CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN, NĂM A

Mt 21,28-32

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

TÌNH YÊU CHÂN CHÍNH

 

Càng lúc nhóm biệt phái,luật sĩ và thông luật càng ghen tỵ, hiềm thù Chúa Giêsu,tìm cách gài Chúa Giêsu vào bẫy của họ nhằm có lý do bắt Chúa,giao nộp Chúa để lên án tử hình cho Chúa.Hạng có chức sắc trong tôn giáo của xã hội Do Thái lúc đó là những hạng người có nhiều đặc quyền đặc lợi,có nhiều quyền hành ăn trên ngồi trốc trong lớp xã hội hồi đó. Họ nói nhiều nhưng làm ít hay nói cách dân dã:nói mà không làm. Còn dân chúng cứ phải ì cổ ra làm mọi việc và thi hành mọi việc.Tin Mừng thánh Matthêu trong đoạn 21,28-32 nói lên nghịch lý này.

 

VẪN LÀ VƯỜN NHO

Chúa Giêsu vẫn dùng vườn nho để nói lên lập trường của Ngài . Chúa đưa ra dụ ngôn về hai người con được gửi đi làm vườn nho. Người cha nói với con của mình:"Bữa nay,con đi làm vườn nho nghe con ". Ðây là một lời mời gọi,một lời động viên chứ không có tính bắt buộc như một lệnh truyền. Tuy nhiên,hai người con có hai thái độ trái ngược nhau. Người con thứ nhất đã dùng tiếng không để đáp lại lời mời gọi của Cha. Tiếng không của anh ta nói lên tiếng nói hoàn toàn tự do,tự lập và có bản lĩnh của mình.Nhưng,sau đó anh ta đã tự loại trừ sự tự do ích kỷ của anh ta mà đặt lợi ích của gia đình,lợi ích chung lên trên và tuân hành ý cha của mình. người con thứ nhất đã có một sự giằng co trong chọn lựa và sau cùng anh ta đã quyết định cho lợi ích chung.Còn người con thứ,tiếng nói có:"Vâng con đi làm".Anh ta nói đi,nhưng chỉ là lời nói phỉnh lừa bề ngoài,nói để dối lòng,dối cha,nhưng kỳ thực anh ta không đi làm.Người con thứ sống ích kỷ,co cụm,chỉ nhắm lợi ích cho riêng mình.Anh không có một chút nào tình yêu thương đối với cha mình,chứ chưa kể đến gia đình và xã hội. Anh chỉ nói trên đầu môi chóp lưỡi.Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến nhóm biệt phái,luật sĩ. Họ nói nhiều nhưng không làm.Họ bầy biện đủ trò,đủ điều luật nhưng không mảy may giữ . Họ bắt người khác giữ. Họ chống lại cả Ðấng Thiên Chúa gửi đến là Chúa Giêsu và chống lại Tin Mừng của Ngài.Họ nghĩ ra một Thiên chúa ác nghiệt,cau có và hay giáng phạt hơn là một Thiên Chúa tình thương. Nên, Chúa Giêsu đã nói:".đừng bắt chước việc họ làm ".

"Bọn đĩ điếm và thu thuế sẽ vào nước trời trước họ ".

 

CHÚA NHÂN TỪ

Hình ảnh người cha trong dụ ngôn hôm nay là chính Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô. Ðức Giêsu Kitô là người cha nhân từ,chạnh thương và huệ ái. Ngài là vị mục tử tốt lành luôn qui tụ, và tìm chiên lạc. Chính vì không chịu nổi thái độ,cung cách của Chúa Giêsu cư xử đối với người tội lỗi, ngưởi yếu hèn,người bị bỏ rơi mà các người biệt phái,luật sĩ tìm cách làm hại,lên án Chúa Giêsu.Chúa Giêsu vẫn sống nhân từ dù rằng con người tội lỗi,yếu hèn hay phản bội . Chúa luôn thứ tha và luôn cảm thông với con người khi con người thực tình sám hối ăn năn. Gương của Phêrô,của Augustinô,của Charles Foucauld đã cho ta thấy,tình thương của Chúa quên đi lỗi lầm của con người khi con người thật lòng sám hối,ăn năn.

Trong dòng đời,trong đời sống tựa như sa mạc khô cằn,một lời an ủi,một sự cảm thông,động viên để người tội lỗi quay về với Chúa,luôn có sức mạnh an ủi con người,giúp con người có cơ hội trở về.Thực thi lời Chúa quả thực là khó khăn hơn là giả hình, nói trên môi miệng.Lời Chúa luôn nghịch với sở thích,với ý riêng của ta.

Trong cuộc sống,chúng ta có dám sống nghịch lại với những thói giả hình như các người biệt phái,luật sĩ đã sống hay không hay ta thỏa hiệp,sống hời hợt cho qua ngày mà thôi .Chúng ta có dám kiên trì hoán cải những cái xấu,để chúng trở nên tốt ,biến cái không thành cái có để đẩy lùi những tật xấu,khó khăn để mặc lấy sự tốt lành của Thiên chúa Cha nhân từ .

 

Lạy Chúa xin giúp chúng con hiểu được lòng nhân từ vô biên của Chúa.

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà