CHÚA NHẬT 4 QUANH NĂM

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         1 Cô-rin-tô 1: 26-31

          Ðức Ki-tô và mầu nhiệm thập giá được thánh Phao-lô trình bày như một giáo lý căn bản để bác bỏ mọi nguyên cớ và tình trạng phe phái trong cộng đồng dân Chúa. Giáo lý này được suy niệm một cách sâu sắc trong đoạn 1 Cr 1:18-25. Có lẽ Phụng vụ Lời Chúa bỏ qua đoạn nói về nghịch lý thập giá Ðức Ki-tô là vì muốn chúng ta chú trọng đến những bài học luân lý thực hành liên quan đến việc tránh chia rẽ và cùng nhau xây dựng Nhiệm thể Chúa Ki-tô.

          Bài đọc Chúa Nhật 3 cho chúng ta thấy lý do gây chia rẽ phe phái là vì người ta nấp bóng dưới chiêu bài mình thuộc về một "lãnh tụ". Nhưng thánh Phao-lô dạy: chẳng có ai là lãnh đạo, ngoài Ðức Ki-tô, Ðấng đã chịu đóng đinh để loài người được hết hiệp với Thiên Chúa và với nhau. Trong khi sự khôn ngoan của người đời gây ra chia rẽ phe phái mọi nơi, thì sự khôn ngoan của Thiên Chúa (Ðức Ki-tô và mầu nhiệm thập giá) hiệp nhất mọi sự "trong Ðức Ki-tô" và đưa về với Người. Nói khác đi, người ta rơi vào phe phái là bởi thay vì liên kết với chính Chúa Ki-tô thì người ta lại bám víu vào những người rao giảng Chúa Ki-tô chịu đóng đinh, thay vì tự hào trong Chúa Ki-tô thì người ta lại tự hào trong người khác.

          Trích dẫn 1 Cr 1:26-31 Chúa Nhật hôm nay vẫn tiếp tục chủ đề về sự hiệp nhất trong Giáo Hội, nhưng được nhìn dưới một góc cạnh mới: tính kiêu căng và tự hào của mỗi người là nguyên nhân gây nên trình trạng chia rẽ phe phái. Do đó, lời dạy bảo của thánh Phao-lô ở đây nhắn nhủ tín hữu Cô-rin-tô là: Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa.

          Theo bản tính loài người, chúng ta ai cũng muốn hãnh diện. Hãnh diện tự hào với những gì mình có, mình là. Rất nhiều khi cũng hãnh diện cả với những gì vay mượn của người khác nữa, thí dụ cậy mình có gốc gác, có con cháu làm lớn trong xã hội... Người ta đã dựa vào "khôn ngoan của thế gian" để tự hào: tôi có bằng cấp này nọ, tôi có tài sản kếch sù. Thánh Phao-lô đã tế nhị, nhưng cũng không kém mỉa mai, nhắc khéo tín hữu Cô-rin-tô về gốc gác khiêm tốn của mình: "Anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái" (c. 26). Lai lịch của tín hữu Cô-rin-tô chỉ có thế thôi, đâu có gì đáng để tự hào với người đời. Nhưng thánh Phao-lô cho họ biết chính Chúa là Ðấng đã biến đổi thân phận của họ: "Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Ðức Ki-tô Giê-su" (c. 30).

          "Ðược hiện hữu trong Ðức Ki-tô" là một lối diễn tả tuyệt vời nói lên thân phận may mắn, giá trị của chúng ta, những người được Thiên Chúa tuyển chọn để được nên công chính, được thánh hóa và được cứu chuộc (c. 30). Nếu không ở trong Ðức Ki-tô, chúng ta không thể hiện hữu, nói khác đi, chỉ là con số không. Trước khi được Chúa gọi, chúng ta chẳng là gì cả (c. 28). Sau khi được Chúa gọi, chúng ta "được hiện hữu trong Ðức Ki-tô." Như thế đó quả thực là một ân huệ hoàn toàn do lòng thương của Chúa. Bởi đó, điều duy nhất chúng ta có thể tự hào được, là hãy tự hào về ân huệ Chúa ban cho mình được hiện hữu trong Ðức Ki-tô, về đời sống mới trong Ðức Ki-tô và về "khả năng tiến gần đến với Ðấng vô hạn" (capax infiniti) nhờ Ðức Ki-tô. Cá nhân thánh Phao-lô đã thấu hiểu được giá trị tuyệt vời của ân huệ này. Ngài hiểu ân huệ ấy là chính Ðức Ki-tô, "sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta". Ngài cũng nhận thức rằng không phải do sức tự nhiên của trí khôn loài người mà chúng ta có thể đạt tới sự khôn ngoan Ki-tô giáo. Nhưng chúng ta chỉ đạt được khi "đành mất hết, và coi tất cả như đồ bỏ, để được Ðức Ki-tô" (Pl 3:8), vì "trong Người có cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết" (Cl 2:3). Thánh Phao-lô đã đánh đổi tất cả, quá khứ, hiện tại và cả tương lai nữa để được chiếm hữu trọn vẹn Ðức Ki-tô.

          Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa Ki-tô. Nắm vững nguyên tắc này, chúng ta sẽ nhận biết giá trị đích thực của mình và không còn lý do gì để tự hào theo kiểu khôn ngoan của thế gian nữa. Trái lại, chúng ta sẽ khiêm nhượng và biết ơn trước tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, quyết tâm xây dựng Nhiệm thể Chúa Ki-tô trong tinh thần bác ái và hiệp nhất, quyết tâm "rao giảng một Ðấng Ki-tô bị đóng đinh" (c. 23), "để thập giá Ðức Ki-tô khỏi trở nên vô hiệu" (c. 17).

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Bài đọc Chúa Nhật trước đề cập đến tự hào về người khác là nguyên nhân gây kéo bè kéo cánh. Bài đọc hôm nay nói đến tự hào cá nhân. Vậy tôi nhận ra liên hệ thế nào giữa tự hào cá nhân với tự hào phe nhóm? Từ tự hào phe nhóm đến tự hào cá nhân, và từ tự hào cá nhân đến tự hào phe nhóm?

          Tôi đã nhận định ơn gọi được làm Ki-tô hữu như thế nào? Ðáp lại ơn gọi ấy làm sao?

          Tôi suy niệm thêm về Ðức Ki-tô là sự khôn ngoan xuất phát từ Thiên Chúa.

          Chúa Ki-tô đã làm cho tôi "trở nên công chính, thánh hóa và giải thoát" tôi trong một tiến trình cứu chuộc. Vậy tôi làm gì để tiếp tục "được hiện hữu trong Ðức Ki-tô Giê-su"và được hiện hữu đời đời với Thiên Chúa?

          Việc cụ thể nào tôi sẽ làm để tỏ lòng biết ơn trước ân huệ "được hiện hữu"?

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài tạ ơn. Hoặc kinh sau đây:

          Lạy Chúa Giê-su, sống cho Chúa thật là điều khó. Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con. Chúa đòi con cho Chúa tất cả để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

          Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa, để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa. Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà, để cây đời con sinh thêm hoa trái. Chúa cương quyết chinh phục con cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

          Xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan, để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

          Ước gì con cảm nghiệm được rằng trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa, thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu. A-men.

(Trích RABBOUNI, lời nguyện 30)

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà