CHÚA NHẬT II PHỤC SINH, năm B

Ga 20, 19-31

 

TÁM NGÀY SAU

 

Chúa phục sinh đã hiện ra với các môn đệ vào ngày thứ nhất trong tuần khi các môn đệ còn đang hoang mang, sợ hãi và mệt mỏi vì biến cố Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá. Chúa hiện ra để thánh hoá ngày thứ nhất là ngày Chúa nhật, ngày của Thiên Chúa. Lần hiện ra này không có Tôma. Tám ngày sau, Chúa sống lại  hiện ra với các môn đệ. Hôm nay có cả Tôma. Chúa thánh hoá ngày hôm đó. Và cả hai lần Chúa phục sinh đều ban bình an cho các môn đệ.Sự bình an này làm các môn đệ bình tĩnh và hân hoan…

CHÚA PHỤC SINH CỦNG CỐ NIỀM TIN CỦA CÁC MÔN ĐỆ: Đọc lại Tin Mừng,

Chúng ta hiểu ngay các môn đệ lúc đó đang hết sức sợ sệt, âu lo vì Thầy của mình đã chết. Họ cứ tưởng Thầy mình không còn nữa. Do đó, các môn đệ mỗi lúc mỗi cảm thấy đau khổ. Giữa lúc đó, Chúa phục sinh xuất hiện để củng cố niềm tin cho cácmôn

đệ về việc Chúa sống lại. Lần thứ nhất, Chúa chúc bình an cho các môn đệ, rồi cho các ông xem các dấu đinh ở chân tay, ở cạnh sườn của Người ( Ga 20, 20 ) và các môn đệ hết sức vui mừng khi được xem thấy Chúa ( Ga 20, 20 ).Chúa sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng. Chúa ban Thánh Thần cho các ông để các ông tha tội cho mọi người. Đây là quyền “cầm buộc và tháo cởi” đã được Chúa Giêsu ban cho Phêrô (Mt

16, 19 ) và nhóm mười hai ( Mt 18, 18 ). Chúa củng cố niềm tin cho cộng đoàn các môn đệ. Sở dĩ, Chúa phục sinh hiện ra liên tiếp hai Chúa nhật liền là để minh chứng cho các môn đệ Ngài đã sống lại thật theo như lời Kinh Thánh viết:” Cứ phá hủy đền thờ nội ba ngày Ta sẽ xây dựng lại “. Chúa sống lại vừa củng cố niềm tin, vừa han gắn những chia rẽ nội bộ của các môn đệ và Ngài gầy dựng Giáo Hội của Ngài ở dưới trần gian này. Giáo Hội là Chúa Giêsu và Giáo Hội cũng là chính các tông đồ.” Chúng tôi đã nhìn thấy Ngài “. Cái trớ trêu nằm ở chỗ lần Chúa hiện ra thứ nhất không có môn đệ Tôma. Nhưng rồi tám ngày sau, cái ngày Tôma cứ khăng khăng nói ” Nếu tôi không thấy Ngài, nếu tôi không được xỏ ngón tay vào lỗ đinh nơi chân tay, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”…Đây là thái độ rất thực tế của Tôma. Nếu ông không nhìn thấy Thầy Giêsu, tay ông không sờ đụng được vào con người của Chúa phục sinh. Ông nhất mực không tin. Hôm nay, Chúa phục sinh lại hiện ra với các môn đệ khi cửa các ông vẫn cài kín vì sợ người Do Thái. Chúa

xuất hiện trước mặt các ông và ban bình an cho các ông. Đặc biệt, hiểu rõ tấm lòng của Tôma, Chúa lưu tâm tới ông ngay. Ngài thỏa mãn những ước vọng của Tôma như

cho ông được nhìn thấy Chúa và có thể sờ đụng vào Chúa. Đứng trước mặt Chúa phục sinh, Tôma quên hết, Tôma không dám nghi ngờ, Tôma không dám đòi thọc ngón tay vào các lỗ đinh và thọc bàn tay vào cạnh sườn của Chúa. Tôma như thấy mình được mạnh mẽ, đức tin của ông bật sáng và ông tuyên xưng:” Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”( Ga 20, 28 ).  Đây là lời tuyên tín cao cả nhất của Tôma. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, với sự phục sinh của Ngài, Ngài đã được tôn vinh bên cạnh Chúa Cha:”

Khi các ngươi treo Ta lên, các ngươi mới biết Ta là ai”( Ga 8, 28 ) . “ Ta là Thiên Chúa thật và là sự sống đời đời”( 1 Ga 5, 20 ).

NHÂN LOẠI HẠNH PHÚC VÌ KHÔNG THẤY CHÚA MÀ TIN: Nhân loại sống cách Chúa 2006 năm nhưng qua Tôma Chúa Giêsu như muốn nhắn gửi tới mọi người:” Vì đã thấy Thầy, nên con tin. Phúc cho những người đã không thấy mà tin”

( Ga 20, 29 ). Thực tế, chúng ta rất hạnh phúc vì chúng ta không được diễm phúc như các môn đệ nhìn thấy Chúa sống lại, nghe lời Chúa, cùng ăn cùng sinh hoạt với Chúa và ân cần ghi nhận những tâm sự, những nhắn nhủ của Chúa. Lời tuyên xưng của Tôma vẫn là gương mẫu cho mọi người có lòng tin:” Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa của con”. Lời tuyên tín của Tôma củng cố đức tin cho mỗi người chúng ta vì chúng ta sống cách Chúa quá xa, nhưng chúng ta tin vào lời chứng của các môn đệ, của Tôma, của sách Thánh, của Giáo Hội. Tuy, mắt xác thịt chúng ta không thấy được Chúa, nhưng đức tin của chúng ta trở nên trọn vẹn, trở nên hoàn hảo như Tôma. Tôma hiểu chậm về Chúa, nhưng khi Ông đã hiểu, Ông tin một cách trọn vẹn. Và đây là tuyệt điểm của Tin Mừng Gioan. Sự phủ phục của Tôma trước sự kiện hiển nhiên Chúa đang hiện diện sau khi sống lại trước mặt ông là bằng chứng hùng hồn về lòng tin cao độ của Tôma. Đúng là Tôma không biết làm gì hơn là xác nhận lời tuyên xưng về Chúa Giêsu như Phêrô đã tuyên xưng:” Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”( Mt 16, 16 ). Vâng, Giáo Hội của Chúa Kitô là một cuộc hành trình đức tin. Mỗi thành phần dân Chúa phải sống Lời Chúa, phải học hỏi Lời Chúa và một khi tin, người Kitô hữu phải làm chứng cho Chúa phục sinh như các môn đệ và các tông đồ khi xưa.

Lạy Chúa Giêsu, xin củng cố lòng tin cho chúng con để chúng con mạnh mẽ tuyên xưng Chúa và làm chứng cho Chúa như các môn đệ trung kiên của Chúa.

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

4/4/2006


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B