CHÚA NHẬT II PHỤC SINH (A)

(07/04/2002)

NGHE

·        Bài đọc 1 (Cv 2, 42-47): Cộng đoàn tín hữu đầu tiên

(42) Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Ðồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. (43) Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Ðồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. (44) Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. (45) Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. (46) Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Ðền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. (47) Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.

·        Bài đọc 2 (1Pr 1, 3-9): Gia tài Thiên Chúa ban

(3) .. Người cho chúng ta được tái sinh để lãnh nhận niềm hy vọng sống động, .. được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em.

Tình thương và lòng trung tín với Ðức Ki-tô

(6) Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. (7) Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội.. Nhờ thế, khi Ðức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, (8).. anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, (9) bởi đã nhận được thành quả đức tin, là ơn cứu độ con người.

·        Bài Tin Mừng (Ga 20, 19-31): Ðức Giê-su hiện ra với các môn đệ

(19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Ðức Giê-su đến, đứng giữa các ông mà nói: "Bình an cho anh em!" (20) Nói xong Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ ."

(24) Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Ði-đy-mô, không ở với các ông khi Ðức Giê-su đến. (25) Các môn đệ khác nói với các ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." (26) Tám ngày sau, các môn đệ Ðức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đếu đóng kín. Ðức Giê-su đến, đứng Giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." (27) Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin." (28) Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" (29) Ðức Giê-su bảo: "Vì đã thấy Thầy nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!"

(30) Ðức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. (31) Còn những điều đã được ghi chép vào đây là để anh em tin rằng Ðức Giê-su là Ðấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

NGẪM

v     Câu hỏi gợi ý:

1.    Việc Ðức Giê-su sống lại và hiện ra nhiều lần có ý nghĩa gì đối với các Tông Ðồ ?

2.    Sự sống lại của Ðức Giê-su là bảo chứng cho phần rỗi chúng ta.

3.    Sự sống lại của Ðức Giê-su mở cho chúng ta một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần.

v     Suy tư gợi ý:

1.    Sau khi sống lại Ðức Chúa Giê-su đã hiện ra nhiều lần

Mặc dầu đã được Kinh Thánh cũng như chính Ðức Giê-su báo trước về Ngài, các môn đệ vẫn tỏ ra bàng hoàng sợ hãi khi chứng kiến cuộc khổ nạn và cái chết của Ðức Giê-su. Ông Phê-rô thì chối Chúa, các môn đệ hầu hết đã bỏ trốn chỉ còn một số ít theo Người xa xa. Bao nhiêu mộng ước của các ông dường như đã tiêu tan cùng với cái chết của Thầy mình. Khi được báo tin Chúa sống lại, các ông vẫn còn bán tín bán nghi. Ðức Giê-su đã phải hiện ra nhiều lần để trấn an, giải thích và củng cố niềm tin cho các ông.

Tin Mừng Thánh Gio-an (Ga20,19-31) hôm nay thuật lại hai lần hiện ra của Ðức Giê-su với các môn đệ trong phòng cửa đóng kín và lời đầu tiên của Ngài là lời chúc bình an cho các ông. Trong cả hai lần gặp gỡ, Ðức Giê-su đã lập lại lời chúc này tới ba lần. Ngài đã cho các ông xem tay và cạnh sườn Ngài, các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa, nhưng lần hiện ra này vắng mặt ông Tô-ma. Tám ngày sau các môn đệ lại tụ họp trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó nữa. Trong khi các cửa đều đóng kín, Ðức Giê-su đến đứng giữa các ông, và sau lời chúc bình an Ngài bảo ông Tô-ma: "Ðặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem Thày. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thày. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." (Ga20,27) Xem ra Chúa có ý trách ông Tô-ma vì sự cứng lòng của ông, nhưng chính nhờ đó mà các môn đệ và các thế hệ sau này là chúng ta có thêm một bằng chứng mạnh mẽ về việc Chúa sống lại. Ở những lần hiện ra khác, Ðức Giê-su cũng tỏ ra ân cần và thân mật khi gặp gỡ, giải thích Kinh Thánh hoặc cùng ăn uống với các ông.

2. Ðức Giê-su sống lại : bảo chứng cho phần rỗi chúng ta.

Quả vậy, Thánh Phao-lô, trong thư gởi các tin hữu Cô-rin-tô, có viết: ".nếu Ðức Ki-tô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng, .lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em" (1Cr15,14-17). Việc Ðức Giê-su sống lại cho chúng ta một bảo đảm chắc chắn chúng ta cũng sẽ được sống lại như Người. Thư thứ nhất của Thánh Phê-rô hôm nay giới thiệu cho chúng ta một "gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài đó chính là ơn cứu độ Người đã dành sẵn và sẽ bày tỏ trong thời sau hết" (1Pr1,3-9). Nhưng không nhất thiết phải đợi lâu như thế, vì nhờ đức tin, chúng ta có thể nếm trước được niềm vui ơn cứu độ và có được sức mạnh để kiên trì trong thử thách. Và ngược lại chính những thử thách đó tinh luyện, làm cho đức tin của chúng ta nên tinh ròng hơn: Vàng là của phù vân, mà còn phải thử lửa, huống hồ là đức tin là thứ quí giá hơn vàng gấp bội (1Pr1,7)

3. Ðức Giê-su sống lại : khởi đầu cho một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần.

Ðức Giê-su, sau khi sống lại, Ngài đã gặp gỡ các môn đệ và tiếp tục sai các ông đi rao giảng Tin Mừng. Ngài đã ban cho các ông Chúa Thánh Thần: "Anh em hay nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; Anh em cầm giữ ai thì, người ấy bị cầm giữ." (Ga20,22). Từ đây, khởi đầu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Chúa Thánh Thần, Ðấng áp dụng ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.

Chúa Thánh Thần, với bảy ơn của Ngài, đã biến đổi các Tông Ðồ từ những người nhút nhát trở nên can đảm, từ những người thuyền chài ít học thành những nhà thuyết giảng hùng hồn (Cv2,14-41). Các ông đã can đảm, sẵn sàng chịu mọi thử thách gian lao, đem Tin Mừng của Chúa đến với mọi người, không phân biệt Do Thái hay dân ngoại. Chúa Thánh Thần cũng hoạt động trong Hội Thánh: Ðoạn sách Công Vụ hôm nay cho chúng ta thấy những ân huệ của Ngài sinh hoa kết trái nơi cộng đồng Ki-tô hữu đầu tiên : "Họ chuyên cần nghe các Tông Ðồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng. Họ để mọi sự làm của chung. bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí. và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ (Cv2,42-47). Thật là một hình ảnh tuyệt vời về một xã công bằng và đầy tình nhân ái, hình ảnh của Nước Trời.

NGUYỆN

Lạy Cha, nhờ sự chết và phục sinh vinh hiển của Ðức Giê-su Con Cha, Cha đã ban cho chúng con một gia tài vô cùng quí giá là được trở nên con của Cha, được sống cuộc sống vĩnh cửu chan chứa niềm vui. Xin cho chúng con luôn ý thức ơn huệ cao cả này và luôn biết ca ngợi tình yêu bao la Cha đã dành cho chúng con.

P.Ðamiano Ðinh ngọc Thiệu


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà