LỄ THÁNH GIA THẤT

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         Cô-lô-xê 3: 12-21

          Có lẽ cho tới lúc viết thư này, thánh Phao-lô chưa đặt chân tới Cô-lô-xê. Chính ông Ê-páp-ra, một môn đệ của ngài, đã rao giảng Tin Mừng cho Cô-lô-xê. Ðang khi bị cầm tù tại Rô-ma, thánh Phao-lô vẫn lưu tâm đến công việc của người môn đệ này. Ông Ê-páp-ra đã đến thăm thánh Phao-lô tại Rô-ma và cho ngài biết nhiều tín hữu tân tòng đã bị quấy nhiễu do một số thầy dạy giả dối. Cho nên ngài đã viết thư cho tín hữu Cô-lô-xê để khích lệ họ hãy vững lòng trong đức tin được xây dựng trên nền tảng là thần tính của Chúa Ki-tô và hãy sống theo giáo lý Chúa Ki-tô đã được ông Ê-páp-ra rao giảng. Ngài đưa ra một số quy luật để sống đời Ki-tô hữu xứng đáng và một số chỉ thị dành cho đời sống gia đình. Bài đọc hôm nay trích từ phần này.

          Chín mươi phần trăm những người đầu tiên đọc thư thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Cô-lô-xê là tín hữu trở lại từ ngoại giáo. Do đó, đối với họ, việc thực hành những nhân đức Ki-tô giáo là điều mới mẻ. Trào lưu ngoại giáo vẫn còn ảnh hưởng mạnh đối với nếp sống mới của những tín hữu tân tòng này, nhất là trong những phân biệt giai cấp xã hội và văn hóa. Vậy để có thể sống đời Ki-tô hữu đích thực, điều tiên quyết là tín hữu phải nhận thức căn tính mới của mình, tức họ là "con người mới, được đổi mới theo hình ảnh Ðấng Tạo Hóa" (c. 11). Con người mới này còn được thánh Phao-lô gọi là "những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương."

          Lý tưởng là mục đích tiến tới với tất cả cố gắng, chấp nhận thay đổi và hy sinh. Vậy muốn sống lý tưởng của "con người mới", tín hữu phải cố gắng đem thực hành những nhân đức Ki-tô giáo, nhờ đó tín hữu sẽ dần dần biến đổi nên giống Chúa Ki-tô hơn. Sau khi nêu lên một số những nhân đức tiêu biểu của Chúa Ki-tô, thánh Phao-lô muốn quy về một mối quan trọng nhất: "Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái."

          Thánh Phao-lô không muốn lý thuyết suông, nhưng ngài đề ra một số phương pháp thực hành cụ thể.

- Hãy để cho "lời Ðức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú", hay nói đơn sơ theo ngôn từ hôm nay là hãy tích cực sống lời Chúa, hãy để cho lời Chúa trở nên sống động trong cuộc sống chúng ta, chứ không phải chỉ là những dòng chữ nằm chết trong sách vở.

- Hãy "dạy dỗ khuyên bảo nhau", nhưng cách khôn ngoan để khỏi mất lòng.

- Hãy biểu lộ lòng biết ơn Chúa qua những cử hành phụng vụ.

- Hãy "nhân danh Chúa Ki-tô" mà làm mọi sự.

- Tóm lại, sống nhân đức Ki-tô tức là một cách để "nhờ Ðức Ki-tô mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.

Trình bày lối sống Ki-tô hữu xong, thánh Phao-lô mới đề cập tới đời sống gia đình. Ðây thực là cách hợp lý, vì lối sống Ki-tô hữu phải là căn bản để sống bất cứ bậc sống nào. Ðể làm người chồng hay người vợ tốt, trước hết phải là Ki-tô hữu tốt. Muốn làm linh mục hay tu sĩ tốt, trước hết phải là Ki-tô hữu tốt. Chính vì thế, thánh Phao-lô muốn trình bày nếp sống Ki-tô hữu trước rồi mới đem áp dụng vào hoàn cảnh đời sống gia đình.

Nếu lấy tiêu chuẩn "người thuộc về Chúa" làm nền tảng, chúng ta sẽ tránh được những hiểu lầm về lối nói theo văn hóa đương thời của thánh Phao-lô. Bình thường nếu nói "vợ hãy phục tùng chồng" là chúng ta nghĩ ngay tới tình trạng chồng chúa vợ tôi hoặc bất bình đẳng. Nhưng nếu xử sự như "người thuộc về Chúa" hoặc lấy tình yêu làm động lực, thì việc phục tùng sẽ là một cách biểu lộ tình thương chứ không phải là chịu khuất phục trước quyền bính nữa. Hay nói đúng hơn, sự "tùng phục" chỉ là cách diễn tả cung cách khả ái dịu dàng của một người vợ đáng yêu. Cũng thế, tình yêu sẽ loại trừ tất cả những gì là cay nghiệt, hống hách nơi người chồng, và làm cho cha mẹ thành gần gũi, "giống như bạn" đối với con cái . Ðồng thời tình yêu cũng sẽ làm cho những đứa con được đẹp lòng Chúa.

Có lẽ cách Phụng vụ Lời Chúa lễ Thánh Gia thất trích dẫn đoạn thư Phao-lô sẽ giúp chúng ta đặt lại vấn đề. Vấn đề ở điểm: đời sống Ki-tô hữu phải là nền tảng cho đời sống hôn nhân hoặc gia đình. Các bạn trẻ sắp lập gia đình đừng vội kết án Giáo Hội khó khăn trong việc chuẩn bị hôn nhân, nhất là đối với những anh chị không thực sự tích cực sống đức tin Công Giáo! Ðối với những người đang sống trong bậc hôn nhân cũng cần đặt lại vấn đề: để tránh lục đục, đổ vỡ hôn nhân, tôi cần phải xét đến đời sống đức tin trước hay cứ loay hoay với những sửa chữa tâm sinh lý?

Nhìn vào đời sống của Thánh Gia thất, chúng ta chỉ thấy nổi bật đời sống đức tin, với những nhân đức Ki-tô giáo, nhờ đó Giu-se, Ma-ri-a và Giê-su đã thắng vượt được mọi khó khăn và trở nên gia đình gương mẫu.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Nhìn lại đời sống gia đình của tôi, tôi có thể chia sẻ những gì phản ảnh đời sống của Thánh gia thất?

          Mọi người trong gia đình tôi có lấy đức ái làm nguyên tắc trên hết để cư xử với nhau không? Tôi nhận thấy yêu thương là "mối dây liên kết tuyệt hảo" như thế nào trong gia đình tôi?

          Tôi nhận định thế nào về "đời sống cầu nguyện"của gia đình tôi?

          Tôi có thể so sánh bài đọc hôm nay với đoạn thư Ê-phê-xô 5:22-6:4 để học hỏi thêm.

Cầu nguyện kết thúc

          Sau lời nguyện bộc phát, nhóm cùng hát bài "Giu-se trong xóm nhỏ điêu tàn", hoặc kinh sau đây:

 

          Lạy Chúa Giê-su, sau hơn 30 năm sống dưới mái nhà ở Na-da-rét,

Chúa đã thành một người chín chắn và trưởng thành,

sẵn sàng lãnh nhận sứ mạng Cha giao.

          Bầu khí yêu thương đã góp phần không nhỏ

trong việc hình thành nhân cách của Chúa.

Chúa đã học nơi thánh Giu-se sự lao động miệt mài,

sự mau mắn thi hành Thánh ý Thiên Chúa,

sự âm thầm chu toàn trách nhiệm đối với gia đình.

          Chúa đã học nơi mẹ Ma-ri-a sự tế nhị và phục vụ,

sự buông mình sống trong lòng tin phó thác

và nhất là một đời sống cầu nguyện thâm trầm.

          Xin nhìn đến gia đình chúng con,

xin biến nó thành nơi sản sinh những con người tốt,

biết yêu thương tha thứ, biết cầu nguyện và phục vụ.

Ước gì xã hội chúng con lành mạnh hơn,

Giáo Hội chúng con thánh thiện hơn,

nhờ có những con người khỏe mạnh, khôn ngoan và tràn đầy ơn Chúa.

                                      (Trích RABBOUNI, lời nguyện 56)

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi