CHÚA NHẬT II MÙA
CHAY
(Mác-cô 9: 2-10)
Có
hai thuyết về ngọn núi nơi Chúa Giê-su biến đổi hình dạng: có thể là núi Các-men ở miền bắc Ga-li-lê và
gần Xê-da-rê Phi-líp-phê, nơi ông Phê-rô tuyên xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô; còn truyền thống quen thuộc thì cho đó là núi
Ta-bô-rê ở phía nam Ga-li-lê giáp ranh với Sa-ma-ri và nằm trên đường xuống
Giu-đê-a. Nếu ta coi hành trình của Chúa
Giê-su lên Giê-ru-sa-lem như tột đỉnh sứ mệnh cứu thế của Đấng Ki-tô, thì Ta-bô-rê
quả thực là bước quyết định để Chúa xác tín sứ mệnh ấy và nhất quyết đi
Giê-ru-sa-lem để chịu đau khổ và chịu chết.
Tuy nhiên, biến cố biến đổi hình dạng không chỉ có ý nghĩa đối với Chúa
Giê-su, mà còn có ý nghĩa đối với các môn đệ, những kẻ muốn theo Chúa cũng phải
“từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.
a)
Để Chúa Giê-su xác tín sứ mệnh và quyết định đi Giê-ru-sa-lem
Sứ
mệnh cứu thế của Chúa Giê-su mỗi ngày cần phải được củng cố thêm, sao cho đúng
với kế hoạch Chúa Cha đã phác họa. Sau
những ngày tháng thành công và nổi danh tại Ga-li-lê, Chúa Giê-su chắc chắn bị
cám dỗ không muốn rời Ga-li-lê. Tại sao
lại rời bỏ môi trường mình đang gặt hái được những kết quả tốt đẹp? Nhưng Chúa Giê-su đặt thánh ý Chúa Cha lên
trên hết. Người cần phải quyết định rõ
ràng, theo “tư tưởng của Thiên Chúa” hay theo “tư tưởng của loài người”, lên
Giê-ru-sa-lem hay ở lại Ga-li-lê. Việc
biến đổi hình dạng trên núi có thể coi như một tiến trình quyết định lên đường
đi Giê-ru-sa-lem. Vậy quyết định đi
Giê-ru-sa-lem được củng cố như thế nào qua những gì xảy ra trên núi Ta-bô-rê?
Trước
hết là qua sự xuất hiện của ông Mô-sê và ngôn sứ Ê-li-a bên cạnh Chúa
Giê-su. Ông Mô-sê là người đem Lề Luật
của Thiên Chúa cho Ít-ra-en. Còn Ê-li-a
là vị ngôn sứ vĩ đại nhất . Chúa Giê-su
đến để thực hiện tất cả những gì Lề Luật và các ngôn sứ nói. Do đó, sự hiện diện của hai vị bên cạnh Chúa
Giê-su đã nói lên đầy đủ ý nghĩa sứ mệnh của Người, đồng thời là một khích lệ
to lớn. Ta có cảm tưởng câu chuyện giữa
Chúa Giê-su với Mô-sê và Ê-li-a xoay quanh đề tài về sứ mệnh của Chúa Giê-su mà
thôi. Các ông nói với Chúa: “Ngài đã thi hành sứ mệnh cứu thế một cách
tốt đẹp, xin Ngài cứ tiếp tục sứ mệnh ấy!”
Các ông nhìn thấy nơi Chúa Giê-su thể hiện tất cả những gì Thiên Chúa đã
dạy các ông nói trước đây.
Tiếp
đến là qua lời xác nhận của chính Chúa Cha:
“Đây là Con Ta yêu dấu”. Khi nói
những lời này, Chúa Cha xác nhận tất cả những gì Chúa Giê-su đã làm trong quá
khứ đều làm đẹp lòng Người. Đồng thời
những lời đó cũng ngầm hiểu: Con đã
quyết định đi Giê-ru-sa-lem là đúng, vậy Con cứ tiếp tục làm như đã quyết
định. Chúa Giê-su không chỉ thấy việc
chấp nhận thập giá như một điều không thể tránh né, nhưng tích cực hơn như một
lẽ sống của Người và của toàn thể nhân loại.
Người mong Chúa Cha sẽ nói qua Người với nhân loại những lời “đây là con
Ta yêu dấu”.
b) Biến cố Chúa Giê-su biến đổi hình dạng
mang ý nghĩa đối với môn đệ Người
Các
môn đệ nản lòng sau khi Chúa Giê-su loan báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh. Ông Phê-rô thì phổi bò nên “bắt đầu trách
Người”. Ông đóng vai trò của Xa-tan cám
dỗ Chúa Giê-su đừng làm theo những gì Người đã loan báo. Ông đã rời chỗ đứng của ông, thay vì bước đi
theo sau Chúa thì ông lại bước lên trước làm chướng ngại con đường thập giá của
Người. Mới đây ông đã thay mặt anh em
môn đệ để tuyên xưng đức tin Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô thì bây giờ ông cũng
thay mặt anh em để cản đường Chúa lên Giê-ru-sa-lem. Do đó, việc Chúa biến đổi hình dạng trên núi
thật là cần thiết để ông và các bạn trở về chỗ đứng môn đệ của họ và lấy lại
đức tin đã bị lung lạc do hình ảnh Thương Khó và cái chết của Chúa tại
Giê-ru-sa-lem. Dù hiểu hay không hiểu sứ
mệnh của Chúa Giê-su, thì ít ra lúc này các ông cũng được phục hồi niềm tin vào
Người sau khi nghe những lời Chúa Cha nói với Người: “Đây là Con Ta yêu dấu”. Ngoài ra biến cố trên núi hiển dung cũng
chuẩn bị các ông trong sứ mệnh làm chứng cho Chúa Giê-su. Vinh hiển các ông được chứng kiến trên núi là
những gì tiên báo cho vinh hiển của Chúa Ki-tô Phục Sinh mà các ông sẽ rao
giảng cho muôn dân.
c)
Chúa Giê-su biến đổi hình dạng trong cuộc sống Ki-tô hữu
Có
khi nào ta nghĩ rằng cả cuộc đời Ki-tô hữu của ta là tiếp diễn cuộc biến đổi
hình dạng của Chúa Giê-su theo một nghĩa nào đó không? Dĩ nhiên ta không dám hiểu đó là một cuộc
biến đổi chiếu tỏa vinh quang, nhưng là một sự thay đổi con người của ta trở
nên giống Chúa Ki-tô mỗi ngày một hơn.
Thánh Lê-ô Cả Giáo hoàng đã nói trong bài giảng của ngài: “Thiên Chúa đã khôn ngoan dự liệu cho niềm hy
vọng của Hội Thánh có nền tảng vững vàng:
Người cho Hội Thánh biết toàn thân thể mầu nhiệm của Đức Ki-tô sẽ được
biến đổi ra sao. Người cũng dự liệu cho
các chi thể tin chắc mình sẽ được thông phần vinh quang rực rỡ của Đầu là Đức
Ki-tô” (Bài đọc 2, giờ Kinh Sách CN 2 mùa Chay).
Có
lẽ thánh Phao-lô đã diễn tả cuộc biến đổi hình dạng của đời sống Ki-tô hữu một
cách cụ thể nhất qua những lời ngài gửi cho các tín hữu Phi-líp-phê: “Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là
biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau
khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người,
với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3:10-11). Việc ta biến đổi nên đồng hình đồng dạng với
Chúa Ki-tô quả thực tiếp tục cuộc hiển dung của Người trên núi Ta-bô-rê.
d)
Suy nghĩ và cầu nguyện
Thập
giá nào trong cuộc sống có thể làm cho tôi mất đi đức tin vào Chúa Ki-tô? Tôi có nhận ra được ý nghĩa đích thực của
thập giá đó không?
Phụng
vụ Lời Chúa lấy câu truyện Chúa Giê-su biến đổi hình dạng làm chủ đề cho Chúa
Nhật 2 mùa Chay có ý nghĩa gì đối với tôi?
Tôi có nhận ra sứ điệp nào đặc biệt không? Và tôi đã đáp lại thế nào?
Ông
Phê-rô xin dựng cho Chúa một cái lều trên núi để ông được tiếp tục cảm nghiệm
những giây phút đầy an ủi khích lệ. Tôi
có muốn dựng một cái lều ngay trong đời sống của tôi để Chúa cư ngụ và biến đổi
con người tôi không? Dựng lều như thế
nào?
Cầu
nguyện
“Xin
ở lại với con, lạy Chúa,
vì
con cần có Chúa hiện diện
để
con khỏi quên Chúa.
Chúa
thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin
ở lại với con, lạy Chúa,
vì
con yếu đuối,
con
cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.
Không
có Chúa,
con
đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin
ở lại với con, lạy Chúa,
vì
trời đã xế chiều và ngày sắp tan,
cuộc
đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.
Con
cần được thêm sức mạnh
để
khỏi ngừng lại dọc đường.
Xin
ở lại với con, lạy Chúa,
vì
con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.
Con
không dám xin những ơn siêu phàm,
chỉ
xin ơn được Ngài hiện diện.
Xin
ở lại với con
vì
con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa
và
không đòi phần thưởng nào khác
ngoài
việc được yêu Chúa hơn”.
-
Cha Pi-ô
(Trích RABBOUNI, lời nguyện 16)
Lm.
Đaminh Trần Đình Nhi