CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH
Ga 10, 11-18
TA LÀ MỤC TỬ TỐT LÀNH
Chúa Giêsu sinh trưởng tại Do
Thái, Người thừa hưởng nền văn hóa và quan niệm tôn giáo Do Thái. Do đó, những
tập tục, những nghi lễ của Do Thái giáo, Chúa Giêsu đều thông suốt, am tường.
Chính vì thế, Người đã dùng ngôn ngữ Do Thái, dùng những việc xẩy ra tại đất
nước Do Thái để giới thiệu nước Trời, trình bầy quan điểm và đường hướng của
mình, đồng thời giới thiệu chân dung đích thực của Người và sứ điệp cứu rỗi của
Người.
TA LÀ MỤC TỬ TỐT LÀNH: Chúa Giêsu ví mình như một mục tử tốt lành. Khi Chúa
Giêsu giới thiệu Người là chủ chăn đích thực, Người muốn mượn lại hình ảnh của
tổ phục Áp-ra-ham, của vua Đavít những con người cũng đã làm nghề chăn cừu chăn
chiên. Cả Aùp-ra-ham, cả vua Đavít chưa hề học qua bất cứ một trường đào tạo
nào, nhưng qua kinh nghiệm của nghề chăn cừu, họ đã trở thành những người lãnh
đạo tốt. Quan niệm của họ về Thiên Chúa cũng dựa trên kinh nghiệm chăn cừu,
chăn chiên, họ gọi Giavê là mục tử, và coi mình là đoàn chiên của Người. Chúa
Giêsu là hiện thân của một mục tử nhân hậu. Mục tử nhân lành khác với người làm
thuê, khác với các vị lãnh đạo dân Israen đã bị thoái hóa. Mục tử nhân lành
biết từng con chiên, hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Còn các vị lãnh đạo tôn
giáo của Israen thay mặt Chúa ở trần gian đã dần dần bị biến chất đến nỗi ngôn
sứ Êdêkiên đã nhân danh Chúa nói lên:” Hỡi các mục tử của Israen, các ngươi đã
bị băng hoại rồi ! Các ngươi chỉ biết lo cho bản thân mình chứ chẳng hề nghĩ
đến bầy chiên…Các ngươi chẳng chăm sóc những con yếu đuối, chữa lành những con
bệnh hoạn, băng bó những con bị thương tích, dẫn về những con lệch đường, hoặc
tìm kiếm những con bị lạc mất. Vậy hỡi các chủ chăn, hãy nghe đây, Ta, vị Chủ
Tể tối cao, Ta tuyên bố rằng… Ta sẽ tách bầy chiên ra khỏi các ngươi…Ta sẽ giao
chúng cho một vì vua giống như Đavít tôi tớ Ta để làm mục tử của chúng và Người
ấy sẽ lo lắng chăm sóc chúng”( Ez 34: 2-4,9-10, 23 ). Chúa Giêsu chính là nhân
vật mà ngôn sứ Êdêkiên loan báo. Chúa Giêsu là mục tử tốt lành, Người là hình
ảnh của vua Đavít, người mục tử nhân lành, luôn chăm sóc những con yếu đuối bơ
vơ, chữa lành những con bệnh hoạn, và đi tìm những con chiên lạc. Chúa Giêsu
còn hơn thế nữa, Ngài tự hiến mạng sống cho đàn chiên của Ngài. Cái chết của
Ngài là cái chết tự hiến theo ý Thiên Chúa Cha. Chết là tình yêu tột đỉnh của
Ngài. Chết mới nói lên lời như thánh Gioan viết:” Không có tình yêu nào cao vời
cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu’( Ga 15, 13 ).
Không những tự hiến cho đến chết
nhưng Đức Giêsu còn làm hơn thế nữa, Ngài đã sống lại từ cõi chết và chia sẻ
đời sống phục sinh của riêng Ngài với đàn chiên. Tình yêu của Chúa đã gắn bó
Ngài với đàn chiên:” Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta” ( Ga 10,
14-15 ). Đức Giêsu là mục tử tối cao, duy nhất. Mọi mục tử đều là cánh tay nối
dài của Ngài. Các mục tử phải noi gương bắt chước Ngài vì Ngài đến để cho chiên
được sống và sống dồi dào( Ga 10, 10 ).
SỨ ĐIỆP CỨU RỖI CỦA ĐỨC GIÊSU: Đức Giêsu mạc khải
cho người Do Thái biết Ngài là hiện thân của Thiên Chúa, Ngài đến để gánh tội
nhân loại, cứu vớt con người và ban cho con người hạnh phúc. Ai muốn đến với
Cha Ngài phải ngang qua Ngài. Hơn cả những mong đợi mà các ngôn sứ đã loan báo,
Ngài là chủ chăn đích thực và nhân lành, sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì đàn
chiên. Ngài cứu độ, hy sinh mạng sống cho mọi người, mọi dân tộc, cả nhân loại
chứ không chỉ có dân Do Thái ( Ga 10, 14-16 ). Mình Máu Chúa là bằng chứng hùng
hồn nhất nói lên tình thương cao vời, vô bờ vô bến của Chúa đối với nhân loại,
đối với con người. Máu của Ngài đổ ra để đem lại ơn tha tội cho muôn người, cho
tất cả mọi người.
Người chăn chiên tốt lành cho thấy
cái cốt lõi tình yêu của mình. Tình yêu không chung chung mà Đức Giêsu yêu từng
người, gọi tên từng người vì Ngài biết hoàn cảnh của từng con người, từng con
chiên. Ngài biết hoàn cảnh bi đát của con người:” đàn chiên không người chăn
dắt ( Mt 9, 36 ), những con chiên lạc ( Lc 15, 4-7 ), chiên tản mác, cần được
qui tụ lại” ( Ga 11,52 ). Đức Giêsu muôn thời vẫn mời gọi các bạn trẻ hiến thân
theo chân Ngài. Ngài luôn cần đến những mục tử tốt lành, noi gương Ngài và phục
vụ như Ngài. Ngài luôn mời gọi nhân loại cầu xin để có những mục tử tốt lành,
biết hy sinh, xả kỷ, biết can đảm, quảng đại, thánh thiện, những mục tử luôn
biết quên mình, biết sống hòa đồng, đạo đức, những mục tử luôn đặt lợi ích của
đàn chiên trên lợi ích cá nhân, những mục tử “đến để hầu hạ, chứ không đến để
được hầu hạ”.
Ngày hôm nay cũng là ngày ơn gọi,
xin cho các bạn trẻ biết chọn cho mình một hướng đi, một đích điểm để đời sống
của họ trở nên muối, nên men cho đời.
Lạy Chúa xưa Chúa đã phán:”lúa
chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt, Chúa hãy ban nhiều thợ biết nhiệt thành, để
nước Chúa rộng lan khắp nơi…”.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT