SUY NIỆM CHÚA NHẬT II

MÙA VỌNG 2001

 

"Ðức Giêsu đã biết và đã yêu mến mảnh đất này." (THGHTAC 1.)

"Ngày ấy, từ gốc Giessê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ...Cội rễ Giessê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân." (Is. 11, 1- 10).

"Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Abraham."

(Mt,3,1 - 12).

         

          Kể từ Abraham, dân Israel luôn hướng về ơn đặc tuyển của Thiên Chúa đã cam kết với tổ phụ họ như là nguyên lý của mọi niềm hy vọng và phát triển của mình. Môsê đã ghi khắc niềm tin ấy trong lời khẩn nguyện vào thời cao điểm cuộc xuất hành "Nếu Ngài không đích thân đi, xin Ngài đừng đưa chúng con lên khỏi đây. Nhưng làm thế nào biết được là con và dân của Ngài được nghĩa với Ngài ? Há chẳng phải vì có Ngài đi với chúng con sao ? Như thế, con và dân của Ngài mới khác với mọi dân tộc trên mặt đất.".

          Ðặt trong bối cảnh lịch sử thế giới, trong cùng thời điểm của bộ tộc Israel, mọi dân tộc trên châu lục Á Châu này quy tụ chung quanh những con người anh hùng cái thế, văn võ song toàn, đi theo và phục vụ cho tham vọng bá chủ, làm nên những triều đại rực rỡ, đẩy nền văn minh xã hội, khoa học và kỹ thuật lên những đỉnh cao. Và nhiều dân tộc đã thành công nắm được quyền thống trị những vùng lục địa rộng lớn. Israel trong lịch sử 5000 năm của mình dường như lại là lịch sử của nô thuộc hết đế quốc này tới đế quốc khác, họ không để lại một dấu ấn nào trong tiến trình văn minh xã hội, khoa học và kỹ thuật, vào thời cực thịnh nhất, họ cũng không có một quyền lực khống trị nào bên ngoài mảnh đất nhỏ bé và ít được ưu đãi của thiên nhiên. Nhưng chính trong cái góc độ khiêm hạ và vô danh ấy trên bình diện lịch sử toàn cầu, mà Israel đã trở nên Lời loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Lịch sử Israel trong cách nhìn của truyền thống Tiên Tri và Lề Luật, cũng như truyền thống Tin Mừng phải quy chiếu về điều mà Isaia hoan hỷ loan báo "Một chồi lộc nảy sinh từ gốc Giessê" hay nói theo Giêrêmia "Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Ðấng Công Chính để nối nghiệp Ðavid...". Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu đã tái khẳng định quan điểm lịch sử ấy khi viết "Thiên Chúa đã chọn dân này từ lâu và đã tỏ mình cho họ biết để chuẩn bị đón Ðấng Cứu Thế đến, và cũng từ mảnh đất này, qua việc rao giảng Tin Mừng dựa vào quyền năng của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội đã ra đi "làm cho muôn dân trở thành môn đệ". Nói như thế, không có nghĩa là Tin Mừng và lịch sử của dân tộc cưu mang Tin Mừng là hai thực thể riêng biệt không có liên hệ ràng buộc. Tông Huấn muốn nhìn vào trung tâm và đích điểm của lịch sử để khám phá ra tính thống nhất là chính bản chất của Tin Mừng khi viết "Ðức Giêsu đã quen biết mảnh đất này và yêu thương nó, Ngài đã lấy lịch sử, khổ đau và hy vọng của dân tộc ở đó làm lịch sử, khổ đau và hy vọng của mình. Ngài yêu quý dân tộc Do Thái và đón nhận những truyền thống và di sản của họ." Nói theo Thánh Phaolô : "Ðức Kitô có đến phục vụ những người được cắt bì... đó là lòng trung thành của Thiên Chúa." Xem như thế, lịch sử Israel không hình thành bởi "Ý muốn xác thịt", bởi những tham vọng thống trị, nhưng là lịch sử được dệt nên bởi sự Phục Vụ của lòng trung tín hay thương xót của Thiên Chúa theo lời hứa dành cho tổ tiên và cho chính họ. Và điều ấy làm nên Niềm Hy Vọng của cả nhân loại. Trong cách nhìn ấy quả thực như Isaia tiên báo, "Cội rễ Giessê đứng lên làm cờ hiệu cho các dân".

          Trong cách nhìn này, trong suốt lịch sử mình, và ngày nay trong lòng Giáo Hội tại Á Châu đã diễn ra một cuộc đấu tranh rất gay gắt để lột bỏ cái nhìn "máu huyết, xác thịt" về lịch sử của chính mình. Họ đã được các tiên tri, và các thế hệ môn đệ của Ðức Kitô, giắng lên lời cảnh báo của chính Ðức Kitô "Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu của ông Abraham", để luôn luôn phải làm mới lại và thành hiện thực lời khuyên của thánh Tông Ðồ "Vậy anh em hãy đón nhận nhau, như Ðức Kitô đã đón nhận anh em...". Ðó là con đường duy nhất để loan báo "Ơn Ðặc Tuyển" điều mà Tông Huấn Người Kitô hữu giáo dân đã viết "Mỗi người đã được đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô ... là chủ thể tích cực trong sứ vụ cứu độ của Giáo Hội ... cố gắng nhận định đâu là những dấu chỉ về sự hiện diện hoặc ý định của Thiên Chúa trong mọi biến cố, mọi yêu sách và ước vọng mà họ dự phần với những người đương thời. Thực vậy, đức tin lấy ánh sáng mới mà chiếu soi mọi sự và biểu lộ ý định của Thiên Chúa về thiên chức toàn vẹn của con người, và do đó hướng dẫn lý trí tới những giải pháp hoàn toàn nhân bản".

Lm Giuse Nguyễn Hữu Duyên


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà