CHÚA NHẬT 16 QUANH NĂM , NĂM A
Ngày 217/2002
Mt 13, 24-43
Cái xấu và tốt luôn đan se
quấn quýt lấy nhau trong cuộc đời.Xem ra sự dữ có lúc lấn lướt cái tốt .Cái trớ
trêu và nghịch lý là trong một thuở ruộng lúa mọc lên tươi tốt,nhưng vẫn có
nhiều loại cỏ cùng mọc lên. Tâm hồn con người cũng luôn bị giằng co bởi cái
thiện và cái ác . Nhiều khi cái tốt muốn làm,nhưng con người lại không làm mà
để cái xấu vươn lên, lấn áp như lời thánh Phaolô đã từng nói .Qua hình ảnh cỏ
lùng, hạt cải và men , Chúa Giêsu muốn gợi lên cho nhân loại thấy cái thảm kịch
của nhân loại đang xẩy ra trong mọi thế hệ,nhưng thảm kịch lớn và sâu hơn Chúa
Giêsu muốn gợi lên là thảm kịch của lòng người.
I.CÁI THẢM KỊCH CỦA THẾ GIỚI VÀ
LÒNG NGƯỜI :
Thế giới nhân loại vẫn xoay
vần, vần xoay như thời tiết bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Ðông .Thế giới văn minh tiến
bộ, kỹ thuật mỗi lúc một hoàn bị. Con người xem chừng như muốn điều khiển tất
cả, bá chủ tất cả . Cái xấu và cái tốt đan chen xen lấn nhau như cỏ và đậu,như
cỏ và lúa mọc lên xanh tươi bên nhau vô tội vạ .Con người đứng trước vũ trụ,
đứng trước nhân loại cũng muốn làm một cái gì đó để thay đổi theo ý của mình.
Nhưng hình như con người vẫn chỉ là con người với những giới hạn của mình. Khi
con người muốn loại bỏ cỏ lùng thì họ cũng muốn nhổ luôn cả cây lúa tốt tươi
đang mọc song hành với muôn loại cỏ .Nhưng điều quan trọng hơn ở dụ ngôn lúa và
cỏ lùng, hạt cải và men trong bột. Chúa Giêsu muốn đề cập đến một thảm kịch sâu
xa của trái tim, của lòng con người . Trong tâm hồn con người, cái thiện và cái
ác hầu như vẫn tranh giành nhau ảnh hưởng. Sức mạnh của tăm tối, của Satan và
của cái xấu vẫn đan xen xô lấn cái tốt . Con người có hai khuynh hướng thật rõ
rệt: khuynh hướng lôi kéo con người tới Chân Thiện Mỹ và khuynh hướng của sự
dữ, của tối tăm luôn cọ xát giằng co nhau một cách quyết liệt .Thánh Phaolô quả
có lý khi nói:" Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm,còn sự ác không muốn
thì tôi lại làm ". Ðó là cái trớ trêu của cuộc đời và hơn thế là cái
nghịch lý của tâm hồn con người. Người ta vẫn hiểu rõ nội tâm,lòng con người
như một sức mạnh của hạt cải hay như một chút bột có thể làm dậy lên cả một đấu
bột. Hạt cải nhỏ bé nhưng mọc lên to lớn đến nỗi chim có thể tới đậu hay núp
bóng . Ðó là sức mạnh tiềm tàng nơi tâm hồn con người .Người ta có thể kiên trì
thay đổi thế giới một cách tự nhiên âm thầm như một Phanxicô khó nghèo, đã sống
tận căn sự khó nghèo để biến đổi người khác. Một Têrêsa Hài Ðồng đã sống tình
yêu để làm chứng cho tình yêu của Chúa. Một Mẹ Têrêsa Calcutta đã sống bác ái
tận cùng để minh chứng cho sự bao dung,yêu thương của Chúa .
II.THIÊN CHÚA VẪN KIÊN TRÌ CHỜ
ÐỢI CON NGƯỜI :
Hoàn toàn khác với quan niệm
của một số người, đặc biệt là các Ký lục, Pharisiêu và Biệt phái hay như một số
suy nghĩ của một vài triết gia hiện sinh như Jean Paul Sartre cho
rằng:"Hoả ngục là người khác ""Cuộc sống đáng nôn, đáng mửa
". Chúa Giêsu luôn yêu thương con người,tha thứ, cảm thông với con người
vì Thiên Chúa là tình yêu ( 1Ga 8, 10 ) . Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi con
người quay trở lại với Ngài . Một Maiđệliên tội lỗi được Chúa yêu thương tha
thứ. Một Phêrô chối Chúa đến ba lần , được ơn quay trở lại vì Phêrô hiểu được
lòng Chúa thương ông ta. Một Phaolô bị đánh ngã ngựa trên đường đi Ðamas, đã
được Chúa cho quay trở lại với Chúa, trở nên tông đồ của Chúa.
Dụ ngôn người con hoang đàng
(Lc 15, 11-32 ) đã ngầm cho con người hiểu Thiên Chúa kiên trì chờ đợi nhân
loại sám hối, ăn năn trở lại .Một thế giới trong đó nhân loại tượng trưng cho
một thuở ruộng có lúa và cỏ lùng đan xen mọc lên, nếu không tỉnh táo,chúng ta
khó nhận ra đâu là lúa, đâu là cỏ lùng cần phải loại trừ, cần phải nhổ đi
.Trước một cánh đồng rộng mênh mông cỏ ,lúa mọc sát bên nhau,chúng ta phải có
thái độ nào ? Lẽ dĩ nhiên sẽ có nhiều phản ứng hoặc buông xuôi hoặc nhiệt tình,
bi quan muốn nhổ đại cỏ vứt đi cho xong. Như thế, cỏ lùng tức cái xấu xem như
đã được giải quyết, đã bị kết án một cách vĩnh viễn ,không còn mong có cơ hội
vươn lên nữa.Cỏ lùng theo Chúa Giêsu trong dụ ngôn này lại mang một ý nghĩa mới
theo Kinh thánh: ngày cánh chung . "chờ ngày mùa tới ". Hình ảnh chờ
ngày mùa tới trong một cánh đồng đầy lúa chín vàng, nặng trĩu hạt nói lên thời
kỳ cứu độ của Chúa kéo dài trong lịch sử cứu rỗi .Thời kỳ này, Tin Mừng vẫn
được các sứ giả rao giảng, loan truyền, hạt giống Lời vẫn được tung vãi trên
các thuở đất và tâm hồn. Lúa vẫn mọc và cỏ lùng vẫn mọc đan xen, bên nhau . Cái
tốt vẫn bên cạnh cái xấu và kẻ thù của Tin Mừng vẫn quấy phá: sức mạnh của tị
hiềm, như cỏ lùng mọc lên cùng với lúa và đến mùa gặt chính Thiên Chúa sẽ quyết
định"Hãy bó những cỏ lùng thành từng bó, đốt chúng trước , rồi hãy thu lúa
vào kho lẫm cho Tôi ".Trong khi chờ đợi ngày mùa, tức là mùa gặt , chủ
ruộng trong dụ ngôn có cách hành xử rất ấn tượng và đúng đắn :" Cứ để cả
hai cùng lớn lên cho tới ngày mùa " . Cách xử lý của chủ ruộng là cách làm
kiên nhẫn và bao dung. Chúa mời gọi chúng ta phải kiên nhẫn và có cái nhìn của
lạc quan và hy vọng , phó thác . Cỏ lùng, cái xấu không phải không loại trừ
được, nhưng Chúa muốn chúng ta phải nhẫn nại, cầu nguyện và tin tưởng vì nếu
không bảo vệ lúa, bảo vệ cái tốt :" E rằng khi nhổ cỏ ta sẽ nhổ luôn cả
lúa "(Mt 13, 29 ). Thiên Chúa kêu mời con người phải có lòng kiên nhẫn,
can đảm,bao dung và lạc quan, hy vọng .Thái độ ấy phải là thái độ và cách hành
xử của các môn đệ và của mọi người muốn tiếp tục chưong trình cứu rỗi của Chúa.
Vâng, cánh đồng Giáo Hội tự
bản chất là thánh thiện, nhưng trong đó vẫn xen lẫn người tốt và người xấu.
Người xấu có thể trở nên tốt trong một giây một phút và người tốt lại trở nên
tốt hơn .Chúa luôn mời gọi con người phải nhẫn nhục, chịu đựng , lạc quan chờ
đợi .
Xin Chúa ban cho chúng con có
tấm lòng bao dung, yêu thương và tha thứ cho người khác .
Xin Chúa ban cho chúng con có
thái độ , cách xử lý đối với lúa và cỏ lùng trong Giáo Hội .
Chúng ta hãy suy gẫm lời Của
Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II :" Hãy kiên nhẫn cùng với Giáo Hội. Giáo
Hội luôn là một cộng đoàn có cả những người yếu đuối bất toàn. Hãy luôn sẵn
sàng.Giáo Hội cần đến bạn.Bạn là tương lai của Giáo Hội ".
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi,
DCCT Ðàlạt