MẠCH SỐNG
Chúa nhật 5B Phục Sinh
Cv 9:26-31
Ga 15:1-8
1 Ga 3:18-24
Đức Giêsu
muốn gởi đến nhân loại một sứ điệp về sự sống qua mầu nhiệm Phục Sinh, khi cống
hiến cho chúng ta hình ảnh cây nho và cành. Hình ảnh chủ chăn và đoàn chiên chưa
nói được mối tương quan thực sự giữa Chúa và các môn đệ. Mối tương quan đó phải
sâu xa như nhựa sống luân chuyển giữa cây nho và cành. Nhờ đó, người môn đệ luôn
tìm được nguồn hứng khởi trên nẻo đường theo Chúa và làm chứng cho Người trong
thế giới hôm nay.
CÂY NHO ĐÍCH THỰC
Cây nho không
được phổ biến ở Việt Nam. Nhưng tại các nước Trung Đông như Do thái hay Âu Mỹ,
cây nho là một hình ảnh rất quen thuộc. Trái nho, dầu oliu và gạo là những sản
phẩm chính tại đất Canaan (Đnl 11:14; Gs 24:13; Gr 5:17). Người ta thường trồng
nho trên các ngọn đồi (Is 5:1; Am 9:13). Cây nho thường leo trên giàn hay bò dưới
đất.
Tiên
tri Isaia đã ví Israen như vườn nho của Chúa (Is 5:1-7). Chúa đã liên tục chăm
sóc vườn nho. Nhưng vườn đã không sinh hoa kết quả. Bởi vậy vườn bị bỏ hoang, hàng
rào bị phá bỏ, mặc cho dã thú dẫm nát. Cây nho không còn sinh hoa trái vì bị
gai góc tràn ngập, không ai tỉa xới. Trái lại, cây nho nào được chăm sóc kỹ lưỡng,
được rào giậu cẩn thận, sẽ đem lại niềm vui cho muôn người vì những mùa màng
phong phú. Tháng chín là mùa thu gặt và là cơ hội tổ chức hội hè, nhảy múa. Một
cách biệt quá xa giữa hai thứ cây nho đã khiến Đức Giêsu đưa ra một hình ảnh vô
cùng sống động so sánh về hai loại người theo Chúa. Bên ngoài có thể hoàn toàn
giống nhau. Nhưng chính mạch sống bên trong mới có tính cách quyết định. Bởi vậy,
Đức Giêsu quả quyết : “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành
nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi ; còn cành nào
sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.” (Ga 15:1-2) Thầy trở thành tiêu chuẩn phân biệt giữa hai hạng
môn đệ. Đúng hơn, Người là trung tâm qui tụ muôn người, là nguồn cung cấp sự sống
cho toàn thể nhân loại. Ai đi vào tương quan thực sự với Người, sẽ thấy một sự
gần gũi và thân mật chưa từng thấy nơi bất cứ tương quan nào. Lý do vì tương
quan này có thể sâu xa như tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con : “Chúa Cha đã
yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy.” (Ga 15:9)
Tình yêu
là nhựa sống lưu chuyển khắp châu thân. Đúng hơn, tình yêu đó chính là “sự sống
Thần Khí dành cho các môn đệ Đức Giêsu.” (Fahey 1994:335) Muốn đạt tới sự sống đó, điều kiện duy nhất là
“ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa
ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại
trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí mà Người đã ban cho chúng ta.” (1
Ga 3:24) Thần Khí làm triển nở đời sống
thiêng liêng và chiều kích Giáo hội trên toàn thế giới. Người chính là sức mạnh
xây dựng Nhiệm thể Chúa Kitô.
Không
ai có thể bảo đảm cho lời cầu nguyện của các tín hữu bằng chính kinh nghiệm của
Đức Giêsu, Đấng luôn sống trong tình yêu thương và hiệp nhất với Chúa Cha. Nhờ
kinh nghiệm đó, Người dám quả quyết : “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở
lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.” (Ga 15:7) Chúa Cha đã không từ chối Chúa Con điều gì. Chắc
chắn Người cũng không ngoảnh mặt làm ngơ trước những lời van xin tha thiết của
những ai đã nên giống Con Người. Vì chính nhờ sự vâng phục, họ đã làm vinh danh
Thiên Chúa như Đức Giêsu. Vâng phục được thể hiện rõ nhất khi họ sống trọn vẹn
tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.
Ngược lại, nếu ai chỉ tìm cách thuộc về Chúa
bên ngoài mà thôi, sẽ không bao giờ đạt được mộng ước. Thực tế không ai kiếm được
hoa trái đích thực nào nơi những hoạt động của họ. Chỉ có những tiếng động inh ỏi,
không tấu lên được một bản nhạc nào. Chính Chúa đã báo trước : “Ai không ở lại
trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta sẽ nhặt
lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.” (Ga 15:6) Chúa Cha sẽ thực hiện cuộc phán xét
ghê gớm đó : “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt
đi.” (Ga 15:2) Có những người chỉ gắn liền
với Thầy trên giấy tờ hay lời hứa ngoài đầu môi chót lưỡi mà thôi. Họ tự hào vì
“bàn tay ta làm nên tất cả.” Thực tế,
“không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5), vì “Thầy là cây nho, anh
em là cành.” (Ga 15:5) Sống ngoài thực tại
đó, tất cả công trình đều vô giá trị và vô hiệu lực. Chính trong thực tại đó,
người môn đệ cảm thấy mình trắng tay như người nghèo, hoàn toàn lệ thuộc vào
Thiên Chúa.
Sự
lệ thuộc đó không làm cho người môn đệ mất hết bản lãnh. Trái lại, “chính lúc quên
mình là lúc gặp lại bản thân.” Thiên Chúa
vĩ đại hơn cái tôi chúng ta nhiều lắm. Thiên Chúa mới là “có”. Chúng ta chỉ là
“không” mà thôi. Thay vì một mình bơi trải, người môn đệ luôn sống bằng sức mạnh
Thiên Chúa, vì họ luôn ý thức “sống là Đức Kitô.” (Pl 1:21) Nhờ thế, kết quả được nhân lên ngàn lần. Kết
quả này sẽ kéo theo muôn vàn kết quả tốt đẹp hơn. Một mùa màng vô cùng tươi tốt
sẽ đem lại no ấm và bình an cho nhân loại.
SỨC MẠNH TÌNH YÊU
Những kết quả
bên ngoài đó đập vào mắt mọi người. Nhưng mấy ai hiểu được ý nghĩa đằng sau sự
kiện ? Giáo hội không tìm vinh quang cho chính mình. Vinh quang chỉ dành cho một
mình Thiên Chúa. Nhưng làm sao Thiên Chúa được tôn vinh, nếu không có tình yêu
làm động lực cho mọi hi sinh vô bờ bến ? Chính trong bí tích Thánh Thể Thiên Chúa mạc khải
tình yêu cực kỳ sung mãn của Người. Ngôi Hai Thiên Chúa như vẫn còn nhập thể hằng
ngày, trở nên của lễ hi sinh thượng tiến Chúa Cha và của ăn thơm ngon nuôi sống
muôn dân. Bởi thế, “mặc dù mầu nhiệm vượt qua đã đem Người khuất mắt các tông đồ,
nhưng Người hiện diện trong đời các ông hơn bao giờ, ‘mọi ngày cho đến tận thế’
(Mt 28:20).” (ĐGH Gioan Phaolô II, L’Osservatore Romano, 5/4/2000) Nhờ Thánh Thể, Đức Giêsu đã thể hiện nét đậm đà
nhất của tình yêu, trở nên một với người yêu. Chính nơi đây, người môn đệ Đức
Giêsu sẽ hiểu được dụ ngôn cây nho liền cành như thế nào. Mỗi lần uống chén máu
Thầy, họ cảm thấy mạch sống dồi dào lưu chuyển khắp châu thân. Đó là lúc họ được
tháp nhập vào thân thể Đức Kitô trọn vẹn, đến nỗi “tôi sống, nhưng không còn phải
là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2:20) Người môn đệ đích thực có thể nói cuộc kết hiệp
diệu kỳ đó như Đức Giêsu nói về cuộc kết hiệp giữa Người và Chúa Cha : “Chúa
Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.” (Ga 14:10)
Sức mạnh đó
có thể đương đầu với cái chết kinh hoàng trên thập giá. Mới đây, với sức mạnh
huyền nhiệm của Đức Giêsu, Cha Gallardo đã “từ chối mặc phẩm phục và đọc kinh Hồi
giáo” để “sẵn sàng chịu đau khổ và chết vì thập gia.ù” (VietCatholic 11/5/2000)
Cuối cùng cha đã bị quân phiến loạn Hồi
giáo Abu Sayyaf ở Philippines giết dã man. Sức mạnh có thể tìm thấy ngay nơi những
thương tích và thất bại. Vì theo cha Gallardo, “Thiên Chúa sẽ thu lấy những mảnh
vụn và từ đó làm nên một cái gì độc đáo cho chính mình.” (VietCatholic
11/5/2000) Hoàn cảnh nào cũng là dịp tốt
để Thiên Chúa thi thố tình yêu. Bao nhiêu công trình vĩ đại Giáo hội đã thực hiện
cho nhân loại cũng bắt nguồn từ sức mạnh tình yêu đó. Hòa bình nhân loại hôm
nay được xây dựng trên tình yêu, nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Trên
mọi nẻo đường nhân loại hôm nay, hòa bình luôn là món quà đắt giá của tình yêu.
Nói khác, TÌNH YÊU chính là tên gọi mới của HÒA
BÌNH. Bởi đó, hơn lúc nào, nhân loại hôm nay cần rất nhiều nhân chứng tình yêu,
từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Nhân chứng tình yêu luôn ý thức mình chỉ là
cành phải dính liền với cây nho là Đức Giêsu, Đấng luôn sẵn sàng thông ban mạch
sống Thánh Linh cho những ai quyết chí ở lại trong Người.
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP