Lời Chúa
trong sách ngôn sứ Isaia hôm nay là một trong những lời đẹp nhất của Kinh Thánh
nói về thân phận và sứ mạng Dân Thiên Chúa. Chúng ta khó có thể gặp được ở đâu
khác tâm tình trân trọng, yêu mến nồng nàn của Thiên Chúa dành cho Dân Người
hơn những lời này "Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi
tộc Gia-cob, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về thì vẫn còn qúa ít. Vì
vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến
tận cùng cõi đất." Tuy nhiên dường như lời tiên tri ấy đã bị chôn vùi
trong quên lãng suốt 7 thế kỷ lịch sử Israel cho đến ngày Ðức Giêsu Kitô xuất
hiện. "Một hôm, ông Gioan thấy Ðức Giêsu tiến về phía mình liền nói
"Ðây là Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa tội trần gian...tôi...xin chứng
thực Người là Ðấng Thiên Chúa tuyển chọn". Kể từ ngày đó "những người
đã được hiến thánh trong Ðức Giêsu Kitô, được kêu gọi làm dân thánh..."
tất cả theo Phaolô đều là "những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên
Chúa" "làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa... cố gắng làm đẹp lòng mọi
người, không tìm ích lợi cho riêng bản thân, nhưng cho nhiều người, để họ được
cứu độ."
Trong
tuần lễ trước, cùng Ðức Thánh Cha trong tông huấn Giáo Hội tại Á Châu số 9,
chúng ta đã cảm nhận được sức sống linh họat của những cộng đòan tín hữu Á Châu
tiên khởi đã đưa Ánh Sáng đến cho muôn dân từ Ðông chí Tây, từ Bắc chí Nam địa
cầu trong tầm mức họ có thể vươn tới. Ðức Thánh Cha còn mời gọi chúng ta theo
dấu chân các tín hữu Á Châu tiên khởi ấy đến tận Trung Hoa vào thế kỷ thứ 5 kéo
dài đến 2 thế kỷ sau đó. Hòan cảnh lịch sử đã thay đổi đáng buồn khi sự sống
của Giáo Hội tại những miền đất này trở nên sa sút, để rồi 6 thế kỷ sau đó mới
có một đợt truyền giáo mới tại đây. Thế nhưng, cũng như những đợt truyền giáo
kế tiếp đã không thu họach được kết qủa tại Châu Lục này là vì "sự cô lập
về địa lý, và cũng vì thiếu thích nghi với các nền văn hóa địa phương, và có lẽ
trên hết là do thiếu chuẩn bị để gặp gỡ các tôn giáo lớn tại Á Châu".
Rút
từ kinh nghiệm đau thương ấy, Giáo Hội phải khẳng định lại thân phận và sứ mạng
của mình theo cách nhìn của Phaolô : đó là thân phận và sứ mạng "Ân Sủng
và Bình An" của Ðức Giêsu. Chính Ðức Giêsu trong Tin Mừng đã xuất hiện như
là một người "đang tiến về phía" Gioan, chính là Ngài đang tiến về
niềm say mê và hy vọng mà tòan dân đặt để nơi Gioan. Ngài còn đón nhận phép rửa
của Gioan, điều đó cũng là đón nhận tất cả niềm hy vọng của thời đại Ngài, Ngài
muốn đồng hành với dân tộc, với xã hội, với hết mọi người thiện chí. Và điều
quan trọng hơn chính là "Ngài gánh tội trần gian" như Gioan làm
chứng, trên tất cả con người và cuộc sống Người, con người và cuộc sống được
đồng hóa với con chiên bị sát tế để xóa tội muôn dân. Nếu 5 thế kỷ đầu tiên,
Giáo Hội tại Á Châu đã chứng thực được sức sống kỳ diệu giữa mọi dân tộc, là vì
Giáo Hội ấy luôn sống đúng tư cách "người tôi trung" mà Isaia đã mô
tả, để trở nên "khí cụ Ân Sủng và Bình An" giữa mọi xã hội và mọi quốc
gia. Ngược lại, trong những thế kỷ kế tiếp đó, khi Giáo Hội tại Á Châu trở
thành những cộng đòan bị cô lập về mặt địa lý, về mặt văn hóa, trở thành như
người ta thường nói "những pháo đài", không còn là biểu tượng và khí
cụ của "Ân Sủng và Bình An", thì Giáo Hội không còn là Ánh Sáng cho
muôn dân. Lịch sử Giáo Hội Việt Nam cũng minh chứng điều ấy. Ngay từ đầu, Giáo
Hội Việt Nam trong thân phận chỉ là kẻ lữ hành ngược xuôi trên mọi nẻo hành
trình của dân tộc này, Giáo Hội ấy chiếu tỏa sức sống Ân Sủng và Bình An bên
cạnh những số kiếp người lam lũ cơ cực, Giáo Hội nhận được sự quý mến và tin
cậy. Và Giáo Hội phát triển rất nhanh. Nhưng sức sống ấy bị khựng lại khi Giáo
Hội trở thành những "pháo đài tiêu biểu cho một nền văn hóa độc tôn"
Giáo Hội đã khiến cho xã hội cũng như người khác phải e dè, và lo sợ.
Anh
chị em rất thân yêu,
Bài
học lịch sử của Giáo Hội tại Á Châu phải đưa chúng ta trở về với Ðức Giêsu, với
Phaolô để ngay từ trong mọi cảnh huống của Gia Ðình, của xứ đạo, của xã hội,
mỗi người mãi mãi phải là "người tôi trung", là khí cụ của "Ân
Sủng và Bình An", là "chiên Thiên Chúa".
Lm. Giuse Nguyễn Hữu
Duyên