CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN 2002

 

          "Ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần". Ðó là khởi điểm của cuộc sống mới, của Nước Thiên Chúa. Sự vinh thăng của Ðức Giêsu mà Giáo Hội hôm nay long trọng mừng kính "Ðó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, mà (Thiên Chúa) đã biểu dương nơi Ðức Kitô, khi làm cho Ðức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt bên hữu Người trên trời." Sự kiện "được cất lên" chỉ là để diễn tả điều Tin Mừng Matthêu đã ghi nhận "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất", hay nói theo Phaolô đó là quyền "làm đầu toàn thể Hội Thánh" "là sự viên mãn của Người, Ðấng làm cho tất cả được viên mãn." Nhờ đó Ðức Giêsu mới có thể "thi thố cho chúng ta là những tín hữu" "quyền lực vô cùng lớn lao" Người đã lãnh nhận. Vì vậy chúng ta cùng Giáo Hội tuyên xưng rằng "Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi..." mà Người đã lên trời.

          Theo đúng Mạc Khải thì ở "Khởi Nguyên", ở "khởi điểm" đã ẩn dấu một kế hoạch, một chương trình, một tương lai. Chính vì vậy hôm nay chúng ta được chứng kiến, được nghe huấn lệnh quan trọng của Ðức Giêsu cho Hội Thánh "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ" . Người ta sẽ không đánh giá được hết mức tầm quan trọng của huấn lệnh này, nếu không đặt nó vào "Khởi Ðiểm" của cuộc sống mới, của Nước Thiên Chúa, không đặt nó vào Toàn Vẹn Vinh Quang, Toàn Vẹn Quyền Năng của Ðức Giêsu Kitô Vinh Thăng.

          Con đường trở thành người môn đệ Nước Thiên Chúa là điều có lẽ đã có quá nhiều ngộ nhận và sai lạc. Và vì thế chúng ta thường thấy xuất hiện những bè phái, những lạc thuyết, những phong trào ly khai... Giáo Hội ngay từ thưở ban đầu đã ôn đi nhớ lại con đường linh thánh này qua những tường thuật của Sách Công Vụ Tông Ðồ. Và ngay ở khởi đầu của sách, chúng ta đã thấy đây là con đường của những cơn người mà chính Ðức Giêsu đã gọi, đã chọn "Nhờ Thánh Thần". Ðọc Tin Mừng cho đến những giòng cuối cùng, chúng ta cảm nghiệm được một điều hết sức rõ ràng : Ðức Giêsu đã phải vất vả bằng mọi cách, để cho các tông đồ có thể lướt thắng được mọi thứ tự ty hay tự đại để hoàn toàn tùy thuộc vào Ðấng đã gọi, đã chọn và đã tấn phong các ông "Nhờ Thánh Thần". "Cuộc sống mới " của người môn đệ là "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."Ðể như thánh Phaolô nói "làm cho tất cả được viên mãn".

          Theo mệnh lệnh của Ðức Giêsu, người môn đệ là người dành toàn thời gian và sức lực cho công việc là "chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem,trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất". Mà cốt yếu của lời chứng chính là "không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai" "Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Ðức Kitô." Một lời chứng không thể có cách diễn tả nào khác hơn là chính "Nhờ Thánh Thần", mà toàn diện cuộc sống người môn đệ là lời khẳng định Ðức Giêsu là "Ðấng làm cho tất cả được viên mãn." Vì vậy, người môn đệ không thể để mình bị cuốn hút vào những viễn ảnh xa vời, mà phải làm cho từng bước chân bám chặt trên mặt đất này bằng "Quyền Năng" của chính Ðấng "sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời".

          Là môn đệ còn có nghĩa là "tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền", những lời đều quy về "Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Cuộc sống mới, Nước Thiên Chúa không thể tách rời với sự Hiệp Thông trong Hội Thánh mà theo thánh Phaolô "Hội Thánh là Thân Thể Ðức Kitô, là sự viên mãn của Người". Theo đó, chỉ là Ðức Ái, chỉ là Tình Yêu chân thực, nếu nó hướng về sự viên mãn của Ðức Kitô nơi chính mình và nơi người mình yêu thương.

          Là môn đệ, trong lời rao giảng đã có cách ứng xử mà thánh Phaolô đã viết trong thư Corintô : "Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Có vậy, đức tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền năng Thiên Chúa."

Xem như vậy, con đường trở nên môn đệ mãi mãi trong cụ thể nơi một con người, hay nơi toàn thể Hội Thánh, là một Cuộc Vượt Qua cho đến khi mọi sự hoàn tất trong Nước Thiên Chúa. Trở lại với những bóng tối nơi hàng linh mục của chúng ta hôm nay, tôi muốn bắt chước thánh Phaolô để làm chứng rằng "Lề Luật đã xen vào, để cho sự sa ngã lan tràn; nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội. Như vậy, nếu tội lỗi đã thống trị bằng cách làm cho người ta phải chết, thì ân sủng cũng thống trị bằng cách làm cho người ta nên công chính để được sống đời đời, nhờ Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta."

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà