Chúa Nhật Lễ Thăng
Thiên
(12-5-2002
ÐỌC LỜI CHÚA
Cv 1,1-11: (8) Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi
Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại
Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái
đất. (9) Nói xong,
Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến
các ông không còn thấy Người nữa.
Ep 1,17-23:
Ðó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, (20) mà Người đã biểu dương nơi Ðức Ki-tô, khi làm cho
Ðức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. (21) Như vậy, Người đã tôn Ðức Ki-tô lên trên mọi quyền
lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới
hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai.
TIN MỪNG : Mt 28,16-20
Ðức Giê-su hiện ra và sai môn
đệ đến với muôn dân
(16) Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê,
đến ngọn núi Ðức Giê-su đã truyền cho các ông đến. (17) Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài
nghi. (18) Ðức Giê-su đến gần, nói với các ông :
Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. (19) Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm
phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, (20) dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và
đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
SUY NIỆM
Câu hỏi gợi ý :
1. Phải chăng công việc cứu thế của Ðức Giê-su đã chấm dứt kể từ khi
Ngài từ giã các tông đồ để về trời? Nếu việc ấy còn tiếp tục thì tiếp tục thế
nào, và do ai thực hiện? Người ấy có phải là bạn, là tôi không?
2. Ðức Giê-su có cần ta và có mời gọi ta cộng tác với Ngài trong việc
cứu thế của Ngài không? Ngài muốn ta làm gì để cộng tác với Ngài?
3. Nếu Ðức Giê-su muốn yêu anh chị em ta bằng trái tim của ta, muốn
phục vụ họ bằng đôi tay của ta, muốn rao truyền Tin Mừng cho họ bằng miệng lưỡi
của ta, bạn có sẵn sàng cho phép Ngài không?
Suy tư gợi ý :
1. Ðể cứu con
người, Thiên Chúa cần họ cộng tác với Ngài
Hôm lễ Giáng Sinh, chúng ta
đọc bài Tin Mừng nói về việc Ðức Giê-su giáng trần, bắt đầu cuộc đời làm người
của Ngài. Hôm nay chúng ta đọc bài Tin Mừng nói về việc Ngài thăng thiên, kết
thúc cuộc đời tại thế của Ngài. Ngài đến thế gian - vừa với tư cách một vị
Thiên Chúa vô hạn và toàn năng, vừa với tư cách một con người đầy giới hạn và
bất lực - để phục vụ con người, hầu trả lại cho con người thứ hạnh phúc vĩnh
cửu đã bị nguyên tổ con người đã làm mất. Nhưng Ngài không thể làm chuyện này
một mình được.
Khi dựng nên con người và cùng
lúc ban hạnh phúc nguyên thủy cho con người (lúc ấy con người chưa có), Thiên
Chúa không cần ý kiến hay sự cộng tác của con người. Nhưng khi con người đã
hiện hữu, nhất là khi họ đã lạm dụng chính tự do Thiên Chúa ban để chống lại
Ngài và làm mất đi hạnh phúc của mình, thì Ngài không thể tự mình chuộc lại
hạnh phúc ấy cho con người mà không cần đến sự cộng tác tự nguyện của họ. Tương
tự như khi sinh ra ta, cha mẹ không cần đến ta, nhưng một khi đã có ta, thì có
rất điều ích lợi cho ta các ngài không thể làm một mình mà không cần ta cộng
tác vào. Chẳng hạn các ngài có thể đem đồ ăn đến tận miệng ta, giúp chúng ta đủ
mọi phương tiện để học hành, nhưng ta có ăn uống học hành hay không thì hoàn
toàn do ta. Cha mẹ không thể ăn uống, học hành thay cho ta được. Cũng vậy,
Thiên Chúa không thể cứu chuộc ta, lấy lại hạnh phúc đã mất cho ta mà không cần
đến sự hợp tác của ta. Ðể cứu chuộc con người, Thiên Chúa đã làm tất cả những
gì Ngài có thể làm được qua Ðức Giê-su. Tuy nhiên, vẫn còn lại một phần rất nhỏ
mà chính con người phải làm, không ai làm thay được.
Nhưng làm sao con người ý thức
được điều đó để cộng tác với Ngài hầu được cứu rỗi và hạnh phúc? Ðức Giê-su có
làm được điều ấy không? Làm sao Ngài làm được điều ấy cho từng người trên thế
giới từ thế kỷ này sang thế kỷ khác?
2. Ðể loan
báo ơn cứu độ, phục vụ con người, Ðức Giê-su mời gọi ta cộng tác tiếp tay với
Ngài
Ðức Giê-su đến thế gian với
mục đích ở với con người, chia sẻ thân phận đầy đau khổ của họ, xoa dịu những
nỗi đau, săn sóc và chữa lành mọi căn bệnh cho họ, nhất là đem lại nguồn ủi an,
hạnh phúc cho họ. Ngài muốn phục vụ toàn thể con người, đem ơn cứu rỗi đến cho
họ không trừ một ai. Nhưng thế giới của con người thì bao la trải dài suốt mấy
chục thế kỷ, còn Ngài chỉ sống tại thế có 33 năm thật ngắn ngủi, tại đất nước
Do Thái quá chật hẹp. Làm sao Ngài có thể đến với từng người, phục vụ từng
người không trừ ai như Ngài mong muốn được? Ngài có phương cách của Ngài, đó là
mời gọi những người theo Ngài, những môn đệ của Ngài trong mọi thế kỷ, mọi thế
hệ loài người cộng tác tiếp tay cho Ngài, trong đó có bạn, có tôi, cùng bao
nhiêu Ki-tô hữu khác. Ngài lại mời gọi và đòi hỏi sự cộng tác.
Vì thế, trước khi từ biệt các
môn đệ để về với Chúa Cha, Ðức Giê-su đã trăn trối cho các ông di chúc này: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở
nên môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,
dạy cho họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em. Ðó không phải chỉ là lời mời gọi, mà là một lệnh truyền
không chỉ cho 12 môn đệ đầu tiên của Ngài, mà cho tất cả những môn đệ thuộc tất
cả những thế hệ sau, nghĩa là cho tất cả những ai theo Ngài. Vì thế, việc loan
báo Tin Mừng hay phúc âm hóa môi trường mình sống, làm cho mọi người theo Ðức
Giê-su, thành môn đệ của Ngài, rửa tội cho họ, nhất là sống tinh thần yêu
thương mà Ngài đã truyền dạy là bổn phận của mọi Kitô hữu.
3. Ðức Giê-su
mong được tiếp tục yêu thương và phục vụ con người qua bản thân và đôi tay của
ta
Sứ mạng của Ðức Giê-su thật vĩ
đại, để hoàn tất sứ mạng ấy, Ngài muốn hiện diện một cách cụ thể bằng xương
bằng thịt tại trần gian để sống với mọi người, chia sẻ đau khổ với mọi người
thuộc mọi thời đại, mọi dân tộc, mọi quốc gia. Ngài muốn trực tiếp nói với mỗi
người, phục vụ, săn sóc, an ủi, xoa dịu và chữa lành những nỗi đau, những căn
bệnh của mỗi người, nhất là đem lại nguồn ủi an và hạnh phúc cho họ. Nhưng
trong thực tế, Ngài chỉ sống tại trần gian một thời gian hết sức ngắn ngủi. Vì
thế, để tiếp tục công việc ấy, Ngài muốn hiện diện ở trần gian một cách khác,
một cách gián tiếp, qua sự hiện diện của ta. Nghĩa là Ngài muốn yêu thương mọi
người bằng trái tim ta, suy nghĩ tìm ra giải pháp cho mọi vấn đề của con người
bằng khối óc của ta, phục vụ mọi người bằng đôi tay của ta, đến với mọi người
bằng đôi chân của ta, nói với mọi người, báo tin vui cứu độ cho mọi người bằng
miệng lưỡi của ta. Ngài mong ta trở nên một dụng cụ của Ngài, tùy ý Ngài sử
dụng hầu thực hiện chương trình của Ngài. Nếu Ngài đã là hiện thân của Thiên
Chúa Cha giữa con người, thì Ngài cũng muốn ta là hiện thân của Ngài giữa những
người sống chung quanh ta, trong gia đình ta, giữa xã hội, trong lòng thế giới.
Nếu cách đây 2000 năm, Ngài đã là Em-ma-nu-en, tức Thiên Chúa ở giữa loài người
qua con người Ðức Giê-su, thì hiện nay, Ngài cũng muốn tiếp tục làm như thế,
nhưng lần này qua con người mỗi chúng ta.
4. Hãy trở
nên hiện thân của Ðức Giê-su ở trần gian, giữa những người sống chung quanh ta
Chúng ta có thể trở nên hiện
thân của Ðức Giê-su ở trần gian, miễn là chúng ta có tình yêu đối với Ngài, với
mọi người, và muốn trở nên hiện thân của Ngài giữa thế giới. Ðể làm được điều
ấy, chúng ta chỉ cần ý thức rằng mình chính là hình
ảnh của Thiên Chúa, được tạo dựng giống
như Thiên Chúa (St 1,26.27; 9,6; Ep 4,24), là con cái Thiên Chúa (Lc 20,36; Rm 8,14.16;
Gl 3,26), và mang trong mình bản tính thần
linh của Ngài (2Pr 1,4). Vì thế, ngay từ bản chất, một cách nào đó,
chúng ta đã là hiện thân của Thiên Chúa rồi. Chỉ có một điều đáng tiếc là nhiều
khi chúng ta chưa sống đúng với bản chất cao cả đó. Chúng ta còn sống một cách
hèn hạ, nhát đảm, bần tiện, ích kỷ, chỉ vì chúng ta chưa ý thức được phẩm chất
thần linh cao quí của mình. Chúng ta giống như một hoàng tử con ruột của một
ông vua, nhưng vì sống trong môi trường dân giã lâu năm nên đã quên đi nguồn
gốc cao quí của mình, nên sẵn sàng đem thân làm tôi tớ người khác, làm những
điều không xứng hợp với phẩm giá mình.
Ðức Giê-su muốn mỗi người
chúng ta ý thức được phẩm chất cao cả của mình, đồng thời mời gọi ta trở nên
hiện thân của Thiên Chúa, của Ngài nơi những người chung quanh chúng ta, để qua
chúng ta, Ngài yêu thương họ, phục vụ họ. Chúng ta sẽ trở nên hiện thân của
Thiên Chúa khi những người chung quanh cảm nghiệm được tình yêu thương của ta
đối với họ, qua việc quan tâm, chăm sóc, hy sinh vì hạnh phúc của họ.
Lời mời gọi ấy, trước khi về
trời, Ðức Giê-su đã nói với chúng ta dưới một hình thức khác, một lệnh truyền,
một sứ mạng được trao phó: Anh em hãy đi và
làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa
Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.
Làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa, cũng là giúp họ ý thức được họ là hình
ảnh của Thiên Chúa, là con cái Ngài, và là anh em của nhau. Dạy bảo họ tuân giữ
những điều Ðức Giê-su truyền dạy chính là tìm cách làm cho họ yêu thương nhau,
phục vụ nhau. Vả lại yêu thương nhau chính là nét đặc trưng nhất, là tiêu chuẩn
bảo đảm nhất chứng tỏ mình là môn đệ đích thực của Ðức Giê-su. Chính khi chúng
ta sống như thế, sống như những hiện thân của Ðức Giê-su ở giữa anh chị em ta,
thì ta đã làm cho câu nói sau đây của Ðức Giê-su trở thành hiện thực và cụ thể:
Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến
tận thế. Chúng ta hãy trở nên Giê-su hay Em-ma-nu-en ở giữa anh chị
em mình!
Cầu nguyện
Tôi thường nghe Thiên Chúa nói
qua lương tâm tôi: Cách đây 2000 năm, Cha đã
rao truyền chân lý, bày tỏ tình yêu và phục vụ săn sóc cho một số rất ít người
Do Thái thời ấy qua con người Giê-su, Con của Cha. Cha vẫn muốn tiếp tục làm
công việc yêu thương săn sóc ấy cho tất cả mọi người không trừ ai ở trần gian
này. Nhưng lần này không phải qua con người Giê-su nữa, mà qua bản thân con và
nhiều người khác như con. Con có đồng ý để Cha yêu thương họ bằng trái tim con,
và phục vụ họ bằng đôi tay của con không?
Joan Nguyễn Chính Kết