CHÚA NHẬT 21 QUANH NĂM

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         Rô-ma 11: 33-36

          Nếu đọc riêng rẽ đoạn văn, chúng ta hiểu đây là lời tuyên xưng mầu nhiệm khôn dò về Thiên Chúa. Nếu đọc theo mạch văn thì đó là kết luận suy tư của thánh Phao-lô về số phận Ít-ra-en. Nhưng nếu đọc theo chủ đề thần học và giáo lý mà Phụng vụ Lời Chúa muốn trình bày qua tư tưởng của Phao-lô thì đây là kết luận suy niệm về tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa biểu lộ nơi Ðức Ki-tô và qua kế hoạch cứu độ. Suốt từ Chúa Nhật 9 đến 21 thường niên năm A, các đoạn trích thư Rô-ma được sử dụng để quảng diễn giáo lý của thánh Phao-lô về ơn được nên công chính và ơn cứu rỗi. Ðể kết thúc phần trình bày giáo lý và bước sang phần áp dụng thực hành, thánh Phao-lô lấy ý từ những tư tưởng trong Cựu Ước, ca tụng thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Vỏn vẹn qua mấy dòng ngắn gọn (cc. 33-36), ngài đã lập lại ý tưởng của hàng chục câu Kinh Thánh Cựu Ước, nhất là trong sách Gióp, Thánh Vịnh, I-sai-a, Khôn Ngoan, Giê-rê-mi-a... Ðiều ấy chứng tỏ từ xưa tới nay, mầu nhiệm Thiên Chúa vẫn luôn là một đề tài phong phú để con người suy gẫm, nhận ra mình là ai và Thiên Chúa là Ðấng nào. Tuy nhiên, vì đoạn thư là cảm nghĩ kết luận về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa nên bài đọc hôm nay (được viết theo thể văn thánh thi) muốn chúng ta khám phá ra đâu là động lực để Thiên Chúa phác họa một kế hoạch như thế. Nói khác đi, trí khôn chúng ta không thể hiểu được kế hoạch của Thiên Chúa, nhưng chắc chắn con tim chúng ta có thể cảm nhận được động lực tại sao Thiên Chúa hành động như vậy. Tất cả là do lòng thương xót của Người.

 

a) Thiên Chúa giàu có, khôn ngoan và thông suốt

          Ðứng trước mầu nhiệm Thiên Chúa, con người chỉ biết căn cứ vào những gì Thiên Chúa đã thực hiện để nhận ra được những đặc điểm của Người. Ðặc điểm của Thiên Chúa thì vô số kể. Mỗi một tạo vật đã nói lên một khía cạnh nào đó về những đặc điểm của Thiên Chúa rồi. Cho nên thánh Phao-lô chỉ nêu lên một vài nét tiêu biểu thường được ca tụng trong Kinh Thánh, đó là sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa.

          Tuy nhiên, ở đây chúng ta có thể hiểu ý Phao-lô muốn lập luận như sau: nếu nhìn ngắm công việc tạo dựng, con người đã có thể nhận ra được cái vẻ bên ngoài những đặc điểm của Thiên Chúa, thì khi chiêm niệm kế hoạch cứu độ, chúng ta cũng có thể hiểu được chiều sâu của những đặc điểm ấy, tức là do động lực nào Người đã cho chúng ta được nên công chính và cứu rỗi. Kế hoạch cứu độ chứa đựng thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Vậy để nhận ra thánh ý, chúng ta phải nhìn ngắm kế hoạch ấy qua hai điểm:

 

b) Quyết định của Người và đường lối của Người     

Chúng ta có thể hiểu được phần nào thánh ý của Thiên Chúa khi chúng ta suy nghĩ Người đã quyết định điều gì và Người đã thực hiện quyết định ấy thế nào. Ðây là điểm giáo lý cốt yếu thánh Phao-lô thường lập đi lập lại trong các thư của ngài. Ðặc biệt trong Ep 1:3-14, ngài trình bày rõ ràng quyết định và đường lối của Thiên Chúa: Người quyết định tuyển chọn chúng ta, cho chúng ta làm nghĩa tử, và thực hiện quyết định ấy "nhờ Ðức Giê-su Ki-tô" và "trong Thánh Tử." Thiên Chúa không giấu đi thánh ý của Người, nhưng "Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Ðức Ki-tô. Ðó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Ðức Ki-tô" (Ep 1:9-10). Nhìn đi nhìn lại, chúng ta đều thấy sự liên hệ rõ ràng giữa những đặc điểm của Thiên Chúa với quyết định và đường lối của Người. Càng nhận ra điều Thiên Chúa quyết định và cách thức Người thực hiện điều đã quyết định, chúng ta càng bái phục sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Người. Như thế, đây quả thực là một đề tài cầu nguyện không bao giờ cạn, cả đời chúng ta nếu chỉ cầu nguyện với đề tài này tưởng cũng đã quá đầy đủ rồi!

 

c) Bài học khi chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa

          Thánh Phao-lô không quên tóm tắt bài suy niệm về mầu nhiệm Thiên Chúa bằng một kết luận vô cùng sâu sắc: "Muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người" (Rm 11:36). Khẳng định này cho chúng ta thấy Thiên Chúa là Ðấng nào, cội nguồn của chúng ta là từ nơi nào mà đến và điểm tới của chúng ta là đi về đâu. Muốn hiểu thánh Phao-lô quảng diễn khẳng định này như thế nào, chúng ta không thể bỏ qua đoạn thư Cô-lô-xê 1:15-20, đoạn thư đề cao vai trò của Ðức Ki-tô là nguyên lý để Thiên Chúa tạo dựng chúng ta (c. 16), cho chúng ta được tồn tại (c. 17), hòa giải chúng ta với Người (c. 20) và cho chúng ta hưởng phần gia nghiệp (c. 12). Có nhận thức được chỗ đứng của mình trước mặt Thiên Chúa và trong trái tim của Người, chúng ta mới thực sự thấm thía lời chúc tụng: "Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! A-men!"

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Từ trước tới nay có lẽ tôi chỉ quen với lối cầu nguyện xin ơn, xin Chúa cho tôi ơn này ơn kia, mà không để ý tới lối cầu nguyện chúc tụng, ngợi khen. Vậy từ nay, tôi sẽ học hỏi và thực tập lối cầu nguyện này như thế nào? Thánh Vịnh sẽ giúp tôi trong lối cầu nguyện này làm sao?

          Lòng thương xót của Thiên Chúa dạy tôi bài học gì? Ðối với tôi, "Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Ðấng nhân từ" (Lc 6:36) có là một mệnh lệnh tương tự như "Anh em hãy nên thánh thiện, như Cha anh em là Ðấng thánh thiện" không? Tôi sống mệnh lệnh "hãy có lòng nhân từ" như thế nào?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng sốt sắng đọc Thánh ca Cô-lô-xê 1:15-20, hoặc Thánh Vịnh 139.

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà