CHÚA NHẬT THỨ XIV THƯỜNG NIÊN, năm B
Mc6, 1-6
TIN MỚI THẤY ĐƯỢC
Chúa nhật thứ mười bốn năm B xoay
quanh một vấn đề hết sức tế nhị và phức tạp: Sứ vụ của ngôn sứ không được ưu
đãi nơi quê hương của mình. Vấn nạn được đặt ra nhân việc Chúa Giêsu giảng dậy
tại Hội Đường nơi quê hương Nagiarét :” Ngài không phải
là con bác thợ mộc Giuse, con bà
Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao ? Đức Giêsu trả lời câu
hỏi ấy:” Không một ngôn sứ nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ
hàng mình” ( Mc 6, 4 ).
I.Ý NGHĨA CÁC BÀI ĐỌC: Tin Mừng của thánh Maccô 6, 1-6 dậy cho dân Chúa bài học
đích đáng. Người biết Chúa thường thờ ơ, lãnh đạm:” Gần chùa gọi bụt bằng anh”.
Đó là thái độ của những người không có lòng chân thật, thường bám víu vào những
gì mình có và một khi cảm thấy đầy đủ, hoặc sự thật đầy đủ hoặc chỉ có trong ảo
tưởng thì họ đâm ra coi thường tất cả, mặc dầu bản chất họ không được như vậy.
Điều ấy, hợp với đoạn Tin Mừng sáng nay, khi mọi người được sống gần Chúa, được
nghe những lời khôn ngoan giảng dậy của Ngài, người ta lại đâm ra nghi ngờ về
sự chân thật của Ngài và từ thái độ hồ nghi đó, con người đặt vấn đề về Ngài,
xem Ngài như một người thường thức, một con người xuất thân từ cha mẹ cũng
không có thế giá gì. Chúa Giêsu nói rất rõ về thái độ cứng tin của con người,
những người đã được sống gần gũi Chúa, được tiếp xúc với ơn cứu độ của Chúa và
được nghe những lời chân thật, quí báu của Ngài. Tại sao họ lại đặt vấn nạn về
Ngài giữa lúc họ được nghe lời cứu rỗi của Ngài. Ở đây chúng ta có thể đặt hai
vấn nạn: một là con người cố bịt tai, nhắm mắt không chịu nhìn Đấng Cứu Thế.
Hai là con người cứng lòng không chịu mở rộng tấm lòng để nhận ơn cứu rỗi của Chúa Kitô. Do đó, Đức
Giêsu đã phải thốt lên:” Ngôn sứ mà có bị khinh thì chỉ có ở nơi quê quán, nơi
bà con, nơi nhà mình mà thôi” ( Mc 6, 4 ). Ngài có thể làm được nhiều điều tốt
đẹp để làm vinh danh Cha Ngài nơi quê hương của Ngài, nhưng Ngài đã không thể
làm được gì, ngoài việc đặt tay chữa lành vài người đau ốm”( Mc 6, 5 ). Đoạn
Tin Mừng này làm sáng tỏ vấn đề ngôn sứ Êdêkiên nói tới ở đoạn 2, 2-5. Ngôn sứ
lãnh lời của Thiên Chúa truyền đạt cho dân, nhưng dân phản loạn không chịu nhìn
nhận vị sứ giả của Thiên Chúa, không nhìn
nhận uy quyền của Đấng được sai
đi. Thái độ của dân trong đoạn này cũng là thái độ đóng kín, bịt mắt không chịu
mở lòng, mở đôi mắt để thấy rõ vị sứ giả của Thiên Chúa sống giữa họ và phục vụ
Tin Mừng cho họ. Maccô 6, 1-6 và ngôn sứ Êdêkiên 2, 2-5 dẫn ta tới sự kiện:”
Tin và Phó thác”. Phaolô trong thư thứ hai gửi tín hữu Corintô 12, 7-10 đã thú
nhận sự yếu hèn của thân xác và xin Chúa cất khỏi sự cám dỗ của xác thịt Ngài,
nhưng Thiên Chúa đã chấp nhận sự yếu hèn của Ngài như thử thách của lòng tin:”
Ơn Ta là đủ cho Ngươi, vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối”( 2Co
12, 10 ). Các bài đọc đưa ta tới một kết luận chung: Phó thác và tin tưởng cậy
trông vào Chúa, chắc chắn sẽ được Ngài gia ân giáng phúc và cho con người đứng
vững trong lịch sử cứu độ của mình.
II. SỨ ĐIỆP CỦA CHÚA NHẬT HÔM NAY: Đức Giêsu đã dậy cho dân Chúa, cho mọi người một
bài học thích đáng: Không được đóng kín lòng, nhưng phải mở tung tâm hồn để
lãnh nhận ơn huệ của Thiên Chúa. Con người sống ở đâu, ở hoàn cảnh nào, trong
tình huống nào, lòng tin vẫn là nguồn sống cho họ. Thiếu lòng tin con người sẽ
khô cằn và chết. Lòng tin sẽ giúp con người can đảm để sống, giúp họ vươn tiến
và bước đi trong bình an. Ích kỷ, tị hiềm, ghen tương sẽ không xây đắp được gì.
Chỉ có lòng tin, sự quảng đại, bao dung mới xây nên được sự bình an. Sống trong
một thế giới vắng bóng Thiên chúa, xa dần sự thật và ánh sáng. Lòng tin sẽ là
đèn pha dọi chiếu để con người nhìn ra thực trạng sống và nhìn ra cùng đích để
bước tới. Thực trạng và cùng đích là Chúa Kitô. Đức Kitô là Tình yêu. Tình yêu
là nguồn sống của con người. Nơi nào có sự thật, chân lý và tình người, nơi đó
có Thiên Chúa ngự trị. Nơi đâu tình yêu nhường chỗ cho hận thù, ghen tương và
đố kỵ, nơi đó vắng bóng Thiên Chúa. Tình thương thì xây dựng. Hận thù thì hủy
diệt. Tình thương sẽ giúp con người ngồi gần nhau hơn để nói lên sự tin tưởng,
tín thác và nâng đỡ nhau. Đức Kitô không đòi hỏi con người điều gì cả ngoài
tình thương họ phải đáp trả. Sở dĩ con người không nhận ra Ngài vì họ thiếu
tình thương, thiếu lòng tin và phó thác. Đức Kitô vẫn ở đó, vẫn ở bên ta nhưng
có người đã nhận ra Ngài, có người chưa nhận ra Ngài và có người không muốn
nhìn nhận Ngài như những người ở làng quê Nagiarét xưa.
Woodbridge đã viết một câu thật
chí lý:” Đức tin là con mắt để nhìn thấy Chúa, là bàn tay để nắm lấy Người, là
sức mạnh giúp ta tự hiến cho Người “.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng
tin cho chúng con để chúng biết nhìn thấy Chúa ở khắp nơi .
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi
DCCT