CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY,B

(Gio-an 3: 14-21)

 

          Trong khi các sách Tin Mừng Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca kể lại ba lần Chúa Giê-su tiên báo cuộc Thương Khó của Người sẽ xảy ra tại Giê-ru-sa-lem thì Tin Mừng Gio-an lại không hề nói đến việc tiên báo ấy.  Mục đích của các lần tiên báo là để các môn đệ hiểu rõ sứ mệnh của Đấng Ki-tô là gì.  Còn thánh Gio-an, tuy không kể lại việc tiên báo, nhưng ngài cho ta một dịp khác để lắng nghe Chúa Giê-su nói về sứ mệnh Đấng Ki-tô mà Người sẽ hoàn tất tại Giê-ru-sa-lem.  Đó là trong cuộc đàm thoại với ông Ni-cô-đê-mô, Chúa Giê-su đã nói với ông về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và sứ mệnh của “Con Người, Đấng từ trời xuống”.  Càng tiến gần tới ngày lễ Phục Sinh, Phụng vụ Lời Chúa càng muốn trình bày rõ ràng hơn về sứ mệnh đích thực của Chúa Giê-su, Đấng Ki-tô, hoặc Con Người.

 

a)  “Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”

 

          Ông Ni-cô-đê-mô là môn đệ bí mật của Chúa Giê-su.  Mặc dù thuộc hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo Do-thái, nhưng ông rất phục Chúa Giê-su, lắng nghe học hỏi những điều Người giảng dạy và ông thường đến gặp Chúa vào ban đêm, để tránh tai mắt và nghe Chúa giải thích cặn kẽ giáo lý của Người.  Không những vậy, ông còn muốn tiến xa hơn trong niềm tin vào Người, cho nên ông muốn hiểu rõ sứ mệnh của Người. 

Câu chuyện bắt đầu từ vấn đề làm thế nào để được vào Nước Thiên Chúa, tức là phải lãnh nhận Phép Rửa Mới và Thánh Thần.  Chúa Giê-su đã giải thích cho ông phải mặc lấy con người mới nhờ Bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thần, rồi Chúa dẫn ông đi từ lãnh vực hiểu biết sang lãnh vực đức tin.  Chúa muốn ông lấy đức tin đón nhận những gì Người sẽ mặc khải cho ông biết về sứ mệnh của Người.  Với thế giá là “Đấng từ trời xuống”, Người tỏ cho ông và mọi người được biết kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và sứ mệnh Thiên Chúa muốn Người phải thi hành.  Vậy sứ mệnh của Đấng Ki-tô là:  “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3:14).  Hình ảnh “Con Người phải được giương cao” cũng giống với hình ảnh Chúa Giê-su đã tiên báo theo sách Tin Mừng Nhất lãm:  “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư.  Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại.  Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người.  Ba ngày sau, Người sẽ sống lại” (Mc 10:33-34).  Nói khác đi, hình ảnh Con Người được giương cao chính là hình ảnh Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên thập giá. 

Khi nói với ông Ni-cô-đê-mô, Chúa Giê-su dùng hình ảnh tương tự là con rắn đồng của ông Mô-sê để nói về sứ mệnh của Người.  Tuy có những điểm giống nhau, nhưng giá trị và hiệu quả của việc được giương cao lại khác nhau một trời một vực.  Trong Cựu Ước, Thiên Chúa bảo ông Mô-sê:  “Ngươi hãy làm một con rắn (bằng đồng) và treo lên một cây cột.  Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống” (Ds 21:8).  Con rắn do ông Mô-sê đúc là con rắn bằng đồng.  Nó cứu mạng sống cho những người bị rắn cắn nhìn lên nó, nhưng cũng chỉ là mạng sống ở đời này.  Còn trong Tân Ước, Chúa Giê-su bằng xương bằng thịt đã bị đóng đinh vào thập giá.  Nhân loại bị nọc độc của tội lỗi hãm hại và cướp đi sự sống đời đời.  Giờ đây, khi nhìn lên thập giá,  nếu ai tin vào Đấng được giương cao trên thập giá thì được sống muôn đời.  Không phải chỉ nhìn lên Chúa Giê-su như khách bàng quan nhìn tên tử tội.  Nhưng là TIN vào Người, một hành động của ý chí và con tim.  Không phải Người chỉ cứu ta để sống đời sống tạm bợ trần gian này, mà Người sẽ ban cho ta sự sống đời đời.  Được sống đời đời là mục đích tối hậu của kế hoạch cứu độ.  Thiên Chúa Cha đã đặt ra kế hoạch cứu độ loài người và Người sẽ thi hành kế hoạch ấy nhờ Chúa Ki-tô.

 

b)  Thiên Chúa thi hành kế hoạch cứu độ

 

          Sau khi nói cho ông Ni-cô-đê-mô biết Người phải được giương cao, tức là phải chết ô nhục trên thập giá để cứu độ loài người, Chúa Giê-su giải thích Thiên Chúa thi hành kế hoạch như thế nào và vai trò của Người trong việc thi hành kế hoạch ấy.  Tất cả đoạn Tin Mừng tiếp theo (Ga 3:16-21) là để giải thích sứ mệnh của Đấng Ki-tô.

          Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa nảy sinh từ trái tim của Người.  Vì yêu, Người nhất quyết phải có một kế hoạch.  Kế hoạch ấy là “ban Con Một”.  Có lẽ ta dễ hiểu lầm hành động “ban” như là ban phát, cho đi một món quà.  Đọc lại những lời Chúa Giê-su tiên báo về cuộc Thương khó, ta sẽ thấy việc “ban Con Một” là cả một hy sinh khó khăn vô cùng.  Con Một ấy chẳng những không được thế gian tiếp nhận, mà còn bị thế gian hành hạ và giết chết.  Được sai đến thế gian, Đấng Ki-tô mang sứ mệnh làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa dành cho thế gian, cho dù phải hy sinh mạng sống.  Đấng Ki-tô đã tùng phục thánh ý Chúa Cha, vui lòng chịu chết, chịu giương cao trên thập giá để làm chứng rằng Thiên Chúa yêu thế gian và muốn cứu độ thế gian.  Vì yêu mến Chúa Cha và vì yêu thương nhân loại, Chúa Giê-su đã sống điều Người giảng dạy:  “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Ga 15:13).  Quả thực hy sinh mạng sống là một sứ mệnh khó khăn chứ không phải ban phát hoặc cho đi món quà một cách dễ dàng như ta tưởng.

          Vấn đề của Thiên Chúa là mặc dù biết có nhiều người không muốn tiếp nhận “món quà tình yêu” Người ban tặng, nhưng Người vẫn nhắm mục đích muốn cứu độ con người nên không đổi ý.  Mặc dù biết Con Một sẽ bị hành hạ và bị giết chết, nhưng Thiên Chúa vẫn nhất quyết cho loài người thấy Người yêu thương họ như thế nào.  Vấn đề của Thiên Chúa đã được giải quyết là nhờ sự tuân phục của Đấng Ki-tô, Con Một Người.  Còn vấn đề của loài người là tiếp nhận hay không tiếp nhận ơn cứu độ thì mỗi người phải có một câu trả lời.

 

c)  “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án;  nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi”

 

          Sau khi trình bày kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Chúa Giê-su nói đến trách nhiệm hay sự đáp trả của ta, những người có bổn phận phải “tin vào Con của Người” để được cứu độ.  Chúa Giê-su cho ta thấy hai loại người:  những người chuộng bóng tối hơn ánh sáng và những người sống theo sự thật.

          Chúa Giê-su được sai đến làm ánh sáng cho thế gian.  Nhưng có nhiều người lại thích thế gian hơn ánh sáng, không muốn để cho ánh sáng giúp họ nhìn thấy Chúa là Đấng nào và họ là ai, hoặc không muốn bước đi trong ánh sáng Tin Mừng của Chúa Ki-tô, mà lại thích ở lại trong bóng tối của tội lỗi thế gian.  Còn những người sống theo sự thật là những người sống theo Tin Mừng cứu độ:  “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.  Nói cách khác, sống theo sự thật là biết thực lòng đáp lại tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, hoặc tin vào Con Thiên Chúa.  Tin bằng cách mở tâm hồn đón nhận tất cả những điều Con Thiên Chúa dạy và để cho con người và lối sống của Chúa Giê-su nắn đúc họ đến mức độ đối với họ “sống là Đức Ki-tô” (Pl 1:21).  Họ để cho ánh sáng Tin Mừng soi dẫn cuộc sống và giúp cho mọi việc họ làm được hoàn tất trong tinh thần của Thiên Chúa chứ không phải trong gian trá của thế gian.  Nói tóm lại, tin không thể hiểu là một thái độ mơ hồ, phát biểu bằng lời nói chứ không phải bằng việc làm.  Nhưng tin vào Con Thiên Chúa là phát triển mối quan hệ yêu thương với Người, để nhờ yêu mến Chúa ta sẽ dần dần biến cải con người mình đạt tới mức trưởng thành trong Chúa Ki-tô.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

          Mỗi lần nhìn lên hình ảnh Chúa Giê-su chịu đóng đinh trên thánh giá, tôi có nhớ lại những lời Người nói với ông Ni-cô-đê-mô:  “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” không?  Tôi có những tâm tình nào khi lắng nghe những lời ấy?

          Thiên Chúa Cha luôn luôn muốn cứu độ mọi người, nhưng không phải hết mọi người đáp trả ý định nhân lành của Người.  Tôi có ở trong số những người ấy không?  Tôi có vô tình trước ý muốn tha thiết của Thiên Chúa không?

          Có khi nào tôi suy nghĩ về ý nghĩa của việc Chúa “ban Con Một” cho tôi không?  Ngoài ý nghĩa phổ quát của ơn cứu độ, có bao giờ tôi suy nghĩ về ý nghĩa cá nhân của ơn cứu độ không?  Suy nghĩ ấy có giúp tôi tích cực hơn trong việc đáp lại tình yêu cứu độ của Thiên Chúa không?

          “Sự thật” mà Chúa Giê-su đòi tôi phải sống theo là sự thật nào?  Tôi có một chương trình nào để sống theo sự thật ấy trong mùa Chay và sau mùa Phục Sinh này không?

 

Cầu nguyện

 

          “Lạy Cha, xin ban cho con điều khó hơn cả,

          đó là ơn nhận ra Thánh giá của Con Cha

          trong mọi nỗi khổ đau của đời con,

          và ơn bước theo Con Cha trên đường Thánh giá

          bao lâu tùy ý Cha định liệu.

          Xin đừng để con trở nên chua chát

          nhưng được trưởng thành nhờ đón nhận đau khổ

          với sự kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ

          và lòng khát khao nóng bỏng

          có ngày sẽ được ở nơi không còn khổ đau.

          Ngày đó, Cha sẽ lau khô mọi giọt lệ

          của những người đã yêu mến Cha,

          đã tin vào tình yêu Cha giua74 nỗi thống khổ,

          tin vào ánh sáng của Cha giữa đêm đen.

          Nhờ Cha, ước gì đau khổ của con

          nói lên lòng tin của con

          vào những lời hứa của Cha,

          lòng cậy của con vào tình yêu trung tín của Cha

          và lòng mến mà con dành cho Cha.

Lạy Cha, xin cho con yêu Cha hơn yêu bản thân

          và yêu Cha chỉ vì Cha,

          chứ không mong phần thưởng.

          Ước gì Thánh giá trở nên mẫu gương cho con,

          là ánh sáng cho đêm tăm tối,

          nhờ đó con không còn coi khổ đau

          như một tai họa hay một điều vô lý,

          nhưng như một dấu chỉ cho thấy

          con đang thuộc về Cha mãi mãi.”

                             - Cha Karl Rahner

                   (Trích RABBOUNI, lời nguyện 63)

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

24-3-2006

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B