KẾ HOẠCH YÊU THƯƠNG
Chúa Nhật 15B Thường Niên
Am 7:12-15
Mc 6:7-13
Ep 1:3-14
Làm sao
phân biệt một cộng đoàn tiến bộ và thoái hóa ? Chính nhờ có kế hoạch yêu thương,
cộng đoàn có thể đánh dấu nét tiến bộ từng giai đoạn. Nhờ đó có thể biết mình đã
tiến tới đâu. Kế hoạch yêu thương đó nằm ngay trong tính cộng đoàn, nói khác,
thuộc về bản chất cộng đoàn. Hôm nay lắng nghe lời Chúa, chúng ta sẽ khám phá kế
hoạch yêu thương kỳ diệu khi “Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một” (Mc 6:7).
HUYNH ĐỆ CHI BINH
Ơn gọi
tưởng như một ân huệ dành riêng cho cá nhân. Một mình ta với Chúa. Một mình Chúa
với ta. Thực tế không phải như vậy. Ngay từ đầu Đức Giêsu đã cho thấy chiều
kích cộng đoàn trong ơn gọi và sứ mệnh chứng nhân. Không ai có thể hoàn thành ơn
gọi và sứ mệnh trong ốc đảo. Vì tự bản chất ơn gọi luôn phải hướng về Thiên Chúa
và tha nhân. Sứ mệnh không phải là một thứ trên mây gió. Sứ mệnh chỉ được
thi hành trong xã hội con người. Bởi thế, khi bắt đầu thành lập Giáo hội, “Đức
Giêsu gọi Nhóm Mười Hai.”(Mc 6:7a) Chắc
chắn khi được gọi như thế, các ông ý thức ngay chiều kích cộng đoàn của ơn gọi.
“Sức mạnh chúng ta bắt nguồn từ Thiên Chúa, nhưng Người đáp ứng nhiều nhu cầu
hiện tại nhờ việc chúng ta làm việc chung với anh em.” (Life Application Study
Bible 1991: 1742)
Anh em
trở thành một điều kiện tối cần cho ơn gọi chứng nhân. Tình đồng đội, huynh đệ
chi binh là chất keo gắn các chứng nhân với nhau và với Chúa. Có thế, Chúa mới
tìm được mảnh đất mầu mỡ cho ân sủng Người hoạt động. Người môn đệ chắc chắn đã
múc được nguồn sức mạnh nơi Chúa, nhưng cũng từ nơi anh em. Người anh em được
sai đi với mình không nằm ngoài “kế hoạch yêu thương Thiên Chúa đã định từ trước
trong Đức Kitô.”(Ep 1: 9) Thực tế, dù sống giữa cộng đoàn Tin Mừng, người môn đệ
có thể cô đơn hay bị hiểu lầm như ngôn sứ Amos, vì những lời tuyên sấm cứng cỏi
nhưng chất chứa đầy sự thật. Dù sao, người môn đệ vẫn cứ trung thành rao giảng,
vì ý thức sứ mệnh của mình phát xuất từ Thiên Chúa : “Hãy đi tuyên sấm cho
Israen dân Ta.” (Am 7:15) Tất cả đều nằm trong “kế hoạch yêu thương” của Thiên
Chúa.
Chiều kích cộng
đồng càng nổi cộm lên khi Chúa “sai đi
từng hai người một.” (Mc 6: 7b) Sứ mệnh đòi
các môn đệ phải đối diện với thực tế. Một cá nhân không thể nào thấy hết những
mặt phức tạp của cuộc sống. Không thấy hết thì không thể chống trả kịp thời. Bởi
thế, Đức Giêsu mới lập một tổ cơ bản gồm hai người. Tự nội tại, tổ cơ bản này cũng
có những khó khăn riêng. Giả sử một người thật thà như Phêrô phải ở chung và làm
việc với một người nhiều mánh lới gian tham như Giuđa, việc gì sẽ xảy ra ? Nhưng
chính khi phải chịu đựng lẫn nhau, người môn đệ trưởng thành dần, đủ sức đương đầu
với thực tại nhiều thử thách cam go.
Chiều
kích cộng đoàn càng lớn, khó khăn càng nhiều. Nhưng muốn làm được việc, người môn
đệ không thể nhìn những nét tiêu cực trong cộng đoàn. Chắc chắn, các Tông đồ không
bị chết dí dưới sức nặng con người Phêrô nóng nảy, cục cằn. Trái lại, những đức
tính chân thật, nhiệt thành của ông đã có sức qui tụ anh em, biến cộng đoàn Mười
Hai thành một lực lượng áp đảo thần dữ. “Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu
cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh,” (Mc 6:13) vì Chúa “đã ban cho các
ông quyền trên các thần ô uế.” (Mc 6:7).
Nhưng sức mạnh
chính yếu của cộng đoàn không dừng lại ở nét tiêu cực đó. Trái lại, sức mạnh chủ
yếu hệ tại lời “rao giảng” về Nước Trời, và “kêu gọi người ta ăn năn sám hối”
(Mc 6:12) vì Nước Trời. Muốn chu toàn được sứ mạng đó, trước hết tất cả cuộc sống
cá nhân và cộng đoàn của họ phải là một lời chứng về Nước Trời. Mỗi lời nói và
việc làm của người anh em bên cạnh phải là một nhắc nhớ về Nước Trời. Dù anh em
bất đồng với mình, Nước Trời vẫn là động lực vượt qua giới hạn trần gian. Ngay
cả khi anh em hoàn toàn đồng ý với mình, càng có sức mạnh vươn tới Nước Trời. Bởi
thế, theo thánh Phaolô, dù gặp thời thuận tiện hay không, người môn đệ vẫn cứ
rao giảng. Giống như nước, người môn đệ có thể luồn lách khắp nơi, dưới mọi dạng
thức, nhưng vẫn không đánh mất bản chất. Họ cũng giống như khí trời có thể nhẹ
nhàng như cơn gió mùa thu hay vần vũ như cơn giông tố gạt phăng mọi trở ngại.
Muốn được
thế, họ phải trút bỏ mọi sự như người khinh binh, chỉ giữ lại những gì cần thiết
cho cuộc chiến đấu vì Nước Trời. Bản chất linh thiêng của Nước Trời đòi họ phải
thanh thoát như thế. Bởi vậy, Đức Giêsu “chỉ thị cho các ông không được mang gì
đi đường, chỉ trừ cây gậy ; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng
; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.”(Mc 6:8-9) Khi không còn những bận tâm về những nhu cầu hay
tham vọng cá nhân, người môn đệ cũng bớt đi những tranh chấp, ghen tương. Nhưng
không được giảm bớt tới mức tối đa khiến người môn đệ không còn phương tiện tối
thiểu cho công cuộc làm chứng và xây dựng Nước Trời. Dầu sao cũng phải nương nhẹ
con lừa mới mong đi xa.
KẾ HOẠCH
Khi không còn
những tranh chấp nội bộ và những bận tâm cá nhân, người môn đệ hướng tất cả tâm
lực và tài lực vào việc xây dựng Nước Trời. Những xung khắc nội bộ cần thiết
cho hướng đi lên của cộng đoàn Tin Mừng. Nhưng xung khắc quá mức sẽ gây nguy hại.
Đúng hơn, nếu thực sự tất cả vì Tin Mừng, chúng ta sẽ tìm được giải pháp tốt đẹp
nhất. Thực tế, bao cơ hội đã mất đi chỉ vì những quyền lợi cá nhân hay cộng đoàn
lớn hơn quyền lợi Nước Trời. Đó là lý do tại sao công cuộc rao giảng Tin Mừng
thất bại trong lịch sử. Nếu đúng thế, người môn đệ phải hoàn toàn chịu trách
nhiệm vì những hành động tắc trách của mình.
Quá lo
lắng về quyền lợi cá nhân hay cộng đoàn, chưa chắc đã tiến bộ, ngay về mặt vật
chất. Chứng nhân có quyền hưởng lợi lộc do việc rao giảng (1 Cr 9:14). Sở dĩ Chúa đòi hỏi gắt gao người môn đệ phải từ
bỏ tất cả, chỉ vì muốn họ hoàn toàn phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Trong chương trình quan phòng đầy lòng yêu thương, trước tiên Thiên Chúa sẽ ưu đãi
người đã vất vả vì Nước Trời. Bởi đấy, Chúa Giêsu mới mạnh dạn quả quyết : “Bất
cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi.” (Mc
6:10) Được phép ở lại trong nhà nào tức
là đã chiếm được tình cảm thân chủ đối với sứ điệp Tin Mừng.
Nhưng
không phải ai cũng như thế. Không chấp nhận sứ điệp có thể do lỗi của sứ giả
hay người nghe sứ điệp. Thái độ bất nhẫn của người nghe đã được Chúa tiên báo :
“Còn nơi nào người ta không đón tiếp và không nghe anh em, thì khi ra khỏi đó,
hãy giũ bụi đất dưới chân để tỏ ý cảnh cáo họ.” (Mc 6:11) Người nghe sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về thái
độ đối với Tin Mừng. Chính khi họ xử tệ với sứ giả là họ khinh chê Tin Mừng. Đây
là một cơ hội không thuận tiện. Dầu vậy,
người môn đệ vẫn rao giảng bằng lời cảnh cáo : “Nước Trời đã đến gần !”
Rao giảng
như thế sẽ có sức qui tụ muôn dân “dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô.” (Ep
1:10a) Nếu chỉ rao giảng cho những người
đạo đức, Tin Mừng đánh mất chiều kích cứu độ (Ep 1:13). Chính Chúa Giêsu, tác
giả Tin Mừng, cũng đã nói : “Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu
gọi người tội lỗi,” (Mt 9:13) và “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”
(Lc 19:10) “Những người tội lỗi” và “những
gì đã mất” là những thách đố lớn lao đối với Tin Mừng. Nếu không chinh phục được
những người đó, sứ giả bất lực. Nhưng Tin Mừng không bao giờ bất lực. Tin Mừng
toàn năng vì là sức mạnh của Thiên Chúa. Nhưng để sức mạnh Tin Mừng thấm sâu vào
văn hóa và xã hội, Đức Giêsu đã vẽ ra cả một “kế hoạch yêu thương”. Chúng ta có
chấp nhận và thực hiện kế hoạch đó không ?
Lm. Giuse Đỗ Vân Lực, OP