CHÚA NHẬT 32 QUANH NĂM
Thánh
ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: 1 Thê-xa-lô-ni-ca 4: 13-18
Những Chúa Nhật cuối năm Phụng vụ, bài
đọc trích Thư 1 Thê-xa-lô-ni-ca hướng về chủ đề Chúa Ki-tô tái lâm. Trước khi
trình bày giáo lý về việc Chúa Ki-tô quang lâm, thánh Phao-lô mở đầu bằng một
huấn dụ luân lý (4:1-12), và sau khi trình bày (4:13-5:11), ngài kết thúc bằng
một huấn dụ về đời sống cộng đoàn (5:12-24). Có lẽ xen kẽ việc trình bày giữa
hai bài huấn dụ luân lý là cốt để làm nổi bật tầm quan trọng của việc chờ đợi
Chúa Ki-tô trở lại. Hai điểm cốt yếu của phần trình bày giáo lý là:
4:14-18
- Quan hệ giữa việc Chúa tái lâm và việc sống lại của các tín hữu.
5:1-11
- Thái độ tỉnh thức là cần thiết vì ngày quang lâm xảy đến bất ngờ.
Vậy suy niệm hôm nay là về việc Chúa Ki-tô quang
lâm có ý nghĩa gì đối với sự sống lại của các tín hữu.
a) Việc quang lâm của Chúa Ki-tô
Quang
lâm (parousia) theo ý nghĩa của từ Hy-lạp là "sự hiện diện", nhưng
thường được sử dụng để nói về việc Chúa Ki-tô trở lại vào ngày tận thế và Người
sẽ là vị Thẩm phán chung cuộc xét xử mọi người. Hình ảnh Chúa Ki-tô quang lâm
được lập đi lập lại nhiều lần trong các thư của thánh Phao-lô. Ðó là Ðức Ki-tô
Phục sinh đã được Thiên Chúa tôn vinh, đầy quyền năng và được muôn loài muôn
vật mọi nơi mọi thời tuyên xưng là "Chúa" (Kyrios).
Trong
truyền thống của Giáo Hội, niềm hy vọng vào cuộc quang lâm thường liên quan đến
những khẳng định của Giáo Hội về ngày thế mạt, đặc biệt là giáo lý về việc kẻ
chết sống lại, phán xét chung và thưởng phạt vĩnh viễn.
Qua
thư 1 Thê-xa-lô-ni-ca, có thể thánh Phao-lô hiểu lầm về thời điểm Chúa Ki-tô sẽ
trở lại. Cũng như các Ki-tô hữu khác, ngài tưởng Chúa Ki-tô sẽ trở lại mau
chóng, đang khi ngài và anh chị em tín hữu còn đang sống. Nhưng chắc chắn thánh
Phao-lô không hiểu sai về ngày quang lâm, nghi ngờ không biết Chúa có trở lại
hay không; trái lại, ngài khẳng định việc Chúa Ki-tô sẽ trở lại là chắc chắn,
là niềm hy vọng không thể lay chuyển của mọi Ki-tô hữu.
b)
Việc Chúa Ki-tô quang lâm có ý nghĩa gì đối với sự sống lại của các tín hữu?
Tín
hữu Thê-xa-lô-ni-ca chờ đợi Chúa Ki-tô trở lại đang khi họ còn sống. Nhưng
nhiều người trong cộng đoàn đã chết mà vẫn chưa thấy Chúa trở lại. Cho nên
người ta đặt câu hỏi: "Vậy số phận những người chết trước khi Chúa Ki-tô trở
lại thì sao? Họ có được chia sẻ vinh quang với Chúa không? Hay bị loại bỏ
luôn?"
Câu
trả lời của thánh Phao-lô rõ ràng. Có mối quan hệ mật thiết giữa sự Phục sinh
của Chúa Ki-tô và sự sống lại của những ai tin vào Người. Vào ngày thế mạt, mọi
kẻ chết đã tin vào Người khi họ còn sống sẽ được sống lại và đi theo Người.
Thực ra, họ còn được lợi thế hơn những người còn sống cho đến lúc đó, vì
"những người đã chết trong Ðức Ki-tô sẽ sống lại trước tiên; rồi đến chúng
ta, là những người đang sống, những người còn lại" (4:16b-17a).
Trong
Thánh lễ, sau Truyền phép chúng ta tuyên xưng: "Lạy Chúa, chúng con loan
truyền Chúa đã chịu chết, và tuyên xưng Chúa đã sống lại, cho tới khi Chúa lại
đến!" Hai điểm chúng ta ghi nhận ở đây. Trước hết, sự Phục sinh của Chúa
Ki-tô không phải là một biến cố độc lập, nhưng là khởi đầu cho một cuộc phục
sinh toàn diện của nhân loại, vì "Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong
số những người từ cõi chết sống lại" (Cl 1:18; xem 1Cr 15:20-28: "Ðức
Ki-tô đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn
thu"). Ðiểm thứ hai, Chúa lại đến hoặc việc Chúa Ki-tô quang lâm là cuộc
chiến thắng sau hết của Thiên Chúa trên tội lỗi và sự chết. Mặc dù chiến thắng
ấy đã dứt khoát nhờ cái chết của Ðức Ki-tô trên thập giá, nhưng quyền lực của
tội lỗi và cái chết vẫn chưa bị hoàn toàn tiêu diệt cho tới ngày mọi người đã
chết sẽ sống lại. Do đó, ngày Chúa Ki-tô quang lâm mới thực sự là chiến thắng
chung cuộc của Thiên Chúa đối với tội lỗi và sự chết.
c) Thái độ của Ki-tô hữu đối với
việc Chúa Ki-tô quang lâm phải như thế nào?
Mặc
dù hằng ngày hay hằng tuần tuyên xưng việc Chúa quang lâm, nhưng thường chúng
ta lại có thái độ rất tiêu cực về việc ấy. Mê tín hoặc "yếu bóng vía"
thì chúng ta tích trữ đồ ăn nước uống và dăm bao đèn cầy, đề phòng biến cố
"tối ba ngày ba đêm"! Có nhiều người lo cho mình chưa đủ, còn lo cho
thiên hạ nữa! Thôi thì viết sách, kể lể Chúa, Mẹ mặc khải cho tôi thế này thế
nọ, cóp-pi ra hết tờ giấy tuyên truyền này đến tờ khác gửi cho càng nhiều người
càng tốt, nếu không gửi đi thì sẽ bị tai họa! Những chuyện ấy thời thánh
Phao-lô cũng đã có, bởi vì vô số người cứ ngồi đấy mà chờ Chúa trở lại, mãi
không thấy gì nên đâm ra "sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì
cũng xen vào!" (2 Tx 3:11).
Ðiều
làm chúng ta vô cùng ngạc nhiên ở đây là thái độ thánh Phao-lô dạy chúng ta
phải có: "Vậy anh em hãy dùng những lời ấy mà an ủi nhau" (1 Tx
4:18). Nói như thế, ngài muốn chúng ta hiểu cho đúng về thực tại của việc Chúa
Ki-tô trở lại. Ðó không phải là một biến cố sợ hãi, nhưng là một tin vui, một
hy vọng đã được thể hiện và một động viên tinh thần cho mọi tín hữu đang sống
trong cuộc lữ hành trần gian để tiến về quê hương đích thực là nhà Cha trên
trời.
Tại
sao tôi "sợ" ngày tận thế? Những gì thánh Phao-lô nói trong bài đọc
hôm nay có làm tôi hết sợ không?
Hiểu
được Chúa Ki-tô "mở đường" cho những ai đã an giấc ngàn thu, tôi nhận
ra nhu cầu cần phải kết hiệp với Người đang khi tôi còn sống, để sau khi chết,
tôi cùng được sống lại với Người. Vậy tôi đang kết hiệp với Người như thế nào?
Tôi
đã "an ủi" và khích lệ người khác sống niềm hy vọng vào sự Phục sinh
của Chúa Ki-tô như thế nào?
Sau
cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc lời nguyện sau đây:
Xin
hãy dẫn dắt con, đi từ cõi chết đến sự sống, từ lầm lạc đến chân lý.
Xin
hãy dẫn dắt con, đi từ thất vọng đến hy vọng, từ sợ hãi đến tín thác.
Xin
hãy dẫn dắt con, đi từ ghen ghét đến yêu thương, từ chiến tranh đến hòa bình.
Xin
hãy đổ đầy bình an trong trái tim chúng con, trong thế giới chúng con,
trong
vũ trụ chúng con. A-men.
(Mẹ
Tê-rê-xa Calcutta, trích RABBOUNI, lời nguyện 9)