CHÚA NHẬT 33 QUANH NĂM

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:         1 Thê-xa-lô-ni-ca 5: 1-6

 

          Trong đoạn thư 4:13-18, thánh Phao-lô đã giải thích mối quan hệ mật thiết giữa sự Phục sinh của Chúa Ki-tô với sự sống lại của các tín hữu. Tiếp theo, trong lời Chúa hôm nay, ngài quay sang vấn đề thời gian: Vậy khi nào cuộc quang lâm của Chúa Ki-tô sẽ xảy ra? Chính thánh Phao-lô cũng nghĩ là mình sẽ còn sống cho đến lúc Chúa trở lại (xem 4:17). Hình ảnh Phao-lô và các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca "sẽ được đem đi trên đám mây, để nghênh đón Chúa trên không trung" chắc chắn đã in sâu trong tâm trí và là điều cộng đoàn của Phao-lô dùng để an ủi nhau, khích lệ nhau sống đời Ki-tô gương mẫu. Nhưng năm tháng trôi qua mà vẫn chưa có gì xảy ra, nên ý niệm thời gian về việc Chúa trở lại cũng cần phải thay đổi.

 

a) Ðối với Chúa, thời gian là cơ hội chứ không phải thời gian tính bằng năm tháng

          Có hai ý niệm khác nhau về thời gian: thời gian được đếm bằng năm tháng (chronos) và thời gian được coi như một thời điểm, một cơ hội (kairos). Cơ hội bao giờ cũng cho chúng ta một khoảng thời gian tính bằng năm tháng, nhưng khoảng thời gian ấy không khi nào rõ rệt. Thời gian tính bằng năm tháng tuy rõ ràng, nhưng không phải lúc nào cũng là cơ hội. Cơ hội tuy không thể xác định được chính xác vào lúc nào, nhưng là một bảo đảm nếu người ta đừng để lỡ nó. Hầu hết trong Kinh Thánh, thời gian thường mang ý nghĩa thời điểm hoặc cơ hội, nhất là khi nói về tương lai. Khi rao giảng về Nước Thiên Chúa, Chúa Giê-su chỉ xác định: Nước Thiên Chúa đã gần kề. Nói thế, Người không có ý ám chỉ về ngày giờ Người đến với nhân loại vào ngày 25 tháng 12 năm 1, tại Bét-lem, nhưng Chúa muốn nhấn mạnh đến việc nhân loại đừng để quá trễ, mà hãy mau mắn tiếp nhận Người! Ðối với những ai sẵn sàng mở lòng tiếp nhận thì Nước Thiên Chúa đã đến và đang hoạt động biến đổi con người họ. Còn đối với ai không muốn tiếp nhận lời giảng và con người Ðức Ki-tô cùng sứ mệnh của Người thì Nước Thiên Chúa vẫn còn là một lời hứa chưa được thực hiện. Vậy thời gian Nước Thiên Chúa đến là cơ hội chứ không phải là ngày ấy giờ ấy. Chỉ có một mình Thiên Chúa Cha biết rõ ràng ngày giờ ấy mà thôi (Mt 24:36).

          Nếu việc Chúa đến với nhân loại là một cơ hội, một thời điểm để người ta tiếp nhận Người, thì việc Chúa trở lại vào ngày chung thẩm cũng sẽ là một cơ hội, một thời điểm để người ta được thẩm định về việc tiếp nhận ấy. Khẳng định việc Chúa Ki-tô quang lâm không phải là chúng ta bảo rằng Người sẽ trở lại vào ngày mấy tháng mấy năm bao nhiêu, nhưng là giữa hai điều, tin rằng Chúa sẽ trở lại và tin rằng Chúa sẽ không trở lại, chúng ta chọn điều thứ nhất, tức là tin Chúa chắc chắn sẽ trở lại.

          Tin Chúa sẽ trở lại vào ngày giờ rõ ràng và tin Chúa chắc chắn sẽ trở lại nhưng không rõ khi nào, hai cách tin này ảnh hưởng khác nhau trên lối sống của chúng ta. Nếu tôi nghĩ Chúa Ki-tô sẽ trở lại vào ngày ấy tháng ấy, có lẽ tôi sẽ cứ sống buông thả, cho rằng mình còn thời giờ. Nếu tôi biết chắc chắn Chúa sẽ trở lại, tuy không biết lúc nào, nhưng tôi sẽ ở trong tư thế sẵn sàng vì "chẳng có ai trốn thoát được" (5:3).

 

b) Chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại mới là quan trọng

          Thánh Phao-lô muốn đưa chúng ta trở lại vấn đề cốt lõi, không phải là tò mò muốn biết ngày giờ nào, nhưng là có tin Chúa sẽ trở lại hay không. Tin Chúa Ki-tô sẽ trở lại là điều quan trọng vô cùng, vì thế Giáo Hội không ngần ngại tuyên xưng niềm tin này ngay trong phần linh thiêng nhất của Thánh Lễ, sau khi Truyền Phép. Ðây là cơ sở để người Ki-tô hữu sắp đặt cho mình một cuộc sống thích đáng đối với chân lý Chúa Ki-tô sẽ trở lại trong vinh quang để xét xử muôn loài muôn vật.

          Chuẩn bị chờ đợi bằng cuộc sống thích đáng có nghĩa là liên tục thay đổi cuộc sống mình, dựa theo những tiêu chuẩn Chúa Giê-su đã đề ra trong lời giảng và lối sống của Người. Sự cần thiết của việc chuẩn bị này đã được chính Chúa Giê-su khẳng định khi Người mở đầu việc rao giảng: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Ðại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng" (Mc 1:15). Sám hối là quay lưng lại với tội lỗi để hướng về Chúa Ki-tô, chấp nhận lời mời gọi của Người mà biến đổi con người tội lỗi chúng ta. Chúng ta cần ra khỏi bóng tối để sống theo căn tính mới của mình là "con cái ánh sáng" (5:4).

 

c) Chuẩn bị thế nào?

          Một lần nữa, thánh Phao-lô nhắc đến bộ ba nhân đức: tin, cậy, mến, để nhắc nhở tín hữu phải chuẩn bị thế nào cho cuộc quang lâm của Chúa Ki-tô. Quen thuộc với hình ảnh và lối sống người lính Rô-ma, thánh Phao-lô diễn tả ba nhân đức tin cậy mến như những thái độ sẵn sàng, giống như người lính trong tư thế chiến đấu: "Chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ" (5:8).

          Sống tiết độ là điều kiện cần thiết để chúng ta có thể tỉnh thức và sẵn sàng. Thực hành ba nhân đức tin cậy mến là sức mạnh để chúng ta thắng được cám dỗ và tối tăm của ma quỷ tội lỗi. Với tất cả những chuẩn bị này, việc Chúa trở lại hôm nay hay ngày mai không còn là một vấn đề chúng ta cần đặt lại, nhưng là việc chúng ta có tin chắc chắn Người sẽ trở lại hay không.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Trong đời sống thiêng liêng, tôi có nhận ra những "dấu chỉ thời gian" như là những sứ điệp Chúa nói với tôi không? Chia sẻ một vài dấu chỉ ấy.

          Tỉnh thức là một đề tài lớn trong Tân Ước, có nghĩa là sống mà chờ đợi Chúa, chứ không ngủ mê trong dục vọng. Vậy tôi đã thực hành thái độ "tỉnh thức" đó như thế nào trong quá khứ? Tôi cần điều chỉnh lại cách sống tỉnh thức như thế nào?

          Suy nghĩ thêm về vai trò của ba nhân đức tin cậy mến trong đời sống Ki-tô hữu.

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc lời nguyện sau đây:

          "Lạy Chúa Giê-su, xin cho con thấy Chúa

          đang tạo dựng cả vũ trụ và đang đưa dòng lịch sử này về với Chúa.

          Xin cho con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người,

          vì họ có cùng khuôn mặt với Chúa.

          Xin cho con khám phá ra Chúa đang hẹn gặp con

          nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường.

          Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi, thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa.

          Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa

          trên bước đường đời của con. A-men."

(Trích lời nguyện 34, trong RABBOUNI)

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà