CHÚA NHẬT 30 QUANH NĂM

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         1 Thê-xa-lô-ni-ca 1: 5c-10

          Bài đọc hôm nay tiếp tục lời nguyện tạ ơn của thánh Phao-lô về đời sống Ki-tô gương mẫu nơi anh chị em tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca. Trong đoạn trước, ngài đã nêu cao gương sống đức tin, cậy, mến của họ. Thư của ngài thường theo cùng một khuôn mẫu: trong các lời nguyện tạ ơn, ngài giới thiệu những đề tài sẽ được khai triển sau đó. Vậy phần tiếp theo lời nguyện tạ ơn trong 1 Tx là chủ đề bắt chước gương lành và sau đó là chủ đề Ðức Ki-tô sẽ quang lâm.

 

a) Bắt chước gương sáng của Phao-lô

          Chúng ta đã quen thuộc với chủ đề bắt chước gương lành từ khi suy niệm thư gửi tín hữu Phi-líp-phê. Thánh Phao-lô mời gọi tín hữu hãy bắt chước ngài như ngài đã bắt chước Ðức Ki-tô. Tuy nhiên, trong thư 1 Tx có thêm một điều mới mẻ: nhờ bắt chước thánh Phao-lô, tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca đã trở nên gương mẫu cho các tín hữu khác trong tất cả miền Ma-kê-đô-ni-a và A-khai-a (Hy-lạp).

          Vậy tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca đã bắt chước điều gì nơi Phao-lô? Chính thánh Tông đồ đã trả lời: họ đã "đón nhận lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban" (c. 6). Ðiểm giống nhau giữa Phao-lô và tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca là tất cả đều từ bỏ nếp sống cũ để quay về với Ðức Ki-tô, tiếp nhận Tin Mừng của Người. Khoảng năm 36, trên đường đi Ða-mát để lùng bắt Ki-tô hữu, Phao-lô đã gặp Chúa hiện ra và trao cho ngài sứ mạng làm Tông đồ các dân ngoại. Phao-lô đã "đón nhận lời Chúa." Lời Chúa hoặc Lời là thuật ngữ Tân Ước dùng để chỉ Tin Mừng. Lúc ấy Phao-lô chính là người đang làm cho các Ki-tô hữu phải gian truân, thì hẳn hơn ai hết ngài sẽ hiểu thế nào là gian truân nếu tiếp nhận Ðức Ki-tô. Sau đó, khi thi hành sứ mệnh rao giảng Tin Mừng, Phao-lô chấp nhận mọi gian truân, nguy hiểm muôn bề, miễn là Chúa Ki-tô được rao giảng (Pl 1:18). Nhưng đón nhận Tin Mừng trong mọi nỗi gian truân mà không được gì khác, thì sức loài người chẳng ai làm nổi. Sở dĩ Phao-lô làm được là vì cùng lúc ấy ngài cảm nhận được "niềm vui do Thánh Thần ban." Như thế Phao-lô đưa ra một định đề: đón nhận lời Chúa (= Tin Mừng) giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban. Nói khác đi, việc đón nhận Tin Mừng luôn luôn đặt chúng ta vào tình trạng phải đối phó với mọi thứ gian truân, nhưng đồng thời cũng đem lại cho chúng ta niềm vui sâu xa là hồng ân của Thánh Thần.

          Theo gương thánh Phao-lô, tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca đã làm một cuộc trở về với Ðức Ki-tô và Tin Mừng của Người. Ðể tiếp nhận Ðức Ki-tô và Tin Mừng, họ phải "từ bỏ ngẫu tượng" và đặt lòng tin vào Thiên Chúa. Ðiều này không dễ chút nào. Kinh nghiệm truyền giáo tại nhiều nước châu Á cho chúng ta thấy Tin Mừng khó được tiếp nhận là vì người ta không muốn bị "mất gốc," bị mang tiếng là "bất hiếu" với ông bà tổ tiên... Thánh Phao-lô đã không sợ mất cái gốc Pha-ri-sêu hoặc bị mang tiếng phản bội truyền thống Do-thái giáo, nhưng "những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Ðức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi... so với mối lợi tuyệt vời là được biết Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa của tôi" (Pl 3:7tt).

 

b) Làm gương cho mọi tín hữu khác

          Ðược tiếp nhận Ðức Ki-tô và Tin Mừng, lối sống của anh chị em tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca thay đổi hoàn toàn. Thay vì đặt lòng tin vào ngẫu tượng, vào của cải tiền bạc và sự giàu có, từ nay họ đặt hết lòng tin vào Thiên Chúa. Họ phá bỏ mọi chướng ngại, để cho việc sống Tin Mừng thể hiện qua việc làm và để cho "lời Chúa đã vang ra" chứ không bị bưng bít. Thay vì sống ích kỷ, chỉ lo cho mình, từ nay họ biết hướng về công cuộc truyền giáo của Hội Thánh, tiếp đón và nâng đỡ các vị truyền giáo. Thay vì sống theo triết thuyết của văn minh Hy-lạp là hưởng lạc, không tin vào sự sống đời sau, từ nay họ sống thái độ đầy hy vọng và lạc quan chờ đợi Chúa Ki-tô quang lâm. Tất cả những thay đổi lớn lao để trở về với Tin Mừng đã giúp cho tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca "nên gương cho mọi tín hữu ở miền Ma-kê-đô-ni-a và miền A-khai-a," và dĩ nhiên cho cả chúng ta hôm nay nữa.

 

c) Ðặt lại vấn đề của chúng ta hôm nay

          Thánh Phao-lô viết cho tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca: "Anh em biết, khi ở với anh em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em" (1:5c). Vấn đề đã được thánh Phao-lô đặt ra và các tín hữu đã giải quyết bằng cách nhận ra lối sống của ngài rồi bắt chước. Nhưng cùng một vấn đề đó được đặt ra cho chúng ta hôm nay, liệu chúng ta có một giải đáp không? Chúng ta nhìn lại lối sống của chính mình, rồi chúng ta tự hỏi: lối sống ấy có thực sự là tiếp nhận Tin Mừng và thực sự mưu ích cho anh chị em tôi không? Liệu chúng ta có dám đành mất mọi sự để được lợi Ðức Ki-tô và can đảm phá bỏ nơi chúng ta mọi chướng ngại ngăn cản lời Chúa vang ra ở tất cả những nơi chúng ta đang sống không? Chúng ta có đặt việc mưu ích cho anh chị em như một lý tưởng quan trọng của đời Ki-tô hữu không? Nghĩa là chúng ta có sống mối quan hệ với những anh chị em Ki-tô hữu khác, với Hội Thánh địa phương và toàn cầu, với những anh chị em khác tôn giáo... không? Và sống thế nào?

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Sử dụng những gợi ý trong điểm "Ðặt lại vấn đề của chúng ta hôm nay."

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc một lời nguyện truyền giáo hoặc hát bài Lời nguyện Truyền giáo.

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà