CHỦ NHẬT PHỤC SINH (A)
(31-03-2002)
NGHE
* Bài đọc 1: Cv 10,34a.37-43: Ông Phê-rô giảng
tại nhà ông Cô-nê-li-ô.
(34a) Bấy giờ tại nhà ông
Cô-nê-li-ô ở Xê-da-rê, ông Phê-rô lên tiếng nói: (37) "Quý vị
biết rõ biến cố đã xẩy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền
Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng. (38) Quý vị biết rõ:
Ðức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần
và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Ði tới đâu là Người
thi ân giáng phúc tới đó, và
chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với
Người. (39) Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã
làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo
Người lên cây gỗ mà giết đi. (40) Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm
cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, (41) không phải
trước mắt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã
tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng
uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. (42) Người
truyền cho chúng tôi phải đi rao giảng cho dân và long trọng làm
chứng rằng chính Người là Ðấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để
xét xử kể sống và kẻ chết. (43) Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng
về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà
được ơn tha tội."
* Bài đọc 2: Cl 3,1-4: Sống theo Niềm Tin Phục
sinh.
(1) Anh em được trỗi dậy cùng với
Ðức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc về thượng giới, nơi Ðức
Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. (2) Anh em hãy hướng lòng trí về
những gì thuộc về thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc
về hạ giới. (3) Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em
hiện đang tiềm tàng với Ðức Ki-tô nơi Thiên Chúa. (4) Khi Ðức Ki-tô,
nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với
Người , và cùng Người hưởng phúc vinh quang.
* Bài Tin Mừng: Ga 20,1-9: Ngôi mộ trống.
(1) Sáng sớm ngày thứ nhất trong
tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy
tảng đá đã lăn khỏi mộ. (2) Bà liền chạy về gặp ông Si-môn
Phê-rô và người môn đệ Ðức Giê-su thương mến. Bà nói: "Người ta đã
đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu."
(3) Ông Phê-rô và môn đệ kia liền
đi ra mộ. (4) Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn dệ kia chạy mau hơn
ông Phê-rô và đã tới mộ trước. (5) Ông cúi xuống và nhìn thấy
những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. (6) Ông Phê-rô theo sau
cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó,
(7) và khăn che đầu Ðức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng
vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. (8) Bấy giờ người môn đệ
kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (9)
Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Ðức
Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết. Sau đó, các môn đệ lại trở về
nhà.
NGẪM
* Câu hỏi gợi ý
1. Chứng tá của Phê-rô quan trọng như thế
nào đối với Niềm Tin Phục sinh?
2. Sự Phục sinh của Ðức Giê-su có ý nghĩa gì?
3. Làm chứng Chúa Ki-tô Phục sinh trong xã
hội hôm nay bằng cách nào?
* Suy tư gợi ý
1.Tầm
quan trọng của chứng tá của Phê-rô đối với Niềm Tin Phục sinh:
Dù có đọc hết các sách Tân Ước, chúng ta
cũng không thể tìm ra một đoạn văn nào mô tả cách Ðức Giê-su đã
phục sinh từ cõi chết như thế nào. Thật vậy, các Phúc Âm đã tường
thuật rất tỉ mỉ, chi tiết cuộc Thương Khó và Cái Chết thập giá của
Ðức Giê-su, nhưng chỉ nói rất ngắn gọn về sự Phục Sinh của Người.
Tại sao vậy? - Tại vì chẳng có ai chứng kiến tận mắt biến cố hay sự
kiện ấy. Vậy niềm Tin Phục sinh dựa vào đâu? - Tin Mừng Gio-an kể
lại câu chuyện ngôi mộ trống là một phần của sự kiện Ðức Giê-su
Phục sinh. Trong câu chuyện ấy vai trò của Phê-rô, tông đồ trưởng,
được Gio-an chủ ý làm nổi bật bằng một chi tiết nhỏ là dù Gio-an
tới mộ trước (trẻ, chạy nhanh hơn), nhưng đứng chờ để Phê-rô bước
vào trong mộ trước. Còn sách tông đồ công vụ ghi lại bài giảng của
Phê-rô ở Xê-da-rê tại nhà ông Cô-nê-liô. Bài giảng này có tầm
quan trọng hết sức đặc biệt, vì đó là cơ sở vững chắc nhất của
Niềm Tin Phục Sinh của Ki-tô giáo. Cũng Ðức Giê-su đó, Ðấng đã xuất
thân từ Na-da-rét, được Thiên Chúa ban Thánh Thần và sứ
mạng Rao giảng Nước Trời khắp các thôn xóm làng mạc, đã bị
giới cầm quyền Do Thái giết hại bằng cực hình thập giá, nay được
Thiên Chúa tôn vinh, phục sinh từ cõi chết. Sự kiện phục sinh thì
không ai chứng kiến, nhưng Chúa Ki-tô phục sinh thì rất nhiều người
-trong đó có Phê-rô và Gio-an- đã được diễm phúc thấy và gặp.
2. Sự
Phục sinh của Ðức Giê-su có nhiều ý nghĩa:
Phao-lô đã nói: Nếu Ðức Giê-su không phục
sinh thì niềm Tin của chúng ta chẳng có giá trị gì! Thật vậy, nếu Ðức
Giê-su không phục sinh thì cùng lắm, chúng ta chỉ có thể coi Người là
một vị anh hùng, một vĩ nhân của loài người, chứ không phải là
Thiên Chúa, là Ðấng Cứu Ðộ của chúng ta. Và như thế thì dù chúng ta
có mến mộ Người đến đâu đi nữa, thân phận của chúng ta vẫn chẳng
có gì thay đổi quyết liệt. Nhưng Ðức Giê-su đã phục sinh có nghĩa là
Người đã được Thiên Chúa tôn vinh là Ðức Ki-tô, tức Ðấng được
Thiên Chúa xức dầu tấn phong làm Sứ Gỉa được cử đến với loài người
và làm Cứu Chúa của nhân loại. Những lời Người nói, những việc
Người làm, những cực hình Người đã chịu là những lời nói, hành động,
cực hình có gía trị cứu độ vô biên. Những mặc khải của Người về Thiên Chúa, về Vương quốc của
Thiên Chúa, về phẩm gía cao quí của con người, về con đường đạt tới
Sự Sống Thật là những mặc khải vô gía. Những chọn lựa của Người,
những cách Người sống trở thành mẫu mực và tiêu chuẩn cho chúng ta
noi theo.
3.
Cách làm chứng Chúa Ki-tô Phục sinh trong xã hội hôm nay:
Ðể giúp chúng ta làm chứng Chúa Ki-tô Phục
sinh, Phao-lô đã vạch ra cho chúng ta một định hướng: "tìm kiếm
những gì thuộc về thượng giới, hướng lòng trí về những gì thuộc
về thượng giới" Thượng giới được hiểu là thế giới của
Thiên Chúa và của Ðức Giê-su Ki-tô. Vì thế thượng giới được hiểu
cách cụ thể là những gía trị của Tin Mừng, mà bài giảng trên núi
đã nêu lên, nhất là Hiến Chương Bát Phúc. Nói một cách đơn sơ, dễ
hiểu hơn là chúng ta tìm cách sống giống như Chúa Giê-su đã sống, có
những lời nói và hành động cứu độ như Người. Chúa Giê-su đi tới đâu
là Người thi ân giáng phúc tới
đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, thì chúng ta
sống ở đâu, cũng phải đem niềm vui, hạnh phúc, bình an, công lý và
thịnh vượng (cả nghĩa vật chất, tinh thần và tâm linh) cho nơi đó.
Giữa một xã hội nặng cơm áo gạo tiền, trọng đô la hơn những gía trị
đạo đức truyền thống của dân tộc, giành giật nhau như những kẻ
khùng điên để làm giầu và có chức quyền, thì chúng ta càng phải
sống như Chúa Giê-su đã sống! Giữa một xã hội mà những người bệnh
hoạn, tật nguyền, thiểu số, kém may mắn, phụ nữ, trẻ em và giới
trẻ .. là những người dễ trở thành nạn nhân của guồng máy xã hội,
thì chúng ta càng phải ưu tiên chọn lựa đứng về phía người nghèo,
người cô thế cô thân, người bị lãnh quên và gạt bỏ, để chia sẻ
thân phận hẩm hiu của họ, để bênh vực quyền lợi của họ, để thăng
tiến phẩm gía làm người và làm con Chúa của họ.
NGUYỆN
Lạy Thiên Chúa là Cha, chúng con cảm tạ Cha
đã làm cho Ðức Giê-su, Con yêu dấu của Cha, phục sinh từ cõi chết.
Xin Cha ban cho chúng con lòng tin vững vàng vào Người và giúp chúng
con biết cách tuyên xưng Niềm Tin ấy trong môi trường xã hội Việt Nam
của chúng con hôm nay!
Lạy
Ðức Giê-su là Ðấng đã được Cha phục sinh từ cõi chết. Xin Chúa đổ
tràn Ơn Phục Sinh vào lòng chúng con, hầu củng cố lòng tin của chúng
con và giúp chúng con biết sống như Chúa đã sống, để chúng con trở
thành chứng nhân của Chúa Phục Sinh giữa dòng đời hôm nay.
Lạy
Thánh Thần là Thần Khí và Sức Mạnh của Thiên Chúa, là Ðấng đã làm
cho Ðức Giê-su phục sinh từ cõi chết và đã củng cố lòng tin của
các Tông đồ và các tín hữu đầu tiên, biến họ thành những chứng
nhân kiên cường của Ðấng Phục Sinh, xin Chúa ban Ơn sức mạnh và dũng
cảm cho chúng con, để chúng con làm chứng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh
trên mảnh đất hình chữ S thân yêu và trong thế kỷ XXI này.
Giê-rô-ni-mô
Nguyễn Văn Nội.