NHÂN CHỨNG PHỤC SINH

Chúa Nhật 2 B Phục Sinh

Cv 4:32-35   

Ga 20:19-31

1 Ga 5:1-6

 

Trong tòa giải tội mấy ngày tuần thánh đông nghẹt. Trong tòa chúng ta nghe gì, nếu không phải là sự nổi loạn và mất bình an trong tâm hồn nhiều người. Đức Giêsu muốn trả lại sự bình an cho con người. Phục sinh chính là sự bình an Thiên Chúa ban cho con người. Hơn lúc nào, nhân loại vẫn khao khát sự bình an. Bình an là một ân sủng lớn lao. Bình an là món quà tuyệt vời Thiên Chúa ban cho loài người.

 

CHỨNG TỪ SỐNG ĐỘNG

Các môn đệ đã vui mừng hết sức khi gặp lại Thày chí thánh trong hình dạng nguyên tuyền. Có những dấu chỉ chắc chắn xác quyết Thày vẫn như xưa. Từ tình trạng “sợ người Do thái,” (Ga 20:19) các ông đã chuyển sang tâm trạng “vui mừng vì được thấy Chúa.” (Ga 20:20) Niềm vui ấy bắt nguồn từ sự bình an tràn ngập từ dung nhan Đức Giêsu. Mỗi lần xuất hiện, Người đều nói: “Bình an cho anh em !” (Ga 20:19, 21)  Người chính là nguồn bình an đích thực cho những người mong đợi Người đến trong vinh quang.  Để xác tín vào vinh quang đó, các môn đệ cần một kinh nghiệm. Không phải chỉ một mình Thomas mới cần đến bằng chứng. Thực tế, trước khi làm chứng cho Thomas, “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn.” (Ga 20:20)  Chắc chắn những dấu đinh nơi bàn tay và cạnh sườn đã đập thẳng vào mắt các ông. Từ cảm nghiệm hết sức cụ thể đó, các ông mới thấy được tất cả sự thật về Người.  Người đóng vai Thiên Chúa để trao sứ vụ và thổi Thần khí cho các môn đệ. Chính Người nói với các ông : “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20:21) như những sứ giả hoà bình giữa một thế giới đầy loạn lạc.  Thật vinh dự cho các môn đệ khi cùng được chia sẻ một sứ mạng cao cả với Thày chí thánh. Sứ mạng đó nhằm cứu độ trần gian. Sứ mạng đó chỉ được thực hiện bằng cây khổ giá và trong uy quyền. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20:22-23)  Mục đích quyền bính cũng chỉ để hòa giải và trả lại bình an cho tâm hồn.

    Nhưng quyền bính ấy chỉ được thực hiện trong Thánh Linh. Không Thánh Linh, “Người thổi hơi vào các môn đệ và bảo : ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.” (Ga 20:22)  Các chứng nhân không thể thi hành sứ mạng làm chứng cho Đức Giêsu Kitô. “Thánh Linh nói lên việc Thiên Chúa đang cư ngụ ‘trong anh em’ (Ga 14:17) và Người phát xuất từ Đức Giêsu được tôn vinh như nguồn mạch phát sinh sự sống vĩnh hằng.” (Ga 7:39) (The New Jerome Biblical Commentary 1990:984)  Thánh Linh đã xuất hiện để củng cố quyền lực Đức Giêsu và để mạc khải quyền bính Thiên Chúa nơi Người. Đó là điểm tựa vững chắc cho mọi Kitô hữu trên bước đường làm chứng cho Đức Giêsu Phục sinh. Chính Thánh Linh bảo đảm Phục Sinh là một sự kiện có thật cho niềm tin Kitô giáo. Không có Thánh Linh, các tông đồ cũng cảm thấy khó khăn và lúng túng trước sự kiện Phục Sinh.  Chính thánh Thomas khẳng quyết : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” (Ga 20:25) Thế nhưng, nhờ Thánh Linh, ông đã có thể tuyên xưng một sự thật vượt quá những gì ông quan sát : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” (Ga 20:28)  Hơn nữa ông còn trở thành nhân chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh, không thua kém bất cứ Tông Đồ nào.

    Niềm tin Phục Sinh không dừng lại nơi cộng đoàn các Tông Đồ. Trái lại phải được truyền bá sâu rộng cho muôn vàn thế hệ. Làm sao có thể chuyển đạt niềm tin đó đúng như lời Đức Giêsu nói : “Phúc thay những người không thấy mà tin !” (Ga 20:29) Bí quyết nằm trong tay các chứng nhân. Bí quyết đó chính là Thánh Linh, sức mạnh tạo lập và củng cố niềm xác tín Phục Sinh, bắt đầu từ chứng nhân tới những ai đáng được hưởng mối phúc Đức Giêsu đã loan báo. “Dù không xem thấy, nhưng tất cả các Kitô hữu đều có niềm tin không khác niềm tin các môn đệ đầu tiên.  Đức tin của họ dựa trên sự hiện hiện của Chúa nhờ Thánh Linh.” (The New Jerome Biblical Commentary 1990:984)  Nhờ ánh sáng Phục Sinh, bản chất Thiên Chúa nơi Đức Giêsu được mạc khải rõ ràng nhất. Tất cả đều nhờ ngón tay thần kỳ của Ngôi Ba Thiên Chúa đang hoạt động mãnh liệt nơi các chứng nhân. Hoạt động đó nhằm tái lập trật tự trong trời đất và mối giao hòa giữa Thiên Chúa và thụ tạo. Đó là hiệu quả tỏ tường của sức sống Phục Sinh bắt nguồn từ Thánh Linh. Nói khác, nhờ Thánh Linh, thân xác Phục Sinh của Đức Giêsu đã trở thành trung tâm nối kết đất trời và sức mạnh ổn định trật tự vũ trụ. Bình an đã lên ngôi nơi đỉnh cao Phục Sinh. Nguồn phát sinh bình an chính là tình yêu.  Bình an chấm dứt sự sợ hãi, tức giận và sự lo âu về tương lai.  Bình an bảo đảm Thiên Chúa là người yêu và thân hữu của chúng ta.

 

CHỨNG NHÂN HÔM NAY

Tình yêu cũng chính là chứng từ sống động nhất có thể tìm thấy ngay nơi thân xác Đức Giêsu Phục Sinh tức là cộng đoàn dân Chúa (Cl 1:18). Ngay từ thời sơ khai, “các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.” (Cv 4:32)  Nỗ lực lớn lao đó có thể tạo một chứng từ mãnh liệt nhất cho niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh. Nói khác, không có niềm tin Phục Sinh, không thể có chứng từ tốt đẹp như vậy ! Các môn đệ đã được Thiên Chúa tuyển chọn như những chứng nhân Phục Sinh vì họ “đã cùng ăn uống với Chúa sau khi Người sống lại từ cõi chết.” (Cv 10:41)  Tiêu chuẩn chọn người thay thế Giuđa cũng dựa trên chứng từ Phục Sinh (Cv 1:22).

    Không dễ gì nói cho mọi người biết và tin vào Đức Giêsu Phục Sinh. Tin vào Thiên Chúa tương đối dễ hơn. Biến cố Phục Sinh quá vĩ đại và khác thường vượt quá tầm thức nhân loại. Thế nhưng chính Thánh Linh đã dùng tình yêu để chinh phục mọi người. Tình yêu đã trở thành sức mạnh thuyết phục. Thật vậy, “trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu.” (Cv 4:34-35)  Mọi người phải kinh ngạc vì thấy lý tưởng của dân Do thái trong sách Đệ Nhị Luật (Đnl 15:4) đã được chứng nghiệm rõ ràng. Các chứng nhân đầu tiên cảm thấy có trách nhiệm với nhau, không phải do huyết nhục, nhưng do tình liên đới trong Đức Giêsu Phục Sinh vì “chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người.” (Ep 5:30)  Đúng hơn, nhờ ý thức “mỗi người là phần thân thể của nhau,” (Ep 4:25) người giàu tự nhận có trách nhiệm đối với người nghèo.  Một chiều kích lớn lao vượt trên những ranh giới bình thường giữa giàu nghèo, chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, vì tất cả liên kết với “đầu của Hội Thánh” (Cl 1:18)  tức là Đức Giêsu phục sinh. Chứng từ Phục Sinh không bao giờ chấm dứt. Qua muôn thế hệ, các Kitô hữu vẫn thi nhau làm chứng : “Đức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại.” (Cv 2:22-24)  Chính vì thế, đến lượt mình, Kitô hữu cũng phải cho mọi người thấy chứng từ tình yêu Phục Sinh nơi chính những thập giá hôm nay trên bước đường tranh đấu chống lại bất công, hận thù. Nói khác, mầu nhiệm Phục Sinh luôn thúc đẩy “toàn thể dân Chúa gieo rắc chứng từ sống bằng một cuộc sống nhiệt tình đầy nhân đức siêu nhiên.” (Latourelle 1995:1050) Chỉ có chứng từ kiên trì và mãnh liệt đó mới dẫn mọi người bước vào con đường cứu độ và mới làm cho Kitô hữu hoàn thành sứ mạng. Quả thực, “người tín hữu . . . được kêu gọi làm cho nét mới mẻ và sức mạnh Tin Mừng chiếu sáng hằng ngày trong đời sống gia đình và xã hội.” (Chistifideles Laici 14)   Suốt 13 năm tù đầy, Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận đã sống chứng từ tình yêu Phục Sinh giữa một rừng người hận thù. Sau cùng, người đã cảm phục được người cai tù, đã biến thù thành bạn. Tình yêu vượt trên tất cả (1 Cr 13:1) và là một ngôn ngữ phổ quát. Nhờ sức mạnh Thánh Linh, Kitô hữu có thể viết lên thông điệp cứu độ bằng ngôn ngữ đó vào tận con tim nhân loại. Thiên Chúa đang phục sinh nhân loại nhờ chính ngọn lửa Thánh Linh nung nấu tình yêu trong lòng Kitô hữu hôm nay. Tình yêu làm cho Tin Mừng và cuộc đời hòa nhịp với nhau. Và đó là chứng từ Phục Sinh cho một nhân loại đang dãy chết.

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B