CHÚA NHẬT V PHỤC SINH, năm B

Ga 15, 1-8

HÃY Ở TRONG THẦY

 

Chúa nhật thứ 5 phục sinh vẫn qui về việc Chúa Giêsu sống lại và qua việc sống lại của Chúa, các tông đồ chứng thực việc Ngài từ cõi chết phục sinh. Các ông tìm ra các sự kiện, các bằng chứng để minh xác Chúa đã thực sự sống lại từ cõi chết theo như lời Kinh Thánh và các ngôn sứ đã loan báo. Hôm nay, Chúa nói Ngài là cây nho và mọi người Kitô hữu là cành. Tìm hiểu các bài đọc và ý nghĩa của Chúa nhật thứ năm phục sinh là chủ đề của bài học nhắm tới.

CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI THẬT: Sách tông đồ công vụ thuật lại việc Chúa phục sinh từ cõi chết qua bằng chứng của các tông đồ. Vai trò của các ông được nổi bật lên khi sự kiện Chúa Giêsu đã vì vâng phục, bị dân Do Thái lên án và bị treo trên thập giá ở đồi Golgotha tức là Núi Sọ. Từ ngày Chúa chấp nhận ý định của Thiên Chúa Cha, bó tay cho Giuđa bán Ngài và bị đưa ra tòa trước Philatô tra hỏi, toàn dân la hét, kết án tử hình cho Ngài, tha Baraba. Cái chết trên thập giá là đỉnh cao nhất của sự kiện Chúa Giêsu cứu chuộc nhân loại. Simon Phêrô và các môn đệ của Chúa là chứng nhân từ đầu cho đến hoàn tất sự việc và còn là những chứng nhân lịch sử cho sự kiện Chúa Giêsu phục sinh. Sau ngày Chúa chết, các môn đệ đều sợ sệt, đóng cửa, cầu nguyện và lo lắng cho số phận của mình vì Chúa đã chết rồi chắc là Giáo Hội  tiên khởi sẽ bị rã dàn, sẽ tan rã và sẽ gặp trăm điều khó khăn thử thách. Tuy nhiên khi Chúa hiện ra với các Ngài, minh chứng thực tế Ngài đã sống lại, làm cho các môn đệ thêm vững mạnh, lòng tin của các Ngài tăng cao và các Ngài đã dạn dĩ tuyên xưng danh Chúa cho mọi người. Đoạn sách công vụ tông đồ hôm nay 9, 26-31 còn kể lại việc Phaolô tức Saolê là Người trước kia đã bắt bớ Giáoo Hội của Chúa, đã làm khổ cho những ai theo đạo, theo Chúa. Nhưng trên đường Đamas, Saolê đã bị Chúa quất cho ngã ngựa, đã kêu gọi Ngài và làm cho Ngài trở nên môn đệ trung kiên của Chúa. Saolê đã vào thành, đã được Anania chữa lành mắt mờ và đã nhận lãnh Thánh Thần Chúa. Ngài đã tiếp xúc với các môn đệ của Chúa và từ từ các môn đệ đã nhận biết Saolê. Saolê trở thành nhân chứng kiên cường của Chúa, Ngài đã tranh luận với người Hy Lạp về giáo lý của Chúa, khiến cho nhiều người tìm cách giết Ngài. Tuy nhiên, Giáo Hội được đầy Thánh Thần của Chúa, sống trong niềm kính sợ Chúa, được an ủi và vững mạnh ở các miền Giuđêa, galilêa và Samaria.

Bài sách tông đồ công vụ làm chứng cho sự thật: Đức Giêsu Kitô đã yêu thương nhân loại đến chết và chết trên khổ giá. Ngài đã yêu thương nhân loại tới cùng, lời nói của Ngài quá vững vàng chân thật. Do đó, thánh Gioan trong thư thứ nhất đoạn 3, 18-25 đã viết:” Giới răn của Chúa là chúng ta hãy yêu thương nhau”. Yêu thương là sống trong sự thật của Chúa. Giữ giới răn của Chúa là sống đẹp lòng Người. Giữ giới răn của Chúa là sống trong Chúa và Chúa sống trong ta. Thánh Thần là bảo chứng cho ta nhận biết Chúa Giêsu ngự trị trong ta.

THẦY LÀ CÂY NHO ĐÍCH THỰC, CÁC CON LÀ CÀNH: Thiên Chúa đã làm người và như thế, cũng đã trở thành cây nho, một cây nho đích thực, một cây nho tuyệt hảo, cây nho giống thật tốt để tạo ra một vườn nho mới. Chúa Giêsu là Con- Người-Mới, là Ađam mới để tạo nên một loài người mới đúng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Điều này cho thấy Ađam cũ đã phản bội, đã làm cho nhân loại điêu đứng, đã làm cho nhân loại phải chết. Còn Đức Giêsu là Ađam mới, Người đã mang lại sự sống cho nhân loại, cho con người.. Ở đây, Chúa ví Người như cây nho và mọi phần tử trong Giáo Hội là cành nho. Cành nho tốt là cành luôn kết hiệp với thân nho. Đó là con người biết tuân thủ giới răn của Chúa. Nên” Chúa ở trong họ” và “ họ ở trong Chúa” như thánh Phaolô nói:” Tôi sống không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Sống như thế có nghĩa là mặc lấy Đức Kitô. Chúa sẽ chúc lành và ban ơn cho những người ấy. Cành nho bị tỉa đi là cành nho xấu. Đây là những phần tử sống xa giới luật của Chúa truyền dậy, nói cách khác, họ biết Chúa nhưng không bao

 giờ biết ý Chúa. Họ sống hời hợt, biết Chúa một cách lờ mờ. Chính vì thế thánh Gioan nhấn mạnh đến việc Giáo Hội  Chúa được tăng triển, phong phú, phì nhiêu nhờ vào các phần tử của Chúa biết tuân thủ thánh ý Chúa, biết sống theo giới luật yêu thương của Người. Trái nho được sinh ra từ những cành nho. Nếu con người biết cắt tỉa khéo léo, những cành nho sẽ sinh trái tốt đẹp và sinh nhiều trái. Người Kitô hữu càng kết hiệp với Chúa, càng liên kết với Chúa, càng chịu nhiều đau khổ thử thách và can đảm chịu đựng những đau khổ, những thập giá vì lòng yêu mến Chúa, thường là những Kitô hữu có đời sống phong nhiêu hơn hết. Nói tóm lại, lời Chúa qui về sự kiện thực tế:” Ơn cứu rỗi ở trong Chúa “. Ai ở trong Ngài, sẽ lãnh nhận được ơn cứu chuộc và việc con người  biết được ơn Chúa, biết được Chúa chứng thực rằng Chúa Thánh Thần đang ở trong họ.

Ý CỦA CHÚA NHẬT THỨ NĂM PHỤC SINH : Chúa Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại. Ngài mang ơn cứu độ cho mọi người. Ngài là mục tử tốt lành, là cây nho, là khiên thuẫn che đỡ. Tất cả những hình ảnh ấy gợi lên cho ta một Giêsu Kitô khiêm nhượng, hiền lành. Một Giêsu nhân hậu, một mục tử tốt lành, một cây nho mới đích thực. Chúa dậy người Kitô hữu phải thông hiệp với Chúa như cành nho gắn chặt vào thân nho. Cái chết trên thập giá của Chúa là một sự trơ trụi những cành, nhưng qua cái chết của Ngài hoa trái sẽ sinh ra trùng trùng phong phú và sinh tốt. “ Khi nào Ta bị treo lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người về với Ta” “ Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của Người hy sinh mạng sống vì Người mình yêu” ( Ga 15, 13 ). Mỗi lần trong cuộc sống thực tế, ta gặp những khó khăn thử thách, gặp phong ba bão táp, hãy nhìn lên Chúa Giêsu bị treo trên thập giá. Nơi đó, ta sẽ bắt gặp ánh mắt nhân từ của Chúa, ta sẽ quên hết lo lắng, ưu phiền. Mọi lo âu sẽ tan biến, mọi khó khăn sẽ qua đi. Hãy hiệp nhất với Giáo Hội. Hãy yêu Giáo Hội như Giáo Hội yêu ta. Hãy gắn chặt ta lại với Chúa như những cành nho gắn liền với thân nho…

Lạy Chúa Giêsu phục sinh ,xin cho chúng con biết sống yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng con. Xin cho chúng con hiểu rõ lời này:” Ai mất liên lạc với Chúa sẽ sống trong bóng đêm không lối thoát…” ( Milton A. Marcy ).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B