắng bóng sự ác không?
2. Sự xấu ác và hậu quả của nó là đau khổ có vai trò tích cực nào
trong đời sống của ta, hay trong xã hội con người không?
1. Trên thế gian, thiện và ác đấu tranh với nhau
Bài Tin Mừng hôm nay nói đến
một thực tại hết sức khó hiểu nhưng cũng hết sức phổ biến trên thế gian. Đó là
sự hiện hữu của sự ác. Theo quan niệm Công giáo, trước khi con người xuất hiện,
sự xấu ác đã có mặt trong vũ trụ. Thành quả đầu tiên của sự ác trên con người
là làm cho ông bà nguyên tổ của con người phạm tội, và vì thế làm cho cả loài
người mất đi phần nào hạnh phúc, phải đau khổ ít nhiều từ thế hệ này sang thế
hệ khác.
Từ đó, thế gian luôn luôn có
tình trạng tốt và xấu, thiện và ác trộn lẫn nhau, xen vào nhau, trong tất cả
mọi thực tại của thế gian: trong mọi người, một vật, mọi sự, và trong cả từng
người, từng vật, từng sự. Không một sự nào, vật nào hay người nào tốt hoàn toàn
hay xấu hoàn toàn, mà xấu tốt luôn luôn lẫn lộn: hay mặt này thì dở mặt kia, được
cái này thì mất cái nọ. «Nhân vô thập toàn», chẳng ai được «mười phân vẹn mười»
cả.
Trong một con người đã có
những mặt xấu mặt tốt lẫn lộn, nên trong xã hội cũng như Giáo Hội hay trong bất
kỳ tập thể con người nào, luôn luôn có kẻ tốt người xấu. Gọi là người tốt không
có nghĩa người ấy tốt hoàn toàn, mà là tốt nhiều hơn xấu. Cũng vậy, gọi là kẻ
xấu không có nghĩa kẻ ấy xấu hoàn toàn, mà là xấu nhiều hơn tốt.
Hai nguyên lý thiện và ác, tốt
và xấu đấu tranh với nhau trong nội tâm của từng con người, và trong mỗi xã hội
hay tập thể của con người. Sự ác còn gây nên đau khổ. Có thể nói sự xấu, ác
chính là nguyên nhân của mọi đau khổ trên trần gian. Bất kỳ hành động xấu nào
cũng gây nên đau khổ trước hết cho đối tượng bị nhắm tới, và cuối cùng cho
chính người làm sự ác ấy. Vì có sự hiện diện của sự ác, nên thế gian không bao
giờ vắng bóng đau khổ.
2. Ý nghĩa tích cực của sự ác và đau khổ
Thông thường, người ta cho sự
ác và hậu quả của nó – đau khổ – là những thứ hoàn toàn bất lợi cho con người.
Nghĩ như thế có thể chưa đạt lý và làm cho ta không thể rút ra được điều gì ích
lợi từ sự ác hay đau khổ.
Thiên Chúa cho phép sự ác xuất
hiện để thử thách và thanh luyện con người. Thật vậy, ngay từ nguyên thủy,
Thiên Chúa đã dựng nên trong vườn địa đàng một cây «biết lành biết dữ» (St
2,17), còn gọi là cây «thiện ác», đồng thời cho phép con rắn – tức ma quỉ, hiện
thân của sự ác – xuất hiện để cám dỗ con người hầu thử thách lòng trung thành
và vâng phục của họ đối với Ngài. Và con người đã sa ngã (St 3,1-7). Sự thử
thách ấy chắc chắn nằm trong ý định của Ngài, vì sự xuất hiện của con rắn sẽ
không bao giờ có được nếu không được Ngài cho phép. Trong Thánh Kinh, trường
hợp của ông Gióp cho thấy Thiên Chúa đồng ý cho ma quỉ thử thách, cám dỗ ông
(x. G 1,12; 2,6). Sự cho phép ấy chắc chắn xuất phát từ tình thương quan phòng
của Thiên Chúa, nên chắc chắn cuối cùng nó sẽ đem lại lợi ích cho con người.
Điều quan trọng là chúng ta phải khám phá ra những ích lợi của sự ác hay đau
khổ.
a) Sự ác và đau khổ giúp ta nhận ra sự cần thiết và ích lợi của sự
thiện: Khi làm điều ác để thỏa mãn một thú vui nào đó, ta gây ra đau khổ cho
người khác, người khác thù hận ta, trả thù ta, nên cuối cùng hậu quả của sự ác
là đau khổ lại trở về với ta. Nhiều lần rút kinh nghiệm, ta dần dần nhận ra làm
điều ác chẳng ích lợi gì cho ta và tha nhân, mà chỉ gây đau khổ cho chính mình.
Trái lại, khi làm điều thiện, làm cho tha nhân được hạnh phúc, thì kết quả của
sự thiện ấy cuối cùng rồi cũng trở về với ta, làm ta nên tốt đẹp và hạnh phúc
hơn. Càng ngày những kinh nghiệm về hậu quả của thiện và ác càng khiến ta cảm
thấy cần phải xa tránh điều ác và gắn bó với điều thiện hơn.
b) Đau khổ làm ta nên hoàn hảo hơn: Đau khổ thường được gây ra do
một sự thiếu hoàn hảo nào đó. Nếu không có đau khổ, ta dễ chấp nhận tình trạng
thiếu hoàn hảo đó. Nhưng vì đau khổ làm ta không chịu được, ta bắt buộc phải ra
khỏi tình trạng thiếu hoàn hảo để trở nên hoàn hảo hơn. Một minh họa cụ thể và
dễ hiểu: khi ta còn nhỏ, những lần đầu tiên sử dụng dao, sự vụng về (hay thiếu
hoàn hảo) làm ta bị đứt tay. Bị đứt tay đau điếng một vài lần, ta rút được kinh
nghiệm để sử dụng dao khéo léo (hay hoàn hảo) hơn.
c) Sự sa ngã hay đau khổ làm ta khiêm nhượng và thông cảm với tha
nhân hơn: Nhờ sa ngã một vài lần mà ta thông cảm nhiều hơn với những người tội
lỗi hay sa ngã của tha nhân. Nhờ ngu một vài lần mà ta thông cảm được với những
hành động ngu xuẩn của người khác. Như vậy nhờ đã từng sa ngã và ngu xuẩn mà ta
trở nên khiêm nhượng và thông cảm với tha nhân hơn. Tương tự, nhờ đau khổ vì
một số tình huống cụ thể (đau dạ dày, đau tim, bị giải phẫu, bị phản bội, con
cái hư…) mà ta thông cảm nhiều hơn với những người cùng lâm vào tình huống như
ta. Cổ nhân nói: «đồng bệnh tương lân». Nếu không lâm vào những cảnh ấy, ta
không thể hiểu được những nỗi đau ấy lớn thế nào. Nhờ sự thông cảm ấy mà tình
yêu của ta đối với họ tăng lên. Tình yêu và đức khiêm nhượng tăng có nghĩa là
đạo đức thánh thiện tăng.
d) Tội lỗi của người khác làm ta đau khổ nhưng cũng thánh hóa ta:
Thiên Chúa luôn luôn dùng đau khổ để thánh hóa những người Ngài yêu thương và
tuyển chọn. Để tạo đau khổ cho những người Ngài muốn thánh hóa, Ngài thường
dùng tay người khác, có thể là người ác mà cũng có thể là người hiền. Kẻ ác gây
đau khổ cho ta vì ác tâm hay vì ích kỷ.
Người tốt gây đau khổ cho ta vì hiểu lầm hay vì vô tình. «Chúa thương ai thì
mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt» (Dt
12,6). Do đó, người hiểu biết nên cám ơn những người gây ra đau khổ cho ta.
e) Điều dữ có thể trở thành điều tốt: Về điều này, ngụ ngôn Trung
Hoa có câu chuyện: Một ông già ở gần biên giới có con ngựa rất quí một hôm biến
đi đâu mất. Tuần lễ sau, con ngựa ấy trở về đem theo một con ngựa khác cũng đẹp
và quí như nó. Từ khi có hai con ngựa,
con trai ông ngày nào cũng cùng với chúng bạn đua ngựa với nhau, nên một hôm bị
té ngựa gẫy chân. Năm sau, giặc tấn
công vào các làng mạc ở biên giới, các trai tráng trong làng đều phải nhập ngũ
ra trận, cứ 10 người thì chết 9. Riêng
con ông lão vì bị què chân nên không phải nhập ngũ nên vẫn còn sống. Câu chuyện
cho thấy điều dữ có thể là khởi đầu cho một điều xấu, và ngược lại. Nếu người
ta có thể biến một điều xấu thành một điều tốt, thì Thiên Chúa quyền năng và
nhân hậu có thể biến điều xấu nhất trở thành điều tốt nhất. Thánh Phao-lô đã khẳng
định: «Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người»
(Rm 8,28). Bài hát «Mừng vui lên» (Exultet) đêm Phục Sinh gọi tội nguyên tổ
(một điều xấu) là «tội hồng phúc», vì nhờ có tội đó mà Thiên Chúa ban Đức
Giê-su cho nhân loại (điều tốt).
f) Chấp nhận đau khổ để được hạnh phúc: Thiên Chúa đã dùng chính
đau khổ (là hậu quả của sự ác) để tiêu diệt sự ác và đem lại hạnh phúc đích
thật cho con người: «dĩ độc trị độc». Và những đau khổ ta chấp nhận trong hiện
tại sẽ đem lại hạnh phúc cho chúng ta trong tương lai. Một em học sinh nhờ chịu
khó học hành mà có được đời sống tươi đẹp mai hậu. Cũng vậy, «những đau khổ
chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải
nơi chúng ta» (Rm 8,18). «Nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em
thật có phúc!» (1Pr 3,14).
g) Chấp nhận đau khổ là một bằng chứng của tình yêu thương: Trong
đời sống thực tế, đau khổ của ta có thể biến thành hạnh phúc cho người khác. Sự
cực khổ của cha mẹ đem lại hạnh phúc cho con cái. Nên chấp nhận đau khổ cho
người khác là dấu chứng biểu lộ tình yêu của mình đối với họ. Thiên Chúa đã
dùng đau khổ của Đức Giê-su để bày tỏ tình yêu vô biên của Ngài đối với nhân
loại.
@ U ?
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy
chúng ta phải chấp nhận chịu đựng sự lẫn lộn giữa tốt xấu, thiện ác ở trần gian
này, ngay trong bản thân ta cũng như trong xã hội và Giáo Hội. Sự xấu hay điều
ác cũng có vai trò tích cực của nó. Chúng ta cần phải nhận ra sự tích cực đó để
chịu đựng điều xấu ác một cách thanh thản, với tâm hồn bình an. Sự chịu đựng tự
nguyện ấy sẽ làm tâm hồn ta thêm cao thượng và vững mạnh. Bài Tin Mừng cũng cho
thấy viễn cảnh cuối cùng là sự xấu ác sẽ không còn nữa. Do đó sự chịu đựng điều
xấu ác hay đau khổ hiện nay chỉ là tạm thời mà thôi!
Lạy Cha, xin cho con biết nhận
ra khía cạnh tích cực hay lợi ích của sự ác cũng như của đau khổ trong đời sống
của con, để con chấp nhận một cách vui tươi và ích lợi hơn. Xin cho con biết tự
nguyện chấp nhận đau khổ như một phương cách biểu lộ tình yêu đối với những
người chung quanh con, vì nhờ con chấp nhận đau khổ, mà người chung quanh con
hạnh phúc hơn. Amen.