PHỤC SINH : SỨ ĐIỆP HÒA BÌNH

Chúa Nhật 3 B Phục Sinh

 

 

Cv 3:13-15.17-19

Lc 24:35-48

1 Ga 2:1-5a

 

Hòa bình thế giới bắt nguồn từ đâu ? Phải chăng đó là kết quả của những nỗ lực ngoại giao, chính trị, kinh tế, quân sự ? Hơn bao giờ hết, nhân loại cần nhận biết sứ điệp hòa bình Thiên Chúa gởi đến cho mọi người qua cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô.  Hòa bình cần được củng cố trên nền tảng tình yêu là chính Thiên Chúa. Nền tảng đó được phơi bày trong ánh sáng Phục sinh. Vì “mầu nhiệm Phục Sinh là cao điểm Thiên Chúa hoàn thành tất cả mạc khải Người” (O’Collins 1995:774).

 

HÒA ĐIỆU TUYỆT VỜI

    Tội lỗi đã phá đổ thế quân bình của thế giới. Giá trị bị đảo ngươc. Nhưng nhờ Đức Kitô Phục Sinh, con người đã lấy lại hòa điệu ban đầu và sống bình an với Thiên Chúa. Chính vì thế mỗi lần xuất hiện với các môn đệ, Đức Giêsu đều nói : “Bình an cho anh em !” (Lc 24:36)  Đây không phải là lời cầu chúc bình thường. Trái lại đó là sứ điệp hòa bình Đức Giêsu gởi đến cho nhân loại (Ga 20:19,21, 26). Sứ điệp đó chính sứ thần reo vang đêm Chúa Giáng sinh (Lc 2:14). Đó là sứ điệp gói trọn cuộc đời Đức Giêsu từ lúc mới sinh cho đến lúc Phục Sinh. Nói khác, cả cuộc đời và con người Đức Giêsu là một bài ca hòa bình cho nhân loại.

    Bài ca hòa bình đó vô cùng thiết thực, thiết thực như chính thân xác Đức Giêsu. Chỉ có một sứ điệp hòa bình cũng như chỉ có một thân xác duy nhất trước và sau Phục Sinh. Thân xác đó đã biến thành “tấm thân hòa bình”, nơi gặp gỡ giữa đất trời, giữa con người với con người. Chính Người đã củng cố niềm tin các môn đệ và đem lại bình an cho những tâm hồn ngờ vực đó. Khi xuất hiện giữa các ông, Đức Giêsu đã thấy rõ cơn xáo trộn tột độ trong lòng các ông. “Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma.”(Lc 24:37) Tuy nhiên, các ông đã lấy lại bình an nhờ lời Thày : “Sao anh em lại hoảng hốt ? Sao còn ngờ vực trong lòng ? Nhìn chân tay Thày coi, chính Thày đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thày có đây ?” (Lc 24:38-39)  Sau khi đã lần lượt “rờ” Chúa, các ông tràn ngập niềm vui. “Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi : ‘Ở đây anh em có gì ăn không ?’” (Lc 24:41) Chúa biết vẫn còn một chút gì lấn cấn trong niềm tin các ông. Bởi đó Người đã cho các ông có một kinh nghiệm sâu xa về hoạt động thân xác Người. Nói khác, bộ máy tiêu hóa vẫn sinh hoạt bình thường chứng tỏ một con người Giêsu trước và sau Phục Sinh vẫn là một. Bằng chứng “Người cầm lấy và ăn (một khúc cá nướng) trước mặt các ông.” (Lc 24:43) Cùng chia sẻ một bữa ăn thân mật với các môn đệ, Đức Giêsu thực sự đã đem lại một sự bình an và niềm xác tín vào Phục Sinh như một sứ điệp hòa bình. Không còn cảm giác Người là ma nữa. Trái lại, thân xác Người trở thành nguồn bình an đích thực cho mọi người.

    Nhưng để trở thành nguồn bình an đích thực, chính thân xác Người đã phải trải qua cơn xáo trộn khủng khiếp của cái chết. Chính Người đã quả quyết : “Có lời Kinh thánh chép rằng : Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (Lc 24:46). Tất cả lời Kinh Thánh đã được giải thích dưới ánh sáng Phục Sinh. Chẳng hạn vai trò của Đấng Thiên sai được tiên báo trong Đnl 18:15-20; đau khổ của Người được nói trước trong Thánh vịnh 22 và Isaia 52; việc Phục Sinh được tiên tri trong Thánh vịnh 16:9-11 và Isaia 53:10,11. Người sống lại để trở thành điểm tựa cho nền hòa bình thế giới. Đúng là một thứ hòa bình khác hẳn với quan niệm thông thường : “Thày ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng.” (Ga 14:27)  Không có Phục Sinh, không thể có hòa bình đích thực. Vì nếu không được ánh sáng Phục Sinh giải thoát khỏi những thế lực đen tối trần gian và ma quỉ, con người không thể thấy được con đường dẫn tới hòa bình nối kết con người với Thiên Chúa và với nhau. Bởi thế, các chứng nhân của Đức Kitô phải là những chứng nhân Phục Sinh. Chứng nhân Phục Sinh chính là sứ giả hòa bình ! Nhân loại hôm nay đang cần đến những sứ giả hòa bình như thế.

    Nhưng hòa bình nhân loại không phải là hòa bình thiên giới. Sự khác biệt xuất hiện ngay nơi thực tế cuộc sống. Trong khi các thánh không cần sám hối, con người vẫn loay hoay với những bất toàn. Chính vì thế muốn ổn định mọi xáo trộn, muốn trả lại cho cuộc sống niềm vui và an bình, con người phải bắt đầu từ sám hối. Mình chưa sám hối, đừng mong kêu gọi ai sám hối. Bởi thế, ngay khi trao vai trò làm chứng cho các môn đệ, Đức Giêsu cho thấy rõ điều kiện tối thiểu đó của hòa bình : “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này.” (Lc 24:47-48)  Sức mạnh Phục Sinh sẽ lôi kéo con người trở về với thực tại lòng mình, sẽ nghe được tiếng mời gọi sống hiệp thông với Thiên Chúa và anh em. Nói khác, con người phải sám hối mới phục hồi được giá trị cao cả nhất đã đánh mất vì tội lỗi.

    Ngay từ thời Giáo hội sơ khai, các chứng nhân đã mạnh mẽ kêu gọi sám hối. Các tông đồ đã nói thẳng nói thật về tội ác của người Do thái : “Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy từ cõi chết : về điều này, chúng tôi xin làm chứng.” (Cv 3:14-15)  Lời chứng mạnh mẽ đó bắt nguồn từ sức mạnh Phục Sinh. Nhưng ngay sau khi gay gắt lên án, các Tông Đồ đã xoa dịu : “Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em.” (Cv 3:17) Tuy thế, các Tông Đồ vẫn cương quyết với điều kiện căn bản : “Anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em.” (Cv 3:19) Thực ra, ngay sau khi Chúa tắt thở trên thập giá (Lc 23:48), quần chúng đã sám hối vì đã tham gia và cấu kết với các thế lực để lên án Chúa. Sám hối có sức hàn gắn lại vết thương do tội lỗi gây ra. Không xa lìa tội lỗi, không thể có hòa bình. Chính vì thế, Đức Giêsu đã cố gắng hết sức đẩy xa ảnh hưởng tội lỗi bằng cái chết và Phục Sinh của Người. “Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền tội cho chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn vì tội lỗi cả thế gian nữa.” (1 Ga 2:2) Như thế, chính Đức Giêsu đã nhắm tới việc xây dựng nền tảng hòa bình cho toàn thể nhân loại.

 

PHỤC HỒI GIÁ TRỊ

    Hòa bình chỉ thực sự đến với nhân loại khi giá trị con người được phục hồi. Hiện nay, giá trị đó đang bị vùi lấp dưới những sức mạnh kinh tế, chính trị, khoa học, v.v.  Một cuộc xáo trộn lớn đang diễn ra trong tâm hồn và ngoài xã hội. Không thể lấp nổi khoảng trống lớn lao đó, nếu không tìm cách phục hồi giá trị con người. Cách thế đó chính là tin vào giá trị Phục Sinh. Thực vậy, “niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh có liên hệ với kinh nghiệm sâu xa nhất và niềm hi vọng cao cả nhất của chúng ta trong cuộc sống hiện tại. Niềm tin Phục Sinh đem lại cho chúng ta sự sống, ý nghĩa và tình yêu, ngược với sự chết, phi lý và hận thù đang đe dọa chúng ta.” (O’Collins 1995:775) Có sống trong những kinh nghiệm vong thân vì đủ thứ ảnh hưởng do hận thù, nghèo đói, chết chóc, chúng ta mới thấy niềm tin Phục Sinh có một vị thế cực kỳ quan trọng. Vì niềm tin ấy đem lại hi vọng lớn lao nhất trong những lúc thất vọng nhất.

    Nhưng hơn lúc nào, xã hội đang cần những chứng nhân Phục Sinh. Lưỡi hái tử thần nhan nhản khắp nơi. Biết bao người đang tiếp tay với tử thần vùi dập anh em mình xuống tận bùn đen và hố diệt vong. Chính khi đàn áp, dẹp bỏ quyền làm người của người khác là lúc con người đang phản kháng lại ước vọng sâu xa nhất của nhân loại. Hơn nữa, sau bao nhiêu hành động dã man, con người vẫn không sám hối tức là tự vít lối mình vào niềm hi vọng Phục Sinh, niềm hi vọng duy nhất trả lại cho con người giá trị và sự sống tròn đầy. Nhưng với niềm tin và hi vọng Phục Sinh, dù ngụp lặn trong bể khổ, con người sẽ có đủ sức mạnh biến cuộc đời thành một Tin Mừng.

 

Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B