Chúa Nhật Thứ 3 Mùa
Chay
(3-3-2002)
Xh 17,3-7: Ngươi
sẽ đập vào tảng đá. Từ tảng đá, nước sẽ chảy ra cho dân uống.
Rm 5,1-2.5-8: Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần
mà Người ban cho chúng ta.
TIN
MỪNG: Ga 4,5-15.19b-26.39a.40-42
Ðức Giê-su tại Sa-ma-ri
(5) Khi ấy, Ðức
Giê-su đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã
cho con là ông Giu-se. (6) Ở đấy, có
giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng.
Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.
(7) Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Ðức Giê-su nói với người ấy: Chị cho tôi xin chút nước uống! (8) Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. (9) Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói: Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao? Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri. (10) Ðức Giê-su trả lời: Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: Cho tôi chút nước uống , thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống. (11) Chị ấy nói: Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? (12) Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy. (13) Ðức Giê-su trả lời: Ai uống nước này, sẽ lại khát. (14) Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.
(15) Người phụ nữ nói với Ðức Giê-su: Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước. (19) Tôi thấy ông thật là một ngôn sứ. (20) Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa. (21) Ðức Giê-su phán: Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. (22) Các người thờ Ðấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Ðấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. (23) Nhưng giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. (24) Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật. (25) Người phụ nữ thưa: Tôi biết Ðấng Mê-si-a, gọi là Ðức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự. (26) Ðức Giê-su nói: Ðấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.
(39) Có nhiều
người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Ðức Giê-su. (40) Dân
Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. (41) Số người
tin vì lời Ðức Giê-su nói còn đông hơn nữa. (42) Họ bảo
người phụ nữ: Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính
chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Ðấng cứu độ trần gian.
Câu hỏi gợi ý:
1. Có
thực tại trần gian nào thỏa mãn được những khát vọng vô hạn của con người
không? Những thực tại siêu nhiên thì sao? Thực tại nào có thể thỏa mãn những
khát vọng của con người để họ được hạnh phúc?
2. Người
ta có luôn luôn thật sự gặp gỡ Thiên Chúa trong kinh nguyện, trong thánh lễ,
trong các bí tích không? Muốn thật sự gặp gỡ Thiên Chúa phải có những yếu tố
nào?
3.
Thế nào là thờ phượng, gặp gỡ Thiên Chúa trong thần khí và sự thật?
4.
Suy tư gợi ý:
1. Khát
vọng của con người không bao giờ được thỏa mãn
Khát nước, đó là tình trạng thiếu thốn mà ai cũng đều kinh nghiệm hằng ngày. Khát nước đòi người ta phải uống nước để thỏa mãn cơn khát. Nếu không thỏa mãn, con người sẽ bị cơn khát dằn vặt rất đau khổ. Uống rồi thì hết khát, nhưng chỉ một thời gian (một tiếng hay hai tiếng sau) cơn khát lại trở lại, và cứ thế mãi. Ðói cũng tương tự như khát. Ngoài nước uống và thức ăn, con người còn đói khát nhiều chuyện khác: tình cảm, tình yêu, tình dục, tiếng khen, tiền bạc, địa vị, quyền lực, hiểu biết, trở nên hoàn hảo. Nhưng tất cả những thứ ấy, dù đạt được như lòng mong ước, thì con người cũng chỉ thỏa mãn một thời gian rất ngắn, để rồi lại tiếp tục cảm thấy thiếu thốn. Nếu không tiếp tục thỏa mãn, con người cảm thấy đau khổ. Khi không có chiếc xe đạp, ta cảm thấy thiếu và mong có được chiếc xe đạp. Khi đã có chiếc xe đạp, ta lại thấy thiếu và mong có chiếc gắn máy. Cứ thế, chẳng bao giờ ta hết thiếu thốn, ết đói khát, hay hết khát vọng cả. Hạnh phúc của con người vì thế chỉ luôn luôn tạm thời: được no đủ trong giây lát để rồi lại đói khát triền miên.
Như vậy, con người cứ phải nô lệ cho những cơn khát đủ loại của mình, cứ phải vất vả để tìm đủ cách thỏa mãn chúng. Trong khi tìm cách thỏa mãn chúng, nhiều khi con người phải hy sinh cả gì mình quí nhất: mạng sống, lương tâm, tình cảm vợ chồng, tình nghĩa anh em. Vì thế, cơn khát này chưa được thỏa mãn thì mình lại gây nên những cơn khát loại khác. Cứ thế mà con người lâm vào vô số những vòng luẩn quẩn trói chặt con người vào đau khổ.
2. Làm
sao để hết khát vọng? để khỏi đau khổ?
Ðức Giê-su nói: Ai uống nước này, sẽ lại khát. Thật vậy, những cách thỏa mãn khát vọng của con người đều chỉ là tạm thời. Ðược thỏa mãn rồi lại tiếp tục khát vọng. Khát vọng siêu đẳng nhất của con người là muốn có một giải pháp để thỏa mãn vĩnh viễn mọi khát vọng, và không còn phải khát vọng nữa. Làm sao có được giải pháp đó trên đời? Ðức Giê-su đã cho ta biết Ngài có giải pháp đó: Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời. Ngài cho biết giải pháp của Ngài sẽ trở thành một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời nơi người dùng giải pháp ấy. Có sẵn trong người một mạch nước thì ta sẽ không bao giờ khát nữa, mà trái lại còn có thể làm thỏa mãn cơn khát của người khác. Mạch nước ấy đem lại sự sống đời đời. Mạch nước ấy là gì? Là chính Thiên Chúa, được hiện thân thành Ðức Ki-tô. Chỉ cần thật sự gặp gỡ Thiên Chúa hay Ðức Ki-tô, ta sẽ có được mạch nước đem lại sự sống ấy ở trong ta. Lịch sử Giáo Hội cho thấy nhờ thật sự gặp được Thiên Chúa, các vị thánh đã được
biến đổi hoàn toàn, các ngài cảm thấy hạnh phúc vô biên bất chấp nghịch cảnh, đã yêu thương và có một sức mạnh tinh thần rất lớn để dấn thân và hy sinh cho Thiên Chúa và đồng loại không mệt mỏi. Vậy vấn đề mấu chốt là thật sự gặp gỡ Thiên Chúa hay Ðức Ki-tô.
3. Làm
sao để thật sự gặp gỡ Thiên Chúa?
Nhiều khi ta đến để gặp Chúa - trong nhà thờ, bằng
đọc kinh cầu nguyện, bằng việc dâng thánh lễ, v.v. - nhưng ta lại không thật sự
gặp được Chúa. Ta cầu nguyện, đi lễ theo thói quen, theo giờ giấc, theo luật
buộc, một cách hoàn toàn hình thức. Ta đối diện với Chúa trước nhà tạm, ta rước
Chúa vào tận trong lòng mình, nhưng ta vẫn không thật sự gặp Chúa. Cũng như các
kinh sĩ Do Thái xưa, họ nói chuyện với Chúa, ở bên cạnh Chúa, đối diện với
Chúa, nhưng không gặp Chúa. Cổ nhân có câu: Hữu
duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng (Có
duyên với nhau thì dù xa ngàn dặm cũng vẫn gặp được nhau, không có duyên với nhau
thì dù có mặt đối mặt cũng không gặp nhau). Như thế, sự gặp gỡ thật sự đòi hỏi
phải có duyên với nhau, có sự
đồng cảm, sự giống nhau nào đó. Cổ nhân còn nói: Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu (Cùng âm thanh thì
phụ họa nhau, cùng tính tình, khuynh hướng, tài năng thì tìm gặp nhau). Bản
chất của Thiên Chúa là tình yêu, nên chỉ những ai biết yêu thương - nghĩa là
giống Thiên Chúa - mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa một cách đích thực: Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra,
và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa
(1Ga 4,7a-8). Chữ biết ở đây có
nghĩa là cảm nghiệm, gặp gỡ Thiên Chúa. Vì thế, kẻ gian ác, kẻ ghen ghét, người
không biết yêu thương thì không thể gặp được Thiên Chúa.
Ðức Giê-su nói: Ðã
đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại
Giê-ru-sa-lem. Như vậy, để gặp gỡ Thiên Chúa, thì không gian - tức
chỗ này chỗ kia - không phải là chuyện quan trọng: Ðấng Tối Cao không ở trong những ngôi nhà do tay người phàm làm ra
(Cv 7,48). Ðức Giê-su cũng nói: Giờ đã đến -
và chính là lúc này đây - những
người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật. Như vậy, muốn thật sự
gặp gỡ Thiên Chúa, ta cũng phải gặp gỡ Ngài trong thần khí và sự thật.
4. Gặp
gỡ Thiên Chúa trong thần khí và sự thật
Ðể giải thích điều này, Ðức Giê-su nói: Thiên Chúa là thần
khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và
sự thật. Nếu Thiên Chúa là thần khí, thì để gặp Ngài, con người cũng
phải dùng thần khí của mình - tức tâm hồn mình - để gặp Ngài. Vì chỉ có thần
khí mới gặp được và hòa nhập được với thần khí. Như vậy nghĩa là phải gặp Ngài
trong chính tâm hồn mình. Thật vậy, nơi dễ gặp gỡ Thiên Chúa nhất, chính là
cung lòng của mỗi người chúng ta. Không gì linh thánh bằng con người, hay tâm
hồn con người, vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,26-27; 9,6; Kn
2,23). Và cũng không nơi nào linh thiêng bằng cung lòng con người: Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Ðền Thờ của
Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Ðền Thờ Thiên Chúa
là nơi thánh, và Ðền Thờ ấy chính là anh em (1Cr 3,17; x. 6,19). Có
gặp được Thiên Chúa ở ngay cung lòng mình, mình mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa ở
nơi khác, trong Thánh Thể, trong nhà thờ, trong tha nhân, trong thiên nhiên.
Thiên Chúa ở ngay cung lòng mình mà mình không gặp được, thì mong gì gặp được
Thiên Chúa ở bên ngoài. Thánh Âu-Tinh đã từng than thở: Con đã tìm Chúa ở ngoài con, nên con đã không gặp
được Chúa của lòng con (Confession,
cuốn VI, chương 1).
Muốn thật sự gặp gỡ Thiên Chúa, còn phải gặp Ngài trong sự thật. Thiên
Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của sự thật, vì thế, người gian dối, không
thành thật với lòng mình, với mọi người, và với Thiên Chúa, thì không thể gặp
được Ngài. Như vậy để thật sự gặp được Thiên Chúa, cần phải có một tâm hồn ngay
thẳng, thành thật, chân chất, có nói có, không nói không (Mt 5,36), không quanh
quéo, uẩn khúc. Không thể gặp được Thiên Chúa những người nghĩ một đằng, nói
một ngả, hay nói một đằng, làm một nẻo.
Tôi nghe thấy tiếng Chúa: Ðã đến lúc trình độ tâm linh con người phải tiến cao
hơn một bậc nữa. Con người không nên thờ phượng Thiên Chúa theo kiểu vụ hình
thức, vụ không gian, vụ thời gian, vụ vật chất nữa. Con người cần thờ phượng và
gặp gỡ Thiên Chúa bằng thần khí chứ không phải qua vật chất, qua hình thức nữa.
Con người cần gặp gỡ Thiên Chúa ngay trong bản thân mình hơn là ở một nơi nào
bên ngoài. Con người cần hiểu biết Thiên Chúa theo sự thật, bằng chính bản chất
của Ngài hơn là bằng những hiện tượng, danh từ, ngôn ngữ hay cách diễn tả đặc
thù của mỗi tôn giáo, mỗi nền văn hóa. Có gặp gỡ Thiên Chúa đích thực, con
người mới được biến đổi để trở nên hoàn hảo và hạnh phúc hơn
Joan Nguyễn Chính Kết