Suy Niệm Chúa Nhật 13 Thường Niên, B

TRỖI DẬY ÐI !

Mc 5:21-43

 

Ở Việt nam hiện nay rất nhiều bạn trẻ đang vật lộn với với nghèo đói, bệnh tật, ngu dốt.  Nhưng trầm trọng nhất vẫn là những bệnh xã hội và khủng hoảng tinh thần.  Bao nhiêu thế hệ đang bị nhận chìm trong bóng tối tử thần. 

Ai sẽ làm cho các bạn trẻ trỗi dậy ?

Thực tế, bên cạnh những tâm hồn sa đọa, vẫn có những bạn trẻ khác quan tâm và nỗ lực cứu vớt những anh em đang sống bên bờ vực thẳm.   Có những bạn sẵn sàng đi xin từng đồng, mua từng viên thuốc cho các bạn trẻ đang đối diện với những bệnh thời đại.  Họ không phí thời giờ bàn những chuyện xưng hô “cha con” hay vấn đề đối kháng giữa giáo sỹ và giáo dân v.v.  Họ chẳng cần ai chú ý hay ghi ơn.  Cũng chẳng cần giai cấp, địa vị.  Chỉ cần vực anh chị em mình trỗi dậy khỏi cơn nguy khốn hiện tại mà thôi.  Họ là những người theo Chúa Giêsu đi tìm cứu những người đau khổ, bệnh tật.  Tuy không có quyền năng làm phép lạ như Chúa, nhưng dõi theo bước chân Chúa, họ có thể tạo thành những kết quả tương tự. 

Dĩ nhiên, đứng trước cái chết, mọi người phải bó tay.  Các phương pháp y khoa hiện đại nhất cũng không thể vượt qua những giới hạn tử thần.  Dù có thiện chí và giàu có tới đâu, con người cũng phải đầu hàng.  Phải toàn năng mới có thể khiến con gái ông trưởng hội đường sống lại từ cõi chết (x. Mc 5:35-42).  Nói khác, chỉ cần nói với cô gái : “Trỗi dậy đi !” (Mc 5:41) Chúa Giêsu đã chứng minh Người là Thiên Chúa toàn năng, vượt trên mọi sức mạnh khoa học tiến bộ nhất. 

Chúa không đòi người môn đệ phải toàn năng như Chúa mới cứu được đồng loại. Chúa muốn họ vận dụng sức mạnh tình yêu và hồng ân sẵn có để chặn đứng bước chân tử thần.  Thực tế, nhiều người không những không ngăn cản bước chân tử thần, mà còn manh tâm xô đẩy anh em mình vào chỗ chết.   Phong trào phá thai chẳng hạn.  Có khi họ “án binh bất động” trước sức tấn công vũ bão của tử thần để cầu an hay hèn nhát.  Bởi vậy, nhiều người trở thành mồi ngon cho tử thần chỉ vì đồng loại mần thinh trước tiếng thét gào của các nạn nhân.

Không bao giờ Chúa “lạnh lùng” như thế trước nỗi thống khổ của con người.  Người phụ nữ băng huyết là một điển hình.  Tuy chưa chết, nhưng bà đã đứng trên bờ vực tử thần.  Thấy thế, Chúa không xô bà xuống đáy.  Sau mười hai năm đau khổ, bà cảm thấy hoàn toàn bất lực và đau lòng vì “tiền mất tật mang.”  Cuối cùng, bà đã tìm được sức mạnh tình yêu Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu.  Tình yêu là sức mạnh giải thoát.   Nhờ lòng tin mãnh liệt, bà đã được cứu và bình an hoàn toàn (x. Mc 5:34). 

Ðức tin đã toàn thắng.   ÐGH Bênêđictô XVI nhận định : “Cuộc chiến thắng này chỉ xảy ra vì có quyền năng sáng tạo của Lời Chúa và Tình yêu.  Chỉ có Lời Chúa và Tình yêu mới đủ sức mạnh biến cải cơ cấu vật chất một cách tuyệt đối đến nỗi có thể vượt qua những chướng ngại của tử thần.” (www.archspm.org  : 30.06.2006)  Không có Lời Chúa và Tình yêu, chắc chắn họ đã không thoát khỏi nanh vuốt tử thần.

Không những thoát chết, hai người phụ nữ còn được Chúa phục hồi nhân phẩm và  sứ mệnh cao cả.  Trong cả hai phép lạ Chúa làm hôm nay, John R. Donahue (www.Americamagazin.org : 30.06.2006) nhận thấy một vài điểm thú vị.  Trước hết, cả hai người lãnh ơn đều thuộc giới phụ nữ.  Cô gái được phục sinh ở lứa tuổi mười hai , tuổi đã có thể thành hôn theo phong tục thời bấy giờ.  Như thế, “cô bé” đã chết trước khi có thể trở thành vợ và mẹ.  Người đàn bà băng huyết cũng mười hai năm.  Bà không thể có con.  Như thế, không những Chúa cứu cả hai khỏi chết, nhưng còn trả lại cho họ khả năng sinh sản, một vinh dự lớn lao vì được tham gia quyền sáng tạo của Thiên Chúa.  Vinh dự đó góp phần làm chứng cho mọi người thấy, “Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt.” (Kn 2:23)  

Trước tình trạng phụ nữ bị buôn bán và khinh miệt hôm nay, Giáo hội đang làm gì ?  Có động lòng trắc ẩn thực sự không ?   Có dám vượt qua những cấm kỵ và thành kiến để đem ơn giải thoát đến cho phụ nữ không ?

Nhờ hồng ân Thiên Chúa, biết bao phụ nữ đang chứng tỏ một đức tin kiên cường và dũng cảm.  Trong gia đình hay ngoài xã hội họ luôn sống với Chúa.  Nhờ đó, chính họ có thể thoát hiểm và cứu vãn tương lai nhân loại.  Hôm nay Giáo hội đang cần đến sức mạnh niềm tin nơi phụ nữ rất nhiều.   Chính đức tin đã giúp họ chu toàn bổn phận làm mẹ, làm vợ trong gia đình.  Họ còn muốn dấn thân làm chứng cho Chúa hơn nữa trong nhiều môi trường xã hội hôm nay.  Nhưng Giáo hội có nhận ra đức tin kiên cường của phụ nữ trên toàn cầu để mời gọi họ hay không ?

Lạy Chúa, xin thương giải thoát phụ nữ và cho mọi người biết tôn trọng phẩm giá và sứ mệnh cao cả của họ.  Xin  Chúa mở ra nhiều con đường và cơ hội cho phụ nữ được tham gia hơn nữa vào sứ mệnh làm chứng của Giáo hội giữa lòng đời hôm nay ! Amen.

 

Ngày 02.07.2006

Lm. Giuse Đỗ vân Lực

dzuize@gmail.com

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B